Trang

Friday, April 20, 2012

TẠI SAO NGƯỜI NHẬT MÊ ĐỌC SÁCH (TIẾP THEO VÀ HẾT)

(Toquoc)- Người Việt Nam nên học văn hoá đọc sách độc đáo của người Nhật, óc tò mò của họ, học để sáng tạo cho đất nước. Chỉ có đọc sách với tinh thần người Nhật là muốn hiểu biết thế giới đã, đang nghĩ gì, làm gì để tái tạo tinh hoa thế giới và sáng tạo cái mới làm giàu đất nước Việt Nam, điều đó mới giúp cho chúng ta đọc sách mãi mãi không thôi, đọc cuồng nhiệt trong thế giới tri thức vô tận. Và chỉ trên cơ sở đó, văn hoá đọc mới có thể thăng hoa.

Lan học
, cuộc dịch thuật vĩ đại
Còn một sự kiện ‘khủng’ khác cần được nói lên  ở đây. Đó là cuộc dịch thuật vĩ đại hai thế kỷ của giới trí thức Nhật Bản trong thời Tokugawa tự đóng cửa. Sáu năm sau khi Copernicus qua đời (1543) và tác phẩm cách mạng Về chuyển động quay của các thiên thể xuất bản, Nhật Bản tiếp xúc với những người phương Tây đầu tiên. Nhưng năm mươi năm sau, Nhật Bản, như chúng ta biết, chọn con đường đóng kín cửa, “toả quốc”, sakoku, từ 1640 (Việt Nam từ 1630), khi thấy sự phát triển của Kitô giáo là nguy hiểm cho tinh thần dân tộc và cho quyền lực. Nhật Bản chỉ chừa một cửa thông thương duy nhất với Hà Lan tại Dejima, Nagasaki. Sự đóng kín này kéo dài cho đến hết thời Tokugawa năm 1868. Vậy mà trong điều kiện đó, đây là điều Việt Nam không có, trí thức Nhật Bản đã làm một cuộc dịch thuật vĩ đại sách vở phương Tây. Tuy không quyển sách nào thoát khỏi bàn tay kiểm duyệt nghiêm ngặt của Mạc phủ, tuy giới học giả phải làm việc trong điều kiện khó khăn, đôi khi phải trả giá bằng tính mệnh, nhưng họ đã làm nên một cuộc dịch thuật vĩ đại từ cái được gọi là Lan học, rangaku, Dutch learning  (“Lan” là gọi tắt của Hà Lan), bắt cầu cho khai trí, khoa học, kỹ thuật để Minh Trị Duy Tân bước tới mạnh mẽ. 
Trí thức Nhật, nhất là giới bác sĩ, đặc biệt chú ý đến khoa học kỹ thuật từ châu Âu qua các tác phẩm dịch từ tiếng Hà Lan. Họ nhìn thấy trong đó một nền văn minh mới xuất hiện, và ý thức rằng, nếu một ngàn năm trước Nhật Bản đã từng gửi học giả và tăng lữ sang Trung Hoa để học văn hoá, thì nay, họ cũng đang đứng trước một nền văn minh mới đồ sộ cần phải học hỏi, và họ phải tự học trong sự dè chừng của Mạc phủ. Qua Lan học - hay Tây học qua tiếng Hà Lan - người Nhật học hầu như tất cả các môn khoa học và công nghệ phương Tây: y khoa, sinh học, thiên văn, toán học, vật lý, hoá học, điện, cơ học, máy bơm, đồng hồ, máy hơi nước, kính thiên văn, kính hiển vi, luyện kim, đúc súng, đóng tàu…Họ thường xuyên theo dõi sự tiến bộ khoa học công nghệ châu Âu. Các thương nhân Hà Lan ngay từ đầu được Mạc phủ yêu cầu hàng năm viết báo cáo (fūsetsugaki) cho chính phủ tướng quân về tình hình thế giới, và về cuộc cách mạng công nghệ và khoa học ở châu Âu. 
Từ thế kỷ 18, tức khoảng một thế kỷ sau tác phẩm Principia của Newton, các học giả Lan học đã nắm bắt được vật lý Newton, họ đã dịch được các khái niệm như “trọng lực” (jūryoku), “lực hút” (inryoku), “lực ly tâm” (enshinryoku), “khối tâm” (jūten, centre of mass) vẫn còn được sử dụng ngày nay. Các học giả Lan học đã hiểu các hiện tượng điện, tĩnh điện, hiểu nguyên lý ắc-quy của Volta đầu thế kỷ 19, chỉ mấy năm sau khi Volta phát minh ở châu Âu. Họ hiểu hoá học của Lavoisier, có thể chế tạo kính thiên văn không lâu sau Hans Lippershey và Galilei đầu thế kỷ 17; chế tạo đồng hồ, máy bơm, súng hơi, chế tạo những con búp bê cơ khí tự động phục vụ trà. Đặc biệt máy hơi nước được Nhật Bản chế tạo lần đầu tiên năm 1853. Người Nhật đã đóng được tàu chiến chạy hơi nước chỉ hai năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử với Commodore Perry 1853. Tất cả cũng chỉ dựa trên bản vẽ. Một quan chức Hà Lan bình luận rằng “Tuy có những sự không hoàn chỉnh về chi tiết, nhưng tôi phải ngã mũ trước dân tộc thiên tài có khả năng chế tạo những thứ này mà họ không hề thấy một chiếc máy thực ngoài đời, chỉ dựa trên các bản vẽ đơn thuần.”
Cuộc dịch thuật diễn ra trong hai thế kỷ với hàng ngàn cuốn sách được xuất bản và truyền bá trong giới học thuật, làm cho người ta nhớ đến cuộc dịch thuật vĩ đại văn minh Hy Lạp cổ đại và Ả rập vào châu Âu hai thế kỷ 11 và 12 đúng lúc đại học châu Âu đang hình thành, làm cho đại học và khoa học châu Âu phát triển mạnh mẽ. Chỉ có khác một điều: trong khi cuộc dịch thuật ở châu Âu được phần lớn các học giả Ả rập thực hiện thì ở Nhật Bản cuộc dịch thuật được do chính người Nhật thực hiện, những người được đào tạo từ một nền văn hoá rất khác. Phương Đông chưa có cuộc dịch thuật nào như cuộc dịch thuật Nhật Bản phản ảnh trung thực nền khoa học kỹ thuật phương Tây. (Cuộc dịch thuật ở Trung Hoa bởi các nhà truyền giáo bóp méo một phần khoa học vì mục tiêu truyền giáo, và gặp sức ỳ mãnh liệt của sự tự mãn văn hoá Trung Hoa). Đây là một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử giữa Tây và Đông. Hai trăm năm dịch thuật ở Nhật Bản Tokugawa cũng là thời gian tại châu Âu diễn ra các cuộc cách mạng khoa học, công nghiệp dữ dội, tạo nên sự mất cân bằng lực lượng nghiêm trọng trên thế giới dẫn tới thay đổi lớn lao chưa từng có trong lịch sử loài người. Người Nhật đã biết tiếp cận các cuộc cách mạng đó từ xa để chuẩn bị mình. 
Người Nhật không thể yêu nước trong sự mê muội, vô minh, lại càng không yêu nước bằng những nội dung khuôn sáo không thực chất. “Chúng ta cảm thấy xấu hổ làm sao khi khám phá ra sự ngu dốt của mình” với tư cách là người phục vụ đại danh và đất nước, như một lời tự thú của Siguta Gempaku (1733-1817), một bác tên tuổi sĩ và là người đã tạo cú hích quan trọng cho Lan học cuối thế kỷ 18, sau khi ông chứng kiến rằng cấu trúc của cơ thể con người không giống như sách vở của Trung Hoa hay Nhật Bản bấy lâu nay, mà giống chính xác các bản vẽ cơ thể học của một quyển sách từ phương Tây (Tafel Anatomia), sau đó được Gempaku và các đồng nghiệp dịch ngay sang tiếng Nhật, tạo cú hích mạnh mẽ cho phong trào Lan học. 
Kết luận
Nói tóm lại, Nhật Bản là một dân tộc có óc tò mò không bao giờ nguôi, tinh thần khao khát học hỏi cái mới mãnh liệt không bao giờ tắt, và khả năng hiểu biết nhanh chóng, để hoàn thiện mình, để bảo vệ đất nước, để “kiểm soát những người man di bằng tri thức của họ”, và vì thế họ đọc sách dữ dội, và đã thành công dữ dội. Thế kỷ thứ bảy và tám họ đã từng vượt biển trong hiểm nguy để học văn hoá Trung Hoa đem về xây dựng nền tảng văn hoá riêng của họ. Rồi một ngàn năm sau, cũng trong khó khăn và nguy hiểm, giới trí thức đã tiến hành cuộc dịch thuật văn hoá phương Tây hai thế kỷ liền, và từ 1868 trở đi một cách bùng nổ, để có thể nhanh chóng hiện đại hoá đất nước với mục tiêu trở thành ngang bằng với các cường quốc phương Tây. Đó là hai sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử văn hoá nước Nhật. Và họ đã thành công. Họ bỏ lại Trung Hoa từng là trung tâm văn hoá đối với họ, để rồi chính Trung Hoa sau đó phải học lại họ. Nhật Bản đã từng trở thành trung tâm văn hoá mới và niềm hy vọng ở phương Đông, thay thế cho cái trung tâm Trung Hoa cũ đang rệu rã.
Nhật Bản là tấm gương “tổng hợp văn hoá Đông Tây” của thế giới mà không mất đi bản sắc sâu đậm của mình. Họ là một tấm gương tuyệt vời của sự tự-khai trí vươn lên. Họ đóng cửa mà không hư hỏng hay hỗn độn. Ngược lại, họ đóng cửa để phát triển các tố chất dân tộc thành tinh hoa, làm bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp vững chắc, không chao đảo khi mở cửa ồ ạt thời Minh Trị. Họ là một dân tộc văn hoá đáng kính phục.
Charles Darwin nói đâu đó trong lá thư gửi cho một người bạn, rằng đối với ông Nhật Bản là một kỳ quan trong những những kỳ quan của thế giới, nếu không muốn nói là kỳ quan lớn nhất.
Chúng ta người Việt Nam nên học văn hoá đọc sách độc đáo của người Nhật, óc tò mò của họ, học để sáng tạo cho đất nước. Nếu chỉ học với mục đích có được một nghề để sống, điều đó quý cho bản thân, gia đình, nhưng dễ dẫn đến sự tự mãn làm cho người ta không đọc sách nữa khi đã  đạt được mục đích. Với tinh thần đó, Việt Nam chỉ có cá nhân chứ không có quốc gia. Chỉ có đọc sách với tinh thần người Nhật là muốn hiểu biết thế giới đã, đang nghĩ gì, làm gì để tái tạo tinh hoa thế giới và sáng tạo cái mới làm giàu đất nước Việt Nam, điều đó mới giúp cho chúng ta đọc sách mãi mãi không thôi, đọc cuồng nhiệt trong thế giới tri thức vô tận. Và chỉ trên cơ sở đó, văn hoá đọc mới có thể thăng hoa. Không phải chỉ vài ngàn, mà hàng triệu các bản sách hay mới có thể được đọc giả hâm mộ và háo hức đón nhận. Và cũng chỉ trên cơ sở đó, nhân dân mới nhanh chóng ấm no, đất nước mới phú cường, giang san mới bền vững.
Mùa Hội sách Tp. Hồ Chí Minh, tháng Ba, 2012 
Nguyễn Xuân Xanh
Nguồn: VHQN

No comments:

Post a Comment