Trang

Saturday, April 14, 2012

THOẠI NGỌC HẦU – MỘT CON NGƯỜI TẬN TRUNG, TẬN HIẾU, TẬN NGHĨA VÀ 95 NĂM HÀM OAN


Ngày mùng 6 tháng 6 âl năm 1829, Thống chế án thủ Châu Đốc đồn Nguyễn Văn Thoại bệnh mất tại Châu Đốc.

Tin báo về triều, vua Minh Mệnh truy phong cho ông chức Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống, thưởng 1.000 quan tiền, 5 cây gấm Tống, 10 tấm lụa và 30 tấm vải. Con trai trưởng của ông là Nguyễn Văn Lâm được tập ấm hàm Kị úy.
Linh cữu của ông được quàn tại Dinh Bảo hộ hàng tháng để cho các quan và nhân dân đến viếng. Theo lời kể của các vị bô lão xưa thì đám tang của Thoại Ngọc Hầu được cử hành rất trọng thể, nhiều bài văn tế được xướng đọc để kể công nghiệp và tỏ lòng tiếc thương sâu xa của dân, quan đối với bậc hiền nhân đã dày công gây dựng và gìn giữ vùng đất biên cương của tổ quốc.
Công đức của Thoại Ngọc Hầu thật là to lớn! Tình nghĩa của nhân dân đối với ông cũng thật là sâu đậm! Những tưởng hồn ông sẽ thanh thản phiêu diêu nơi “hảo sơn hảo thủy(1), nào ngờ vừa gởi nắm xương tàn trong lòng đất thì ông lại bị hại bởi cái “trò đời” đen bạc, khiến ông phải mang lấy án oan suốt 95 năm trời!
Đại Nam thực lục(2) ghi vào năm Canh Dần (1830), thành thần Gia Định dâng sớ xin cấp mộ phu cho Bảo hộ Nguyễn Văn Thoại. Vua bảo bộ Lễ rằng: “Nguyễn Văn Thụy(3) được nhờ ơn nước giao cho che chở một phương, thế mà không biết giữ mình trong sạch, lại tha hồ vơ vét làm mất lòng nước phiên phụ, thực là phụ lòng trông cậy của triều đình rất nhiều. Còn có công gì đáng xét. Điều xin ấy, không cho” (Tập 3, tr.87-88)
Rồi sau, ông bị truy giáng xuống hàm Chánh ngũ phẩm, bị tịch thu tài sản. Con trai của ông cũng bị tước tập ấm!
Đại Nam thực lục chép việc truy luận tội Nguyễn Văn Thoại vào năm Nhâm Thìn (1832) như sau:
<< Trước đây, Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định, sai Hình tào Vũ Du đi dò xét tình trạng dân Phiên. Du về nói dò được việc Nguyễn Văn Thụy, khi lĩnh chức Bảo hộ, ngày thường bắt dân Phiên đi lấy gỗ táu đem nộp mà không cấp tiền và gạo, lại bắt dân Phiên làm việc tư, sửa đắp đường cái, để đưa đám chôn cất vợ. Duyệt đem hết tình trạng ấy tâu lên. Vua ra lệnh tịch thu gia sản và giao xuống bộ Hình nghiêm ngặt nghị tội, rồi lại sai đình thần bàn xét lại. Đến đây bản án dâng lên. Vua dụ rằng: “Nguyễn Văn Thụy đã được ủy cho trọng trách bảo vệ biên cương, thế mà không biết tuyên dương đức hóa, vỗ yên dân chúng ngoài biên, lại dám sinh sự nhiễu dân, gây nhiều suối tệ! Huống chi Thụy lại cùng kẻ bị tội trảm quyết là Trần Nhật Vĩnh dối trá giấu giếm mọi việc dựa nhau làm điều gian, tội ác rất nặng, nếu con người ấy còn sống thì ta cũng cứ giữ lòng chí công làm đúng hình pháp, chém đầu để bêu cho mọi người biết. Nay Thụy đã chết rồi, lại nghĩ ngày trước hãy có chút ít công lao ở Vọng Các, lòng Trẫm không nỡ, vậy gia ơn chỉ truy giáng Thụy xuống hàm Chánh ngũ phẩm và đoạt lại chức tập ấm của con hắn, duy cáo sắc tặng phong cha mẹ thì được miễn theo. Còn tang vật mà Thụy đã sách nhiễu dân Phiên thì phải truy ra rồi lấy gia sản kẻ phạm tội ấy mà truy cấp cho dân Phiên”. >>  (Tập 3, Tr. 320)

Sau đó, Lang trung bộ Công là Lê Hựu vâng lệnh vua đem sắc thư sang nước Chân Lạp, nói cho vua Phiên biết là đã trị tội Bảo hộ Nguyễn Văn Thoại quấy nhiễu dân, và sẽ mang tiền, gạo cấp lại cho dân Phiên. Vua Phiên dâng biểu nói: “Năm trước có việc đi lấy gỗ táu đem nộp thì dân Phiên đã lãnh gạo và tiền của nhà nước cấp rồi. Vậy tha thiết xin đình chỉ việc cấp cho nữa”. Bấy giờ, triều thần mới vỡ lẽ ra: Bảo hộ Thoại bị vu oan 
Trong dụ bộ Lễ, vua Minh Mệnh đã trị kẻ ác ngôn: “Vũ Du vâng lệnh đi dò la, không xét đưa nguyên ủy đích xác, đột nhiên về báo rất là sai lầm, vậy trước hãy cách chức ngay, rồi giao bộ Hình bàn xử”. Sau đó, bộ Hình nghị xử Vũ Du vào tội đồ, nhưng vua đặc cách cho cách chức, phát đi Cam Lộ làm việc để chuộc tội. Còn Nguyễn Văn Thoại, tưởng đã giải được nỗi oan, không ngờ nhà vua lại bắt sang tội “sai dân Phiên làm việc riêng, sửa mộ đắp đường” nên “cứ chuẩn y nguyên án”!
Cứ như lời luận tội của nhà vua thì Thoại Ngọc Hầu mang tội bắt dân đắp đường để đưa đám chôn cất vợ. Sự thực ra sao?
Khi Bảo hộ Thoại về án thủ đồn Châu Đốc (1821) thì chỉ mấy tháng sau, bà Diệc phẩm phu nhân (vợ thứ) Trương Thị Miệt mất. Ông đã an táng bà tại triền núi Sam (Châu Đốc). Trong các tài liệu lịch sử còn lại đến ngày nay, vào thời gian này, không thấy nói gì đến việc Thoại Ngọc Hầu sửa đường đắp lộ. Chỉ đến năm 1826, ông mới cho đắp con đường từ đồn Châu Đốc đến Núi Sam. Theo miêu tả trong sách “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” của Nguyễn Văn Hầu(4) thì công trình đắp lộ này khá quy mô. Trước sau có 4.400 nhân công, thực hiện trong 7 tháng trường mới xong. Thoại Ngọc Hầu có dựng bia kỷ niệm (Châu Đốc tân lộ kiều lương ký). Sách có dẫn một đoạn trích dịch ở phần cuối bài bia:

“Nhớ tích ông Tô Đông Pha lúc trấn nhậm Hàng Châu gom góp rau phong đắp thành bờ đê suốt từ Hàng Châu tới Tây Hồ. Hiện nay vẫn còn. Huống chi nay chỉ có khoảng hẹp đầm sâu, nỡ ngồi yên để trở ngại nẻo giao thông? Tôi liền dâng sớ tâu tự sự. Lịnh trên phê chuẩn. Tôi khởi công đắp lộ, từ chơn núi Vĩnh Tế, phóng ngang qua đầm nước, đi thẳng tới dinh đồn. Lộ dài 2.700 tầm tới bến sông, cao 8 thước rộng 4 tầm, lấy đất dưới chơn núi đắp thành.

Sở phí nhờ các quan viên lấy bổng lộc quyên giúp, phụ với của nhà, tôi nhờ dân sự giúp nhân công và xe cộ chở chuyên. Từ năm Bính Tuất (1826), ngày 28 tháng Chạp khởi sự, dùng 3.400 nhơn công, tới năm Đinh Hợi (1827), rằm tháng Tư, lộ đắp thành.

Năm nay lại bồi bổ thêm, mộ nhân công 1.000 người, kể từ 18 tháng Giêng, tới rằm tháng Tư xong việc. Nhơn công người Thổ, mỗi tháng phát: tiền một quan, gạo một vuông.

Đường lộ có nước thông qua bốn đoạn, thảy đều có bắt cầu ván. Trên mỗi cây cầu thả ván to dài 6 tầm, dày 5 tấc, muốn thật chắc chắn, tiện cho nhơn dân đi lại gánh vác dễ dàng, xe cộ qua lại yên ổn.
Ngày nay: mé nước cỏ xanh, khỏi lên tiếng kêu đò inh ỏi, bên đường bóng mát, chẳng ra công chèo chống nhọc nhằn. Trái lại:
Vầng dương mai in rõ vết chơn,
Bóng trăng tối lồng theo tận gót.
Xét ra thật là một lối tiện lợi nhất. Làm việc ấy chính đã tỏ chút lòng thù đáp của kẻ chăn dân”. (Tr. 194-195)
Văn bia cho biết công trình này được khởi công vào ngày 28 tháng Chạp năm Bính Tuất (1826); cũng năm này, bà Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế mất, nhưng bà mất vào tháng 10, không thể nói rằng Thoại Ngọc Hầu “sửa đắp đường cái để đưa đám chôn cất vợ”. Và lời lẽ trong văn bia giúp chúng ta khẳng định không phải ông “vì việc riêng” mà là vì muốn “tỏ chút lòng thù đáp của kẻ chăn dân”; cũng không phải tự tiện làm bởi có dâng sớ tâu lên và được “lịnh trên phê chuẩn”. Có đặc biệt chăng là toàn bộ sở phí của việc đắp đường “nhờ các quan viên lấy bổng lộc quyên giúp, phụ với của nhà”, chẳng giống với một công trình nào trước đó. Có lẽ nào chỉ vì không dùng tiền của nhà nước mà bị triều đình cho là làm “việc riêng”? Quan góp tiền, dân góp sức, ở thời điểm những năm tám mươi của thế kỷ 19 mà Thoại Ngọc Hầu đã biết áp dụng phương châm “xã hội hóa” công việc làm đường giao thông, hẳn Ngài phải là một bậc trí cao, đức trọng! Sao vua lại đành bắt tội!
Về việc ông “lấy của riêng làm việc chung”, ngoài công việc đắp con lộ Châu Đốc – Núi Sam, trong sách của Quốc sử quán của triều Nguyễn cũng đã ít nhất 3 lần ghi nhận: 
<< Năm Bính Tuất (1826), Thống chế án thủ đồn Châu Đốc là Nguyễn Văn Thụy tự xuất của nhà ra xây dựng hành cung và kho tàng ở đồn, làm xong mới báo. Thành thần Gia Định đem việc tâu lên. Vua tha cho tội làm tự tiện, lại cấp cho 1.000 quan tiền >>. (ĐNTL, Tập 2, Tr. 512)

Năm 1827, ông cũng đã “tự xuất của nhà ra dựng kho công”. (Lời tâu của Bảo hộ Chân Lạp kiêm quản đồn Châu Đốc bấy giờ (1831) là Nguyễn Văn Tuyên: “Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) nguyên bảo hộ Nguyễn Văn Thụy tự xuất của nhà ra dựng kho công, bỏ sót không biên vào sổ sách”) (ĐNTL, Tập 3, Tr. 184)
Năm Đinh Hợi (1828), Án thủ bảo Châu Đốc là Thống chế Nguyễn Văn Thụy trước mộ dân dời đến ở đất biên thùy, đặt ra 20 xã thôn, vay của công 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân, đã hoãn cho nhiều năm, dân vẫn không trả được. Đến nay Thụy đem của nhà trả bù cho dân. Thành thần đem việc tâu lên.
Vua nói: “Thụy làm như thế là tôn trọng của nhà nước đấy. Nhưng nghĩ những dân ấy mới chiêu tập đến, sinh lý chưa thừa, nay bắt Thụy đền, lòng trẫm không nỡ như thế. Hơn nữa Thụy ở biên thùy lâu ngày, dân tình thỏa hiệp, tiền gạo trả bồi ấy thì đúng số trả lại cho, có thể xem như của trẫm khen thưởng đấy”. >> (ĐNTL, Tập 2, Tr. 584)
Thoại Ngọc Hầu, từ lúc theo Nguyễn Ánh bôn ba xứ người, trải bao gian lao nguy hiểm đến khi họ Nguyễn khôi phục được nghiệp Chúa, hết triều Gia Long rồi đến Minh Mệnh, một lòng giữ vẹn tôi trung, vua cũng từng khen “là người ngay thẳng”.
Đối với triều đình thì một lòng trung, đối với nhân dân thì trọn đời cống hiến, đối với bạn bè, làng xóm, ông cũng không phải là người tham danh bỏ nghĩa.
Chuyện xưa kể rằng, vào khoảng năm 1776, cậu thiếu niên Nguyễn Văn Thoại cùng bạn là Trần Quang Diệu đang tắm sông Hàn (Đà Nẵng), bổng có quan sở tại đi ngang qua, trông bộ điệu nghênh ngang đáng ghét, Thoại cảm thấy bất bình nên bèn dội nước vào vị quan này khiến ông quan tức tối nhảy xuống đánh Thoại. Trần Quang Diệu (lớn tuổi hơn Thoại) vốn giỏi võ nghệ, liền ra tay hiệp lực cùng Nguyễn Văn Thoại đánh ông quan nhừ tử, nhận nước rồi lôi bỏ lên bờ. Mẹ của Nguyễn Văn Thoại là bà Nguyễn Thị Tuyết nghe con mình làm điều nguy hại bèn cấp tốc đưa con trốn vào Cù lao Dài bên sông Cổ Chiên (Vĩnh Long) lánh nạn(5). Ông Diệu cũng theo mẹ chạy về quê ngoại ở làng Trà Khê, nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Nhưng rồi mẹ con ông Diệu cảm thấy không yên bèn trốn vào rừng núi An Khê làm nghề săn bắn độ nhựt, sau trở thành tướng của nhà Tây Sơn. (6) 
Năm 1777, Nguyễn Văn Thoại đầu quân với Nguyễn Phúc Ánh. Hai bạn thân giờ trở thành đối nghịch! Vậy mà chẳng khi nào hai người đem binh đánh nhau.
Năm 1801, quân của Phúc Ánh đang ở thế thắng, Nguyễn Văn Thoại đang chỉ huy binh sĩ từ Vạn Tượng tiến đánh Phú Xuân. Trần Quang Diệu đang trấn giữ thành Qui Nhơn liền mang quân ra cứu viện. Được tin Trần Quang Diệu đích thân cầm binh, Nguyễn Văn Thoại giao binh quyền cho phó tướng Lưu Phước Tường rồi bỏ về Gia Định. Vua bắt ông về tội “không đợi lệnh triệu mà về, sai nghiêm quở, giáng làm cai đội, lại sai cai quản đạo Thanh Châu”. (Đại Nam liệt truyện, Tr. 487) (7)
Cảm kích tình nghĩa sâu nặng của đôi bạn tri kỷ, dân làng An Hải đã dời ngôi mộ của Thái phó Quận công Trần Quang Diệu về nằm cạnh đền thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), để dưới suối vàng, hai ông vẫn mãi mãi là đôi bạn tâm giao!
Thoại Ngọc Hầu, một con người tận trung, tận hiếu, tận nghĩa như vậy mà khi mất đi, chẳng những tài sản tiêu tan mà danh dự cũng bị bôi lọ suốt 95 năm. Phải chăng chỉ vì tính khí cương cường, bỉnh trực, nóng nảy của ông mà kẻ xấu đem lòng thù oán? Phải chăng ông bị liên lụy bởi tên tham quan Trần Nhật Vĩnh, mà “đèn trời” không sáng suốt xét soi? (8)
Mãi cho đến ngày 25 tháng 7 năm 1924, nhân lễ tứ tuần khánh thọ, vua Khải Định mới giải án oan, sắc cho làng Vĩnh Tế, tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc thờ phụng vị Tôn thần họ Nguyễn: “… Xưa từng linh ứng, nay tỏ bày chánh trực, Trẫm nhân lễ tứ tuần đại khánh, trải ban chiếu báu, ra ơn dày cử lên cấp bậc, phong làm “Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần(9).

Năm 2009, tỉnh An Giang đã long trọng tổ chức kỷ niệm 180 năm ngày mất của Thoại Ngọc Hầu tại núi Sam, Châu Đốc. Hằng năm, vào ngày 6 - 6 âl, Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (tọa lạc tại số 5B đường Tôn Đức Thắng, TP. Long Xuyên) cũng tổ chức lễ giỗ cụ nhằm tưởng nhớ và ghi ơn vị công thần mà trường được vinh dự mang tên. Hội Cựu học sinh đã quyết định chọn ngày 6 – 6 âl làm ngày họp mặt truyền thống hằng năm để tổng kết sau một năm hoạt động và đề ra nhiệm vụ trong năm tiếp theo./.
NGUYỄN KIM NƯƠNG
 ________________________________________
* Tham luận được trình bày tại Hội thảo Kỷ niệm 180 năm ngày mất của Thoại Ngọc Hầu (được tổ chức tại núi Sam, Châu Đốc).
(1): Đây là từ được dùng trong bốn câu đối tại hai trụ cổng bên phải đi vào Lăng Thoại Ngọc Hầu (Núi Sam, Châu Đốc).
(2): Những trích dẫn trong bài ghi “Đại Nam thực lục” là bộ sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb Giáo dục, tái bản lần thứ nhất, năm 2006.
(3): Tức Nguyễn Văn Thoại.
(4): Nxb Trẻ, năm 2006.
(5): Một câu trong Bia Thoại Sơn: “Trộm nghĩ lão thần vốn người Quảng Nam, thuở nhỏ lánh mình vào Nam…”
(6): Nguồn: Website quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
(7): Nxb Thuận Hóa – Huế, năm 1997.
(8): Trần Nhật Vĩnh “trước ở Gia Định, được Tổng trấn Gia Định tin dùng, cậy thế ăn của đút, thậm chí cướp vợ người, dỡ nhà, chiếm đoạt tài sản của người, người ta sợ nó tàn ngược không dám phát giác. Vĩnh đi nơi khác không đầy một tháng, nhân dân nộp đơn kiện rất nhiều. Duyệt thụ lý tất cả, già trẻ ai cũng reo mừng” (ĐNTL, Tập 2, Tr. 744).  Vĩnh bị tố cáo đến hơn 30 khoản, bị chém năm 1828.
(9): Nguyễn Văn Hầu dịch nghĩa.

No comments:

Post a Comment