Trang

Thursday, April 5, 2012

TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO (1)


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
: Có một số luận văn viết về thơ tôi. Hầu hết các nghiên cứu viên đều liên lạc với tôi để xin cung cấp văn bản hoặc trò chuyện văn chương. Trước khi bảo vệ luận văn, họ thường đóng thành sách gửi tặng tôi hoặc gửi bằng Mail. Hôm nay trong lúc dọn dẹp bớt thư trong Mail, tình cờ thấy có luận văn TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO của Thạc sĩ nguyễn Hữu Công do PGS-TS-Nhà thơ Hồ Thế Hà hướng dẫn. Luận văn này có độ dài gần 4 vạn từ, kèm theo bản tóm tắt. Tôi xin phép tác giả đưa lên đây bản tóm tắt để lưu giữ trên mạng. 

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ CỦA NGUYỄN HỮU CÔNG 
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thơ ViệtNamtừ những năm đầu thế kỉ XX đến nay đã có những nhịp đi và bước nhảy ngoạn mục. Tiếp nối dòng chảy của lịch sử văn học, thơ Việt Nam sau những năm 1975 diễn ra những thay đổi đáng kể trong quan niệm nghệ thuật, trong quan niệm chức năng – nhiệm vụ và phương pháp sáng tác. Thơ trong việc bắt lấy những xúc cảm tinh thần đã phản ánh tất cả các mặt phong phú của đời sống và mở ra nhiều chiều kích… Tư duy nghệ thuật thơ từ hướng ngoại bắt đầu chú ý đến hướng nội, thơ không còn những kiểu dàn trải của dòng tâm tình mà bắt đầu đi vào những khúc gấp của tâm trạng, mạch thơ xoay chiều theo tư duy phức hợp của con người.
Xuất phát từ tư duy đổi mới văn học nghệ thuật, thơ đang có sự vận động cân bằng trở lại trong các mối quan hệ của đời sống. Thơ ưu tiên thể hiện con người cá thể mang nặng tâm tình về đời tư, thế sự và những suy tư mang tính triết lí… Thơ không né tránh những vấn đề cá nhân, những boăn khoăn về thân phận con người. Nổi bật lên với phong cách độc đáo, Nguyễn Trọng Tạo như một luồng gió lạ đem lại cho thơ đương đại một sinh khí mới. “Người đọc thấy ở anh một tư duy thơ sắc sảo, trẻ trung, đầy dự cảm”.
Với đề tài Tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện về thơ anh, có thể cắt nghĩa được hiện thực cuộc sống qua những trải nghiệm suy ngẫm ; hiểu hơn nỗi niềm ưu tư, khắc khoải luôn đau đáu trong trái tim mẫn cảm của thi nhân. Nghiên cứu Tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo góp phần mở ra những khám phá mới về thơ đương đại ViệtNam trong sự đối sánh với nét đẹp dĩ vãng (phong trào thơ mới) và khát vọng hướng đến một nền thơ rực rỡ trong tương lai.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Trên thi đàn thơ đương đại ViệtNam, thơ Nguyễn Trọng Tạo đã tạo được bước đột phá trong cách tư duy và hình thức thể hiện. Thơ anh có sức sống bền bỉ, dẻo dai qua những chặng đường văn học và lịch sử của dân tộc. Đi vào khám phá thế giới thơ Nguyễn Trọng Tạo, đã có nhiều công trình khảo cứu trên các phạm vi và phương thức khác nhau.
Hoàng Cầm với “Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo” là sự đồng cảm của hai tâm hồn nghệ sĩ. Nguyễn Đăng Điệp tiếp cận “Nguyễn Trọng Tạo – cái chớp mắt với nghìn năm”, nhìn từ phương diện cá tính sáng tạo, đưa lại mỹ cảm mới trong cách tiếp nhận. Hồ Thế Hà có cái nhìn đầy tin yêu và khát vọng trong “Thơ Nguyễn Trọng Tạo – hành trình của niềm tin và khát vọng”, “Sức bền của một hồn thơ”. Phạm Phú phong trong bài viết “Nguyễn Trọng Tạo”, có cái nhìn tổng quan nhưng còn giản lược về quá trình sáng tác thơ văn của nhà thơ. Bài viết của Nguyễn Đỗ “Về một “Tạo” của Nguyễn Trọng Tạo” đề cập đến một số nét đặc trưng của Nguyễn Trọng Tạo trong thơ nhưng chỉ dừng lại ở vài điểm cơ bản. Hoàng Phủ Ngọc Tường với lời tựa ngắn cho tập Đồng dao cho người lớn đã tiếp cận phong cách thơ Nguyễn Trọng Tạo (chủ yếu là tập Đồng dao) từ góc nhìn “Người Ham Chơi”. Trịnh Thanh Sơn với “Thơ trữ tình Nguyễn Trọng Tạo” đã khái lược diện mạo chung của năm mươi tư bài thơ tình trong tập Thơ trữ tình. Lê Huy Mậu, Ngô Minh trong bài viết “Nguyễn Trọng Tạo – người tự sắm vai mình” và “Có thể bạn chưa biết Nguyễn Trọng Tạo…”, “Nguyễn Trọng Tạo như tôi biết”, chủ yếu kể lại những mẩu chuyện bên lề về cuộc sống lao động, sinh hoạt, sáng tác của nhà thơ. Thanh Thảo tiếp cận, nhưng chủ yếu là ghi lại những cảm xúc và suy nghĩ của Nguyễn Trọng Tạo về hai loại hình nghệ thuật thơ và nhạc dưới hình thức phỏng vấn : “Lan man với Nguyễn Trọng Tạo trên tàu thống nhất”… Tất cả những bài viết trên, các tác giả chủ yếu tiếp cận theo hướng đi vào tìm hiểu hành trình sáng tạo nghệ thuật, từ đó, đưa ra những nhận định chung về đặc điểm phong cách thơ Nguyễn Trọng Tạo qua các thời kỳ. Các bài viết chưa có những nghiên cứu mang tính hệ thống, đầy đủ về đặc điểm tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo trên phương diện nội dung và hình thức thể hiện.
Trong các công trình nghiên cứu và giáo trình lí luận đề cập đến tư duy nghệ thuật thơ có Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam của Nguyễn Bá Thành. Công trình có ý nghĩa lí luận về sự vận động của tư duy thơ ở mỗi giai đoạn và sự tác động của mỗi hoàn cảnh lịch sử với thơ ca, vai trò chủ thể trong mối quan hệ với khách thể, những tác động của tư duy chính trị, tư duy triết học đối với tư duy nghệ thuật, khả năng nhận thức thực tại và khả năng dự báo của tư duy thơ. Các tác giả Nguyễn Phan Cảnh (Ngôn ngữ thơ), Bùi Công Hùng (Quá trình sáng tạo thi ca), Hồ Thế Hà (Thơ và thơ Việt Nam hiện đại), Hà Công Tài (Chiếm lĩnh sự thật và con đường đổi mới thơ)… đã có nhiều góc độ khác nhau để nghiên cứu thơ và tư duy thơ trong tiến trình vận động, phát triển của thơ Việt Nam hiện đại.
Nhìn chung, việc đi sâu nghiên cứu về tư duy nghệ thuật thơ của một tác giả thơ đương đại chỉ giới hạn ở những điểm nhìn khác nhau mà chưa có một công trình phổ quát. Chọn đề tài Tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo, chúng tôi mong muốn xây dựng một chân dung đầy đủ về một nhà thơ của thời đại chúng ta ; qua đó, làm nổi bật mối quan hệ giữa thời đại và thi ca, giữa cái chung và cái riêng, giữa tiếp thu và sáng tạo…
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu : Luận văn khảo sát bảy tập thơ của Nguyễn Trọng Tạo : Sóng thuỷ tinh (1988), Gửi người không quen (1989), Thư trên máy chữ và tản mạn thời tôi sống (1995), Nương thân (1999), Đồng dao cho người lớn (1999), Thế giới không còn trăng (2006), Em đàn bà (2008).
 - Phạm vi nghiên cứu : Nội dung nghiên cứu của luận văn là tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo. Nhưng do dung lượng của luận văn, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu ở những đặc điểm cơ bản của tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo ở hình tượng của cái tôi trữ tình và một số phương thức biểu hiện đặc sắc.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
- Phương pháp thống kê – phân loại
- Phương pháp so sánh – đối chiếu
- Đồng thời, luận văn vận dụng những thành tựu khoa học của các ngành : lí luận văn học, lí thuyết tiếp nhận, thi pháp học, phương pháp luận nghiên cứu văn học… trong quá trình nghiên cứu và triển khai.
5. Đóng góp khoa học của đề tài
Đề tài có ý nghĩa đóng góp đối với việc nghiên cứu một cách toàn diện sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Trọng Tạo và mong muốn có thể rút ra những kết luận chân xác, thuyết phục về thơ Nguyễn Trọng Tạo trên cả hai mặt nội dung và nghệ thuật.
Đề tài cũng góp phần làm nổi bật những đóng góp tích cực của Nguyễn Trọng Tạo trong quá trình hiện đại hoá thơ ca ViệtNamnói riêng và nền văn học hiện đại ViệtNamnói chung.
6. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phần phụ lục luận văn được triển khai trong ba chương :
Chương 1. Tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo – Quan niệm thơ, hành trình thơ.
Chương 2. Tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo – Nhìn từ hình tượng cái tôi trữ tình.
Chương 3. Tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo – Nhìn từ phương thức biểu hiện.
Chương 1
TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO
- QUAN NIỆM THƠ, HÀNH TRÌNH THƠ
1.1. Quan niệm thơ
1.1.1. Quan niệm về thơ
Với Nguyễn Trọng Tạo, “thơ là những ám ảnh tâm hồn”, “thơ là một chớp sáng”, “thơ được làm bằng máu, thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười”. Anh bộc bạch: “Tôi nương thân vào chính thơ tôi. Thơ lại nương nấu trong từng con chữ và điệu nhạc vang lên từ cõi tâm linh nào xa thẳm. Thơ là cái bóng của tôi hay tôi là cái bóng của thơ, tôi nào có biết”.
Thơ là nguồn cảm hứng, là nơi anh giãi bày những buồn vui của đời tư, thế sự: “Thơ làm cho ta buồn vui lúc nào không hay. Thơ làm cho ta thoát ngoài tục luỵ phiêu diêu cùng trời đất, hoà nhập với thiên nhiên, hoặc đồng cảm cùng đồng loại” (trích lời Nguyễn Trọng Tạo).
Thơ Nguyễn Trọng Tạo không phải là sự miêu tả ngợi ca hay đả kích, lên án những hiện tượng xã hội nóng bỏng mặc dù anh chủ trương làm thơ gắn với đời thật: “Thơ là sự đối diện với sự thật được chưng cất… Làm thơ là hoá giải thời đại vào ngôn từ. Thơ tôi không bao giờ thoát khỏi những xung đột thời đại, dù đó là những bài thơ tưởng như riêng tư nhất. Tôi muốn thơ tôi là thơ của đương đại” (Nguyễn Trọng Tạo).
Nguyễn Trọng Tạo cũng cho rằng, thơ phải nói lên được những ước mơ, niềm tin và khát vọng về cuộc đời và tình yêu. Thơ còn là sự cứu rỗi, là đôi cánh để nâng đỡ, xoa dịu lòng người khi chống chếnh, hụt hẫng tìm lại sự bình an nơi lòng mình. Nhưng đồng thời, thơ phải thuyết phục người đọc thích ứng với cái lạ bằng lí lẽ, ngôn ngữ riêng của mình để họ không cảm thấy chơi vơi, huyễn hoặc.
1.1.2. Quan niệm về nhà thơ
Sức mạnh văn chương là sức mạnh siêu vật chất, ở đó, “nhà thơ là người đầu tiên đã làm cho dân tộc mình mở miệng và thiết lập mối quan hệ giữa biểu tượng và ngôn ngữ” (Heghen). Nguyễn Trọng Tạo, người có khát vọng cách tân nghệ thuật, đã tuyên ngôn: “Nhà thơ không chỉ là công dân của một quốc gia mà phải là công dân của thời đại… Nhà thơ phải biết biến hiện tại, tương lai thành quá khứ để tạo ra kinh nghiệm sống và cảm xúc mới”.
Từ lời khẳng định dứt khoát, “không ai muốn làm thơ cũ, phải làm thơ mới”, Nguyễn Trọng Tạo đi đến bộc bạch: “Tôi là mẫu người sáng tác không nhạt nhẽo (…), tôi chấp nhận mọi sự sáng tạo. Tôi chấp nhận tất cả, nếu trong đó chứa một điều gì đó, một mầm mống của sự mới mẻ”… Suốt hành trình sáng tạo thơ ca của mình, Nguyễn Trọng Tạo mê mải với những tìm tòi về nội dung và hình thức. Với anh “chủ thể sáng tạo có tài luôn hướng tới cái mới lạ. Không mới lạ thì không thể gọi là sáng tạo” (Nguyễn Trọng Tạo).
Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ luôn trăn trở với nghề ; từ bao đời nay, văn chương đã thành nghiệp của người cầm bút. Với anh, đó là nghề: “ộc ra con chữ/ ộc ra tâm can kiến tạo sinh thành” (Nhà văn). Nguyễn Trọng Tạo gọi nhà văn là “bác thợ cày/ cày trên giấy trắng”, họ sống và phải trải qua cuộc sống với nhiều tâm thức, luôn đặt niềm tin như đá tảng giữa cuộc đời “không thể không tin gì mà viết”. Và thiên chức người cầm bút, phải thức tỉnh và hướng thiện con người đến những điều tốt đẹp.
1.2. Hành trình thơ
1.2.1. Thơ Nguyễn Trọng Tạo từ thời chiến chuyển sang thời bình
Thơ trước năm 1975 và thơ viết về chiến tranh của Nguyễn Trọng Tạo có sự tìm tòi, phát hiện những điểm sáng của cảm xúc ở Tình yêu sáng sớm (1973), Gương mặt tôi yêu (1980). Ở hai trường ca ghi dấu sự trưởng thành trong sự nghiệp văn chương Con đường của những vì sao (hay Trường ca Đồng Lộc) (1981) và Tình ca người lính (1984). Ở giai đoạn này, “Nguyễn Trọng Tạo đã vững vàng khi thể hiện chiến tranh và tâm hồn con người thời chiến ở những bình diện mới, với vốn sống, với văn hoá phong phú. Người đọc đã thấy ở anh một tư duy thơ sắc sảo, trẻ trung, đầy dự cảm”.
Sau năm 1975, đặc biệt là những năm đất nước đầy biến động khi đứng trước công cuộc đổi mới, Nguyễn Trọng Tạo nhanh chóng nhập cuộc. Thơ anh đã có một bước chuyển quan trọng từ tính chất sử thi sang trữ tình, đó là bước chuyển từ các trường ca Con đường của những vì saoTình ca người lính sang các tập thơ Sóng thuỷ tinhGửi người không quen mà bản lề là Tản mạn thời tôi sống. Bước vận động trong tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo nằm trong sự chuyển mình chung của văn học sau 1975, khẳng định tên tuổi Nguyễn Trọng Tạo, bên cạnh Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Võ Văn Trực,… làm thành đội hình mới với những giọng điệu bất ngờ, mới mẻ, đôi khi táo bạo.
1.2.2. Sự tích hợp tư duy nghệ thuật thơ từ thời kỳ đổi mới
Bắt nhịp vào cuộc sống hổi hả, xô bồ của thời kỳ đổi mới, Nguyễn Trọng Tạo nhanh chóng nhận ra diện mạo cuộc sống từ những đổi thay, biến động. Đồng thời nhà thơ cũng sớm nắm bắt được mối quan hệ của con người, đặc biệt là con người cá nhân. Anh đặt mình trong mọi mối quan hệ, từ đó, có cách cắt nghĩa riêng về cuộc sống. Nguyễn Trọng Tạo đã tìm một lối rẽ như là sự chuyển “kênh” để tiếp nhận những giá trị từ cuộc sống và gửi gắm lại cho người đọc. Thơ của anh thời kỳ này bàng bạc một niềm tin thấm đẫm vẻ đẹp quá vãng. Ở đó, anh kí thác khát vọng về cuộc sống tươi đẹp, ngập tràn hạnh phúc được an ủi, sẻ chia nhưng vẫn luôn tỏ bản lĩnh vững vàng khi giãi bày các hiện tượng của đời sống.
 Nguyễn Trọng Tạo trong suốt những cuộc dông dài của đời mình đã nhận ra nỗi cô đơn nguyên uỷ của loài người, hơn lúc nào hết, nhà thơ muốn quay về cái hồn quê bình dị như quay về với bản sắc truyền thống. Và người đọc nhận thấy Đồng dao cho người lớn ra đời như một tất yếu của sự lớn lên từ những chiêm nghiệm về bản thân và cuộc đời sau Tản mạn thời tôi sống. Đồng dao đã thật sự là “tiếng hát ngu ngơ của Người Ham chơi (…) ta bà qua bao nhiêu nẻo đường không tên của trần gian, đi xuyên đá để tới bên vực thẳm của phế tích, và đến cùng kiệt gã theo tờ lịch mỏng nhảy vào kiếp luân hồi”.
Qua hai tập thơ Đồng dao cho người lớn Thế giới không còn trăng đã hình thành một cách đầy ý thức và quyết liệt cho giọng điệu và phong cách “giễu nhại đau buồn”, thể hiện rất rõ sự “vỡ giọng” và sự thay đổi về tư duy nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo. “Đó là quá trình tự nhận thức lại chính mình và người khác”.
1.3. Thơ Nguyễn Trọng Tạo trong mạch nguồn thơ hiện đại Việt Nam
1.3.1. Đặc sắc riêng về tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo
Tư duy thơ Nguyễn Trọng Tạo đã tạo được bước chuyển biến mới bằng việc nhận diện sâu sắc bản chất cuộc sống. Nhà thơ hướng ngòi bút về những nỗ lực có tính dự báo, đào sâu, thăm dò hiện thực bằng cách nhìn biện chứng. Anh cố gắng phát hiện những cơ sở tồn tại khách quan của đời sống như không gian, thời gian và những giá trị vĩnh hằng khác như tình yêu, lẽ sống… Nhà thơ đặt con người trong mối quan hệ đa dạng của cuộc sống để cắt nghĩa mọi hiện tượng và tâm lý con người, đặc biệt là con người đời tư – cá thể. Từ đây, tư duy thơ anh đi dần về phía hướng nội và đầy chất triết lý. Càng về sau, tư duy thơ Nguyễn Trọng Tạo càng tăng cường các yếu tố hư ảo, tiềm thức và trực giác.
Tư duy nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo là sự tích hợp một cách nhuần nhuyễn và sâu sắc giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại. Tư duy thơ anh đã thể hiện sự phản ứng nhanh khi nắm bắt được cái mới nhưng luôn “bảo thủ” trước những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc. Đó là một tư duy tích hợp, đa chiều cạnh, đã tìm được sự hài hoà thống nhất trong khối đa dạng và mâu thuẫn.
1.3.2. Hiệu ứng tiếp nhận
Vào thời hậu chiến, không khí văn chương thật sinh động, Nguyễn Trọng Tạo đã xuất hiện như một hiện tượng trên văn đàn. Gần như cùng một lúc, anh được ba tờ báo lớn nhất nước ta thời bấy giờ là Nhân dân, Văn nghệVăn nghệ Quân đội tặng giải thưởng thơ hay của năm 1978. Đến nay, anh đã có một “gia tài” thơ văn tương đối đồ sộ, tên tuổi của anh trở nên quen thuộc với những người yêu thơ.
Nhà thơ Lê Huy Mậu cho rằng, thơ Nguyễn Trọng Tạo là “thơ tài hoa” khác với nhà thơ Hoàng Cầm khi cho thơ anh là “thơ của người nhàn”. Còn nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, trong một bài viết về tập thơ Thế gới không còn trăng đã gọi giọng thơ của Tạo là “sự giễu nhại và nỗi đau buồn sâu thẳm”.
Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ rất có duyên khi viết cho thiếu nhi. Những bạn nhỏ luôn tìm thấy trong tác phẩm của anh những tình cảm mới mẻ, những ý tưởng đẹp đẽ, những áng văn lấp lánh mê hồn. Ngược lại, bạn đọc lớn tuổi lại gặp gỡ ở đây biết bao kí ức tuổi thơ tươi rói đã bị lãng quên khoả lấp.
Thơ tình yêu Nguyễn Trọng Tạo thường say đắm và buồn. Nỗi buồn trong thơ tình của anh được nâng lên thành một triết lý hoặc là một định đề – bất di bất dịch. Ở đó, anh hiện lên như một “con người ngỡ là từng trải, từng trải qua chiến trường, qua cả “tình trường” mà không hề chai sạn, cứ run rẩy như thuở mới vào đời, như một khúc mộng mơ, như một kẻ mắc nợ”.


Chương 2
TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO
- NHÌN TỪ HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH
Cái tôi trữ tình trong thơ giai đoạn này nói chung (sau 1975) và trong thơ Nguyễn Trọng Tạo nói riêng mang tiếng nói của tinh thần hiện đại, tách biệt với cái tôi cá nhân trước đó, đặc biệt là cái tôi trong “thơ mới”. Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là cái tôi phân cực, nhiều dáng vẻ và sắc thái, nó luôn vận động và biến đổi trong quá trình sáng tạo. Người đọc bắt gặp ở thơ anh cái tôi đời tư – thế sự đầy khắc khoải, cô đơn trong nỗi buồn vô tận nhưng luôn củng cố niềm tin làm ấm lòng người; cái tôi đa phân – chiêm nghiệm, nhiều trăn trở khát khao với cõi đời; cái tôi dân gian – huyền ảo thường tìm về với cõi quê, chan chứa cùng những làn điệu dân ca – đó là cái tôi quay về với hoài niệm và những vô thức mơ hồ.
2.1. Cái tôi trữ tình đời tư – thế sự
Trong hành trình nhận thức hướng đến tha nhân, Nguyễn Trọng Tạo bộc lộ một tâm thức nhiều trăn trở. Nó sinh động, ngẫu nhiên như một lời tự thú trước bản thân, trước cuộc đời. Cái tôi trữ tình đời tư Nguyễn Trọng Tạo thể hiện ở nhiều khía cạnh phong phú, song chủ đạo được tái diễn ở nỗi buồn và các trạng thái của niềm say, say vì men rượu và cả men tình.
Nguyễn Trọng Tạo có lần viết “chia cho em một đời say”, trong men say của rượu, tâm hồn anh được thỏa sức thăng hoa giao hòa cùng trời đất, cả không gian như được giăng mắc hơi men. Trong cõi ngất ngây, khi cảnh vật đã chếnh choáng cũng là lúc nhà thơ nhận ra lòng mình: “sông Hương hóa rượu ta đến uống/ ta tỉnh đền đài nghiêng ngả say” (Huế 1). Và đến lượt nó, men tình ùa đến hừng hực, đam mê và nồng nàn: ứ hự là tình ơi/ ừng ực khát một đời/ người trao nhau rượu chát/ dốc say tình lên ngôi” (Rượu chát). Khao khát yêu và được yêu là những tình cảm thiêng liêng, nhân bản của con người. Với Nguyễn Trọng Tạo, “cơn sóng tình” lúc nào cũng không thôi chao đảo, dậy sóng. Các cung bậc tình yêu được anh thể hiện tràn đầy trong thơ.
Nguyễn Trọng Tạo thích được “say” vì say là lúc dễ tìm về bản thể hồn mình. Ở đó, anh được thao thức, âu lo khi thế giới tâm linh bừng thức và được trở về những khoảng lặng thầm kín của cuộc đời. Đó là những cảm thức về tâm hồn, những âm thanh vi diệu thoát thai từ nỗi buồn trong đêm. Nguyễn Trọng Tạo ngày càng thấm thía nỗi buồn nguyên ủy của loài người, đó là sự cô đơn, dường như cô đơn là phần sâu nhất trong hồn thơ Nguyễn Trọng Tạo. Nỗi cô đơn gắn với nỗi buồn, “cái trùm lên, nhuần thấm mọi trang thơ Nguyễn Trọng Tạo lại vẫn là nỗi buồn… Nguyễn Trọng Tạo buồn, một nỗi buồn âu yếm. Có thể gọi Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ của nỗi buồn ấu yếm” (Trần Ninh Hồ).
Cái tôi trữ tình đời tư Nguyễn Trọng Tạo mở ra khỏi giới hạn của men say và nỗi buồn. Bởi say phải đến lúc tỉnh, buồn chưa phải là trạng thái duy nhất. Con người cần hướng về niềm vui để tiếp tục tồn tại. Với triết lý thơ đời thường đã đưa nhà thơ về những lo toan, vất vả thường nhật của cuộc sống. Có lẽ, những vần thơ anh viết về cái tôi bản thể là những vần thơ đạt nhất. Mỗi bài thơ như mỗi bức điêu khắc tâm hồn, để ở đó, thơ đã gặp được sự đồng điệu từ người đọc… Có thể nói, thiên hướng tư duy thơ đầy chất tự họa tinh thần đã làm nên diện mạo Nguyễn Trọng Tạo với nhiều vẻ phong phú và phức tạp của một tâm hồn căng ứa niềm tâm sự.
Trong thế giới tâm tư riêng “có thương có nhớ có khóc có cười”, Nguyễn Trọng Tạo vẫn đau đáu những trải nghiệm “có câu trả lời biến thành câu hỏi”. Bước vào bức tranh xã hội muôn màu trong thơ anh, ta thấy cái tôi thế sự rát bỏng ước vọng, niềm tin nhưng nhiều nỗi boăn khoăn muốn đi tìm lời đáp. Ở Tản mạn thời tôi sống, cái nhìn của Nguyễn Trọng Tạo được mài sắc, sự thay đổi cái nhìn nghệ thuật diễn ra quyết liệt. Thơ anh thời kỳ này mang tính dự báo sâu sắc và mạnh mẽ: “như con chiên sùng đạo chợt boàng hoàng/ nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá”.
Nguyễn Trọng Tạo nhìn đời dưới cái nhìn “nhị nguyên”, vừa hoài nghi “có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ có con người sống mà như qua đời” nhưng vừa bình thản, tin yêu “mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió” (Đồng dao cho người lớn). Thực tế cuộc sống “có bao nhiêu câu hỏi” nên nhà thơ ý thức trách nhiệm của mình : “tôi sống thời không thể đứng quay lưng”. Bằng ngòi bút, Nguyễn Trọng Tạo đã xoáy sâu vào ngõ ngách cuộc sống, lột tả những mặt trái của nó. Tư duy phản biện và nhận thức lại những giá trị đã tồn tại của Tạo là một hướng đi mới trong thơ sau 1975. Sự thay đổi về tư duy nghệ thuật này được anh chất vấn, khai thác triệt để tạo nên từ nhiều cách nhìn đa diện. Đây cũng là chất nhân văn sâu thẳm quán xuyến thơ anh. “Không ồn ào, không giận dữ, anh lặng lẽ tìm về phía tình yêu, nhân ái nhất của tình đời tình người mà phát hiện, giao cảm”.
Ở một vẻ khác, cái tôi trữ tình thế sự trong thơ Nguyễn Trọng Tạo như là một cách phân bua với người cùng thời, để níu giữ những giá trị văn hoá truyền thống dần mai một bởi cuộc sống thành thị và sự Âu hoá. Đó là cái tôi muốn “bênh vực”, cổ vũ cho nét đẹp xưa cũ trước sự thắng thế của cái Mới, đặc biệt là sự lai căng.
2.2. Cái tôi trữ tình đa phân – chiêm nghiệm
Cái tôi trữ tình đa phân – chiêm nghiệm trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là nỗi khát thèm được giao hoan cùng vũ trụ, đất trời. Anh muốn mình là tất cả mọi vật để được trải lòng ra muôn nơi, được thấu hiểu những lẽ sâu kín từ cuộc sống mà mình đã đi qua. Giấu đằng sau những câu thơ kiệm lời, súc tích là những trải nghiệm về triết lý cuộc đời ; đan xen giữa chất trữ tình ngọt ngào, da diết là nét trầm tư của cái tôi không ngừng chiêm nghiệm. Tư duy thơ Nguyễn Trọng Tạo thoả sức bung phá, đào sâu vào những miền tâm tưởng để mở tung mọi cánh cửa tâm thức cho người đọc.
Tình yêu cuộc sống, sự khát khao giao cảm với đời là niềm đam mê cháy bỏng của cái tôi đa phân Nguyễn Trọng Tạo. Đọc thơ anh, đâu đâu cũng là sự nhập vai ngẫu hứng, từ thế giới sinh vật cỏ, cây, hoa, lá… đến các hiện tượng tự nhiên mưa, nắng, gió, trăng, … mỗi sự nhập vai là gắn với một chiều sâu suy tưởng.
Bằng cái tôi đa phân, Nguyễn Trọng Tạo độc thoại trước hết với chính mình và hướng đến được cùng giãi bày với người đọc qua những ảnh hình của cuộc sống. Bởi vậy, thơ anh đi vào lòng người nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nó như thuộc về bản năng của người nghệ sĩ “có trái tim lớn, chứa đựng nhiều tâm trạng, cảm xúc, nhà thơ phải phân thân thành nhiều người để bộc lộ các sắc thái, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn của càng nhiều số phận, càng hay”.
Không chịu dừng lại ở những cảm xúc bề ngoài, Nguyễn Trọng Tạo đi sâu vào đối tượng bên trong để khám phá, phát hiện bản chất của mỗi vấn đề. Anh đã mở ra bước chuyển về thi pháp, đưa thơ đến chất giọng triết lý sau vẻ ngu ngơ nửa như đùa nửa như thật của mình. Tăng cường tính triết luận vào thơ đã tạo được nét riêng biệt làm nên phong cách thơ Nguyễn Trọng Tạo.
“Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt…” (Hoàng Ngọc Hiến), anh cảm nhận được sự ngắn ngủi của đời người trong dòng chảy không cùng của thời gian. Sự sống con người ngỡ ra là thoáng chênh vênh, mơ hồ. Cũng từ đó, nhà thơ đốn ngộ được giới hạn của đời người. Đọc thơ anh, ta nghe trong đó thời gian lưu chuyển có cả niềm tiếc nhớ cái đã qua.
Không chỉ là nhà thơ của triết lý thời gian, thơ Nguyễn Trọng Tạo đầy khắc khoải khi đặt giá trị niềm tin trước đời sống. Làm thế nào để đủ niềm tin? Là câu hỏi trở đi trở lại, anh loay hoay đi tìm lời giải. Đó là trạng thái chông chênh, nhức nhối của nhà thơ về niềm tin khi đứng trước các giá trị chuẩn mực bị “đổ ngã” hay vẫn chưa được xác tín khi con người chưa thích ứng với đời sống cơ chế mới thời hậu chiến…
Cái tôi trữ tình đa phân – chiêm nghiệm trong thơ Nguyễn Trọng Tạo đa dạng và phức tạp, không dễ nắm bắt. Bởi anh luôn thể hiện một vốn sống phong phú. Ở hình tượng câu thơ nào, anh cũng đưa ra cách lý giải của riêng mình. Tư duy thơ anh thâm trầm cốt cách của “Con Người Biết” phương Đông khi đã ngộ ra bản thể của mình và đạt đạo được lẽ đời.
(Xem tiếp Phần 2)

No comments:

Post a Comment