Trang

Tuesday, April 24, 2012

VIỆT NAM NÉT: ĐIỀU KHÓ NGỜ NHẤT Ở LÀNG SÁCH VIỆT NAM

Các cơ sở in ngoài giấy phép kinh doanh thì không cần bất cứ một loại giấy phép nào khác trong khi một quán phở ngoài giấy phép kinh doanh còn cần phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
 
LTS: Sách lậu tràn lan, sách giả, sách dịch ẩu dược coi là một vấn nạn đã tồn tại một thời gian dài. Lỗ hổng quá lớn trong Luật Xuất Bản 2004 về việc buông lỏng quản lý các cơ sở in ấn với cả ngàn nhà in hoạt động không dưới bất cứ sự kiểm soát nào khiến cho thị trường xuất bản càng thêm loạn. Thêm vào đó là việc quá dễ để mua được giấy phép xuất bản cho một cuốn sách bất kì, không cần biết nội dung ra sao, có bản quyền hợp pháp hay không. Đây chính là nguồn cơn cho ra đời hàng loạt cuốn sách có nội dung lệch lạc, chất lượng kém. Tuy nhiên, điều khiến những nhà làm sách chân chính đau đớn nhất vẫn là chuyện những cuốn sách họ bỏ ra một đống tiền mua bản quyền, sau đó thuê người dịch rất mất công... bị giới in lậu "nẫng tay trên", in sao lại vô tội vạ... Đây cũng chính là lý do Vietnamnet khởi đăng loạt bài mổ xẻ thị trường xuất bản hiện nay, bắt đầu từ hôm nay.

Kinh hoàng sách chiết khấu 80%
Đường Phạm Văn Đồng là một trong những nơi sách lậu, sách giả được bán ngang nhiên trong các hiệu sách và lan tràn trên vỉa hè. Chiêu thức "đại hạ giá" của các cửa hàng đã thu hút rất nhiều sinh viên, học sinh và đôi khi còn có cả công nhân viên chức nhà nước tới mua.

Một chủ cửa hàng cho biết: "Sách của cửa hàng được nhập từ sách Sài Gòn, Văn Việt, Bách Việt,… và được giảm giá từ 25 tới 30%. Còn đối với những sách được in lại thì giảm giá 50%. Ví dụ như cuốn "Cuốn theo chiều gió" trên giá bìa ghi là 168.000 nhưng bán ra chỉ có 110.000".

Các tác phẩm đình đám có giá rất rẻ so với giá bìa như: Cuộc chiến của kẻ thứ 3 giá bìa là 99.000 đồng nhưng chỉ còn 74.000 đồng, còn đối với sách photo thì chỉ còn 45.000 đồng Quẳng gánh lo đi và vui sống giá bìa là 60.000 đồng nhưng giá bán chỉ có 40.000 đồng. “Không thể quên em” giá là 135.000 đồng nhưng bán ra chỉ có 90.000 đồng. Ruồi trâu giá bán trên bìa là 60.000 đồng nhưng bán ra chỉ 42.000 đồng...
Khi được hỏi vì sao lại chọn mua sách ở các cửa hàng tại đây, bạn Vũ Thị Dung, sinh viên ĐH Sư Phạm nói: "Bởi mua sách trên đường Phạm Văn Đồng rất rẻ nên em hay mua ở đó. Em cũng không hiểu rõ lắm về sách lậu như thế nào và cũng không có cơ hội kiểm chứng sách đó có phải sách giả hay không".Tuy nhiên không khó để phân biệt đâu là sách thật. Chủ cửa hàng sách Minh Chung cho hay: "Đối với những quyển sách lậu ta cần chú ý đến tem, màu sắc, chất lượng giấy thì ta sẽ phân biệt được sách thật và sách lậu khác nhau ở điểm nào”.
 Trên thực tế, nhiều người vẫn quan niệm sách lậu hay sách thật không quan trọng. Họ chỉ quan tâm đến giá cả, những quyển sách đó có đọc được hay không dù nhiều cuốn vẫn thường xuyên có những trang bị photo nhòe chữ và được in rất cẩu thả, chưa kể lỗi chính tả tràn lan.
Theo anh Hoạt, một người làm sách ở Hà Nội: "Quá trình sản xuất sách thật rất mất công so với sách lậu bởi họ phải trải qua nhiều bước như phải mua bản quyền, thuê người dịch, xin giấy phép nhà xuất bản, phải in ra giấy cam, trả công cho hệ thống nhân viên. Trong khi đó sản xuất sách lậu lại rất đơn giản đó là đi photo hoặc scan lại quyển sách thật mà không tốn bất kì phí nào cả vì vậy mà giá thành bán ra rất rẻ.

Nhờ thế mà tỉ lệ chiết khấu giá thành rất cao từ 60 tới 65% có khi do cạnh tranh nhau mà chiết khấu lên tới tận 75 - 80% so với giá sách trên bìa. Không chỉ có vậy mà ngay cả trong quy trình sản xuất sách lậu, họ in ấn trên những trang giấy, mực kém chất lượng so với sách thật".

Thích được xử lý hình sự

Ông Hoàng Đại Nghĩa, đội trưởng đội quản lý thị trường số 14, đơn vị chuyên đi bắt sách lậu, in ấn xuất bản phẩm trái phép trên địa bàn TP.HN cho biết việc bắt sách lậu được tiến hành liên tục nhưng vụ việc lớn và đáng kể gần đây nhất được đơn vị này bắt quả tang thì cách nay đã được hơn 1 năm. "Tại cơ sở in ấn ở Mỹ Đình chúng tôi thấy có cả máy in, bản kẽm, phim chế bản. Họ làm các công đoạn từ in, cắt xén, đóng gói từ bìa, lõi, đến thành phẩm". Khi đột nhập vào cơ sở này, đội quản lý thị trường số 14 đã thu được nhiều xuất bản phẩm thuộc các chủ đề khác nhau, của nhiều nhà xuất bản từ Chính trị quốc gia đến Giáo dục, Văn hoá, Văn học.
Tuy nhiên, việc bắt các cơ sở in ấn lớn như vậy không phải là điều dễ dàng bởi họ thường hoạt động vào ban đêm và in ấn với số lượng lớn cùng nhiều đầu sách. Sau khi in xong, các ấn phẩm này được vận chuyển tới chỗ cắt xén, chuyển tới điểm khác để vào bìa rồi được tập kết phân loại trước khi đem ra thị trường tiêu thụ. Do các công đoạn được cắt nhỏ ra nên việc bắt quả tang một công đoạn nào đó không phải lúc nào cũng đủ tài liệu để chứng minh vi phạm. "Việc bắt quả tang khó khăn, tìm ra chứng cứ pháp lý còn khó khăn hơn nữa", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho biết đội quản lý thị trường cũng đã phát hiện và xử lý những xuất bản phẩm lậu vi phạm quyền tác giả nhưng giá còn cao hơn sách thật, điển hình là các đầu sách của Trí Việt. "Giá in bìa là thật chỉ có 20 đồng nhưng sách lậu sẵn sang đối phó bằng cách in giá lên 30 đồng và chiết khấu xuống sâu, để vẫn bán 20 đồng. Người tiêu dùng cứ nghĩ đó là sách thật được chiết khấu cao".
Việc bắt sách lậu đã khó, nhưng chế tài cho những kẻ in sách lậu cũng rất tù mù. "Đối tượng chúng tôi bắt đôi khi là những ngươì ở tỉnh ngoài về kinh doanh trôi nổi, bắt được rồi, ra quyết định phạt đúng rồi, nhưng có bắt được người ta thực hiện được quyết định phạt không lại là chuyện khác. Có 1 ông ở tỉnh khác về, bắt giữ chỉ là hành chính, không thể bắt người nhưng có bắt được ông ấy thực hiện quyết định phạt không lại là chuyện khác, họ cố tình chây ì ra để không trả. Đó là thực tế đang xảy ra. Thêm nữa, đối với xử phạt hành chính có thể là mấy trăm triệu nhưng khi đưa ra toà xử lý hình sự nhưng là xử phạt án treo 6 tháng, 12 tháng. Lúc đó, với quan điểm của nhà nuớc, đã xử phạt hình sự thì thay cho việc phạt tiền rồi", ông Hoàng Đại Nghĩa nói.

Cơ sở in hoạt động dễ hơn quán phở

Việc thả nổi công tác in ấn là một trong nguyên nhân chính dẫn đến việc loạn thị trường in ấn như hiện nay. "Trước đây mỗi máy in phải có một hồ sơ quản lý, có giấy phép con, có thế này thế khác nhưng nay việc in ấn đã được nới lỏng nhiều. Khó khăn ở đó, chưa nói đến chuyện công nghệ hiện đại. Bây giờ một bản scan, một máy tính nối trực tiếp với máy in, in cái gì cũng được. Do đó việc kiểm tra hết sức khó khă, thành viên đội quản lý thị trường 14 Hà Nội cho hay.

Hoạt động in ấn đang làm rối loạn thị trường do bị buông lỏng quản lý. Các cơ sở in ngoài giấy phép kinh doanh thì không cần bất cứ một loại giấy phép nào khác trong khi một quán phở ngoài giấy phép kinh doanh còn cần phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Một lãnh đạo Cục Xuất bản ngao ngán nói: Phải chăng sách không bằng một bát phở? Đây chính là kẽ hở của Luật Xuất Bản năm 2004. Việc quản lý hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm lại không cùng một khung pháp lý, không cùng một chế tài xử lý thống nhất với cơ sở in xuất bản phẩm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có 1500 cơ sở in công nghiệp lớn nhỏ, trong đó chỉ có khoảng trên 400 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất Bản hiện hành. Còn lại khoảng 1100 cơ sở in chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là được hoạt động in các sản phẩm in khác không phải là xuất bản phẩm.
Các cơ sở này không chịu sự quản lý hoạt động chuyên ngành in thì gần như 100% đều có khả năng in được xuất bản phẩm. Đây là những đầu mối tiếp tay cho hoạt động in lậu sách đã trở thành vấn nạn trong thời gian qua mà các cơ quan quản lý nhà nước không nắm được và khó quản lý. Do đó, việc sửa đổi quy định về tổ chức và hoạt động in theo hướng quản lý toàn diện các cơ sở in xuất bản phẩm và cơ sở in khác trong sửa đổi Luật Xuất bản là hết sức cần thiết.

Hoàng Vy-Thu Hà

No comments:

Post a Comment