Tham
luận của
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Sáng nay bay vào Qui Nhơn để dự Hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Diêu vào ngày mai. Nguyễn Diêu (tự Quỳnh Phủ) sinh ngày 21 – 7 năm Minh Mệnh thứ 2 (1822), mất ngày 19 – 3 năm Tự Đức thứ 33 (1880), quê quán làng Nhơn Ân, xã Phước Thuận, Tuy Phước. Người đời trân trọng gọi ông là Quỳnh Phủ tiên sinh, hoặc thân mật thì gọi là cụ Tú Diêu, cụ Tú Nhơn Ân.
Ông Tú Diêu (tức Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu)
được biết như một nhà soạn tuồng nổi tiếng, một “nghiệp sư” của danh nhân Đào
Tấn; nhưng ông cũng là một nhà thơ mà trước tác của ông còn được lưu lại đến
ngày nay. Tuồng và thơ Nguyễn Diêu đều cùng hướng vào “Đạo làm người”
nên để lại cho hậu thế nhiều bài học sâu sắc. Nếu nghiên cứu về tuồng Nguyễn Diêu,
có thể chỉ ra chất thơ đậm đặc trong tuồng, đó là sự kết hợp lối thơ dân gian
và thơ bác học một cách nhuần nhuyễn đến dung dị; nhưng ở đây, tôi chỉ xin bàn
về “Đạo làm người” trong thơ của ông.
Nói về Đạo làm người thì có mênh mông sách vở cổ kim đông
tây. Nhưng ở đất võ Bình Định, thì vấn đề Đạo làm người lại càng vô cùng quan
trọng. Bởi võ thuật là vô song nên đôi khi lại trở nên rất nguy hiểm, nếu thiếu
Đạo. Vì vậy, Đạo mới đưa người ta tới cái tận cùng của võ để hành võ. Biết hành
võ cũng chính là biết làm người. Chúng ta thường nói về Tài và Đức cũng chính
là cái cặp phạm trù Võ và Đạo ấy. Nhưng Đạo không chỉ là sự tu dưỡng đạo đức
bản thân mà còn phải có trách nhiệm với mọi người. “Tu thân, tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ” theo quan niệm của người xưa thì đó là Đạo làm người của kẻ quân
tử. Thầy Tú Diêu học chữ Thánh hiền, dạy chữ Thánh hiền nên cũng thấm nhuần Đạo
ấy. Và ông đã “thi hóa” nó trong tuồng, trong thơ của mình.
Đọc thơ Nguyễn Diêu, thấy Đạo làm người trong thơ ông
luôn sinh động, vì nó chân thật và súc tích. Câu chuyện giàu-nghèo, sang-hèn
trong thơ ông được đề cập không chỉ một lần mà được lặp đi lặp lại như một
thông điệp về đạo đức. Bài “Hàn sĩ vịnh” viết theo thể phú nói đến cái nghèo từ
cái ăn cái mặc đến sự tủi hổ đeo đẳng phận kiếp con người:
Gạo
Tử Lộ thiếu sau thiếu trước, tháng ngày thêm hô quí hô canh
Áo Tô Tần manh rách manh lành, than phận những lỡ đinh lỡ bính.
Áo Tô Tần manh rách manh lành, than phận những lỡ đinh lỡ bính.
Ông
chỉ ra sự thói người đời với giàu-nghèo muôn thuở:
Nghèo
giữa chợ không ai han hỏi
Giàu trong rừng nhiều kẻ viếng thăm.
Giàu trong rừng nhiều kẻ viếng thăm.
…Người
điên dại vai mang bị bạc, thiên hạ đồn rằng tiếng khôn ngoan
Kẻ hàn nho tay nắm quyển vàng, thế gian thảy chê rằng lếu láo.
Kẻ hàn nho tay nắm quyển vàng, thế gian thảy chê rằng lếu láo.
Và
ông có cái nhìn vừa sẻ chia vừa khinh bạc:
Thấy
kẻ khó buông lời châm chích, nghĩ đời này hơn thiệt mà chi
Nghe người giàu đem dạ yêu vì, nghĩ thế sự tiền tài là quyến trọng.
Nghe người giàu đem dạ yêu vì, nghĩ thế sự tiền tài là quyến trọng.
Nhưng
ông phân biệt rất rõ các giá trị giàu-nghèo có chính nghĩa và phi nghĩa:
Suy
cổ tích đã từng ngó thấy, cũng nhiều người lam lũ dễ không
Sợ chi mà năn nỉ đêm đông, của phi nghĩa như ngọn đèn thổi tắt.
Sợ chi mà năn nỉ đêm đông, của phi nghĩa như ngọn đèn thổi tắt.
Ai
giàu bằng Thạch Sùng thái quá, xuất sư vi phú, của hết rồi Sùng lại ra Sùng
Trước khoe tài Vương Khải hành hung, sát bộc hoàn kim, họa kiếp đến khỉ dơ mặt khỉ.
Trước khoe tài Vương Khải hành hung, sát bộc hoàn kim, họa kiếp đến khỉ dơ mặt khỉ.
Và
ông cảnh báo:
Lưới
trời giăng lồng lộng trước sau, tuy thưa thớt mảnh lông không lọt
Mắt thần ngó ngời ngời như chớp, thiệt rạng soi nhà tối không lầm.
Mắt thần ngó ngời ngời như chớp, thiệt rạng soi nhà tối không lầm.
Chính
vì vậy mà ông khuyến khích sự học, càng nghèo càng phải học. Người xưa nói
“vàng bạc ở trong sách”, thì sự học cũng là để làm ra của cải, thực hiện ước mơ
giàu có của con người. Có thể nói, bài “Hàn sĩ vịnh” là một tuyên ngôn về quan
niệm giàu-nghèo, nó cũng chính là bài học về Đạo giàu-nghèo mà ông muốn truyền
lại cho đám học trò hậu bối, cho dù ông khiêm tốn nói đây chỉ là “lời đặt chơi
lếu láo – dẫu dở hay mặc ý sửa sang”.
Nhưng
đã gần 2 thế kỷ qua, quan niệm về giàu-nghèo của thầy Tú Diêu vẫn giữ nguyên
giá trị, khi mà xã hội đang bị đồng tiền khuynh đảo hơn bao giờ hết.
Tuy
huấn đạo rất rõ ràng như thế, nhưng trong thơ, nhiều khi Nguyễn Diêu
lại tỏ ra chán đời. Có thể do việc thi hỏng Cử nhân nhiều
lần, có thể từ mặc cảm tội lỗi với người yêu tự tử, cũng có thể do cảnh đời
nhăng nhố, giá trị đảo lộn, nên Nguyễn Diêu mới có con mắt đầy khinh bạc, chán
đời đến thế này: “Lạnh tanh đôi mắt nhắm công hầu”. Lạnh tanh với công
hầu là một thái độ của kẻ sĩ, hay thái độ của một kẻ chán đời? Hãy xem ông bày
tỏ:
Văn
hay chẳng khỏi mồ xanh cỏ
Võ giỏi thời ra cũng bạc đầu.
Võ giỏi thời ra cũng bạc đầu.
Hoặc:
Thạch
Sùng sự nghiệp giàu chi đó
Hàn tín công danh giỏi thấy đâu.
Hàn tín công danh giỏi thấy đâu.
Cái
nhìn khinh bạc ấy, chính là thái độ được khởi ra từ kinh nghiệm sống của ông
trước công
danh, sự nghiệp đầy bi kịch trong xã hội đương thời. Tuy cái nhìn có vẻ
chán đời, tiêu cực, nhưng từ đó ông cũng lựa chọn được cho mình một lối sống
thanh tịnh, lấy chữ nhàn làm vui:
Chùa
chiền vui thú là thanh tịnh
Hà tất vinh thân vạn hộ hầu.
Hà tất vinh thân vạn hộ hầu.
Thì
ra ông không chỉ sợ sự giàu có phi nghĩa mà còn sợ sự bon chen, tính toán để
mua lợi mua
danh. Hai bài thơ có tên là “An phận” của ông đã toát lên tinh thần
đó một cách sảng khoái:
Có
không tùy thế cho qua bữa
Hay dở mặc người cũng chớ chen.
Hay dở mặc người cũng chớ chen.
Cơm
lạt cũng vừa no một bụng
Áo hoa vui đặng mấy ngàn niên.
Áo hoa vui đặng mấy ngàn niên.
Cái
đạo nhàn thân, thanh thản trước cuộc sống khó khăn của Nguyễn Diêu
cũng là cách lựa chọn thái độ sống của các bậc túc nho thời xưa. Cho nên, việc
sống chết mới là điều quan trọng nhất đối với ông:
Thế
gian gì lớn hơn sinh tử
Vàng ngọc chi chi, việc nhỏ nhen.
Vàng ngọc chi chi, việc nhỏ nhen.
Đó
là lối sống thoát tục. Chính vì thế mà trong thơ Nguyễn Diêu
thường xuất hiện những giấc mơ tiên cảnh. Ông thấy mình “thẳng tới Đào Nguyên”
để thỉnh Tiên. Rồi ông cũng qua được “Cầu tiên” để đến chốn Bồng Lai tiên cảnh
để thấy “Gió xưa quét sạch bụi đời”. Phải nói bài thơ “Cầu tiên” là một bài lục
bát thoát tục được viết ra với một tâm hồn lãng mạn tuyệt đẹp:
Rượu
đào một tiệc say sưa
Mê man chẵn tám ngàn thừa Xuân – Thu.
Mê man chẵn tám ngàn thừa Xuân – Thu.
…Nghêu
ngao vui thú yên hà
Sớm vào cõi thánh, tối ra non thần
Trải qua mấy hội phong vân
Tay nâng bầu cúc, chân lần đám mây…
Sớm vào cõi thánh, tối ra non thần
Trải qua mấy hội phong vân
Tay nâng bầu cúc, chân lần đám mây…
Có
những câu thơ thật sảng khoái:
Ngửa
nghiêng thanh cảnh trong vơi
Xoay non nước lại mà chơi với người.
Xoay non nước lại mà chơi với người.
Hoặc:
Thênh
thang chiếu đất màn trời
Bụi Tần gươm Hán mặc đời đổi đưa.
Bụi Tần gươm Hán mặc đời đổi đưa.
Nguyễn Diêu
nói cảnh Tiên cũng là để nhìn về hạ giới, chứ không phải nhà thơ thoát ly trần
tục. Đó là giấc mơ về cuộc sống tốt đẹp mà ông hằng mong muốn ngay trên cõi nhân gian
mà ông đang sống. Chỉ như thế thì tinh thần của chữ “nhàn” mới trở thành hiện
thực. Cũng có thể nói, đó là giấc mơ về chữ “nhàn” của Nguyễn Diêu:
Mặc
ai rằng trượng phu ngang
Miễn ta ôm đặng chữ nhàn thì thôi.
Miễn ta ôm đặng chữ nhàn thì thôi.
Câu
kết bài thơ “Cầu tiên” một lần nữa khẳng định quan niệm sống của một kẻ sĩ luôn
hướng tới sự thanh thản của tâm hồn với một chữ “nhàn” mà ông không bao giờ từ
bỏ.
Nói
về giá trị văn học trong các trước tác của Nguyễn Diêu thì nhiều người đã nói kỹ, nói rõ.
Nhưng càng đọc kỹ lại ông, tôi thấy sự kết hợp giữa nhà giáo và nhà văn trong
ông là rất nhuần nhuyễn, tuy hai mà một. Chính nhờ sự kết hợp đó mà ý nghĩa
giáo dục trong thơ văn của ông luôn xuyên suốt và mạnh mẽ. Về vấn đề này, tôi
rất tâm đắc với nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, khi ông viết: “Với
tư cách nhà giáo, Quỳnh Phủ tiên sinh để lại cho đời mà cụ thể là cho quê hương
tôi một đội ngũ trí thức thanh liêm, chánh trực, chăm lo chống đói giảm nghèo
cho dân, cho xứ sở; với tư cách nhà văn, Quỳnh Phủ tiên sinh để lại cho đời một
khối lượng tác phẩm văn học và nghệ thuật rất độc đáo”.
Đó
là Nguyễn Diêu,
một người vừa có tài cao, vừa có đức trọng. Một con người đạo nghĩa. Một kẻ sĩ
không chịu khuất phục trước uy quyền và phủ dụ. Ông đứng về phía những người
nghèo khó phía làng quê để chia sẻ và huấn đạo Thánh hiền. Đó là Đạo làm người
luôn xuyên suốt trong thơ ông, trong các trước tác đầy giá trị thời đại của
ông.
Hà Nội, 5.2012
No comments:
Post a Comment