Trang

Thursday, May 10, 2012

BA MƯƠI NĂM LÝ LUẬN VĂN HỌC: THÀNH TỰU, CỤC DIỆN VÀ VẤN ĐỀ MỚI

Tiền Trung Văn*

Lời người dịch:
Từ ngày 23 đến 25 tháng 6 năm 2007, tại Vũ Hán đã diễn ra Hội thảo học thuật quốc tế với nhan đề “Ba mươi năm lí luận văn học – từ Thời kì mới đến Thế kỉ mới”, do Hội Lí luận văn học Trung Quốc và nước ngoài liên kết với một số trường đại học trong nước tổ chức. Có 130 bản tham luận với 240 đại biểu tham dự đến từ các trường đại học và cơ quan nghiên cứu Trung Quốc cũng như từ các trường đại học Mĩ và Nhật. Các vấn đề được thảo luận gồm: Lí luận văn học và chính trị, Lí luận văn học và sự đổi thay quan niệm văn học, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Thành tựu nghiên cứu văn học nước ngoài, Trào lưu tư tưởng nước ngoài với lí luận văn học Trung Quốc, Thành tựu chuyển hoá lí luận văn học cổ điển theo khuynh hướng hiện đại, Nghiên cứu văn hoá và lí luận văn học, Tác phẩm văn học kinh điển và việc giảng dạy lí luận văn học, Phương hướng của lí luận văn học tương lai, Thành tựu và vấn đề của ba mươi năm lí luận văn học.
Trong cuộc Hội thảo trên Giáo sư Tiền Trung Văn đọc bản báo cáo đầu tiên nhan đề Lí luận văn học ba mươi năm gần đây, thành tựu, cục diện và vấn đề mới. Bài viết dưới đây là bản tác giả gửi riêng cho chúng tôi. Chúng tôi xin dịch toàn văn để bạn đọc tham khảo – T.Đ.S.
*
Lí luận văn học đương đại Trung Quốc từ Thời kì mới đến Thế kỉ mới, đã bước qua một quá trình ba mươi năm. Người xưa nói “Tam thập nhi lập”, lí luận văn học Trung Quốc đương đại hiện nay cũng như thế, đã bước vào tuổi tự lập rồi.
Gần ba mươi năm nay, lí luận văn học Trung Quốc đã có những biến đổi rất mau chóng. Phải nói rằng, sự xây dựng lí luận văn nghệ Trung Quốc đương đại thời kì này đã thu được những thành tựu to lớn. Căn cứ vào tình hình hiện nay mà nói, đã bước đầu hình thành được một hình thái lí luận văn học đương đại mang đặc sắc Trung Quốc. Hình thái lí luận văn học đương đại này là một hình thái lí luận lấy chủ nghĩa Mác làm chỉ đạo, lấy tính hiện đại làm động lực thúc đẩy, trong bối cảnh toàn cầu hoá đứng vững trên mảnh đất Trung Quốc và truyền thống lí luận văn học hiện đại, không ngừng tự mình nhìn lại, phản tư  và phê phán, hấp thu rộng rãi những thành phần hữu ích trong tư liệu tư tưởng trong nước, ngoài nước từ xưa đến nay, thẩm định sự sáng tạo mới, hình thành một hình thái lí luận có tinh thần khoa học và tính nhân văn, cởi mở, năng động, hình thức phức hợp, đa dạng. Hình thái mới của lí luận văn học đương đại Trung Quốc không phải là một hình thái có thể do một số người, không phải chỉ một ngày nào đó đột nhiên hình thành, mà phải trải qua một quá trình ba mươi năm do mấy thế hệ người không ngừng tìm tòi cùng nhau xây dựng nên.
Một số học giả của chúng ta, bao gồm cả bản thân tôi, thường nói đến cơn khủng hoảng của lí luận văn học, nhưng nội dung nói đến thì thường khác nhau. Có người nghĩ rằng, khủng hoảng trong lí luận văn học có nghĩa là lí luận văn học đã thoát li tình hình sáng tác văn học rất nghiêm trọng. Một số người khác thì đòi hỏi đổi mới kiến thức, mở rộng phương pháp mới, tiến hành sáng tạo cái mới. Có học giả thường ứng dụng các tác phẩm của phương Tây, đem các trào lưu tư tưởng lưu hành của họ mà so với lí luận văn học Trung Quốc đương đại, cho rằng lí luận văn học của Trung Quốc lạc hậu  so với phương Tây nhiều quá, do đó mà khó có thể tiếp nối với lí luận đó, vì thế hễ thấy giới lí luận văn học phương Tây có khuynh hướng nào mới thì họ lập tức đuổi theo và đem học thuyết của họ giới thiệu vào trong nước, xem đấy là phương hướng mới của lí luận văn học chúng ta, nhưng thường thì không phù hợp. Có học giả phương Tây cho rằng khi bước vào thời đại thông tin, hình ảnh thị giác như hôm nay, văn học sẽ tiêu vong, lí luận đó đã có ảnh hưởng to lớn đối với nước ta, và dấy lên những cuộc tranh luận. Nhưng nếu chúng ta quan sát toàn diện sự phát triển lí luận văn học từ Thời kì mới đến nay thì cái quan điểm mà chúng tôi vừa nói ở trên rằng hình thái mới của lí luận văn học đương đại Trung Quốc đã bước đầu hình thành là hoàn toàn có thể khẳng định. Sự phát triển của lí luận văn học Trung Quốc thế kỉ XX, mặc dù đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng hình ảnh của hai giai đoạn phồn vinh của lí luận văn học thế kỉ XX là sự thực, và đã trở thành một điều được mọi người thừa nhận. Phải chăng có thể nói lí luận văn học ba mươi năm vừa qua xét về tính độc đáo có thể có phần thua kém so với lí luận văn học hai mươi năm đầu thế kỉ XX, nhưng xét về độ sâu và tầm rộng của các vấn đề được tìm kiếm, xét về chiều sâu học thuật và tầm bao quát của các vấn đề được nêu ra thì lí luận văn học ba mươi năm gần đây đã hơn hẳn lí luận của hai mươi năm thế kỉ trước. Đương nhiên chúng ta còn phải nhìn thấy, cho dù trong khoảng thời gian từ những năm 30 đến những năm 70 thế kỉ XX, những vấn đề có tính lí luận trong lí luận văn học thời ấy cũng hết sức phong phú, chúng tự thành một truyền thống và cần được nghiên cứu sâu hơn nữa. Hình thái mới của lí luận văn học đương đại Trung Quốc vừa có tinh thần khoa học và nhân văn, vừa cởi mở, năng động, có cấu trúc phức hợp của bản thân nó. Lí luận văn học Mác- Lênin là một bộ môn nghiên cứu độc lập, ngoài ra, trên nét lớn có thể chia nghiên cứu  lí luận cơ sở của văn học bao gồm cả các giáo trình lí luận văn học, thành lí luận văn học cổ điển, nghiên cứu thi pháp học, nghiên cứu văn hoá học, thi pháp văn hoá, thi pháp hiện đại, nhân loại học văn học, lí thuyết tiếp nhận, lí luận văn học so sánh, thông diễn học, tự sự học, xã hội học văn học, tâm lí học văn học, lí luận văn học nhiếp ảnh, phê bình nghệ thuật thị giác, phê bình văn học sinh thái, lí luận văn học mạng, lí luận văn học nước ngoài, so sánh lí luận văn học Trung Quốc và nước ngoài, nghiên cứu liên ngành giữa văn hoá và lí luận văn học, còn có nghiên cứu văn hoá thẩm mĩ và những vấn đề liên quan mật thiết tới lí luận văn học, mĩ học văn học. Có thể nói rằng, lí luận văn học ba mươi năm gần đây về nhiều phương diện đều thu được những thành tựu lớn nhỏ khác nhau, có thành tựu có tính toàn cục, có thành tựu có tính cục bộ, có chỗ làm sâu sắc thêm tư tưởng văn nghệ Macxit; có chỗ trên cơ sở văn học quá khứ, trải qua phản tư và phê phán, nêu ra vấn đề mới, quan niệm mới, và có ảnh hưởng to lớn đối với lí luận văn học; có chỗ dựa trên cơ sở lí luận văn học truyền thống, tiếp tục đào sâu, nêu những vấn đề có tính sáng tạo mới mẻ; có chỗ trên cơ sở tham khảo đối chiếu với lí luận văn học nước ngoài để xây dựng thêm nhiều bộ môn khoa học mới; Có chỗ nhằm thích nghi với những đổi thay to lớn trong văn học nghệ thuật Trung Quốc, đã tham khảo rất nhiều tư tưởng lí luận nước ngoài để xây dựng nên những lí thuyết kiểu Trung Quốc.
Trong ba mươi năm qua, lí luận văn học dưới sự chỉ đạo của phương châm cải cách, giải phóng tư tưởng, trên cơ sở phê phán tư tưởng văn học của “bè lũ bốn tên” đã tiến hành những cuộc thảo luận lớn về các vấn đề như chủ nghĩa nhân đạo, nhân tính. Cuộc thảo luận về chủ nghĩa nhân đạo và nhân tính có tác dụng khôi phục lại những quan niệm đã bị hiểu lầm về con người, trả lại bản tính người cho con người, đồng thời cũng xác lập nên quan niệm về con người hiện thực đích thực trong văn học nghệ thuật. Con người hiện thực chỉ có thể được xác lập trong cuộc sống, ý thức thẩm mĩ của nó nảy sinh từ  những đổi thay to lớn, ý thức chủ thể của nó tất nhiên sẽ được đưa vào trong văn học và lí luận văn học. Đầu những năm 80, cùng với sự du nhập của các tư tưởng văn học nước ngoài và các cuộc thảo luận sôi nổi về các vấn đề thẩm mĩ, đặc trưng thẩm mĩ của văn học, phương pháp luận văn học, vấn đề quan niệm văn học cũng gây nên nhiều cuộc tranh luận. Đồng thời, sự khám phá sâu sắc có quy mô lớn đối với di sản lí luận văn học cổ điển, không ngừng đào sâu nhận thức đối với truyền thống lí luận văn học hiện đại, làm cho lí luận văn học đương đại có được sự tiếp thu và đối sánh, quan niệm lí luận văn học đơn nhất trước đây đã bị phê phán. Thế là so với quan niệm trước đây chỉ xem văn học là hình thái ý thức, phục tùng chính trị, đặc trưng thẩm mĩ của văn học đã được làm nổi bật lên; nhằm vào khuynh hướng giản đơn hoá nhận thức luận trước đây thì chúng ta đã đề ra quan niệm phản ánh luận thẩm mĩ, văn học là hình thái ý thức thẩm mĩ; do nhận thức sâu sắc về tính đơn nhất của phương pháp nghiên cứu văn học trước đây, cho nên các phương pháp nghiên cứu văn học của phương Tây đều được giới thiệu vào trong nước. Như thế trong năm 1985 giới văn học đã hình thành các cuộc thảo luận lớn về phương pháp luận và được gọi là “Năm phương pháp luận”; năm sau lại xuất hiện những cuộc thảo luận lớn về quan niệm văn học và được gọi là “Năm quan niệm văn học”. Lúc này đã đề ra lí luận về chủ thể văn học. Về mặt lí luận, quan niệm này  tuy có không ít chỗ sơ suất, nhưng ý nghĩa lí luận rất to lớn. Nhưng có một thời lại dấy lên một phong trào phê phán rất phức tạp, vấn đề học thuật lại một lần nữa bị biến thành vấn đề chính trị, phong trào phê phán quá mạnh mẽ, khiến cho người nêu lên vấn đề chủ thể luận phải tạm lánh về phương Nam mấy tháng, nhằm tránh các mũi nhọn công kích. Nhưng dù cho phê phán như thế nào, sự đổi mới của lí luận văn học là không thể đảo ngược, do đó chính lúc này đã xuất hiện nhiều quan niệm văn học khác nhau, như quan niệm văn học nhận thức luận vốn có, kèm theo đề ra lí luận tượng trưng về văn học, lí luận về sản xuất văn học, lí luận về hình thái ý thức thẩm mĩ, lí luận về chủ thể, lí luận về tin học, điều khiển học, lí luận hệ thống, v.v… Lại còn có những quan niệm văn học xét từ phương diện tình cảm, tâm học, tâm lí học sáng tác, phân tâm học, v.v… Các quan niệm văn học nhiều như thế đều có lí lẽ nhất định, trong đó quan niệm văn học là hình thái ý thức thẩm mĩ do có sức khái quát rộng rãi đã được nhiều học giả tiếp thu. Thế là trong khoảng thời gian từ đó đến nay với không khí trăm nhà đua tiếng làm tôi rất phấn chấn, đã xuất hiện cục diện nhiều tư tưởng và quan niệm văn học tranh màu đua sắc.
Mấy năm đầu của những năm 90 do trong nhiều lĩnh vực lại dấy lên những phong trào phê phán lớn, lí luận văn học bị lắng xuống vài ba năm, cục diện đó đến năm 1992 mới được xoá bỏ. Lúc này các hình thái nghiên cứu về phong cách học, bản thể luận văn học, ngôn ngữ học văn học, tu từ học văn học liên tiếp xuất hiện, còn nghiên cứu văn hoá, trải qua sự giới thiệu và ấp ủ từ giữa những năm 80, đến lúc này bắt đầu phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc. Đúng như có học giả đã nói, nếu như quan niệm văn học của những năm 80 chủ yếu là nhằm thoát ra khỏi địa vị lệ thuộc vào chính trị, thì sang những năm 90 các học giả đề xướng hướng nghiên cứu văn hoá lại cực lực yêu cầu lí luận văn học trở về với chính trị, làm cho lí luận văn học gánh vác sứ mệnh phê phán chính trị. Vào những năm 90 kinh tế thị trường của Trung Quốc được xác lập toàn diện, trào lưu tư tưởng toàn cầu hoá không ngừng được mở rộng, trào lưu nghiên cứu văn hoá đã thúc đẩy lí luận văn học Trung Quốc chuyển hướng về phía văn hoá. Lí luận văn học và nghiên cứu văn hoá thời kì này đã liên hệ với nhau trong mối quan hệ cộng sinh. Thế kỉ mới bắt đầu, khi kinh tế thị trường cùng trào lưu toàn cầu hoá không ngừng tác động, văn hoá nước ngoài, lí luận văn học nước ngoài được phiên dịch, giới thiệu càng nhiều hơn, vấn đề thẩm mĩ hoá sinh hoạt đời thường ngày càng rõ rệt, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật liên mạng dấy lên, quan niệm  văn học tiêu vong được truyền bá, tiếp theo đó một số học giả vốn nghiên cứu lí luận văn học đòi hỏi đưa việc phê phán chính trị và hiện tượng phiếm thẩm mĩ hoá đời thường đưa vào phạm vi lí luận văn học. Điều đó tất nhiên gây nên một cuộc tranh luận trong lí luận văn học. Cuộc tranh luận nêu ra nhiều vấn đề rất có giá trị đáng để cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu sâu thêm.
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu sơ lược quá trình hình thành hình thái lí luận văn học đương đại mang bản sắc Trung Quốc. Dưới đây chúng tôi sẽ nhìn lại những phân ngành của lí luận văn học, xem chúng nghiên cứu những vấn đề gì, có những thành tựu nào, sau đó sẽ thảo luận những vấn đề đang tồn tại.
Ba mươi năm qua việc nghiên cứu lí luận văn học Macxit ở Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc hoá lí luận đó đã có những thành tựu to lớn. Không ít học giả đối với Bản thảo kinh tế triết học năm 1844 của Mác, một tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề văn học nghệ thuật, được nghiên cứu rất nhiều, ý kiến khác nhau cũng lắm. Gần đây xuất bản sách Đọc hiểu mĩ học trong “Bản thảo”, đã tiến hành giải thích một cách sâu sắc và dễ hiểu các tư tưởng trong “Bản thảo”, điều đó rất quan trọng, giúp người đọc tìm hiểu quan điểm mĩ học của Mác. Việc nghiên cứu tư tưởng nhân học của chủ nghĩa Mác cũng được sâu sắc thêm. Đặc biệt là mấy năm gần đây trong giới học thuật Trung Quốc đã đề ra các tư tưởng về “quan niệm phát triển khoa học”, “lấy con người làm gốc”, vừa nắm được một cách sâu sắc linh hồn của chủ nghĩa Mác, lại vừa có được động lực để đổi mới, chắc chắn chúng sẽ kích thích lí luận văn học phát triển không ngừng theo hướng đổi mới.
Lí luận cơ sở văn học thời kì này thường xuyên bị phê phán, nhưng nhìn chung thành tựu vẫn là chủ yếu. Chẳng hạn có một thời nhiều học giả đã tham gia thảo luận vấn đề đặc trưng thẩm mĩ của văn học. Nhằm vào lí luận cũ, họ đã nêu ra “Lí luận đặc trưng thẩm mĩ của văn học”, “Lí luận cấu trúc giá trị thẩm mĩ”, “Lí luận môi giới thẩm mĩ”, “Lí luận lựa chọn văn hoá thẩm mĩ”, “Phản ánh luận thẩm mĩ”, “Lí luận hình thái ý thức thẩm mĩ”, “Lí luận thể nghiệm thẩm mĩ”, “Thực tiễn thẩm mĩ và lí luận văn học”, “Sáng tạo thẩm mĩ và tôn giáo”, “Giáo dục thẩm mĩ”, “Siêu thoát thẩm mĩ”, “Thẩm mĩ- cách mạng- giải cấu trúc”, “Bước ra ngoài vòng thẩm mĩ”, “Chủ nghĩa công lợi thẩm mĩ”, “Lí thuyết phủ định bản thể thẩm mĩ”, “Thẩm mĩ và nguồn gốc đạo đức”, “Ảo ảnh thẩm mĩ” và còn nhiều những lí luận như thế. Mặc dù những nghiên cứu về thẩm mĩ được nêu trên đây, do tư tưởng không thống nhất, kết luận cũng khác nhau, thậm chí bất đồng rất lớn, nhưng trải qua sự trao đổi,  xét về chỉnh thể học thuật, đã hình thành được một tư tưởng là học thuật phải có đối chiếu, so sánh, bổ sung lẫn nhau thì mới được tiến bộ, hơn nữa các công trình nói trên đều có chiều sâu lí luận và tinh thần sáng tạo tương đối cao. Về việc nghiên cứu các vấn đề khác của lí luận cơ sở của văn học thì lúc này đã có “Lí luận bản thể về văn học nghệ thuật”, “Lí luận các phạm trù của lí luận văn học”, “Tầm nhìn nhân văn của lí luận văn học”, “Lí luận về tác phẩm văn học”, “Lí luận về sáng tác văn học”, “Lí luận về sự phát triển của văn học”, “Lí luận về các trào lưu văn học”, “Lí luận về phê bình văn học”, “Phê bình cầu tính”, “Nghiên cứu phong cách văn học”, “Ngôn ngữ học văn học”, “Tu từ học văn học”, “Nghiên cứu văn bản văn học”, “Nghiên cứu các trào lưu, phong cách văn học”, “Vấn đề điển hình”, “Nghiên cứu trạng thái tâm hồn nhà văn”, “Lí luận về hình thức”, “Văn học và đạo đức”, “Sự sinh thành của ý nghĩa văn học”, “Ẩn dụ”, “Thi pháp hình tượng”, “Hình thái học tiểu thuyết”, “Đi tìm nguồn gốc thẩm mĩ của văn học”, “Văn học và hình thái ý thức”, “Phê phán hình thái ý thức mới”, “Truyền thống dân tộc của lí luận văn học”, “Nhân loại học văn nghệ”, “Mẫu gốc và nghiên cứu liên văn hoá”, “Tinh thần nghệ thuật”, “Sự hiện hình nghệ thuật của cái đẹp”, “Thi pháp học so sánh”, “Hệ hình và giải thích”, “Nghệ thuật và hàng hoá”, “Lí luận văn học theo tinh thần lí tính mới”, “Truyền thống lí luận văn học Trung Quốc hiện đại”, “Sự diễn biến về quan niệm giá trị trong văn học Trung Quốc hiện đại”, “Tự quy định và bị quy định”, “Nghiên cứu về sự dung hợp giữa lí luận văn học Trung Quốc và phương Tây”, v.v… cho đến sự thảo luận về “văn học tiêu vong” mới xuất hiện gần đây. Những vấn đề cơ bản vừa nêu ra trên đây được thể hiện trong các luận văn, các tập sách nhưng phần lớn đều xuất hiện dưới hình thức chuyên luận, vấn đề vừa đa dạng vừa phong phú, đó là điều chưa từng thấy trong lí luận văn học quá khứ. Còn như một số giáo trình lí luận văn học xuất bản mấy năm gần đây kết hợp với đặc điểm thời đại, đã tiếp thu được những tinh hoa trong các giáo trình lí luận văn học phương Tây, biên soạn có nhiều đặc sắc.
Việc nghiên cứu lí luận văn học cổ điển Trung Quốc đã đi đến chín muồi. Có nhiều loại “Lí luận văn nghệ cổ điển Trung Quốc”, có “Hệ thống lí luận văn học cổ điển Trung Quốc” gồm nhiều tập, “Lịch sử lí luận văn học cổ điển Trung Quốc”, “Thi pháp Trung Quốc”, “Hệ thống thi pháp Trung Quốc”, “Phạm trù thi pháp cổ điển”, “Thi và thi phẩm”, “Diễn ngôn lí luận cổ điển”, “Nguyên lí thi pháp”, “Chu dịch và văn học Trung Quốc”, “Trí tuệ mĩ học trong Chu dịch”, nhiều chuyên đề nghiên cứu như “Nguồn gốc của hứng”, “Nghiên cứu tư duy tỉ hứng”, “Thi khả dĩ hứng”, “Lí luận ý tượng văn học”, “Lí thuyết về ý cảnh”, “Lí thuyết về cảnh giới”, v.v… Đáng chú ý là có những nghiên cứu về hệ thống lí luận văn học cổ điển, vận dụng quan điểm và phương pháp mới, làm cho diện mạo lí luận văn học cổ điển mới hẳn. Về phương diện quan hệ giữa văn hoá và lí luận văn học cổ điển có các công trình nghiên cứu: “Đạo gia và văn học đạo gia”, “Nghiên cứu mĩ học lão Trang”, “Thiền và tinh thần nghệ thuật Trung Hoa”, “Văn hoá Trung Quốc và tâm lí văn nghệ Trung Quốc”, v.v… Còn như vấn đề hiện đại hoá lí luận văn học cổ điển, từng bị coi là một “vấn đề giả tạo”, bị chế giễu, đến lúc này đã xuất hiện các công trình có ý nghĩa sâu sắc như “Ý nghĩa hiện đại của lí luận văn học cổ điển Trung Quốc”, “Tầm nhìn hiện đại đối với thi học Trung Quốc”, ngoài ra còn có “Cách lí giải hiện đại về lí luận văn học cổ điển”, “Nhìn lại lịch sử hiện đại hoá lí luận văn học cổ điển Trung Quốc”, v.v… đều làm cho các vấn đề đó thêm sâu sắc.
Xuất phát từ kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân và hấp thu những gợi ý của nghiên cứu văn hoá, học giả Trung Hoa đã đề ra hướng “Thi pháp học văn hoá” và xuất bản tủ sách “Thi pháp học văn hóa’’. Các vấn đề của tủ sách đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với Trung Quốc và nước ngoài. Còn có các chuyên đề nghiên cứu văn hoá học văn học, văn hoá học nghệ thuật, về thi pháp học hiện đại cũng có nhiều chuyên luận. Học giả Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu nhân học văn học, nhân học nghệ thuật, nhân học thẩm mĩ, lí luận tiếp nhận văn học, lí luận văn học so sánh, xã hội học văn học, thông diễn học, tự sự học, phê bình sinh thái như không gian phê bình sinh thái, văn nghệ học sinh thái, con người và tự nhiên, con người thi hoá, nhân hoá tự nhiên, v.v… Có chuyên luận viết mới theo vấn đề cũ, có chuyên luận mở ra những ngành học mới đầy sinh khí. Ngoài ra như nghiên cứu văn học nước ngoài, nghiên cứu lí luận văn học Trung Quốc và phương Tây thì đã khác hẳn với những năm 80, 90, đã tỏ ra có tính độc lập của học giả Trung Quốc, có nhiều thành quả mới hẳn. Còn có các vấn đề nghiên cứu như văn hoá đại chúng, văn hoá đô thị cũng có thế phát triển. Còn như mĩ học văn học, văn hoá thẩm mĩ có liên quan mật thiết với lí luận văn học như mĩ học văn học, lịch sử văn hoá thẩm mĩ Trung Hoa, lịch sử phong cách thẩm mĩ Trung Hoa, từ cấu tứ đến vấn đề đều có tính chất sáng tạo mới.
Tình hình nghiên cứu lí luận văn học trên đây, do hạn chế của hiểu biết cá nhân, các vấn đề chỉ được nêu ra khái quát, chưa được toàn diện. Và cũng do tính chất vấn đề khác nhau, có vấn đề mang tính khoa học, có vấn đề tương đối đơn nhất, nhưng trong đó không ít tác phẩm có trình độ cao. Chúng có tư tưởng mới mẻ đầy sức sống, thể hiện một tinh thần chủ thể của lí luận văn học Trung Quốc. Nhìn một cách tổng thể lí luận văn học cổ điển vốn có tính sáng tạo độc đáo, còn lí luận văn học đương đại có nhiều tìm tòi sắc sảo, ý mới xuất hiện liên tục, chúng có những đặc điểm chung sau đây.
1. Sự đòi hỏi  mãnh liệt đối với tính hiện đại. Ở đây tôi chỉ nói về tính hiện đại mà lí luận văn học Trung Quốc đòi hỏi, là sự khoa học hoá của bản thân lí luận văn học, hướng  về phía tự xác lập, có được tính tự chủ. Điều đó làm cho lí luận văn học đi về phía cởi mở, đối thoại và đa nguyên, làm nên sự đổi mới của bản thân lí luận. Tính hiện đại vừa là sự chỉ đạo của bản thân lí luận, cũng vừa là phẩm chất tự thân của lí luận. Tính chỉ đạo của nó thể hiện ở chỗ thừa nhận bản thân tính hiện đại là một thể mâu thuẫn, không ngừng đổi thay và phát triển trong thể mâu thuẫn đó, cụ thể như về phương diện lí luận văn học được chỉ đạo bởi tính hiện đại thì lí luận cũng phải thừa nhận bản thân mình chứa đầy mâu thuẫn và từ trong mâu thuẫn mà hoàn thành sự đổi thay của mình, từ đó mà làm cho nó luôn luôn tươi trẻ. Tính hiện đại với tư cách là phẩm chất của lí luận thể hiện ở chức năng của nó là luôn nhìn lại chính mình, tự phê phán mình, nếu chức năng đó mất đi, lí luận sẽ dừng lại mà không tiến bộ, thậm chí phản lại bản thân mình. Tính hiện đại ở đây là tính hiện đại trong việc kế thừa truyền thống văn hoá một cách có phê phán, truyền thống là cơ sở để hình thành truyền thống mới, còn truyền thống mới là sự phát triển của truyền thống vốn có, giữa hai mặt đó vốn có xung đột, nhưng nếu cắt đứt truyền thống thì sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho truyền thống mới và đến một lúc nhất định nào đó thế nào nó cũng phải được bổ sung. Cuối cùng tôi đồng ý tính hiện đại là một sự nghiệp không bao giờ ngừng, còn như cái gọi là tính hậu hiện đại, theo tôi thì, thứ nhất, nó chẳng qua là sự tiếp tục của tính hiện đại, là sự đẩy tới về mặt thời gian, vẫn chỉ là bản thân sự diễn tiến của tính hiện đại. Thứ hai, nếu lí luận mới đứng lên phản đối tính hiện đại, thì đó chẳng qua là sự tha hoá của bản thân tính hiện đại. Từ đó mà xét, lí luận văn học đương đại Trung Quốc, như trên đã nói, tôi cho rằng lí luận văn học đương đại Trung Quốc ba mươi năm gần đây, chính là xem bản thân lí luận văn học như là một thể mâu thuẫn, không ít học giả đều có tinh thần phản tư và tự phê phán, có ý thức phê phán, đánh giá đối với truyền thống lí luận văn học, nhất là lí luận văn học hiện đại, trên cơ sở đó mà tiến hành sáng tạo cái mới. Chẳng hạn, nghiên cứu nhân học về văn học, sự xác lập truyền thống lí luận văn học hiện đại Trung Quốc, nghiên cứu hệ thống lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, thảo luận và xây dựng lí luận đặc trưng thẩm mĩ của văn học, quan niệm văn học, thảo luận về phương pháp luận nghiên cứu văn học, tâm lí học văn học, nghiên cứu về phong cách văn học, tất cả đều là những sản phẩm  quán xuyến tinh thần phản tư, tự phê phán của tính hiện đại. Việc đề ra sự chuyển hoá lí luận văn học cổ điển theo hướng hiện đại chính là nhằm phê phán thái độ cắt rời di sản lí luận văn học trước đây, cố gắng thông qua sự phê phán và giám định, làm sống lại lí luận văn học cổ điển, tiến thêm một bước, đem những thành phần ưu tú hữu ích trong truyền thống lí luận văn học cổ điển kết hợp hữu cơ với việc sáng tạo mới lí luận văn học đương đại, do đó là một mệnh đề mang đầy tinh thần và ý thức hiện đại.
2. Đứng vững trên mảnh đất của mình trong bối cảnh toàn cầu hoá. Đầu những năm 80 của thế kỉ trước lí luận văn học Trung Hoa có không ít học giả đối với lí luận văn học đương đại, tức là lí luận văn học trước những năm 80 tiến hành phê phán một cách toàn diện, còn đối với lí luận văn học phương Tây vừa mới được giới thiệu vào thì phê phán rất ít, thậm chí tràn trề tình cảm sùng kính. Chẳng hạn như đối với quan niệm văn học của trường phái phê bình mới do học giả Mĩ R. Wellek đứng đầu, cho rằng việc nghiên cứu văn học là vấn đề của đối tượng và các hiện tượng thuộc bản thân văn học, tức cái gọi là nghiên cứu nội quan và bài xích việc nghiên cứu các mối quan hệ giữa văn học với hiện thực, lịch sử, đời sống, tư tưởng, v.v… Lúc bấy giờ giáo trình Lí luận văn học của họ vừa được xuất bản ở Trung Quốc, nhất thời có ảnh hưởng rất lớn. Về sau lại có nhiều cuốn lí luận văn học khác của các nước phương Tây được xuất bản ở Trung Quốc, không ít học giả cũng tôn làm mẫu mực. Nhưng nếu đem các tác phẩm lí luận văn học phương Tây ấy biến thành lí luận văn học của Trung Quốc lại là một điều hết sức khó khăn. Lí luận văn học phương Tây có một số phương diện có thể tham khảo, nhưng nếu sao chép hoàn toàn thì ít có hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là một cuốn sách lí luận văn học nước ngoài dù hay, tuy có nhiều điểm được giới trí thức thừa nhận, nhưng chúng đều là sự tổng kết trên cơ sở kinh nghiệm văn học phương Tây và không hoàn toàn thích hợp với văn học Trung Quốc, do đó chúng ta phải đứng vững trên mảnh đất của mình để xây dựng lí luận văn học đương đại của mình. Những năm 80 có một số học giả đã bắt đầu đặt trọng điểm xây dựng lí luận văn học trên mảnh đất của mình, trong bối cảnh toàn cầu hoá, lấy chủ nghĩa Mác làm chỉ đạo, lấy Trung Quốc làm chủ thể, xác lập tính chủ thể của mình, tức là xuất phát từ hiện thực văn học của Trung Quốc, dùng con mắt và tri thức của người Trung Quốc để suy nghĩ các vấn đề lí luận, hấp thu các thành phần hữu ích của văn hoá nước ngoài, dùng cho người Trung Quốc. Điểm này khác hẳn với việc bài xích các tư tưởng văn hoá nước ngoài. Lí luận văn học cổ điển tự nó là những học vấn nảy sinh trên mảnh đất Trung Quốc, tự nhiên không cần phải nói đến, trong mấy chục năm qua nghiên cứu lí luận văn học cổ điển có được một bước tiến vượt bậc; điều khó khăn nhất là nghiên cứu lí luận cơ bản, Trung Quốc hoá chúng như thế nào lại là một vấn đề rất không dễ. Nhưng trong việc tìm tòi các vấn đề về đặc trưng thẩm mĩ của văn học, quan điểm bản chất của văn học, phong cách học văn học, ngôn ngữ văn học, tu từ văn học, phạm trù lí luận văn học, ý thức Trung Quốc hoá là một vấn đề rất sáng tỏ. Từ giữa những năm 90 về sau, tức là lúc tư tưởng toàn cầu hoá được phổ biến, trào lưu văn hoá hậu hiện đại ngày càng thấm sâu vào giới học thuật Trung Quốc, các vấn đề văn hoá, văn học thế giới và vấn đề văn hoá, văn học dân tộc gây nên những cuộc tranh luận, rất nhiều học giả đã kiên trì lập trường Trung Quốc, đứng vững trên mảnh đất dân tộc, nhưng lại chủ trương hoà nhập vào văn học thế giới làm cho hai phương diện trên được phối hợp vừa bổ sung cho nhau lại vừa thấy rõ sự khác biệt, nêu ra chủ trương văn học từ nay về sau vừa là mang tính dân tộc vừa là mang tính thế giới, phản đối việc lấy giá trị phổ biến của phương Tây để đo lường giá trị văn học Trung Quốc. Hơn nữa trong một số học giả chủ trương đem nghiên cứu văn hoá thay thế nghiên cứu lí luận văn học, cũng có người có quan điểm độc đáo, có kinh nghiệm phong phú, nêu ra phương hướng thi pháp học văn hoá mang bản sắc Trung Quốc và đứng vững trên mảnh đất Trung Quốc.
3. Tinh thần nhân văn và sự khoa học hoá của lí luận văn học đương đại. Từ những năm 80 của thế kỉ trước đến nay, lí luận văn học phương Tây được đưa vào Trung Quốc liên tục, nhất là các lí luận của chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, mĩ học hiện tượng luận đã có tác dụng to lớn đối với việc thúc đẩy quá trình khoa học hoá của lí luận văn học đương đại. Vấn đề tác phẩm văn học đương đại tồn tại như thế nào, lí thuyết về các tầng lớp trong cấu trúc tác phẩm văn học của hiện tượng học và phê bình mới đã giải quyết được một cách tương đối khoa học vấn đề phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, các lí thuyết về “lạ hoá” của chủ nghĩa hình thức Nga, tức là việc đổi mới cảm giác, về tính văn học đều có gợi ý cho chúng ta trong việc nhận thức đặc trưng của văn học, lí thuyết cấu trúc khép kín của tác phẩm của chủ nghĩa cấu trúc cũng có gợi ý nhất định đối với chúng ta, tuy nhiên chúng chỉ bàn đến bản thể luận của tác phẩm nhưng chưa hề giải quyết hình thức tồn tại văn học, tức là bản thể luận văn học. Bốn yếu tố văn học của một học giả Mĩ được trích dẫn rất nhiều, điều ông ta nói đến đề cập được mấy phương diện của văn học, nhưng vẫn chưa phải là bản thể luận văn học, tức là hình thức tồn tại của bản thân văn học. Còn như các vấn đề khác và yếu tố khác của văn học mà các học giả nước ngoài khác nói đến cũng đều có giá trị tham khảo ở mức độ khác nhau đối với chúng ta trong việc thúc đẩy lí luận văn học không ngừng khoa học hoá. Tham khảo các lí luận nói trên, học giả Trung Quốc sẽ cấu tạo thành các nhân tố của văn học- ngôn ngữ, tu từ, tượng trưng và xã hội, lịch sử, tư tưởng- và dung hợp chúng thành một thể hữu cơ, xác lập phương pháp chỉnh thể đối với nghiên cứu văn học, xây dựng bản thể luận văn học, tức hình thức tồn tại của văn học. Nhưng lí luận văn học là khoa học nhân văn, với tư cách là lí luận khoa học, tất nhiên nó đòi hỏi phải thông qua tri thức và phương pháp thực chứng để tiến hành xem xét nhiều vấn đề, nhưng bất cứ khoa học nhân văn nào cũng đều thấm nhuần khuynh hướng chủ quan của tác giả, hai phương diện này phải được kết hợp hữu cơ với nhau mới làm cho khoa học về văn học có được sự tiến bộ. Tinh thần nhân văn của lí luận văn học thấm nhuần mối quan tâm đối với số phận con người, đối với vận mệnh của dân tộc, tức là tinh thần văn hoá dân tộc mà ở  đó dân tộc chúng ta tồn tại và phát triển, đó là ý thức nhân văn lấy con người làm gốc. Nhìn chung, khuynh hướng chủ đạo của lí luận văn học thời kì này đều chan chứa tinh thần nhân văn, tuy có một số nhà lí luận có chủ trương  phản văn hoá. Từ những năm 80 của thế kỉ trước đã bắt đầu thảo luận về chủ nghĩa nhân đạo và vấn đề nhân tính, văn học là sự khẳng định của nhân học, cuộc tranh luận về tính chủ thể của lí luận văn học, cuộc thảo luận về tinh thần nhân văn của văn học, quan niệm văn học theo tinh thần lí tính mới, văn học và đạo đức, tầm nhìn nhân văn của lí luận văn học, v.v…, đều chứng tỏ tinh thần nhân văn và ý thức ưu thời mẫn thế của lí luận văn học nước ta, một thứ tinh thần văn hoá dân tộc. Tư tưởng lấy con người làm gốc bao gồm tinh thần nhân văn và ý thức ưu thời mẫn thế là tinh thần chủ đạo có cội nguồn trong văn hoá ưu tú của Trung Quốc, là tinh thần văn hóa dân tộc phát triển không ngừng, nó cũng thấm nhuần trong lí luận văn học đương đại của chúng ta, còn như sự kết hợp với tính khoa học lại tạo thành một đặc sắc nữa của lí luận văn học Trung Quốc đương đại.
Diện mạo và đặc trưng của các công trình lí luận văn học được đề cập trên đây làm cho lí luận văn học Trung Quốc về đại thể đã hình thành một hình thái mới có đặc sắc Trung Quốc, có sáng tạo mới, có tính độc đáo, cởi mở, năng động và nhiều hình thức. Ở điểm này chúng ta tuyệt đối không nên tự phụ, nhưng cũng không cần tự khiêm. Quan điểm như thế có thể sẽ bị chỉ trích bởi những người cho rằng mọi lí luận văn học nước ngoài đều tốt, mọi lí luận văn học trong nước đều hỏng. Nhưng chủ nghĩa hư vô về văn hoá như thế thì sẽ không đi đến đâu.
Thành tựu lí luận văn học ba mươi năm qua là rất to lớn, nhưng cũng tồn tại rất nhiều vấn đề. Như trên đã nói với sự xác lập của nền kinh tế thị trường, với ảnh hưởng mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hoá, với kĩ thuật thông tin ngày càng phát triển, nghệ thuật thị giác ngày càng phồn vinh, sắc thái thẩm mĩ hoá đời thường ngày càng đậm đặc, lại một lần nữa làm cho ý thức thẩm mĩ của mọi người biến đổi lớn. Điều đó dẫn đến việc hình thức tồn tại của văn học sẽ nảy sinh những thay đổi quan trọng, bản đồ của văn học sẽ ngày càng thu hẹp, tác phẩm kinh điển không ngừng bị giải cấu trúc, làm nảy sinh các trào lưu tư tưởng khác nhau. Đứng trước tình hình đó đối với nhiều vấn đề mới chúng ta còn có nhiều điều chưa hiểu, do đó phải điều chỉnh cách suy nghĩ, tích cực hướng tới những hiện tượng mới đang xuất hiện ngày càng nhiều trong sáng tác văn học, nghiên cứu những vấn đề mới do chúng đặt ra. Muốn tăng cường sự đánh giá đối với chúng, trước mắt mối quan hệ giữa lí luận và sáng tác, phê bình còn có nhiều hiện tượng tách rời và không ăn nhịp, những kiến thức mà chúng ta vốn có đã không còn thích ứng mà đổi mới kiến thức lại là một vấn đề rất lớn. Văn hoá và lí luận văn học phương Tây vốn có rất nhiều kinh nghiệm lí luận có thể tham khảo, các giáo trình lí luận văn học nước ngoài gần đây đã được phiên dịch và xuất bản ở nước ta, nhưng chúng ta cần phải tiến hành giám định, đánh giá, không thể sao chép. Những công trình ấy đều là sự khái quát lí luận đối với văn học của nước họ hoặc là cách hiểu về văn bản của các trường phái khác nhau, trong đó nội hàm chính trị rất đậm, kiến thức văn học đích thực đã ngày càng phai nhạt. Nhưng điều còn quan trọng hơn là phải xác lập ý thức về vấn đề, ý thức về vấn đề không chỉ thể hiện ở chỗ hiểu biết về vấn đề, nghiên cứu vấn đề, mà chính là vấn đề sáng tạo lí luận mới, phải dựa trên cơ sở những kiến thức đã tích luỹ, nghiên cứu vấn đề mới, nêu ra vấn đề mới. Nêu ra vấn đề mới không phải là làm cho mọi người ngạc nhiên trố mắt, không phải là chạy theo trào lưu thời thượng. Những chuyện giật gân, chạy theo thời thượng thường chỉ là những biểu hiện bề ngoài, trước mắt là mất, không có ích gì cho sự tiến bộ của lí luận văn học. Chúng ta phải đứng vững trên kinh nghiệm văn học mà chúng ta có trong sáng tác cũng như trong quá trình phát triển, với thái độ cởi mở, bao dung, với tinh thần đại lượng, hấp thu các loại dưỡng chất mới, kết hợp với thức tế mà đề ra vấn đề mới, giải thích vấn đề mới, tiến hành sáng tạo mới về lí luận. Có lẽ chúng ta không thể đem những cái mới tuy không phải là gió lùa hang trống, nhưng không chịu được thử thách của thực tiễn và kinh nghiệm văn học mà xem như là tư duy mới, cách nghĩ mới, khởi điểm mới trong việc nghiên cứu vấn đề mới của chúng ta.
Lịch trình lí luận văn học ba mươi năm qua đem lại cho chúng ta một cơ hội để phản tư, nhận thức lại vấn đề và suy nghĩ về tương lai. Lí luận văn học vừa là khoa học của bản thân văn học, vừa là khoa học nhằm nâng cao tinh thần của con người, một thứ khoa học nhân văn lấy con người làm gốc, đồng thời cũng là một khoa học phê phán. Trong quá trình này chúng ta cần phải tự giác đi theo các nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật lịch sử, tiến hành đối thoại và làm cho thông hiểu nhau, đưa việc thảo luận và nghiên cứu các vấn đề tiến sâu thêm một bước nữa, trong quá trình sáng tạo lí luận phải đi đến những chân trời mới, cách thức mới của lí luận văn học, trong cuộc giao lưu về lí luận văn học Trung Quốc và nước ngoài, chúng ta phải tiến lên hàng đầu, đứng vững trong cánh rừng lí luận văn học của thế giới1
       7 – 2007
                                                                                                                                                                                                  Trần Đình Sử dịch

(*) GS – Viện Nghiên cứu văn học Trung Quốc
Nguồn:  Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2007. Bản vi tính Copyright © 2012 - PHÊ BÌNH VĂN HỌC

No comments:

Post a Comment