Trang

Thursday, May 24, 2012

BI TÌNH SỬ GIỮA CAMILLE CLAUDEL VÀ AUGUSE RODIN

Bất kỳ người phụ nữ nào là tình nhân của một bậc thiên tài cũng thường phải chịu bất hạnh. Nỗi bất hạnh đó lại càng nhân lên, nếu người phụ nữ đó xinh đẹp và có tài lại phải chịu lép vế bậc thiên tài đó. Điều này hoàn toàn đúng với nhà nữ điêu khắc, họa sĩ đồ họa Camille Claudel từng là bạn tình của nhà điêu khắc vĩ đại Pháp Auguste Rodin và cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho ông. 

Nụ hôn, tác phẩm của Rodin
Camille sinh ngày 8/12/1864 tại một làng nhỏ thuộc tỉnh Champagne nước Pháp, lớn lên trong một gia đình giàu có. Ngay từ nhỏ, Camille đã rất say mê nặn tượng bằng đất sét. Sau khi theo bố mẹ chuyển về Paris sinh sống, tháng 4/1881, Camille lúc đó tròn 17 tuổi được cha đưa đến gặp một nhà điêu khắc danh tiếng thời đó là Alfred Bush và cho ông xem những tác phẩm đầu đời của cô. Thấy Camille có năng khiếu, nhà điêu khắc đã nhận dạy (hồi đó ở Pháp nữ bị cấm vào học tại các trường mỹ thuật). Hai năm sau, đã diễn ra cuộc gặp gỡ định mệnh giữa cô và bậc thầy điêu khắc thế giới AugusteRodin hơn cô 24 tuổi.
Ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên, Rodin đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp ngọc ngà của thân hình với khuôn mặt thanh tú đầy chất trí tuệ cộng với tính dịu dàng và năng lực chuyên môn của cô gái mới chớm tuổi 19. Thoạt đầu cô gái làm mẫu, sau đó trở thành học trò xuất sắc và cũng là người trợ giúp cho người thầy tạc tượng này. Đúng là trời định. Giữa Camille và Rodin đã nổ ra tiếng sét tình yêu. Cô vô cùng yêu phục nhà điêu khắc thiên tài. Rodin cũng yêu rất say đắm Camille - một cô gái tài năng đầy quyến rũ, luôn khơi dậy ở ông những rung cảm sáng tạo nghệ thuật.
Hiềm một nỗi, Rodin đã có vợ, dù chỉ là một phụ nữ chân quê, ít học nhưng luôn hy sinh vì ông. Làm sao nhà tạc tượng vĩ đại lại không chán người vợ cục mịch, khi hằng ngày làm việc bên cạnh cô gái trẻ, đẹp, thông minh đã thực sự trở thành Thi thần của mình trong hoạt động điêu khắc. Một thời gian dài, cả bố mẹ Camille, cả người vợ của Rodin là Rose Bore, không hề biết là họ yêu nhau.
Rodin và Camille đã thuê một xưởng tạc tượng riêng ở đại lộ Itali. Nơi đây không chỉ trở thành tổ ấm của đôi tình nhân, hơn thế, từ tổ ấm này, tình yêu của Camille đã chắp cánh cho Rodin và làm bừng lên ở ông niềm hưng phấn tạo hình vô tận để cho ra đời những kiệt tác nổi tiếng thế giới. Về phần mình, trong khi vừa làm mẫu vừa là trợ lý cho ông, Camille còn là đồng tác giả với người tình là thần tượng của mình và cũng tạo ra những tác phẩm khá hấp dẫn.
Em là tất cả những gì ở anh và anh sẽ đem hết sức mình đế từ tấm thân tuyệt mỹ của em anh tạc thành những tòa thiên nhiên thánh thiện» - Rodin thường nói như vậy với người tình trong những năm tháng họ cùng chung sống và sáng tạo. Còn Camille đáp lại: «Em không bao giờ phá vỡ cuộc đời anh. Em mãi mãi là nguồn cảm hứng của anh».
Chín năm sau, mối tình vụng trộm của họ bị lộ. Giữa gia đình Camille và Rose Bore, vợ của Rodin, đã xảy ra những cuộc to tiếng. Trong cơn sốc nặng và cảm thấy bị xúc phạm, Camille đề nghị Rodin phải chọn một trong hai giải pháp: hoặc bỏ vợ, hoặc bỏ cô. Rodin đã không thể bỏ vợ, vì ông có một con trai với người vợ này.
Camille cay đắng từ bỏ người yêu và ở thuê một căn hộ nhỏ, sơ sài cách không xa xưởng tạc tượng, nơi cô và Rodin từng cùng lao động nghệ thuật và cùng tận hưởng những giây phút thăng hoa của tình yêu lứa đôi. Còn nhà điêu khắc tài năng những ngày đó vô cùng đau khổ, vì thiếu vắng người bạn tình. Ông tìm mọi cách đến với Camille. Nhưng mỗi lần đến, Camille đóng cửa và không tiếp. Ông cũng nhiều lần mời Camille đến xưởng tạo hình ở đại lộ Itali như muốn nhen lại lửa tình giữa họ từng ngút cháy nay đã lụi tàn. Camille một mực từ chối...
Hàng tuần lễ nhà nữ điêu khắc tài năng mà bất hạnh không ra khỏi nhà. Bà lặng lẽ, miệt mài sáng tạo. Bằng những cảm xúc được chồi lên từ lòng căm hờn và phẫn uất, bà tạo ra những bức tượng không còn cái thần Rodin từng ngự trị trong trái tim bà nữa. Bấy giờ Camille đã ngoài 30 tuổi, cuộc sống của bà ngày càng túng bấn. Đôi lần Rodin đến nài nỉ van xin được mời Camille cùng đi dự tiệc. Nhưng người học trò cũ và cũng là bạn tình một thời đã khước từ với lý do không có quần áo đẹp để đến giao lưu với tầng lớp quý phái...
Những ngày đó, Camille bắt đầu có những biểu hiện mắc bệnh tâm thần phân liệt. Bà luôn nghĩ chính Rodin đã ăn cắp những ý tưởng sáng tác của bà, đã cải biên lại những tác phẩm điêu khắc của bà và biến chúng thành của mình... Trong tâm trạng chán chường và suy sụp, Camille tự giam mình trong nhà. Cùng với thời gian, bệnh hoang tưởng ở bà ngày càng nặng. Lúc nào bà cũng tưởng là Rodin đang rình rập tìm cách hại bà. Đầu năm 1905, bà tin cho một người bạn của mình và cũng là người làm mẫu rằng Rodin đã phái những người lạ mặt trèo qua cửa sổ vào nhà bà ban đêm để giết hại bà...
Năm 1913, Camille chuyển đến sống tại nhà tế bần. Bà đã sống ở đây 30 năm cuối đời. Những năm đó Camille lúc nào cũng hoang tưởng là người hại bà trong sự nghiệp tạo hình chính là Auguste Rodin và đổ lỗi cho ông đã gây ra cho bà những thất bại và bất hạnh. Mỗi lần nhà điêu khắc vĩ đại đến thăm người yêu cũ tại khu tế bần, bà lại trút lên ông những lời nguyền rủa cay độc. Sau đó, các thầy thuốc đề nghị ông không nên tìm gặp bà nữa. Paul Claudel, em trai bà, một nhà văn, nhà ngoại giao nổi tiếng đã mang đến cho bà đất sét và thạch cao để bà tạo ra những tác phẩm. Thoạt đầu bà còn sáng tác, nhưng rồi bà chán chường, đập nát những tác phẩm của mình, rũ bỏ hẳn nghệ thuật và sống khép mình đến cuối đời.
Còn Rodin thì không thể nào quên Camille rất đỗi yêu quý. Ông đã tạc những bức tượng mang hình ảnh người tình theo trí nhớ và có ý định triển lãm. Thậm chí, nhà điêu khắc huyền thoại đã đưa hình ảnh Camille và mối tình giữa ông với bà vào những sáng tác của mình và bày chúng trong phòng riêng. Nụ hôn  và Mùa xuân vĩnh cửu là những kiệt tác phản ánh chuẩn xác nhất cái hồn cốt Camille và mối tình bốc lửa giữa ông và nhà nữ điêu khắc Pháp tài năng mà bất hạnh. Tháng 2/1917, Rose Bore qua đời. Cuối năm đó, Rodin 77 tuổi cũng chết. Trong cơn mê sảng lúc lâm chung ông luôn nói: «Ôi, Camille, Camille thân yêu của anh, em đừng nỡ bỏ anh. Ôi, Camille yêu quý».
Camille Claudel mất ngày 10/10/1943, hưởng thọ 79 tuổi. Trước khi bà qua đời, người em trai đã đến thăm, nhưng bà không nhận ra. Theo di chúc của bậc thầy điêu khắc, ngày nay tại viện bảo tàng mang tên Auguste Rodin ở Paris  trưng bày cùng những pho tượng nổi tiếng thế giới của ông, còn có cả những tác phẩm không kém phần xuất sắc của Camille Claudel - người ông rất yêu, nhưng rồi tình yêu đó cộng với hoàn cảnh đời tư của ông đã không chỉ làm cho ông phải chịu khổ đau, mà hơn thế, đã gây ra tấn bi kịch cuộc đời Camille Claudel.
***
Không chỉ là nhà điêu khắc xuất sắc, Camille Claudel còn là một họa sĩ đồ họa nổi tiếng. Bà sinh trưởng trong một gia đình, cha là thương gia, mẹ là con chủ đồn điền. Nếu người mẹ nghiêm khắc tìm mọi cách ngăn cản con gái theo con đường nghệ thuật, thì người cha luôn ủng hộ, động viên Camille thực hiện hoài bão. Trước những cấm đoán đầy nghiệt ngã của mẹ, Camille đã nhiều lần bỏ nhà đi, tìm cách thực hiện ước mơ trở thành nhà tạc tượng. Sinh thời Camille từng nói: «Tôi sinh ra để hiến mình cho những điều cao cả nhất của nghệ thuật».

Tuổi chín chắn, tác phẩm của Camille
Thật là sai lầm nếu cho rằng nhờ có quan hệ với Rodin, Camille mới gặt hái được nhiều trong nghệ thuật tạc tượng. Thực ra, bà là một nhà điêu khắc xuất sắc. Nhà phê bình hội họa tên tuổi Pháp Oktav Mirabo đã nhận xét về Camille Claudel: «Sự nổi loạn và phản kích từ một tính cách dịu dàng chính là một phần biểu hiện thiên tài ở người phụ nữ». Trong những tác phẩm điêu khắc đầu tay của Camille có nhiều nét thể hiện bà bị ảnh hưởng bởi phong cách Rodin, đặc biệt là bố cục sinh động, làm sáng rõ nội dung tác phẩm và sự nhịp nhàng của những đường nét ở mỗi tác phẩm.
Khác với Rodin luôn tạc những pho tượng bằng những nét phác to, bạo tay, Claudel  thường biểu hiện những xung động của trái tim mình trên những bức tượng mảnh mai được tạc một cách tinh tế mang tính cuồng nhiệt vốn là nét đặc trưng phong cách của bà. Điều này được phản ánh rõ ở một trong những tác phẩm xuất sắc nhất - bức tượng Điệu valse bằng đồng thau (1893) miêu tả sự gắn quyện giữa hai con người đang yêu nhau thắm thiết trong đường lượn của điệu valse toát lên không chỉ niềm vui lâng lâng của tình cảm, mà cả sự đắm đuối.
Cũng có thể kể tới tác phẩm Tuổi chín chắn (1900), khắc họa một bà lão lôi kéo theo mình một người đàn ông luống tuổi với vẻ mặt buồn và mệt mỏi và quỳ sau họ là một cô gái giơ tay cố níu giữ người đàn ông đang rời bỏ mình. Qua tác phẩm này, người xem thấy rõ Camille muốn thể hiện kịch tính của mối quan hệ giữa mình với Rodin. Giới phê bình hội họa thế giới có chung nhận xét cái hồn của những tác phẩm điêu khắc của Camille có nhiều nét giống với Rodin. Giống một cách ngẫu nhiên. Điều này được phản ánh ở những tác phẩm của Camille có trước khi gặp Rodin. Tuy nhiên, phân tích kỹ những tác phẩm của bà, người ta thấy bà luôn luôn có tư duy nghệ thuật độc lập, có cá tính sáng tạo rất riêng.
Sau này, khi đã dứt tình  với nhà điêu khắc vĩ đại, và chỉ còn nỗi căm giận, những tác phẩm của bà không còn yếu tố Rodin. Đó là những sáng tác của thời kỳ không Rodin. Thậm chí, Camille thể hiện một cách bóng gió trong những tác phẩm của mình thái độ tuyệt giao dứt khoát với người mà bà đã dâng hiến tất cả, nhưng do hoàn cảnh của cuộc sống riêng, người đó đã vô tình ruồng bỏ bà và gây cho bà bao nỗi đau.
Từ năm 1903, Camille Claudel bắt đầu trưng bày những tác phẩm của mình tại các salon Nghệ thuậtMùa thu ở Pháp. Những năm đầu thế kỷ 20 rất nhiều mạnh thường quân của bà, đặc biệt là những nhà kinh doanh sản phẩm nghệ thuật đã quảng bá những tác phẩm của bà, nhờ vậy Camille Claudel được các giới khác nhau trong xã hội Pháp thời đó và nhiều nước biết đến.
Từ sau khi qua đời, những pho tượng do bà tạc càng có sự thu hút và nhận được sự đánh giá cao của giới tạo hình thế giới. Một điều nữa không thể không nhắc đến là, nhà nữ điêu khắc, họa sĩ đồ họa nổi tiếng Pháp Camille Claudel đã có một cuộc sống mới khác sau khi trở về cõi vĩnh hằng. Đó là thân thế, sự nghiệp và cuộc đời riêng của bà đã được tiểu thuyết hóa, được đưa lên màn ảnh hay được khắc họa trong kịch múa.
ĐÀO HÙNG
(Theo các website Nga)

No comments:

Post a Comment