Xem thêm:
(Nhân đọc bài “NAM TRIỀU CÔNG NGHIỆP DIỄN CHÍ – CUỐN TIỂU
THUYẾT LỊCH SỬ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM” của tác giả Nguyễn Văn Dân trên Văn
nghệ trẻ số 16, và được đăng tải trên wedsite của Hội nhà văn Việt Nam, ngày
16/04/2012:
Bài viết “NAM TRIỀU CÔNG NGHIỆP DIỄN CHÍ – CUỐN TIỂU
THUYẾT LỊCH SỬ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM” của Nguyễn Văn Dân đã làm rõ một số
đặc điểm của “Nam triều công nghiệp diễn chí” trong bối cảnh tiểu thuyết lịch
sử Việt Nam thời trung đại, có sự soi chiếu với Tam Quốc diễn nghĩa
(Nguyễn Văn Dân gọi là Tam Quốc chí !) của La Quán Trung. Tuy nhiên,
chúng tôi nhận thấy, bài viết có nhiều vấn đề sai sót, nhầm lẫn cần được trao
đổi lại.
Nam triều công nghiệp diễn chí là cuốn tiểu
thuyết lịch sử đầu tiên của Việt Nam?
Trong bài viết nêu trên, mặc dù tác giả khẳng định
“Nam triều công nghiệp diễn chí là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Việt
Nam” ngay từ tiêu đề, nhưng nội dung toàn bài không hướng đến chứng minh
điều này, có lẽ người viết coi đây là sự thật hiển nhiên, đã được thừa nhận!
Thực tế, chưa có nhà nghiên cứu có uy tín về văn học trung đại Việt Nam nào
thừa nhận điều đó cả. Vậy, Nam triều công nghiệp diễn chí có phải là
cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Việt Nam hay không ?
Tiểu thuyết lịch sử, theo Từ điển thuật ngữ văn học
(1), nằm trong “thể loại văn học lịch sử” “bao gồm các tác phẩm
văn học nghệ thuật, sáng tác về đề tài và nhân vật lịch sử”. Theo đó, một
tác phẩm được coi là “cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên” phải đồng thời
đáp ứng được hai yêu cầu: một, đề tài lịch sử, hai, thời gian xuất hiện: trước
tiên so với các tác phẩm cùng loại. Như vậy, Nam triều công nghiệp diễn chí chỉ
đáp ứng được yêu cầu đầu tiên (đề tài lịch sử). Trước khi Nguyễn Khoa Chiêm
viết tác phẩm này (năm 1719), ở Đàng Ngoài, Hoan Châu ký (2)
(còn gọi là Thiên Nam Liệt Truyện Nguyễn Cảnh Thị Hoan Châu ký, Thiên
Nam liệt truyện) do một vị tổ của dòng họ Nguyễn Cảnh tại Nghệ An (Hoan Châu xưa) viết, đã ra đời được trên dưới 20
năm: niên hiệu Chính Hòa thứ 17, Bính Tý (1696). Đây là một cuốn tiểu thuyết
viết dưới hình thức gia phả của họ Nguyễn Cảnh ở Hoan Châu (nay là Nghệ An, Hà
Tĩnh), tái hiện một giai đoạn lịch sử trên 270 năm của dân tộc, từ vãn Hồ (năm
1406) cho đến Lê trung hưng, đời Hy Tông, năm Vĩnh Trị thứ 3 (1678). Xét từ hai
tiêu chí trên, rõ ràng, chỉ Hoan Châu ký mới đủ tư cách là cuốn tiểu
thuyết lịch sử đầu tiên của nước ta chứ không phải Nam triều công nghiệp
diễn chí.
Trong bài viết của mình, Nguyễn Văn Dân có nhắc
tới Hoan Châu ký, nhưng là để “không kể” (theo ông, tác phẩm này
chỉ là “cuốn gia phả lịch sử viết dưới dạng tiểu thuyết chương hồi”) chứ
không xác nhận vai trò mở đường cho tiểu thuyết lịch sử của nó. Hoan Châu ký
tuy là cuốn “gia phả” – lịch sử dòng họ, nhưng yếu tố tộc sử vẫn
không làm mất đi tinh thần tôn trọng sự thực của quốc sử. Hơn nữa, Nguyễn Cảnh
là dòng họ có nhiều nhân vật gắn liền với bối cảnh chính trị và lịch sử Việt
Nam trong thế kỷ XVII – XVIII, do vậy, yếu tố tộc sử không tách rời, nếu không
muốn nói mang tầm thước quốc sử. Trong sự ảnh hưởng một chiều, chính tính chất
“gia phả” lại khiến tác giả ghi chép các sự kiện quốc sử một cách công
tâm, thậm chí chi tiết, đầy đủ hơn các bộ chính sử vốn chịu sức ép quyền lực từ
tầng lớp cầm quyền.
Các bộ quốc sử như Đại Việt sử ký toàn thư
(ĐVSKTT), phần Bản kỷ tục biên (BKTB) và Trung hưng thực lục (THTL)
do được viết theo chỉ dụ của triều đình nên nhất loạt “đều đề cao họ Trịnh,
hạ thấp vua Lê. Thậm chí những chỗ họ Trịnh phản lại vua Lê, sách cũng chép
xuyên tạc để ca ngợi” (Đại Nam văn tuyển thống biên, dẫn theo Trần
Nghĩa trong Lời giới thiệu Hoan Châu ký). Hoan Châu ký, trái lại,
vẫn giữ thái độ trung lập, do vậy, viết về việc vua Lê Anh Tông băng, tinh thần
nhân văn bộc lộ rõ: “Đến ngày Quý Mão 22, ngự giá về đến Lôi Dương. Bảng
quận công Tống Đức Tín (Vị) vào chầu. Vua mất. Việc này thôi không nhắc tới ở
đây nữa” (Hồi hai, Tiết thứ nhất) (3), còn khi viết về chúa
Trịnh, bộ sử họ Nguyễn Cảnh cũng không ngần ngại nói sự thực: “Họ Trịnh coi
thường hoàng tộc, lập người họ xa, như vậy làm sao báo đáp được công ơn của Lam
Sơn bình Ngô ngày trước” (Hồi hai, tiết thứ ba) (4).
Tác phẩm cũng đưa vào cả những sự kiện lịch sử mà xưa
nay, quốc sử bỏ sót, như: năm Vĩnh Tộ thứ tám, Bính Dần (1626), Thanh Đô Vương lấy Đô đốc Đồng trị Thắng
quận công Nguyễn Cảnh Hà tiến đánh họ Mạc ở
Cao Bằng. Một số văn kiện hành chính cấp nhà nước không thấy chép trong Bản
Kỷ Tục Biên, nhưng lại có trong Hoan Châu Ký: tờ biểu Lê Bá Ly xin
vua Lê kéo quân ra Bắc đánh Thăng Long, tờ biểu Phùng Khắc Khoan gửi vua Minh
khiếu nại về cái chức "An Nam Đô thống sứ", bức thư mật Trịnh
Tùng dụ con là Trịnh Xuân vào chầu, sắc văn và chế văn triều đình ban phong
chức tước cho những người có công trong dòng họ Nguyễn Cảnh... Vì thế, không
thể coi yếu tố “gia phả” là lý do để chúng ta bác bỏ vai trò mở đường cho tiểu
thuyết lịch sử Việt Nam của Hoan Châu ký. Nếu đem đối sánh với nhiều tác
phẩm văn học viết dưới dạng thư từ hay luận thuyết triết lý,… trong văn chương
Đông, Tây tự cổ chí kim sẽ thấy rằng, hình thức “gia phả” chứa đựng nội dung tiểu
thuyết lịch sử của Hoan Châu ký là điều hoàn toàn bình thường, có thể
coi như sự dung hợp thể loại.
Khi khẳng định “Nam triều công nghiệp diễn chí là
cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Việt Nam”: “Nam triều công nghiệp
diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm mà đó thực sự mới là cuốn tiểu thuyết lịch sử
đầu tiên của văn học Việt Nam”, chắc hẳn Nguyễn Văn Dân đã nhầm lẫn hai
khái niệm: tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết chương hồi. Đây là hai loại hình
tiểu thuyết hoàn toàn khác nhau, giữa chúng có sự giao thoa trên một số khía
cạnh cơ bản: cùng thuộc loại tự sự viết bằng văn xuôi (để phân biệt với loại
trữ tình và tự sự viết bằng thơ), tính chất hư cấu văn học được tác giả ý thức
rõ ràng và được thể hiện trên nhiều mặt. Tuy nhiên, chúng cũng có sự khác nhau
rất căn bản: một bên nhấn mạnh tới đề tài “lịch sử” (tiểu thuyết lịch
sử), bên kia, nhấn mạnh tới hình thức “chương hồi”. Đôi khi, hai yếu tố
này cùng được thể hiện trong một tác phẩm, tạo nên tiểu thuyết lịch sử
chương hồi, như: Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung), Thủy hử (Thi Nại Am),
Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Hoàng Việt long hưng chí (Ngô Giáp
Đậu),… Ở Việt Nam thời trung đại, do tiểu thuyết bằng văn xuôi không phát triển
nở rộ nên tuyệt đại đa số tác phẩm thuộc thể loại này đều viết về đề tài lịch
sử và có hình thức chương hồi (vay mượn từ Trung Hoa), do thế, nhắc đến tiểu
thuyết lịch sử đồng nghĩa với nhắc đến tiểu thuyết chương hồi.
Trên thực tế ở Trung Hoa, có rất nhiều cuốn tiểu thuyết
chương hồi nhưng không phải là tiểu thuyết lịch sử, tiêu biểu nhất: Kim Bình
Mai (Tiếu Tiếu Sinh), Tây Du Kí (Ngô Thừa Ân), Hồng Lâu Mộng (Tào Tuyết Cần,
Cao Ngạc),… Đến đây, chúng tôi xin nhấn mạnh lại: trong tiến trình văn học Việt
Nam trung đại, Hoan Châu ký là tác phẩm tiên phong cho loại hình tiểu
thuyết lịch sử, đồng thời cũng mở đầu cho tiểu thuyết lịch sử chương hồi/tiểu
thuyết chương hồi. Điều này cũng đã được nhiều nhà chuyên môn khẳng định, tiêu
biểu là PGS. Trần Nghĩa: “Thể loại truyện văn xuôi viết theo kiểu chương hồi
trong lịch sử tiểu thuyết cổ Việt Nam thì phải đợi đến thế kỷ XVII mới được
chính thức thành lập với sự xuất hiện của HCK (Hoan Châu ký – LN)” (Lời
giới thiệu Hoan Châu ký).
Kết cấu theo “quyển” thể hiện sự “hiện đại hoá tiểu
thuyết chương hồi” Việt Nam ?
Kết cấu của Nam triều công nghiệp diễn chí gồm
tám quyển thay vì tám hồi như đa phần các tiểu thuyết chương hồi khác, về bản
chất, không có gì khác nhau: mỗi quyển (cũng như mỗi hồi) đóng vai trò trình
bày một hệ thống sự kiện lịch sử liên đới, có thể kết thành một cụm sự kiện
tương ứng một chuỗi thời gian nhất định. Lại nữa, tác phẩm được chia thành tám
quyển là sản phẩm của hậu thế chứ không phải của Nguyễn Khoa Chiêm, bằng chứng
còn sót lại trên văn bản là, kết thúc một số quyển, tác giả vẫn giữ motif “hạ
hồi phân giải” như các cuốn tiểu thuyết chương hồi thông thường khác, ví
dụ: kết thúc quyển bốn: “Chưa biết bọn Tú Phượng vào Nam báo tin ra sao, xem
hồi sau sẽ rõ” (5), kết thúc quyển năm: “Chưa biết sự
việc hư thực ra sao, xem hồi sau sẽ rõ” (6). Nguyễn Đăng Na –
chuyên gia hàng đầu về văn xuôi trung đại Việt Nam, từng đặt nghi vấn về vấn đề
này: “vấn đề của chúng ta là, nguyên từ đầu, Nguyễn Khoa Chiêm đã chia tác
phẩm của mình thành 8 quyển hay chia thành bao nhiêu hồi?” (7),
và sau đó, ông khẳng định: “Nam triều công nghiệp diễn chí vốn được kết cấu
theo kiểu chương hồi” (8). Do đó, việc chia tác phẩm thành tám
quyển hoàn toàn không có ý nghĩa “Nguyễn Khoa Chiêm đã có ý thức đơn giản
bớt các quy ước của tiểu thuyết chương hồi”, lại càng không đạt đến mức: “Nguyễn
Khoa Chiêm đã muốn “hiện đại hoá” tiểu thuyết chương hồi” như tác giả
Nguyễn Văn Dân cao hứng định giá.
Một điểm nữa, khi sửa bản gốc của Nguyễn Khoa Chiêm,
mục đích của người đời sau là nhằm biến tác phẩm của ông thành một bộ sử, chứ
không phải tạo ra một tác phẩm văn học. Tên gọi tác phẩm, theo đó, đã từng được
đổi từ “diễn chí” (thuộc loại hình văn chương): Nam triều công nghiệp
diễn chí thành “chí truyện” (thuộc loại hình lịch sử): Việt
Nam khai quốc chí truyện. Ngay cách tổ chức tác phẩm thành “quyển” của Nam
triều công nghiệp diễn chí như các văn bản chúng ta có ngày nay cũng theo
kiểu kết cấu của các bộ sử kinh điển: Hán Thư (Ban Cố), Tam Quốc chí
(Trần Thọ), An Nam chí lược (Lê Tắc), Đại Việt sử ký toàn thư
(Ngô Sĩ Liên),… Vì thế, tuyệt không thể có chuyện “các nhà văn Việt Nam
trước đây (những người biên soạn lại Nam triều công nghiệp diễn chí
– LN) cũng đã có ý thức về việc làm này (việc hiện đại hóa tiểu thuyết
chương hồi - LN)” như quan điểm của Nguyễn Văn Dân. Sự sáng tạo của Nguyễn Khoa
Chiêm so với tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc (tiêu biểu là Tam Quốc diễn
nghĩa), có chăng, không phải ở sự tổ chức tác phẩm từ cấp độ tổng thể mà
nằm ở cách tiếp cận các sử kiện bên cạnh bút pháp kể chuyện – vấn đề căn bản
của tác phẩm tự sự; vấn đề này, xin được đề cập trong dịp khác.
Cũng trong bài viết đã nêu, tác giả còn mắc một số sai
sót đáng tiếc khác, chẳng hạn: xác định sai niên đại ra đời của tác phẩm: “Nguyễn
Khoa Chiêm soạn sách Nam triều công nghiệp diễn chí năm 1719 (năm thứ 22
đời chúa Minh vương)”, đúng ra phải là năm thứ 29 đời chúa Minh
vương Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) (9); gọi tên sai cuốn tiểu
thuyết chương hồi “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung đời Minh thành
“Tam Quốc chí” – một trong 24 bộ sử (nhị thập tứ sử) nổi tiếng
Trung Hoa, do Trần Thọ đời Tấn soạn (Nguyễn Văn Dân có cả thảy 4 lần gọi
tên “Tam Quốc chí” để chỉ “Tam Quốc diễn nghĩa”, và coi nó là “tiểu
thuyết”, chẳng hạn như: “Rõ ràng, cùng với việc tác giả luôn nhắc đến
các nhân vật và sự kiện trong Tam quốc chí để liên hệ và so sánh, những chi
tiết hoang đường và khác thường này cho ta thấy tác giả chịu ảnh hưởng lớn như
thế nào từ cuốn tiểu thuyết trên đây của Trung Quốc”). Viết “Nam triều
công nghiệp diễn chí”, mục đích của Nguyễn Khoa Chiêm là sáng tác văn học,
vì lẽ ấy, ông chịu ảnh hưởng từ tác phẩm văn học của La Quán Trung, chứ không
phải từ cuốn lịch sử của Trần Thọ, tự bài viết của Nguyễn Văn Dân cũng vô tình
minh chứng điều đó.
Ngoài những vấn đề trên đây, một số luận điểm khác của
Nguyễn Văn Dân, chúng tôi cũng chưa hoàn toàn nhất trí, như khi ông nhận định
các bài thơ trong Nam triều công nghiệp diễn chí “hiển nhiên là của
tác giả”, hay phân tích sự ảnh hưởng của “Tam Quốc diễn nghĩa” (ông
gọi là “Tam Quốc chí”) tới việc “đưa thêm yếu tố hoang đường vào
truyện” của Bảng Trung Nguyễn Khoa Chiêm,… Nhưng do khuôn khổ một bài báo
không cho phép, chúng tôi mạn phép khất lại ở lần sau.
LUÂN
NGUYỄN
Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ
Theo: -
http://phongdiep.net/
____________________________
Chú thích:
1, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ
điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo Dục, Hà Nội, trang 302.
2, Nguyễn Cảnh thị, Nguyễn Thị Thảo (dịch quốc ngữ),
Trần Nghĩa (khảo đính, giới thiệu) (1988), Hoan Châu ký, NXB Khoa học xã
hội, Hà Nội.
3, Nguyễn Đăng Na (2000), Văn xuôi tự sự Việt Nam
thời trung đại, Tập 3, Phần Thiên Nam liệt truyện, NXB Giáo
Dục, Hà Nội, trang 436.
(Các trích dẫn Nam triều công nghiệp diễn chí
trong bài đều lấy từ tài liệu này)
4, Nguyễn Đăng Na (2000), Văn xuôi tự sự Việt Nam
thời trung đại, Tập 3, Phần Thiên Nam liệt truyện, NXB Giáo
Dục, Hà Nội, Sđd, trang 457.
5, Nguyễn Đăng Na (2000), Văn xuôi tự sự Việt Nam
thời trung đại, Tập 3, Phần Thiên Nam liệt truyện, NXB Giáo
Dục, Hà Nội, Sđd, trang 232.
6, Nguyễn Đăng Na (2000), Văn xuôi tự sự Việt Nam
thời trung đại, Tập 3, Phần Thiên Nam liệt truyện, NXB Giáo
Dục, Hà Nội, Sđd, trang 313.
7, 8, Nguyễn Đăng Na (2000), Văn xuôi tự sự Việt Nam
thời trung đại, Tập 3, Phần Thiên Nam liệt truyện, NXB Giáo
Dục, Hà Nội, Sđd, trang 130.
9, Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2001), Các triều đại Việt
Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, trang 332.
No comments:
Post a Comment