Trang

Thursday, May 24, 2012

NGUYỄN TRỌNG BÌNH: VĂN XUÔI TRẺ, COI CHỪNG “LẤY RỔ MÚC NƯỚC”!

1. Tôi biết sẽ có không ít người sẽ cảm thấy buồn bực khi đọc cái tiêu đề của bài viết này. Biết vậy, nhưng tôi không thể không nói lên cái suy nghĩ thật của mình khi nghĩ về các tác phẩm văn xuôi của các nhà văn trẻ (lớn lên sau ngày đất nước thống nhất - 1975) trên văn đàn hiện nay mà tôi được đọc.

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi có gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù.
(Thơ Bùi Giáng)

1. Tôi biết sẽ có không ít người sẽ cảm thấy buồn lòng khi đọc cái tiêu đề của bài viết này. Biết vậy, nhưng tôi không thể không nói lên cái suy nghĩ thật của mình khi nghĩ về các tác phẩm văn xuôi của các nhà văn trẻ (lớn lên sau ngày đất nước thống nhất - 1975) trên văn đàn hiện nay mà tôi được đọc.
Trước hết, tôi cũng thú thật rằng hình ảnh “lấy rổ múc nước” là hình ảnh mà tôi mượn từ cách nói của cố nhà văn Sơn Nam theo như lời kể của nhà văn Võ Đắc Danh trong bài viết: “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” in trong quyển “Đó là Sơn Nam”, nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2009.
Ngoài ra, sở dĩ tôi nói “Văn xuôi trẻ: coi chừng lấy rổ múc nước” một phần vì nhớ đến nhà văn Nguyễn Khải khi ông đã chân tình và dũng cảm tự nhận xét về văn nghiệp của mình trước khi đi vào cõi vĩnh hằng. Một người viết văn xuôi tầm cỡ như ông vậy mà đã phản tỉnh như thế này: “Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chẳng còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ? Nghĩ lại cũng chả có gì phải buồn, con người vốn sống trong những chiều kích hữu hạn lại mơ tưởng những gì do con người làm ra thuộc về vĩnh viễn, họa có rồ”. (Nguyễn Khải - Đi tìm cái tôi đã mất).
Nghĩ về Nguyễn Khải với sự phản tỉnh chân tình và nghiêm khắc này, tôi lại nhớ đến câu nói của R. Jakobson mà rất nhiều lần người thầy đáng kính của tôi (xin được không nêu danh ra ở đây) đọc và giảng cho tôi nghe rằng: “Chỉ khi nào một thời đại hoàn toàn diệt vong và khi sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các thành tố của nó không còn nữa; chỉ khi ấy giữa cái “nghĩa trang” nổi tiếng của lịch sử, vươn lên trên đủ loại đồ cổ là những “tòa lâu đài” thơ ca.”
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng không có ai định nghĩa về “thơ ca” (hay rộng hơn và văn chương, văn hóa nghệ thuật nói chung) hay và sâu sắc như R. Jakobson. Nếu chúng ta thử thay hai từ “thơ ca” trong câu nói trên bằng từ “văn chương” hoặc “văn hóa” sẽ thấy không có gì sai.

2. Cũng phải thú thật là tôi không tài nào đọc hết tất cả tác phẩm rất nhiều cây bút trẻ viết văn xuôi trên văn đàn hiện nay. Tuy nhiên, cần phải nói rằng tôi đã đọc những cây bút tiêu biểu như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu, Dương Bình Nguyên, Trần Nhã Thụy, Phan Việt, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, DiLi, Phan Hồn Nhiên, Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Xuân Thủy, Trương Anh Quốc, Phan An, Đỗ Duy, Võ Diệu Thanh... Và trước hết, phải thừa nhận rằng, đọc những cây bút này trong tôi (ở từng thời điểm) cảm thấy rất hứng thú và phấn chấn tâm hồn. Tôi cảm ơn các bạn vì tôi biết các bạn cũng mệt mỏi và rã rời lắm mới có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật cho tôi thưởng thức. Tôi cũng cảm ơn các bạn vì nhờ những trang viết của các bạn mà đôi lúc tôi thấy mình cần phải điều chỉnh lại cái nhìn, cách nhìn cuộc sống của bản thân; nhờ những trang viết của các bạn mà tôi hiểu thêm thế nào là sự phong phú và đa dạng của vẻ đẹp cuộc sống trong những cái nhìn cũng rất phong phú, đa dạng và nhiều chiều kích; và nhờ những trang viết của các bạn mà tôi biết rằng mình cũng có lần “dự phần” vào đời sống văn học nước nhà thông qua những phát biểu con con như thế này.
Tuy nhiên, dù muốn dù không tôi cũng phải nói thật lòng mình đã không ít lần tôi cũng rả rời, mệt mỏi thậm chí là thất vọng về không ít những trang viết, không ít tác phẩm có phần nhạt nhẽo của các bạn. Có cảm giác các bạn như những người ngồi trên xe hơi và chạy đua với cuộc sống đang mỗi ngày mỗi biến chuyển ngoài kia mà quên rằng đã là nhà văn thì rất - nên - cần - phải - đi - bộ cho thật chậm để mà quan sát cuộc sống cho thật kỹ; để mà ngắm cuộc sống cho thật lâu; thấu hiểu cuộc sống cho thật tường tận... Phải chăng chính vì vậy mà các bạn vẫn ít khi cho độc giả (ít nhất là với tôi) thấy được những cái nhìn mang tính khái quát, cái nhìn chứa đựng những tư tưởng lớn lao, mạnh mẽ và sâu sắc về những vấn đề đã và đang diễn ra trong xã hội hiện nay (làm chúng ta phải giật mình vì “khiếp sợ”, vì “đau đớn” và “bức xúc”...). Cho nên, theo tôi cái mà độc giả hiện nay đang chờ đợi ở những trang viết của các bạn là phải làm sao “khái quát” những vấn đề của cuộc sống lên, phải “gọi tên” nó ra, phải định danh nó lại bằng những “tên gọi” có sức ám ảnh và “đóng đinh” vào tâm trí người đọc (kiểu như cách mà các bậc tiền bối của chúng ta đã từng làm được trước năm 1945 khi họ nhìn về thực trạng xã hội đương thời qua những “tên gọi” như: “Tắt đèn” - Ngô Tất Tố, “Số đỏ”, “Giông tố” - Vũ Trọng Phụng, “Đời thừa”, “Sống mòn” -Nam Cao...) chứ không phải chỉ chăm chăm vào mỗi việc “phản ánh” hay “phơi bày” một cách trần trụi tất cả những gì các bạn nhìn thấy trong lúc ngồi trên xe hơi.
Vì thế, riêng ở chỗ này tôi cho rằng, chỉ cần nhìn qua cách đặt tiêu đề cho đứa con tinh thần của các bạn thôi cũng phần nào nhận ra cái tính chất nhất thời trong cái nhìn cuộc sống - những vấn đề mà các bạn đặt ra trong những tác phẩm của mình. Một cơn gió lẻ (tôi muốn nói đến Gió lẻ của Nguyễn Ngọc Tư) có khi cũng cần đấy nhưng mà ngẫm lại nó chỉ làm người ta dịu mát trong chốc lát chứ không thể bất tận mãi được. Hay những bản nháp (Nháp - Nguyễn Đình Tú) trong cuộc đời con người cuối cùng rồi cũng phải gạt sang một bên để thay bằng một phiên bản mới (Phiên bản - Nguyễn Đình Tú). Còn những Blogger hay Sát thủ Online…ư, thật ra, cũng giống như những cái cái bóng bất quá cũng chỉ đè con người ta trong một vài giấc ngủ mê man nhất thời (tôi muốn nói đến những Blogger - Phong Điệp, Sát thủ Online - Nguyễn Xuân Thủy, Bóng đè - Đỗ Hoàng Diệu...). Thế nên, tuy không phủ nhận là đọc văn của các bạn cho thấy ở các bạn sở hữu một vốn tri thức rất rộng và khá sâu về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống nhưng thật đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, có cảm giác các bạn giống như những kẻ trong tay có rất nhiều tiền nhưng lại không biết sử dụng như thế nào để đồng tiền thật có ý nghĩa và nhất là không bị lãng phí. Vì vậy, mà theo tôi có khá nhiều (nếu không muốn nói là rất nhiều) tác phẩm của các cây bút trẻ hiện nay, nói như nhà phê bình Kiều Thanh Quế trước đây là: “Những cái mà người ta gọi là “áng văn chương” chẳng qua là một thác nước ồn ào cuồn cuộn chảy, là những lối văn rườm rà đầy những lời là lời, đầy những hình ảnh là hình ảnh mà rốt lại trống rỗng, trống rỗng như cái trống kêu rầm lên khi khua đến rồi cũng không để lại cho người đọc chút ấn tượng gì”.
Hay “…vẫn chưa thấy văn chương nào rắn rỏi, sành sỏi có thể chở được cái tư tưởng cải tạo xã hội”. (Kiều Thanh Quế - Cuộc tiến hóa Văn học Việt Nam (sách do Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh Hùng biên soạn), nhà xuất bản Thanh niên, năm 2009).
Tôi biết đọc đến đây, hẳn có người lại một lần nữa cảm thấy phiền lòng hoặc khó chịu vì cho rằng tôi đòi hỏi ở các cây bút trẻ, đòi hỏi văn chương phải mang tư tưởng này nọ cao siêu quá; cứ để yên cho họ viết… Nhưng mà biết sao được, dẫu sao thì tôi cũng đã trót nói rồi; dẫu sao tôi cũng đã trót đồng cảm với cách nghĩ, cách quan niệm về giá trị của một tác phẩm văn chương của nhà phê bình Kiều Thanh Quế mất rồi. Vì thử hỏi với hàng mấy trăm, mấy ngàn trang sách được viết ra để rồi cuối cũng lại giống như “cái trống kêu rầm lên khi khua đến rồi cũng không để lại cho người đọc chút ấn tượng gì” thì có phải là chỉ góp phần làm cho hao phí giấy in; làm cho hao mòn chính bản thân người viết và nhất là làm mất thời gian của độc giả không?
Tôi xin đơn cử hai trường hợp mà theo tôi là tiêu biểu nhất của văn xuôi trẻ hiện nay (Nguyễn Ngọc Tư - nhà văn nữ, cây bút truyện ngắn, Nguyễn Đình Tú - nhà văn nam, cây bút tiểu thuyết) để luận giải cho nhận định này của tôi.
Với tư cách bạn đọc, thật sự bản thân tôi rất vui khi thấy Nguyễn Ngọc Tư đã ít nhiều chạm đến cái “dữ dội và nhân tình” (chữ dùng của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên) của con người và xã hội thôn quê Nam bộ (mà không chỉ riêng Nam bộ) những năm đầu thế kỷ 21 bằng giọng văn “điềm đạm mà thấu đáo” (chữ dùng của nhà văn Dạ Ngân) qua “Cánh đồng bất tận”. Nhưng thật lòng tôi cũng không khỏi chạnh lòng và âu lo khi những cơn “Gió lẻ” hay những mảng “Khói trời lộng lẫy”... sau này của Nguyễn Ngọc Tư lại chỉ mới khơi gợi được những nỗi niềm riêng mà chưa chạm được vào cái nỗi đau chung như Cánh đồng bất tận đã từng làm được dù rằng cái “nội lực” văn hóa về vùng đất và con người Nam bộ trong Nguyễn Ngọc Tư vẫn còn đó.
Còn với Nguyễn Đình Tú, thật đáng nể thay cho sự cần mẫn, công phu và nghiêm túc của anh qua hàng mấy ngàn trang tiểu thuyết đầy ắp những sự kiện phong phú, sôi động, ầm ĩ và náo nhiệt nơi phố thị thời “a còng”. Phải thừa nhận rằng, qua những trang viết này, Nguyễn Đình Tú... ít nhiều đã nhận ra và dự cảm được những cú va đập, những sự rạn nứt hay những sự đổ vỡ của rất nhiều mối quan hệ của con người trong cuộc sống hiện đại ở môi trường đô thị (thực ra, ngoài Nguyễn Đình Tú thì còn một số nhà văn nữa cũng ít nhiều làm được điều này như như Nguyễn Danh Lam với Giữa dòng chảy lạc, Trần Nhã Thụy với Sự trở lại của vết xước, Phan An với Quẩn quanh trong tổ...). Thế nhưng theo tôi, trong cái nhìn so sánh, có cảm giác Nguyễn Đình Tú vẫn chưa dám “xả thân” hết cho văn chương nghệ thuật giống như Nguyễn Ngọc Tư đã từng (vô tình hay hữu ý) “xả thân” để làm nên một Cánh đồng bất tận gây xôn xao dư luận trước đây. Không biết có phải vì rào cản “nhận thức và tâm lý” của một người vừa là sĩ quan quân đội vừa là nhà văn chăng? Nếu thế thì thật tiếc cho anh và cho văn đàn. Bởi qua tất cả những Nháp, Phiên bản, Hồ sơ một từ tù, Kín, Bên dòng sầu diện... theo tôi, nếu dũng cảm và dám “dấn thân” hơn nữa, với nội lực tri thức cùng sự sung sức của tuổi trẻ hiện có Nguyễn Đình Tú hoàn toàn có thể khái quát lên thành một “Đổ vỡ” (tôi tạm gọi tên thế thôi) gì đó chẳng hạn - điều mà cá nhân tôi đang rất mong đợi ở anh. Và biết đâu khi ấy cùng với Nguyễn Ngọc Tư trên văn đàn sẽ có một “cặp đôi hoàn hảo”: một cây bút nam chuyên về tiểu thuyết cùng mảng đề tài ở khu vực đô thị, một cây bút nữ chuyên về truyện ngắn cùng mảng đề tài ở khu vực nông thôn?

3. Thôi thì, để kết thúc bài này, một lần nữa tôi muốn dẫn lại câu nói của R. Jakobson mà thầy tôi hay giảng để các bạn nhà văn trẻ yên tâm tiếp tục con đường văn chương tưởng xa mà gần, tưởng gần mà xa này:“Chỉ khi nào một thời đại hoàn toàn diệt vong và khi sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các thành tố của nó không còn nữa; chỉ khi ấy giữa cái “nghĩa trang” nổi tiếng của lịch sử, vươn lên trên đủ loại đồ cổ là những “tòa lâu đài” thơ ca”.
Vậy là yên tâm nhé các bạn nhé! Thật ra, thơ văn của các bạn hiện nay thì để người đời sau đánh giá chắc chắn sẽ chính xác hơn nhiều! Người đương thời (như cá nhân tôi đây) dù có nói gì đi nữa thật ra, cũng chỉ mang tính tham khảo mà thôi. Cũng giống như trước chúng ta (những thời đại, giai đoạn trước đây, hoặc gần đây thôi) có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn nhà văn, nhà thơ nhưng “vươn lên trên đủ loại đồ cổ” thì những “tòa lâu đài” văn chương thực thụ chẳng còn được bao nhiêu, phải không nào?

Nguyễn Trọng Bình
Nguồn: VHQN

No comments:

Post a Comment