Trang

Friday, May 4, 2012

ĐỌC “PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI”

(Nhân đọc Trịnh Bá Ðĩnh, Phê bình văn học Việt Nam hiện đại - NXB Văn học, H.2011)
Trong giới ngữ văn học, người ta biết đến Trịnh Bá Ðĩnh như một người có những công trình nghiên cứu, dịch thuật công phu với những tìm tòi tâm huyết, nhất là với hướng cấu trúc - ký hiệu học. 
Cuốn sách mới ra mắt gần đây của ông dường như lại nhắm vào một đề tài khác, là những vấn đề của nền phê bình văn học hiện đại nước nhà: lịch sử, các phương pháp của nó và những vấn đề đang được đặt ra trong lý luận phê bình hiện nay, hay như tác giả gọi là "phê bình văn học trong thời đại thông tin"...
Như tác giả đã viết trong Lời mở đầu, đây là công trình tập hợp những bài viết về phê bình văn học Việt Nam của ông trong mười năm trở lại đây. Một công trình như thế, tất không tránh khỏi một vài luận điểm và dẫn chứng, một vài cách diễn đạt nào đó có sự lặp lại, một số vấn đề đã giảm tính thời sự. Nhưng với người làm khoa học, nhất là trước đối tượng phức tạp và đa dạng như nghiên cứu - phê bình văn học trong hơn một thế kỷ qua, mười năm là khoảng thời gian cần thiết để người viết cẩn trọng, phân tích đầy đủ diện mạo, đánh giá đúng những thành tựu và hạn chế của hoạt động phê bình văn học nước nhà, từ đó đi tới đề xuất những vấn đề hữu ích đối với hoạt động phê bình văn học đương đại.
Về cấu trúc, cuốn sách được chia làm ba phần với ba trọng tâm khác nhau. Phần thứ nhất, tác giả nhận diện phê bình văn học Việt Nam thế kỷ 20 qua những phong cách phê bình, tập trung đánh giá lại những thành tựu và hạn chế của phê bình văn học Mác-xít. Tác giả dành nhiều trang viết tâm huyết giới thiệu và phân tích những phương pháp phê bình như phê bình cấu trúc luận, giải thích văn bản và so sánh văn học, phân tích tác phẩm theo cấu trúc - loại hình. Phần thứ hai, Trịnh Bá Ðĩnh tập trung phân tích các kiểu diễn ngôn phê bình đầu thế kỷ 20, lịch sử tiếp nhận - nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, đặc điểm của việc tiếp nhận tư tưởng lý luận văn học nước ngoài từ năm 1955 cho đến nay. Phần ba là những suy ngẫm của tác giả về thực trạng đời sống văn học đương đại và con đường của lý luận - phê bình văn học Việt Nam tương lai.
Trên những nét lớn, Phê bình văn học Việt Nam hiện đại có giá trị như một công trình nghiên cứu lịch sử và phương pháp phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. Phê bình được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau (và theo tôi đây là đóng góp chủ yếu của cuốn sách): Loại hình nhà phê bình, các kiểu diễn ngôn phê bình, số phận của các phương pháp phê bình, quá trình tiếp biến các tư tưởng lý luận văn học nước ngoài, sự vận động của các phương pháp phê bình xoay quanh lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều, chân dung một số nhà nghiên cứu - phê bình văn học tiêu biểu từ quá khứ đến đương đại. Ðể tiếp cận phê bình văn học Việt Nam từ nhiều góc độ như thế, tác giả là người đã đọc kỹ, nghiền ngẫm thấu đáo những công trình nghiên cứu phê bình tiêu biểu của thế kỷ vừa qua của các tác giả Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan, Ðào Duy Anh, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Bách Khoa, Ðặng Thai Mai, Phan Cự Ðệ, Hà Minh Ðức, Lê Ðình Kỵ, Phan Ngọc, Ðỗ Ðức Hiểu, Trần Ðình Sử, Ðỗ Lai Thúy, Vũ Ðức Phúc, Ðỗ Ðức Dục, Trần Ðình Hượu, Hoàng Trinh, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Lộc, Nguyễn Ðăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Lê Ngọc Trà... Những phương pháp phê bình cơ bản, những ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình nhà phê bình, những đặc điểm của từng kiểu diễn ngôn phê bình trong lịch sử đều được nhìn nhận, đánh giá công tâm, nghiêm túc và cẩn trọng. Chẳng hạn, nghiên cứu trường hợp Nguyễn Bách Khoa, ông cho rằng, hai quan điểm cơ bản đã từng bị phê phán kịch liệt từ nhiều phía của Nguyễn Bách Khoa (về tính độc lập tương đối của văn học, về sự khu biệt của văn học) lại là những điểm khả thủ nhất trong sự nghiệp phê bình - nghiên cứu của Trương Tửu nhìn từ hôm nay. Khảo sát trường hợp Lê Ðình Kỵ, ông chỉ ra rằng, chính quan điểm "không vì lý thuyết mà quên mất thực tiễn" đã giúp cho Lê Ðình Kỵ có những trang viết sánh ngang với Hoài Thanh, công trình về Truyện Kiều của ông nhờ đó sống được với thời gian.
Theo Trịnh Bá Ðĩnh, đặc điểm, thành tựu, hạn chế của phê bình văn học Việt Nam hiện đại là kết quả của các quá trình giao lưu văn hóa. Giao lưu càng rộng, càng đa dạng, đa diện thì bức tranh văn học càng sôi động và phê bình cũng đa sắc, thêm nhiều thành tựu. Từ năm 1955 đến cuối thập kỷ 80, chúng ta chỉ giao lưu, tiếp xúc chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa. Trong giới thiệu, tiếp nhận các quan điểm lý luận Mác-xít bộc lộ những phiến diện "đã làm tổn hại đến một trào lưu lý thuyết về văn học nghệ thuật chứa đựng nhiều chân lý và sáng tạo" (tr. 278). Về phía người nhận, hậu quả của quá trình tiếp thu máy móc và phiến diện đó là những quan điểm văn học nghệ thuật giáo điều, lý luận - phê bình văn học đã đi từ những uyển chuyển mềm mại đến những sự quy phạm hóa cứng nhắc, áp đặt, "làm giảm uy tín của phê bình nghiên cứu văn học theo tinh thần phản ánh luận" (tr. 266). Từ những năm 80 trở lại đây, cùng với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội, phê bình văn học "từ chân trời một phía đến chân trời nhiều phía". Chúng ta được tiếp thu nhiều "kênh", nhiều quan điểm, nhiều lý thuyết có khi trái ngược nhau, đời sống văn học và phê bình phức tạp, đa dạng, phong phú hơn.
Trịnh Bá Ðĩnh cho thấy, bản sắc truyền thống và yếu tố ngoại nhập, ưu nhược điểm của phê bình văn học Việt Nam đều thể hiện trong hơn hai thế kỷ phê bình nghiên cứu Truyện Kiều. "Việc dịch chuyển máy móc các phạm trù được phát hiện trong lịch sử văn hóa phương Tây sang các hiện tượng văn hóa các nước phương Ðông ẩn chứa nhiều hiểm họa" - đó là tư tưởng của N.I.Co-rát mà Trịnh Bá Ðĩnh tâm đắc (tr. 149). Nhưng ông cũng lưu ý rằng nếu tự khóa chặt mình, không có giao lưu, học hỏi, tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm nước ngoài, rất khó xây dựng một nền lý luận phê bình văn học hiện đại. Gắn với quá trình tiếp xúc đa dạng với thế giới bên ngoài, phê bình từ những năm 80 đến nay chuyển hướng, từ phản tư đến hội nhập. Nhận diện lý luận phê bình hiện nay, ông tin rằng phê bình đang trong xu hướng tiến tới tính hiện đại và nhân văn. Theo ông, phê bình lý luận phải được định hướng nhằm khám phá những giá trị nhân văn trong văn học, cổ vũ lòng dũng cảm, chia sẻ những bất hạnh, chất vấn lẽ sinh tồn của con người và phải được phát triển đồng bộ với các lĩnh vực khoa học nhân văn khác.  
Thông qua việc khảo sát những đặc điểm và diện mạo hơn một thế kỷ qua của phê bình văn học, Trịnh Bá Ðĩnh thường lồng ghép vào đó những quan điểm riêng của ông về nghề nghiệp và về văn chương. Theo ông, nghệ thuật không phản ánh hiện thực, nghiền ngẫm hiện thực mà đó là cách sống với hiện thực. Với ông, "ngôn ngữ ở trong chúng ta đồng thời chúng ta ở trong ngôn ngữ" (tr. 71), "ngôn ngữ luôn mang thông tin về hiện tại", "hàm chứa ký ức truyền thống" (tr. 52). Như thế, văn học vừa sống với hiện thực, vừa sống trong thế giới của nó:
Thế giới của ngôn ngữ. Ông cổ vũ những đổi mới văn học vì nhận thức rõ rằng "bất kỳ một tác phẩm cách tân táo bạo nào cũng dựa trên truyền thống". Tôi tâm đắc với tác giả khi ông cho rằng, lý luận - phê bình văn học chỉ có thể phát triển trong môi trường đối thoại. Không có đối thoại sẽ không có sáng tạo. Vì chỉ trong môi trường đối thoại, lý luận và phê bình mới đạt được sự thống nhất giữa tính hiện đại và tính nhân văn.

NGUYỄN VĂN THUẤN
Nguồn: Nhân Dân

No comments:

Post a Comment