Trang

Saturday, May 12, 2012

THI SĨ DU TỬ LÊ: NHỮNG ÁM ẢNH PHỐ PHƯỜNG

Dầu có muốn hay không, thì vẫn phải thừa nhận, Du Tử Lê là một tên tuổi. Tôi thích đọc Du Tử Lê, những bài thơ mang đậm nét đèn vàng phố thị hay hiu hắt tóc xanh. Hầu như trong giới viết lách ở Sài Gòn, ít nhiều đều thuộc vài câu thơ của Du Tử Lê. Thế nên, khi nghe nhà văn, nhà báo Đoàn Thạch Hãn buột miệng nói: “Tôi với Lê thân lắm”, thì tôi vội vã gửi lời nhờ: “Khi nào chú Lê có dịp về lại Việt Nam, chú cho con gặp với”. Hạnh ngộ, chỉ có bấy nhiêu.
Nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh Hà Quang Minh

1.
Tháng trước, đang tối mặt với công việc, thì chú Đoàn Thạch Hãn gọi. Mỏi mệt, tôi từ chối: “Con sẽ gọi lại cho chú sau”. Chú Hãn vội vã nói: “Du Tử Lê về, muốn gặp con”.
Chiều hôm sau, chú Hãn gọi lại. Bảo, chú đang ngồi với Du Tử Lê ở quán cà phê cóc trên đường Cao Thắng. Ban đầu, tôi mời Du Tử Lê ở quán cà phê xập xình kế bên. Đến quán, thấy cạnh quán xập xình và góc cà phê cóc, Du Tử Lê đã chọn quán cóc ấy.
Du Tử Lê ngồi trên ghế đẩu, áo sơ mi đóng thùng, ủi phẳng phiu, dáng người nhỏ, ngón tay thon dài… nhìn rất lành.
Gặp Du Tử Lê, tôi vui, miệng nói nhanh như tép nhảy, nói ào ào, nói bạt mạng. Nói đến mức về sau biết Du Tử Lê có vấn đề về thính giác, tự dưng nghĩ lại bỗng đỏ mặt.
Du Tử Lê có giọng nói nhỏ nhẹ, cách diễn đạt chậm rãi. Tôi đọc tiểu sử của Du Tử Lê thấy ghi, ngày mới sinh, Du Tử Lê có 6 ngón tay. Do mặc cảm nên sinh ra nhút nhát, lại sống với mẹ và vú nuôi, nên có xu hướng nữ tính. Không biết, điều này có đúng không.
Tôi hỏi, chú về được mấy ngày. Du Tử Lê trả lời, có mười ngày thôi. “Ít vậy hả chú?”, tôi ngạc nhiên. “Ừ, công việc cô (vợ của Du Tử Lê – NKL) bận quá”, lại từ tốn. Bà xã của Du Tử Lê đang công tác tại tờ Người Việt ở Cali.
Du Tử Lê, chú Đoàn Thạch Hãn và tôi nói nhiều về không khí văn chương trước và sau 1975. Cả làng báo ở trong nước và tại cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Có nhiều điểm khác biệt, có đôi nét tương đồng. Nhìn chung, cũng đều theo nghề chữ nghĩa, những ai là người lương thiện thì ở đâu cũng vậy, cá tính có thể khác nhau, nhìn nhận có thể riêng biệt nhưng tựu trung đều có lý tưởng, dẫu rằng, mỗi cá nhân đều có lý tưởng của chính mình.
Du Tử Lê bảo, Du Tử Lê thích những góc quán ở Sài Gòn. Những góc quán ám ảnh Du Tử Lê suốt trong những đêm nằm trên đất Mỹ. Du Tử Lê về lần này, có vài tờ báo muốn trò chuyện cùng ông, nhưng ông ngại.
Không phải ngại chuyện bên này, mà ngại về phía bên kia. Tôi có thưa, chuyện cũ qua lâu rồi, hậm hực với nhau mà làm gì, đều có tuổi cả. Du Tử Lê im lặng, ánh mắt thấp thoáng sự ý nhị.
Du Tử Lê nói, ông thích những người trẻ, như tôi. Tôi mỉm cười, bạo gan đọc “Tóc mới xanh thôi, nhưng lòng đã bạc nhiều”. Lý ra, câu chuẩn của Du Tử Lê là “Tóc đương xanh nhưng lòng đã bạc nhiều – Chân bé nhỏ đi trong sầu bão lớn”. Nhưng không sao, tôi thích đọc Du Tử Lê theo kiểu dị bản của tôi hơn.
Nhớ chú Đoàn Thạch Hãn có góp chuyện: “Lê thấy không, đó là hạnh phúc của một người làm thơ”. Tôi hỏi Du Tử Lê về căn nguyên cái chết của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, ông giải thích cặn kẽ, có đôi chỗ khác so với giai thoại.
Gặp nhau vài mươi phút rồi thôi, vì có nhà thơ nào đó mời Du Tử Lê ăn tối. Trước khi chia tay, ông có bảo ông vẫn duy trì việc sáng tác ở Mỹ. Vài năm trở lại đây, ông còn vẽ tranh.
Lần gặp thứ hai, tôi mời Du Tử Lê đi ăn trưa. Ông trả lời thích ăn các món Bắc. Tôi nhờ nhạc sĩ Hà Quang Minh chọn quán, vì ăn trưa tại Sài Gòn, tôi không rành lắm.
Quán ấm cúng, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Cao Vân, quận 1. Trước sân, có cây mít trĩu quả. Bữa ăn trưa có chú Đoàn Thạch Hãn, vợ chồng Du Tử Lê, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Hà Quang Minh và tôi.
Vẫn chỉ là chuyện văn chương. Lê Thiếu Nhơn kể nhiều về các lời đồn đoán trong giới văn nghệ sĩ hải ngoại. Du Tử Lê ngồi nghe Lê Thiếu Nhơn nói như hát hay. Tôi không biết khi đó, ông nghĩ gì. Hình như giữa Du Tử Lê và Hà Quang Minh có ngồi bàn tính với nhau về phương ngữ giữa hai miền Nam – Bắc. Tôi ngóng tai nghe, lòng không hứng thú lắm.
Chú Đoàn Thạch Hãn lên cơn mệt, mặt đỏ gay như gà chọi. Lâu lâu, tôi chen miệng vào một câu liên quan đến… chân dài, rất không liên quan.
Tàn trưa, Hà Quang Minh mời tất cả đi bộ sang quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng gần đấy để hàn huyên. Du Tử Lê đi bộ dọc theo hè phố đến quán. Vừa đến, đã ngồi thở dốc. Tuổi tác đè nặng trên vai…
Ngồi một lúc lâu, nhà thơ Phan Vũ mang cả Em ơi - Hà Nội phố đến.
Nhà thơ Phan Vũ vừa vào quán, đã sang sảng đọc. Đọc hết một đoạn rất dài trong Em ơi - Hà Nội phố, lại đọc sang các bài thơ khác. Đọc xong, thì kể chuyện, từ chuyện xa xưa cho đến chuyện gần đây.
Đọc xong, lại cẩn thận ký tặng Du Tử Lê bản thảo đánh máy một đoạn trong Em ơi - Hà Nội phố. Du Tử Lê đón nhận trân trọng, “Tôi nói thật, tôi chưa thấy ai viết về Hà Nội hay như anh”. Nhà thơ Phan Vũ cười khà khà, tay vân vê tẩu thuốc: “Giá mà có thời gian hơn, tôi còn viết ra nhiều hơn để tặng ông”. Suốt buổi, Du Tử Lê cứ lặp đi lăp lại lời khen với nhà thơ Phan Vũ: “Tôi chưa thấy ai viết về Hà Nội hay như anh”. Đang vui, nhà thơ Phan Vũ kể: “Năm nay tôi 73 tuổi, vợ tôi thì… 37. Vợ tôi mê nhất là thơ của Du Tử Lê, mê từ cái hồi còn đi học”.
Du Tử Lê đáp: “Còn tôi, mê nhất là vì sao anh 73 tuổi còn lấy được vợ 37 tuổi. Giả năm tôi 81 tuổi, có cách nào lấy vợ 18 tuổi hay không?”.
Đó là lần hiếm hoi, tôi thầy Du Tử Lê đùa.
2. Du Tử Lê có mời tôi, tối trước khi Du Tử Lê về Mỹ, cố gắng sang quán trên đường Trần Quốc Thảo ngồi uống rượu, nghe nhạc… Hà Quang Minh sẽ mời vài ca sĩ thân đến đàn hát cho vui. Tôi không từ chối, cũng không nhận lời, chỉ im lặng, Về sau, tôi không đến. Cho đến giờ, vẫn còn ân hận.
Sau này, nghe chú Đoàn Thạch Hãn kể lại, trên đường từ khách sạn ra phi trường Tân Sơn Nhất, Du Tử Lê có đọc bài viết mới nhất của tôi, hình như là bài Nỗi đau tiết hạnh in trên Chuyên đề ANTG Tuần, viết về nỗi đau của cô dâu bị nhà chồng trả về vì nghi ngờ mất trinh ở Cần Thơ, khen tôi rất nhiều.
Trước khi lên máy bay, Du Tử Lê có lấy điện thoại di động của chú Hãn để gọi chào tạm biệt tôi, tiếc là tôi không nhấc máy.
Đoàn Thạch Hãn còn bảo, Du Tử Lê có nói, lần này về Việt Nam mười ngày, Du Tử Lê gặp nhiều bạn bè cũ. Thích nhất là gặp được những người trẻ như Lê Thiếu Nhơn, Hà Quang Minh và tôi.
Tôi có thưa là tính tôi quan niệm dân viết lách phải bỗ bã, hảo hán gặp nhau phải uống ly rượu lớn, nói cười như không. Du Tử Lê đằm tính quá, nhiều lúc không có cảm giác thân mật.
Chú Đoàn Thạch Hãn phân trần, cái tính Du Tử Lê vậy. Giận hờn ít biểu lộ ra mặt. Với lại, Du Tử Lê cũng ngại những điều tiếng từ phía bên kia. Chứ nếu không thân ái với tôi, chắc chắn là Du Tử Lê không nhờ chú Đoàn Thạch Hãn gọi tôi ra cà phê trò chuyện.
Tôi nghe vậy, biết vậy.
Có hứa với Du Tử Lê rằng, sẽ biếu Du Tử Lê cuốn sách của tác gia Trần Trọng Kim, quyển VIỆT NAM SỬ LƯỢC. Một trong những cuốn sách tôi cực kỳ yêu thích.
Bỏ cả buổi trời, lang thang khắp các nhà sách tìm mua cho ông mà không thấy. Tặng ông quyển sách đang có ở nhà thì tiếc, cứ lần lữa mãi cho đến khi ông đi.
Tự nhủ, vài hôm nữa sẽ xin địa chỉ của ông ở Mỹ để gửi sang, chứ không thất hứa thì ngại quá.
Lần về Việt Nam này, Du Tử Lê không mang theo tác phẩm của ông. Ông ngại những phiền phức có thể gặp phải.
Hơn một lần, tôi định nói với ông là ông quan trọng hóa một vấn đề đơn giản. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, lại thôi.
Nhiều năm trôi qua, vết thương cũng bắt đầu khép miệng rồi, ký ức khi nhớ khi quên… mọi thứ có còn nặng nề như trước đây nữa đâu mà băn khoăn cho thêm phiền lòng.
Quý nhau vì một câu thơ hay, nên tìm đến với nhau hơn là tìm đến một giai thoại. Vốn dĩ, tôi không tin vào giai thoại. Bởi giai thoại là thứ đơn giản nhất người ta có thể tự nghĩ ra để “lừa” nhau, chỉ có chữ nghĩa là không thể giấu giếm.
“... Người về như bụi, vàng trang sách xưa, người về như mưa, soi tìm dấu cũ. Tôi buồn như cỏ, một đời héo khô, tôi buồn như gió, ngang qua thềm nhà, thấy ai ngồi đợi, bóng hình chia đôi, sầu tôi lụ khụ. Người về như sóng, buồn tôi quanh năm, người về như đêm, mơ hồ cõi chết, tình tôi phập phều, những tăm phụ bạc…”.
Một trong những đoạn thơ của Du Tử Lê mà tôi cực thích.
Tôi nhớ là, ở lần gặp đầu tiên, tôi có hỏi Du Tử Lê rằng: “Chú ạ, đời sống văn nghệ bên đó có vui không?”. Du Tử Lê không đáp, mắt hướng nhìn lá vàng rơi đang lúc gió, tràn cả mặt phố…
Có khi, đó cũng là một cách trả lời. Bởi mãi về sau, ông mới chậm rãi bảo, ông yêu Sài Gòn vô cùng…

Ngô Kinh Luân

Nguồn: ANTGCT

1 comment:

  1. Người thơ phong vận như thơ ấy, sao bạn đối xử với thi nhân như vậy, đọc buồn quá!

    ReplyDelete