Trang

Thursday, May 10, 2012

TRƯƠNG CẢM, TỪ LÂM TẶC ĐẾN TRẠM TRƯỞNG TRẠM KIỂM LÂM SỐ 1 VƯỜN QUỐC GIA BẠCH MÃ

Lận đận đời người nói tiếng chim trời

Trương Cảm là một người đàn ông bình thường, nhưng vô cùng đặc biệt. Bởi vì, trước khi trở thành cán bộ kiểm lâm, rồi Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1 của Vườn Quốc gia Bạch Mã như bây giờ, anh từng có một thời gian dài là lâm tặc. Bước chân của anh ngày trước đã giẫm nát rừng cấm Bạch Mã để săn tìm gỗ quý, bẫy thú, bắt chim để nuôi bản thân và gia đình. Ngày nay, bước chân anh cũng giẫm nát những góc rừng ở Vườn Quốc gia Bạch Mã nhưng là để giữ rừng và bảo toàn mạng sống cho hàng nghìn loài chim trời và thú hoang… 


Trương Cảm đang gọi chim trời
 Đôi lần qua lại với Vườn Quốc gia Bạch Mã, nghe Trương Cảm kể chuyện đời mình, kể chuyện giữ rừng của một con người nặng nợ với thiên nhiên, tôi thầm nhủ rằng, mình phải viết một cái gì đó về anh, về cuộc đời của một người đàn ông chân chất với nhiều khúc quanh định mệnh. Nói như Trương Cảm, bản thân anh cũng không thể nào hiểu nổi những gì đã xảy ra trong những ngày đã qua của cuộc đời mình.
Quê anh ở làng Phú Thạch, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày trước, cả làng anh đều là thợ rừng, hàng trăm gia đình đều sống nhờ vào cây cối, chim muông ở rừng Bạch Mã. 14 tuổi, Trương Cảm đã theo chân những người lớn trong làng để vào rừng mưu sinh. Bám vào những cánh rừng ấy, anh từng làm rất nhiều nghề để kiếm cơm, từ đốn củi, lấy gỗ, tìm trầm, đến bắt thú, bẫy chim…
Ngồi với tôi dưới tán thông xanh đang rì rào trong gió, Trương Cảm nhớ lại những ngày xa không thể nào quên trong ký ức của mình. Đó là những ngày đời sống kinh tế trong xã hội nói chung còn hết sức khó khăn. Mỗi người, mỗi gia đình đều phải quay quắt kiếm sống trong tình cảnh chuyện đứt bữa vẫn diễn ra hằng ngày. Gia đình anh đông con, cũng lâm cảnh nghèo túng như nhiều gia đình khác, nên ngày ngày anh phải vật lộn với rừng xanh để phụ giúp gia đình duy trì cuộc sống…
Những tháng năm dài anh lục lọi khắp các cánh rừng ở Bạch Mã, rồi rừng ở Quảng Nam, Kon Tum, thậm chí cả rừng Lào để tìm gỗ quý và trầm hương. Trải qua biết mấy buồn vui và khó nhọc, ngụp lặn miệt mài nơi rừng thiêng nước độc mà cuộc sống của anh vẫn mãi quẩn quanh trong cảnh khó nghèo. Lúc chạnh buồn, chàng thanh niên chất phác Trương Cảm mới thấy thấm thía câu nói truyền đời của cha ông mình là “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.
Không theo bạn nghề đánh cược với rừng xanh nữa, Trương Cảm quay lại làng mình để sớm trưa cày cuốc với ruộng đồng, nhưng vẫn chẳng đủ ăn nên lúc rảnh rỗi anh vẫn vào rừng để cải thiện cuộc sống bằng nghề bẫy chim.
Khoảng thời điểm đầu năm 1988, anh bẫy được rất nhiều chim trĩ sao, loại chim này nếu bán tại chỗ cho dân thương lái, mỗi con chỉ được chừng 100.000 đồng, nhưng có người mách nước cho anh rằng nếu đem vào Đà Nẵng hoặc lên Huế thì giá bán sẽ cao hơn. Vậy là sau mỗi lần bắt được trĩ sao, Cảm thường đón xe đò để mang chim vào Đà Nẵng bán cho chủ các nhà hàng, quán nhậu. Duy nhất có một lần, do đứng đón xe đi vào Đà Nẵng miết mà không được, có người lại bảo mang lên Huế bán cũng được giá chẳng thua kém gì ở Đà Nẵng đâu. Vậy là anh ôm con trĩ sao nhảy xe đò lên Huế. Tay ôm con chim, ngồi trước bến xe cả mấy tiếng đồng hồ mà chẳng có ai hỏi han một câu nào, vừa buồn, anh vừa đói, vừa lo không bán được chim thì lấy đâu tiền xe mà trở về nhà.
Chính trong cái thời khắc tuyệt vọng ấy lại có hai anh thanh niên ăn vận khá lịch sự rà xe đến hỏi mua chim. Trương Cảm hô giá là hai trăm năm mươi nghìn đồng, họ gật đầu cái rẹt. Nhưng với điều kiện anh phải theo họ về nhà lấy tiền chứ vì tiền họ mang theo không đủ trả. Cảm đồng ý và leo lên xe máy của hai thanh niên kia để theo họ về nhà. Hai thanh niên chở anh cùng con chim trĩ sao chạy lòng vòng một lúc rồi dừng lại trong một khu nhà có cái sân rất rộng, họ bảo anh để chim ngoài sân rồi vào nhà uống nước.
Bước vào nhà, Cảm mới biết hai thanh niên đi mua chim là cán bộ kiểm lâm và khu nhà mà họ đưa anh đến là Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Cho anh uống nước xong, họ bắt anh viết tờ khai và giải thích cho anh biết hành vi đánh bẫy trĩ sao mang đi bán là vi phạm pháp luật… có thể bị bắt giam. Cầm giấy bút từ tay anh cán bộ kiểm lâm, Trương Cảm đã thật thà khai báo hết mọi chuyện, đến cuối ngày, những cán bộ kiểm lâm tuyên bố tịch thu con trĩ sao, rồi cho anh tiền xe về quê với lời dặn là không được vi phạm thêm lần nữa.
Trở về nhà, suốt cả tháng trời, Trương Cảm thường xuyên bị rơi vào tâm trạng lo sợ, cứ nghe tiếng chim kêu là sởn hết gai ốc trên người. Rồi đến một ngày, khi anh đang ở nhà cùng mẹ thì trước cửa nhà anh xuất hiện một chiếc ô tô con, trên xe bước xuống năm, sáu người tây, ta có cả. Cứ nghĩ những người ấy đến để bắt mình vì tội bẫy chim rừng mang đi bán, nên anh chỉ kịp nói với mẹ một câu “mạ ơi, chắc họ tới bắt con đi đó…”, rồi ba chân bốn cẳng nhằm hướng cánh rừng trước mặt để chạy trốn. Đến đêm, khi mon men về lại và không thấy chiếc xe ô tô đỗ trước nhà mình nữa anh mới dám đạp hàng rào để vào nhà bằng cửa sau.
Vào nhà, mẹ anh kể lại, những người đến nhà sáng nay là cán bộ kiểm lâm của tỉnh và các chuyên gia của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Thế giới WWF. Họ đến tìm để nhờ anh giúp đỡ trong việc đi tìm dấu vết của trĩ sao. Cầm trên tay bức thư của những người khách để lại, anh bán tín bán nghi, nhưng cuối cùng anh cũng đồng ý hợp tác theo lời đề nghị của những vị khách này. Thế là, tự tay anh làm bẫy, rồi cắt rừng dẫn các chuyên gia của WWF tiến về hướng rừng thuộc huyện Nam Đông.
Đến vùng nhận định có trĩ sao sinh sống, anh bắt đầu đặt bẫy, nhưng hơn hai ngày trôi qua, những chiếc bẫy ấy vẫn không hề có động tĩnh gì. Đoàn chuyên gia bắt đầu tỏ ra nghi ngờ, có người còn cho rằng những con trĩ sao anh mang đến bán ở bến xe Huế là do anh buôn từ nơi khác về chứ không phải là chim do anh bẫy được trong rừng cấm Bạch Mã. Trương Cảm cam đoan với các chuyên gia rằng anh sẽ bắt được trĩ sao nhưng xem ra lời cam kết ấy không mấy thuyết phục các chuyên gia của WWF. Với kinh nghiệm của mình, anh biết rằng vào độ tháng ba là mùa chim trĩ động dục, mùa chim múa nên việc bắt chim cần phải có thời gian.
Buổi sáng ngày thứ tư kể từ lúc giăng bẫy, khi mọi người trong đoàn vẫn còn đang say giấc ngủ trong lán trại thì Trương Cảm lặng lẽ vác rựa gõ vào dè cây, bất ngờ anh nghe tiếng chim trĩ đáp vì loài chim này có một đặc điểm là hễ nghe thấy có tiếng động là chúng kêu lên. Nghe tiếng chim kêu và đoán hướng, Trương Cảm đánh thức mọi người trong đoàn dậy và khẳng định khoảng 15 phút nữa sẽ bắt được chim.
Đúng 15 phút sau, Cảm dùng rựa gõ vào dè cây nhưng không nghe tiếng chim trĩ trả lời. Anh vui mừng thông báo với các chuyên gia là trĩ sao đã mắc bẫy nên mọi người theo anh để bắt chim. Cả đoàn hăm hở đi đến vị trí đặt bẫy thì y như rằng một con trĩ sao đã đến tuổi trưởng thành với 12 chiếc lông đuôi dài hơn 2 mét đang bị mắc bẫy. Các chuyên gia của WWF vui mừng ôm chầm lấy anh rồi nhảy cẫng lên vui sướng vì đó là lần đầu tiên họ nhìn thấy con chim trĩ sao ở rừng Bạch Mã. Sau khi đeo khoen cho chim, họ nhanh chóng thả chim về rừng và rút lui một cách êm ái. Sau này, anh mới được nghe kể lại, sau chuyến vào rừng đặt bẫy để bắt trĩ sao, các chuyên gia của WWF đã có những cuộc làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Trong những lần làm việc đó, các chuyên gia đã đề nghị với ngành Kiểm lâm rằng: “Các ông nên tuyển dụng cái ông “sát thủ” đó vào lực lượng của các ông, nếu để ông ấy ở ngoài, ông ấy sẽ bắt hết chim ở rừng Bạch Mã. Hơn nữa sau này ông ấy sẽ thật sự có ích trong việc nghiên cứu và bảo tồn các loài chim ở đây”.
Như duyên tiền định, cuối năm 1988, khi anh đang giúp gia đình gặt lúa thì có một người tìm đến rồi nói: “Em có về Bạch Mã ở với anh không? Anh sẽ cho em nuôi chim thỏa thích…”. Cảm gật đầu đồng ý và trở thành người kiểm lâm từ đó. Còn người đã bỏ công đi tìm để đưa anh về rừng Bạch Mã ngày đó chính là Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo - Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã bây giờ.
Tôi hỏi anh, ngày đó từ một tay lâm tặc có hạng bỗng chốc trở thành cán bộ kiểm lâm thì tâm trạng anh thế nào? Trương Cảm chân thành bảo rằng, ngày ấy với anh là những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được. Đến với rừng cấm Bạch Mã, anh bắt đầu được hướng dẫn để học mô tả trực quan, từ đó mới có cơ sở để nhận định tên từng loài chim sinh sống ở vùng này. Ví như con chim trĩ sao mà trước đó anh từng bắt để bán cho các quán nhậu hoặc ăn thịt là một loài chim cực kỳ quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Tên khoa học của nó là Rheinardia ocellata. Ai có hành vi buôn bán loài chim này là vi phạm pháp luật…
Một khó khăn lớn khác là những ngày đầu khoác trên mình sắc phục kiểm lâm để đi truy quét lâm tặc, đại đa số những người bị anh bắt đều là bạn nghề của những ngày hôm qua, người làng, người trong họ hàng thân thích… Nhiều người khi có người thân bị bắt, đã không tiếc lời nhiếc mắng anh, nguyền rủa anh, nhưng may thay cuối cùng rồi mọi người cũng hiểu.
Trương Cảm đặt tên cho cậu con trai cả của mình là Trương Bảo Lâm, có nghĩa là giữ rừng như một cách để tri ân với những người đã tạo dựng cho anh cuộc sống mới và đó là một sự sám hối chân thành nhất với thiên nhiên. Giã từ những ngày lặn lội kiếm tìm miếng ăn trong những cánh rừng xa tít tắp, Trương Cảm trở thành một cán bộ kiểm lâm, được tham dự nhiều cuộc hội thảo, được tập huấn nhiều kỹ năng về bảo vệ thiên nhiên. Năm 1993, anh được cơ quan cho đi học đại học tại chức ở Trường Đại học Nông nghiệp Huế.
Với đề tài “Sự phân bố và phát triển loài trĩ sao ở Vườn Quốc gia Bạch Mã” luận văn tốt nghiệp của anh đã được các giáo sư hướng dẫn lẫn phản biện đánh giá cao và thống nhất cho điểm 10/10. Trong những ngày học tập tại Trường Đại học Nông nghiệp Huế, anh đã giành được một suất học bổng để đến vùng Nor Pas De Pais (Pháp) để nghiên cứu về các loài chim. Tại đây, anh được các giảng viên người Pháp đặc biệt ngưỡng mộ về khả năng nhại giọng các loài chim của anh.       
Với Trương Cảm, anh thông tỏ tính khí, tiếng hót của từng loài chim ở rừng Bạch Mã. Anh bảo, nơi nào có chim gõ kiến kêu thì đó là vùng rừng bình yên nhất, có tất cả các loài chim hội tụ. Hôm nay con cu rốc kêu thì ngày mai chắc chắn trời mưa; con chích chòe than trông thì nhỏ xinh đến thế nhưng nó có cơn ghen còn hơn cả con người(?!). Anh cho biết, khu hệ động vật ở đây rất phong phú với nhiều loài đặc hữu và quí hiếm. Cho đến nay các nhà khoa học đã ghi nhận được 1.493 loài động vật bao gồm: 132 loài thú (chiếm 1/2 số loài thú ở Việt Nam), 358 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 57 loài cá, 894 loài côn trùng đang có mặt trong Vườn. Trong tổng số các loài hiện thống kê được, đã có đến 68 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là những loài cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.
Trong số 358 loài chim hiện có ở Vườn Quốc gia Bạch Mã, Trương Cảm có biệt tài có thể nhại giọng của hơn 200 loài chim trời. Một đàn khướu bay qua, chỉ cần anh cất tiếng gọi là cả đàn chim đều dừng lại râm ran chuyền cành. Nghe tiếng chim, anh có thể biết được chim đang vui vẻ hay chim đang tình tự hoặc là chim đang hoảng sợ vì bị những tác động xung quanh… Nhờ vậy mà trong những lúc tuần tra, anh thường huýt sáo để gọi chim trời, nghe tiếng chim đáp trả là anh biết ngay vùng rừng ấy có bình yên hay không. Mỗi lần cất tiếng gọi chim mà nghe tiếng chim đáp trả có âm hưởng dáo dác là ngay lập tức anh gọi bộ đàm cho an em triển khai công tác tuần tra kỹ càng hơn, thường những lúc đó, các anh đều phát hiện thấy bóng dáng của những kẻ phá rừng.
Nếu một ngày nào đó, ai trong chúng ta có dịp ghé qua Bạch Mã để theo chân Trương Cảm khám phá tour du lịch “Tiếng gọi chim trời”, hẳn rằng lúc ấy sẽ cảm nhận được hết những gì thú vị trong con người anh. Anh là một con người bình thường nhưng vô cùng đặc biệt, biết dùng ngôn ngữ của mình để trò chuyện với chim muông. Anh bảo những gì anh có được hôm nay là một phần định mệnh và anh rất hạnh phúc với định mệnh ấy.

Phan Bùi Bảo Thi

1 comment: