Hai
câu thơ trong Truyện Kiều: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ
hội là đạp thanh” dường
như không có gì khó hiểu. Nhà thơ giới thiệu cái dịp để chị em Thúy Kiều đi
chơi xuân. Các em học sinh phổ thông học đoạn này cũng không có gì thắc mắc.
|
Nhưng khi đọc kỹ lại phần chú giải,
chúng tôi thấy có đôi điều suy nghĩ. Hầu hết các bản Truyện Kiều đều có
chú hai từ “thanh minh” và “đạp thanh” song đều chưa rõ hoặc chưa đầy đủ.
Thí dụ trong Truyện Kiều tập chú của Trần Văn Chánh, Nguyễn Văn Anh chú: “Thanh minh là tiết Thanh minh, sau tiết Xuân phân 15 ngày”; Tản Đà chú: “Thanh minh là một tiết trong mùa xuân, thuộc về đầu tháng 3”; trong Truyện Kiều- bản Nôm cổ nhất của Nguyễn Quảng Tuân chú: “Thanh minh: theo Âm lịch, một năm chia làm 24 tiết, tiết Thanh minh là một tiết trong mùa xuân, nhằm khoảng đầu tháng 3 Âm lịch”; Trương Vĩnh Ký chú: “Thanh minh: ngày mồng 3 tháng 3 đi giẫy mả”; sách giáo khoa lớp 9 phổ thông chú cũng không khác mấy.
Thí dụ trong Truyện Kiều tập chú của Trần Văn Chánh, Nguyễn Văn Anh chú: “Thanh minh là tiết Thanh minh, sau tiết Xuân phân 15 ngày”; Tản Đà chú: “Thanh minh là một tiết trong mùa xuân, thuộc về đầu tháng 3”; trong Truyện Kiều- bản Nôm cổ nhất của Nguyễn Quảng Tuân chú: “Thanh minh: theo Âm lịch, một năm chia làm 24 tiết, tiết Thanh minh là một tiết trong mùa xuân, nhằm khoảng đầu tháng 3 Âm lịch”; Trương Vĩnh Ký chú: “Thanh minh: ngày mồng 3 tháng 3 đi giẫy mả”; sách giáo khoa lớp 9 phổ thông chú cũng không khác mấy.
Vậy là các lời chú đều giải thích
cho tiết Thanh minh chứ không phải cho Tết Thanh minh, trong khi
câu thơ phải hiểu là: Tết Thanh minh (diễn ra, xảy ra, hoạt động) trong tiết
tháng ba (tiết trời tháng ba).
Chỗ này cần phân biệt rõ hai từ
Tết và Tiết. Tết là từ Việt, mượn từ Hán và đọc chệch đi: Tiết
thành Tết. Tiết trong tiếng Hán có nhiều nghĩa: 1) đốt tre; 2)
từng đoạn; 3) chỗ nối 2 đoạn; 4) một bộ phận trong một chỉnh thể; 5) tiết trời;
6) mốc phân chia giai đoạn biến đổi của khí hậu, thời tiết; 7) ngày lễ hội kỷ
niệm hoặc mừng vui v.v… tất cả 19 nghĩa khác nhau. Tiếng Việt tiếp thu hầu hết
các nghĩa đó với âm đọc Tiết, nhưng riêng với nghĩa thứ 7 thì chuyển thành Tết.
Vậy trong câu “Thanh minh trong
tiết tháng ba” cần chú thích: Thanh minh là Tết Thanh minh (nghĩa thứ 7 của
Tiết ), nằm trong tiết trời tháng ba.
Tiếp đó mới nói rõ hơn: Tiết tháng
ba chính là Tiết Thanh minh (Tiết theo nghĩa thứ 6), một trong 24 tiết
khí của lịch cổ Trung Quốc. Lịch pháp Trung Quốc căn cứ vào sự vận chuyển của
trái đất xung quanh mặt trời biểu hiện thành từng mốc thay đổi của thời tiết,
khí hậu, chia ra thành 24 tiêu chí gọi là Tiết khí hoặc Tiết.
Mỗi tiết khí đều có tên như Lập
xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh v.v… Thanh minh là tiết khí thứ
5 thuộc mùa xuân. Gọi tên Thanh minh vì trong tiết này trời đất trong
sáng, khí dương lên cao, khí âm hạ xuống, thời tiết bắt đầu ấm áp, dễ chịu, rất
thuận lợi cho công việc cấy cày, trồng trọt.
Tiết Thanh minh còn được gọi là tiết tháng ba vì tuy mỗi năm, đầu tiết cuối tiết có xê xích một vài ngày khác nhau (do vòng quay của trái đất không hoàn toàn tròn), song bao giờ cũng nằm trong tháng ba Âm lịch. Về sau, người ta tính theo Dương lịch và Tiết Thanh minh được cố định vào ngày 4 tháng 4 Dương lịch.
Tiết Thanh minh còn được gọi là tiết tháng ba vì tuy mỗi năm, đầu tiết cuối tiết có xê xích một vài ngày khác nhau (do vòng quay của trái đất không hoàn toàn tròn), song bao giờ cũng nằm trong tháng ba Âm lịch. Về sau, người ta tính theo Dương lịch và Tiết Thanh minh được cố định vào ngày 4 tháng 4 Dương lịch.
Rồi đến khởi nguồn của Tết Thanh
minh. Vì sao và từ bao giờ Tiết Thanh minh trở thành Tết Thanh
minh? Trung Quốc có nhiều truyền thuyết. Được nói đến nhiều nhất là thuyết
“Tưởng nhớ Giới Chi Thôi”. Truyền rằng, thời Xuân Thu (cách đây hơn 2.000 năm),
sủng phi của Tấn Hiến Công là Ly Cơ muốn con trai mình là Hề Tề được kế vị, đã
hại chết Thái tử Thân Sinh. Em trai Thân Sinh là công tử Trùng Nhĩ phải bỏ trốn
đi lưu vong sang nước Tề, cùng với một số thuộc hạ sống gian nan khốn khổ, 19
năm sau, Trùng Nhĩ trở về nước, làm vua, trở thành Tấn Văn Công - một trong ngũ
bá thời Xuân Thu.
Khi ban thưởng cho những người có
công đi theo khi lưu vong, Tấn Văn Công bỏ sót một người đã tận tâm tận sức phò
giúp mình là Giới Chi Thôi (còn gọi là Giới Tử Thôi). Lúc nhớ ra, cho đi tìm
không thấy. Văn Công tự thân đi tìm thì Giới Chi Thôi đã đưa mẹ lánh vào rừng
sâu. Không sao gặp được, Văn Công sai đốt rừng để Chi Thôi phải ra.
Nhưng rừng cháy 3 ngày vẫn không
thấy ra. Vào tìm thì thấy hai mẹ con đã chết cháy dưới gốc cây liễu. Văn Công
hối hận, đau lòng khóc lớn rồi cho an táng bên gốc liễu với tang lễ rất hậu.
Một năm sau, vào tiết Thanh minh, Văn Công cùng tùy tùng đến thăm mộ, thấy cây
liễu cháy tự nhiên xanh tươi lại, dưới gốc có hốc sâu, moi trong hốc thấy có
bài thơ viết trên giấy đã vàng mục. Bài thơ có 8 câu, 4 câu cuối là:
“Thảng nhược chúa công tâm hữu
ngã
Ức ngã chi thời ưng tự tỉnh
Thần tại cửu tuyền tâm vô quý
Cần chính, thanh minh phục thanh
minh”
(Ví thử lòng vua vẫn có tình
Thì khi nhớ đến hãy kiểm mình
Nơi chốn cửu tuyền thần khỏi thẹn
Vì vua cần chính lại thanh minh)
Văn Công xúc động, bỏ tờ huyết thư
vào trong tay áo, đưa về để thường xuyên bên cạnh, xem như lời nhắc nhủ của
Giới Tử Thôi, khuyên mình phải luôn tu thân trị nước với tấm lòng trong sáng
“cần chính, thanh minh phục thanh minh”. Rồi định ngày an táng Giới Tử Chi Thôi
là ngày Thanh minh, dân chúng cả nước tưởng nhớ Chi Thôi, dần dần thành lễ hội
Thanh minh.
Có thuyết nói Tấn Văn Công còn đặt ngày tưởng nhớ Giới Chi Thôi là Tiết Hàn thực, trong 3 ngày mọi người không được đốt lửa nấu nướng (vì thương Chi Thôi bị chết cháy), chỉ toàn ăn đồ lạnh nấu sẵn từ trước. Sau vì Tiết Hàn thực rất gần với Tiết Thanh minh nên dần dần hợp lại làm một.
Hoạt động trong lễ hội Thanh minh
chủ yếu là tảo mộ, quét dọn quanh mộ, đắp cao thêm mộ, làm lễ cúng bái tổ tiên…
Tục lệ này có nhiều ý nghĩa giáo dục nên rất được coi trọng.
Sang đến từ “đạp thanh” trong câu
thơ: “Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh”. Các sách chú thích nêu trên giải
nghĩa: “Đạp là giẫm lên, thanh là xanh, cỏ xanh, đời
Đường có hội Đạp thanh” (Nguyễn Văn Anh); “Sau tiết Xuân phân 15 ngày có
tiết Thanh minh tục có hội Đạp thanh, là đi tảo mộ xéo lên cỏ xanh (Bùi
Khánh Diễn); “Đạp thanh là giẫm lên cỏ xanh, người tảo mộ ở ngoài đồng cỏ
đông như hội nên gọi là hội Đạp thanh” (Nguyễn Quảng Tuân) v.v…
Thật ra từ “đạp” trong tiếng Hán có
10 nghĩa thông dụng: 1) giẫm lên; 2) đập nhịp; 3) lê chân; 4) bước qua; 5) du
ngoạn; 6) đi theo; 7) tìm hiểu tại chỗ; 8) đá chân; 9) áp sát; 10) thứ lót chân
như thảm.
Vậy chú thích cho từ “đạp” thì nên
chọn nghĩa thứ 5 là du ngoạn, thưởng ngoạn.Có vậy mới hiểu được những từ
thường thấy trong thơ cổ: đạp xuân (du xuân), đạp nguyệt (ngắm,
thưởng ngoạn trăng), đạp đăng (đi hội xem đèn), đạp hồng (đạp hoa
– đi chơi ngắm hoa), đạp lãng (ngắm sóng, giỡn sóng)… Tất nhiên chọn
nghĩa thứ nhất là giẫm lên cũng đúng nhưng kết hợp với thanh là xanh
để chú rằng: người đi tảo mộ xéo lên cỏ xanh (như ông Nguyễn Văn Anh
chú) thì không những mất vẻ đẹp của hội du xuân mà còn “phá hoại môi trường”
nữa.
Và từ “thanh” cũng có nhiều nghĩa,
hàm ý rất rộng. Riêng từ “Đạp thanh” luôn gắn liền với tiết “Thanh minh” thì
bao giờ cũng được hiểu là hội du xuân với nhiều hoạt động ngoạn cảnh, vui chơi
rất phong phú. Giới văn nhân thi sĩ của Trung Quốc thời xưa rất thích dịp lễ
hội này vì thường là dịp để khởi hứng làm thơ. Rất nhiều tác phẩm thơ hay được
lưu lại. Chỉ riêng trong Toàn Đường thi và Toàn Tống từ đã có 850
bài (theo Thanh minh thi ca số lượng - Phong tục võng).
Hội du ngoạn của 41 thi nhân đời Tấn
với trò chơi thả thơ, từ đó ra đời bài Lan Đình tập tự với Thiếp Lan
Đình nổi tiếng của Vương Hy Chi, và cuộc du chơi ăn uống xa hoa của chị em nhà
Dương Quý Phi bên bờ Khúc giang mà Đỗ Phủ miêu tả trong bài Lệ nhân hành,
đó đều được xem là các thi phẩm về lễ hội Thanh minh – Đạp thanh hoặc bài Thanh
minh của Đỗ Mục rất nổi tiếng hầu như ai yêu thơ Đường cũng đều thích thú
và thuộc lòng.
Trở lại vấn đề chú giải. Chúng tôi
nêu mấy ý kiến trên đây cốt để nói lên một mong muốn, mong muốn Truyện Kiều
được chú giải tốt hơn nữa, kỹ hơn nữa, chính xác hơn nữa, vì đọc kỹ lại, chúng
tôi thấy có rất nhiều điểm cần xem xét, sửa lại hoặc bổ sung. Thí dụ chỉ sơ sơ
một vài đoạn đã thấy không ít chỗ có thể sửa: hai kinh, nét ngài nở nang, hồng
quần, Đồng Tước, Đào Nguyên, song đào…
Tất nhiên có những điển cố hoặc
truyền thuyết quá dài, nhiều chi tiết, cần lựa chọn và cần thu gọn, song phải
phù hợp, phải dễ hiểu. Và có những tri thức cần được cập nhật nữa.
Chúng tôi nghĩ, đối với một tác phẩm
lớn cỡ “quốc gia chi bảo” như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nên
chăng sẽ có được những bản Truyện Kiều tân giải, Truyện Kiều tường
chú bên cạnh các tập Truyện Kiều diễn giải chú nghĩa giản lược dễ
hiểu để đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của độc giả. Ước mong này
chắc không chỉ riêng của chúng tôi.
PHẠM THỊ HẢO
Minh Tuấn
ReplyDeleteChuyên viên kinh doanh máy nước nóng năng lượng mặt trời
Tel: 0123 7049 054
Mail: hoangminhtuan.cd@gmail.com
Click xem chi tiết: Bán máy nước nóng năng lượng mặt trời nhập khẩu tại TPHCM hoặc Ban may nuoc nong nang luong mat troi nhap khau tai TPHCM