Trang

Wednesday, May 16, 2012

VÀI NÉT HỮU THỈNH


VĂN CHINH

Hữu Thỉnh xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng rồi trưởng thành làm nhà thơ; ông từng là cán sự văn, soạn kịch rồi diễn kịch từ hồi học lớp 8, đi bộ đội làm Đội trưởng Đội tuyên văn kiêm Tổng biên tập báo (thuộc binh chúng) Tăng thiết giáp. Khi lên đến đỉnh cao của thơ rồi, ông vẫn không thoát được tập tính phong trào, như một định mệnh. Cố nhiên là phong trào trên phạm vi cả nước: Ông hiện là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp VHNT Việt Nam, Ông còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một chức vụ mà các vị tiền nhiệm hầu như không làm gì, Tổng thư ký Hội suốt 30 năm, nhà văn Nguyễn Đình Thi nói đấy là chức vụ to thì có to, nhưng không mấy khi phải làm gì, có làm cũng không ra gì; chả lẽ lại chỉ thị rằng, nhà thơ ơi, anh hãy viết cho hay, đại khái nó na ná Tổng thư ký Liên hiệp quốc.

Nhưng với Hữu Thỉnh thì khác, ông lăn lộn với phong trào, mở trại sáng tác, xin kinh phí đầu tư/ tài trợ sáng tác, mở hội thảo về văn học nhiều vùng miền, các đề tài, thăm viếng các nhà văn lão thành, ốm đau, lâm nạn hoặc các nhà văn sống ở vùng nghèo đói, lắm thiên tai lũ lụt. Đặc biệt, Hữu Thỉnh có biệt tài viết và đọc diễn văn, tổng kết hội thảo; vừa đầy tính học thuật vừa hùng hồn mà thuyết phục chứ không sáo; nhưng đặc biệt là các điếu văn, nhiều nhà văn ao ước mình chết được Hữu Thỉnh đọc điếu văn, có người di ngôn cho con cháu niềm ao ước ấy. Cả nước không biết chị Tuyển làm sao có thể vác đạn ở cầu Hàm Rồng gấp đôi trọng lượng mình, còn tôi, thật tình, tôi không sao hiểu nổi Hữu Thỉnh lấy đâu ra năng lượng để làm việc từ 16 đến 18 giờ mỗi ngày suốt mấy chục năm qua? Năm 2009, tôi theo Hữu Thỉnh lên Đền Hùng xin lửa thiêng về làm Ngày thơ Văn Miếu, ông dẫn đầu đoàn hành hương, đi cứ phăm phăm, tôi và nhiều người theo ông lên được đền Trung thì mệt quá ngồi bệt xuống gốc đại trong khi ông sang sảng đọc khấn chức xin lửa trên đền Thượng, sợ thật!

Nhà văn Trần Chiến một lần nghe ông tổng kết hội thảo đã nhận xét, ông nghiện đám đông. Nhưng tôi thì tôi thấy ông yêu công việc, nếu không có việc thì ông sẽ ốm, nó như một cái nghiệp. Năm 1983, khi Hữu Thỉnh làm BTV ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi gửi đến một chùm thơ; ông nhắn đến để bàn bạc. Vừa mở cửa phòng, ông đã nói ngay, chỉ có tôi và ông, nhưng ông lại nói:

- Hỡi các nhà thơ, hãy khẩn trương thoát khỏi vũng vùn của sự kể lể; để thơ được bay lên bầu trời của tầm cao khái quát!

Đó là phép bút nó sẽ làm thơ Hữu Thỉnh có những bước chuyển động nhanh và dứt khoát. Có thể coi bài thơ làm năm 1962 là nơi bắt đầu, nó vừa phảng phát Nguyễn Bính vừa lộ tình lai láng:

Lá sả đấy gội đây say

Ru em bên ấy bên này thiu thiu


Chỉ hơn chục năm sau, thơ đã khác hẳn, không còn kể lể, dẫu là kể tình:

Ra sông vớt đám củi rều

Cha tôi mang về những khúc ca trôi nổi


Xin hãy đọc khổ thơ như một phác thảo cay đắng về diện mạo nông thôn:

Vạc mảnh bờ con cua mất quê

Rau đay làm lẽ buổi anh về
Ổi đào lên tỉnh xem son phấn
Mẹ vẫn chờ em róc mía de


Câu thứ ba còn vừa có vị ngọt, lại vừa có vị chua xót mà giễu cợt; một dạng thức lạ lùng của văn học trong câu có câu, ngoài vị có vị mà ngoài những tài năng, không phải ai nắm chắc bí quyết cũng vận dụng thành công.

Văn học cách mạng Việt Nam gần 70 năm qua có hai lần được đất nước coi là binh đoàn đặc biệt tinh nhuệ và thơ với hành trang ra trận gọn nhẹ của nó, đã được đưa lên tuyến đầu: 1, Chống Pháp, Mỹ và 2, Chống đạo đức xã hội suy thoái. Cả hai tuyến đầu đều có mặt Hữu Thỉnh. Xin không nói nhiều về thơ Hữu Thỉnh trên tuyến đầu lần thứ nhất. Phan Thiết có anh tôi, Sức bền của đất, Đường tới thành phố đã nổi tiếng, được nhiều người nói tới và có vị trí vững vàng trong văn học sử. Tôi chỉ xin thêm: Trên cái mặt bằng thơ chống Mỹ mà đặc trưng của nó là cái chung át cái riêng, kể cả nói về kỷ niệm cũng thường nhắm tới cái kỷ niệm đã trở thành hằng số, bề nổi sự kiện át hẳn chiều sâu triết luận - cái chiều sâu vốn được coi là lõi của văn học.

Các tác giả trong “tiểu đội thơ chống Mỹ” đã đi đến đỉnh cao với tất cả những ưu và khuyết điểm ấy (có lần tôi đã hình dung Phạm Tiến Duật là tiểu đội trưởng, ông đã bàn giao chức vụ ấy cho Hữu Thỉnh vào cuối cuộc chiến tranh) nhưng, nếu như độ chín của thơ Hữu Thỉnh chậm hơn cả trong tiểu đội của mình thì, không hiểu bằng bí quyết nào, thời gian chín của thơ ông lại kéo rất dài. Mặt khác, nhờ “chậm hơn” nên Đường tới thành phố có được nhiều câu nói về nỗi đau mất mát, về cái giá của chiến thắng:

Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy

Chỉ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
(…) Chiến dịch này ăn cơm không phải độn
Mừng thì mừng nhưng thương mẹ biết bao nhiêu


Có câu viết cứ như không mà đọc xong chợt thấy gai người:
Sau trận bom vùi gặp toàn lính mới

Lại có câu chạm được tới cõi tâm linh mà vào thời bấy giờ còn như một cấm kỵ:
Quàng vai bạn ta vô tình chạm phải
Cái cựa mình tin cậy của rừng đêm


Với thành công của thơ tuyến đầu lần thứ nhất, Hữu Thỉnh được chọn làm người lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam, từ thấp đến cao. Ở “ngôi” cao mà quyền lực không tương xứng, Hữu Thỉnh chịu nhiều chuyện thị phi, phải là một học trò số 1 của chữ nhẫn, không, đúng hơn là phải có tình yêu con người ghê gớm như ông mới chịu nổi. Chứ cả như tôi, tôi tung hê tất để viết hồi ký nghìn trang về những kẻ nói xấu ông thực ra vì cái gì; nhưng ông cứ nuốt oan ức vào lòng, để làm thơ như một nhắn nhủ: Đối với mẹ sẽ là đòn đau nhất/ Có kẻ nào rình ném bẩn lên tôi. Mà có lẽ số ông nó vậy, ông làm nô bộc cho cả ngàn người thì khá chu đáo, càng những người hay la ó ông lại càng chu đáo; chứ ít kẻ vì ông như ông đã vì họ. Nhưng ở đây có một nghịch lý, tưởng mất nhiều mà hóa ra không, từ vũng lầy của thị phi thơ như sen đã mọc, thơ đã khắc khoải trước nhân tính mà mọc lên, đưa Hữu Thỉnh lần thứ hai đứng trên tuyến đầu của thơ Việt.

Ngay sau cuộc chiến tranh chống Mỹ không lâu, vào đầu thập kỷ 80 trên mặt trận tư tưởng đã xuất hiện khái niệm tiêu cực và suy thoái xã hội. Đấy cũng là lúc chúng ta thấy thơ Hữu Thỉnh như một niềm khắc khoải trước xói mòn nhân tính :
Mỗi lần sau đám tang
Lòng ai cũng héo
Dạ ai cũng sầu
Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ
Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế
(…) Chúng ta bị cái chết gạt về một phía
Bị hư danh gạt về một phía
Phải vượt mấy trùng khơi mới bắt gặp nụ cười
(…) Vừa mới gặp nụ cười
Thì lại nghe tiếng cuốc


Bài thơ Nghe tiếng cuốc kêu viết năm 1989, liền mấy năm sau đó, năm nào Hữu Thỉnh cũng có những bài như tiếng kêu khẩn thiết về cõi người. Đây là mấy câu trích ở Buổi sáng thức dậy:

Đi qua nhiều mũ áo

Để tìm một bàn tay
(…) Thấm mệt tôi ngồi nghỉ
Bóng mát một chùm gai
Những câu sau đây trích từ bài Một ngày:
Thêm một ngày yên tâm nhìn các con
Chưa bôi xóa chưa phản loạn
Uống nước còn biết tự xấu hổ
Chưa hắt cặn sang người khác
(…) Thêm một lần đi trên gai
Thêm một ngày được làm người lương thiện

Đây là lời của cái cây từng thiết tha xin người đổi bóng cho mình:
Mới một thoáng làm người
Cây bỗng đòi bóng lại
(…) – Bão trời ta coi khinh
Bão người không chịu nổi

Đây nữa, một câu thơ xé lòng lại cũng gắn với cây:
Một lời như thể lưỡi cưa
Khi tỉnh lại bao thân cây đã đổ

Vẫn chưa hết:
Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu


Sao lại nói về cây nhiều đến thế? Phải chăng, lý do có mặt trên đời của cây cũng giống như câu trả lời vì sao đời cần thơ, cần những nhà thơ? Chúng giống nhau cả sự yếu bấy:

Những hàng cây lặng lẽ bảo vệ mình

Bằng chính búp của thói quen đem tặng


Trên kia tôi có nói về tình yêu người ghê gớm của Hữu Thỉnh, tôi nói thế còn  là bởi sau tất cả những gì phải chịu, cái lắng cặn trong thơ Hữu Thỉnh là khát vọng đẹp về con người. Đó cũng là lý do của văn học:

Cha tôi gặp trăm điều có một điều chưa gặp

Hạnh phúc
Cây rơm vẫn mơ thành đám mây vàng

Cũng có thể ông chỉ coi chúng như cái Nghiệp phải gánh:
Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng
Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc


Trong cái gánh nặng căn nghiệp, ông tựa vào đâu? Có lẽ với câu trên, ông tựa vào triết luận Phật vô thường, còn câu dưới này, ông tựa vào chính tình yêu của con người:
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi núi ấm lên  


Hữu Thỉnh có một mảng thơ nữa làm nên tầm vóc thơ ông, ấy là lòng yêu nước. Nhưng, khi nói về điều này, tôi chợt lại nhớ đến tập tính văn nghệ quần chúng. Năm 1977, là năm mà cái TV đen trắng Neptun của Ba Lan còn vô cùng quý hiếm, chúng tôi những văn nghệ sỹ tỉnh lẻ còn đang chúi mũi vào xem tất cả mọi chương trình. Một lần như thế, Hữu Thỉnh xuất hiện và đây là lời chào hỏi của ông:
- Hỡi các nhà văn thi sĩ, hãy vươn tầm mắt khỏi tầm ăng ten của sự ngắn ngủi trước mặt để nhìn cho rõ hình bóng quân thù và nghe thấy những bước chân rậm rịch của chúng nơi biên thùy tổ quốc!

Đó cũng là năm Hữu Thỉnh chuẩn bị để viết Trường ca Biển và ông đã khởi thảo ngay trong những năm tháng mà vinh quang của Đường tới thành phố còn đang chói lọi. Biết làm sao, khi cái nhậy cảm trời phú cho thi sĩ khiến ông sớm nhận ra:

Cơn lốc đen đánh úp lá bàng

Tôi cảm thấy mùa thu đang mất máu
Còn một chút hoa rong giềng cuối dậu
Sợ một ngày sương muối đến mang đi


Biết làm sao, khi kinh nghiệm của chiến thắng mấy ngàn năm và của cuộc chiến vừa qua chỉ còn là những đồng tiền để tiêu trên mặt đất:

- Tôi đã đi suốt hai đầu đất nước

Biển hiu hiu thán phục
- Những vết thương của tôi nhiều hơn cả tuổi đời
Biển hiu hiu thán phục
Và biển chỉ hỏi anh đơn giản điều này:
- Anh có biết bơi không
Và, biết làm sao, khi trong trận tuyến mà ông tiên cảm có rất nhiều vấn đề trong đội ngũ:
- Người lính nói:
- Không phải ai cũng biết bơi. Thế mà sao vẫn rất nhiều cái huơ tay hãnh tiến
Biển nói:
- Họ đang bơi trên số phận của mình
Một nửa trí khôn của con người là tìm cách chứng nhận mình và chứng nhận lẫn nhau


Trong những vấn đề thuộc đội ngũ, có nhược điểm căn tính của người Việt là nhạt biển, xa rừng như nhà văn hóa TS Ngô Đức Thịnh đã chỉ ra. Và Hữu Thỉnhlà nhà thơ nhiều âu lo về căn tính ấy, ông như các sĩ phu tiền nhân, lo trước cái lo của thiên hạ; ông trở thành tham mưu trưởng trên mặt trận văn học. Chiến lược của ông là quê hương hóa biển khơi, kéo biển gần lại với mỗi con người. Đây là câu thơ thuộc chương Hóa thạch những dòng sông:

Khi gặp biển là lúc dòng sông đem cho lần cuối, một cuộc cho trọn vẹn huy hoàng như thơ cho, như mùa dâng quả, cô gái đi lấy chồng làm mẹ nơi xa để lại sau lưng bao tiếng thở dài. Và khi không còn gì để cho, sông như tráng sỹ không còn vũ khí, giáo chủ không còn mật kinh, võ sư không còn bí quyết; sông như nghệ sỹ đã sắm xong vai, một kẻ trắng tay giầu có đo mình bằng kích thước của biển.


Còn câu thơ sau lại biến cái vô cùng là biển khơi thành một góc quê hương vừa cụ thể trước mắt vừa ngàn năm da diết:

Ta bới sóng đi tìm các dòng sông

Gặp cái chao chân khi em mười tám tuổi
Ta đi vớt tiếng sáo diều đắm đuổi
Thúc ba hồi trống quân


Như một đặc sản trong trường ca Hữu Thỉnh, ở Trường ca Biển cũng có rất nhiều câu thơ hay nhưng thi pháp để viết chúng đã có bước chuyển động mạnh mẽ để dứt khoát hiện đại:
Đảo nhỏ quá nói một câu là hết
(…) Đảo có lính, cát non thành tổ quốc
(…) Nổi chìm bao kiếp người
Dìu nhau ngoi trên sóng


Hữu Thỉnh có biệt tài chênh chao hóa cái cô đơn:

Em muốn đem tóc xanh

Buộc trời cho khỏi bão
Em muốn gửi tròn tay
Gối mềm trên cát đảo


Cũng như có biệt tài bình dân hóa, cố nông hóa sự vĩ đại:

Anh đã húp bát cháo loãng cuối cùng của chiến tranh

Rồi lặng lẽ đi rửa bát


Như thế, tôi nghĩ Trường ca Biển đứng ở hàng đầu những tác phẩm văn học xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này.


Nguồn: báo Nông Nghiệp VN

No comments:

Post a Comment