Trang

Wednesday, May 9, 2012

VĂN HÓA ĐỌC Ở VN CHỈ RỘN RÀNG BỀ NỔI

Một bạn trẻ chen chân mua sách của GS Bảo Châu sau đó đành bỏ vì 'đọc không vô'. Bạn khác háo hức rinh bằng được 'Lolita' về để rồi ngậm ngùi: 'Không hiểu'. Hai cuốn sách này thuộc loại best-seller, nhưng thực chất số người tiếp nhận được chúng không nhiều.

Hội thảo "Sách và chấn hưng giáo dục" do dự án Sách Hay và nhiều đơn vị phối hợp thực hiện, diễn ra ngày 6/5 tại TP HCM thu hút hàng trăm người tham dự, gồm những bậc tri thức, các nhà văn, nhà khoa học, nhà giáo... và nhiều người trẻ. Tại buổi gặp gỡ, nhiều bậc đàn anh, cha chú thay vì lên tiếng, đã nhường lời cho người trẻ nêu ý kiến.

Những lời phát biểu từ các sinh viên đại học còn ngượng ngùng, lúng túng và dông dài, nhưng tựu trung là lời nói thật về việc đọc sách của họ hiện nay.
Trinh, một sinh viên khoa du lịch, Đại học Văn Hiến TP HCM, khiến không ít người bất ngờ khi cho biết: "Từ hồi tiểu học đến hết phổ thông, em chưa bao giờ có quan niệm nên đọc thêm sách nào ngoài sách giáo khoa. Em đọc và học sách giáo khoa chỉ để lấy điểm tại nhà trường. Từ nhỏ em đã không thích đọc sách rồi, chỉ đọc truyện tranh. May mắn là khi vào giảng đường đại học em mới nhận ra được một thực tế là: sách hay lắm. Nhưng giờ nhận ra được thì lại không có thói quen đọc, nên đọc sách rất lâu, thấy rất khó để đọc. Em cũng không biết bây giờ có bao nhiêu bạn sinh viên thấy sách là hay nữa?".

Phi Vũ, sinh viên của đại học Y dược TP HCM lại bày tỏ trăn trở về chuyện đọc sách để làm gì. "Tôi thấy hiện nay có rất nhiều sách hay nhưng đọc sách để làm gì? Đọc cho vui, đọc để... chém gió với bạn bè hay đọc để tiếp nhận tri thức, để thay đổi?", anh nói.

Một sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM nói, nhìn lại 12 năm phổ thông, bạn thấy các sách về Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, hay các sách chuyên ngành kỹ thuật trong nhà trường chỉ đủ cung cấp kiến thức mà "học để thi thôi, xong rồi quên ngay". Bạn trẻ này trăn trở, làm thế nào để những kiến thức trong thời gian ngồi ở ghế nhà trường ứng dụng được thật sự vào cuộc sống, vào nghề nghiệp của mỗi người

Ngoài chuyện phàn nàn giá sách cao, sách các thể loại chưa hấp dẫn, phát biểu của nhiều người trẻ tại hội thảo cho thấy một điều chung: Họ chưa có tình yêu đọc sách. Họ hoang mang với việc đọc sách gì, như thế nào. Thậm chí, có người còn không biết, đọc sách mang lại "lợi lộc gì?".
Từ những ý kiến này, nhìn lại những hoạt động cổ vũ sôi nổi cho nền văn hóa đọc trong nước hiện nay, dễ thấy tồn tại nghịch lý.

Hội sách TP HCM vừa qua đón tiếp hàng chục nghìn ngườiNgày hội Sách và Văn hóa đọc 2012 mở rộng quy mô, tưng bừng ở Hà Nội. Vẫn có những cuốn sách best-seller được độc giả rộn ràng đi mua như: Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hìnhLolita, hay các sách của Nguyễn Nhật Ánh...

Không chỉ vậy, những cuộc bình chọn sách hay, sách yêu thích luôn được chú trọng tổ chức. Gần đây, Fahasa công bố giải "Sách được bạn đọc yêu thích bình chọn lần một" và hứa hẹn những lần tổ chức tiếp theo ở các năm sau. Thành đoàn TP HCM cũng có giải thưởng "Sách Việt tôi yêu"... Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều hoạt động diễn ra hiện nay trên cả nước để khuyến khích, cổ vũ, kêu gọi xây dựng một nền văn hóa đọc.

Nhìn vào các hoạt động này, khó để nói rằng người VN đang quay lưng với việc đọc sách. Nhưng việc hàng dài người xếp hàng chờ mua một quyển sách của giáo sư Ngô Bảo Châu nói lên được điều gì về sự đọc?
Một bạn trẻ thú nhận, sau khi chen chân mướt mồ hôi để mua được cuốn sách mà mọi người đang kháo nhau "hay lắm!", hí hửng về nhà thưởng thức ngay rốt cuộc đành bỏ nửa chừng vì "toàn con số, khó 'xơi' quá!".

Một nhóm khác háo hức đi tìm mua cho bằng được cuốn Lolita vừa xuất bản vì nghe nói "cuốn này dữ dội lắm!". "Về nhà tôi lật được mươi trang đã tuyên bố xin đầu hàng vì không thể nào hiểu nổi. Anh bạn tôi cố gắng đọc được hơn 100 trang cũng buông sách vì rối rắm quá", bạn Thanh Huyền, một nhân viên văn phòng 27 tuổi, cho biết. 
Nhìn vào bảng danh sách công bố giải "Sách được bạn đọc yêu thích bình chọn lần một" của Fahasa, một người trong giới xuất bản lắc đầu chán nản, bởi quanh đi quẩn lại độc giả chỉ bình bầu cho vài tác giả, vài cuốn sách quen.
Giải thưởng "Sách Việt tôi yêu" của Thành đoàn cũng không ngoại lệ. Top 10 cuốn sách do các bạn trẻ bình chọn vẫn chỉ là tác phẩm của Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Sáng... "Đó là những tác phẩm giá trị. Nhưng bao nhiêu năm trôi qua, mà giới trẻ Việt vẫn chỉ đọc như thế thì là vấn đề đáng nói. Nếu xem đọc sách là để "chấn hưng giáo dục" thì sự đọc ấy phải được nâng tầm, phải chuyển động, vận động theo dòng chảy về phía trước của tri thức", một đại diện NXB chia sẻ với eVan.

Tại hội thảo "Sách và chấn hưng giáo dục", GS-TS Chu Hảo nhắc đến 3 yếu tố cấu thành cái gọi là "văn hóa đọc sách": thói quen đọc sách, phương pháp chọn sách, kỹ năng đọc sách. Ông cho rằng, cả 3 điều này chỉ có thể hình thành khi một con người được huấn luyện từ khi còn nhỏ.

Ở các nước tiên tiến, từ cấp một, các em đã được hướng dẫn để lựa chọn sách hoặc đọc những cuốn sách do thầy cô hướng dẫn, thảo luận. Từ đó hình thành nên những thói quen như phương pháp học tập nhóm, làm việc theo nhóm từ tiểu học, trung học phổ thông đến đại học.

"Tiếc rằng nền giáo dục của chúng ta từ mấy chục năm nay rồi cũng không bao giờ coi trọng điều này. Chúng tôi nghĩ có một cái hại lớn là ngay cả thế hệ ông bà, cha mẹ của các em bây giờ cũng không được dạy điều đó nên không có khả năng hỗ trợ cho nhà trường để giúp các em ngay từ nhỏ", giáo sư Chu Hảo nói.
Nếu xem những hoạt động phong trào cổ vũ tinh thần đọc sách hiện nay là những "phép thử" đo lường văn hóa đọc của Việt Nam, thì có lẽ, những phép thử ấy chỉ mới đo được bề nổi. "Mua nhiều, đọc nhiều sách dễ tạo ra sự ngộ nhận bởi văn hóa đọc không chỉ là như thế. Đọc quá nhiều cũng tệ như đọc quá ít. Sẽ rất dở khi độc giả đến với sách không mục đích, không có khả năng tự định hướng, phân tích... và họ sẽ dễ bị chùn chân", anh Minh Đức, người từng công tác ở Phương Nam Book, nói.

THOẠI HÀ

Nguồn: Evan

No comments:

Post a Comment