Trang

Sunday, June 17, 2012

DANH SĨ THÂN NHÂN TRUNG: CÓ ĐỨC THỰC HƯỞNG ÂN VINH

Là nhà thơ nhưng không phải là tác giả của những vần thơ bất hủ được truyền tụng muôn đời. Là một trọng thần nhưng không phải là người lập nên những võ công hiển hách chống quân xâm lược hay nhà cải cách chính trị tạo nên những biến động to lớn trong đời sống xã hội một thời. Thế nhưng, Thân Nhân Trung sau khi qua đời đã 505 năm rồi vẫn là một danh sĩ xứng đáng được con cháu ngợi ca, ít nhất cũng vì một lý do rất xác đáng: Ông là tác giả của câu nói nổi tiếng mà tới hôm nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

 
Ra giúp đời không bao giờ là muộn
Theo những tư liệu ít ỏi còn lưu lại được tới bây giờ, Thân Nhân Trung sinh vào khoảng năm 1418 (có sách nói là năm 1419) tại làng Yên Ninh (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Đó là thời đất nước đang bị giặc Minh đô hộ, lầm than, tao loạn. Quê hương của Thân Nhân Trung ở rất gần thành Xương Giang, một căn cứ quân sự trọng yếu của quân xâm lược nên đã hắt hiu, nghèo khốn lại càng hắt hiu, nghèo khốn hơn. Gần 300 năm sau khi ông mất, một danh sĩ đất Việt khác là nhà thơ Bùi Huy Bích (1744-1818) khi đi qua làng cũ của Thân Nhân Trung đã rớt nước mắt khi phải chứng kiến cảnh tượng tiêu điều, thê thảm ở đấy đến mức đã cảm tác viết:
Làng Thân công, trên đường chợt tới
Trong ánh chiều tà vời vợi nước non
Đọng mưa, tường trát đất bùn
Cày bừa bề bộn, đâu còn văn phong...
Khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công và người anh hùng dân tộc Lê Lợi lên ngôi vua (năm 1428), Thân Nhân Trung mới chỉ là cậu bé 10 tuổi nhưng đã bắt đầu theo đuổi việc đèn sách. Những tư tưởng Nho giáo truyền thống đã sớm in hằn vào tâm trí ông ý thức trung quân ái quốc. Cảnh bần hàn của quê hương đã vĩnh viễn gắn bó tâm trí Thân Nhân Trung với đời sống cần lao của người nông dân luôn phải một nắng hai sương “bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”...


Sinh ra trong thời loạn, Thân Nhân Trung luôn mơ ước tới một thời thịnh trị, được làm tôi hiền của những vị vua sáng. Theo cách suy nghĩ thông thường, ông không phải là một người gặp thời vận cho lắm vì suốt những năm tháng thanh xuân, ông gần như phải sống trong cảnh thanh bần, không danh vọng, mặc dù ngay chính vua Lê Thái Tổ (trị vì ngôi báu từ năm 1428 tới 1433), như Thân Nhân Trung về sau viết, “khi kịp võ công ổn định, ban bố thi hành văn đức, lo lắng, mong muốn thâu nạp người tài, đổi mới nền chính trị” (trích Bài ký Đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3, tức là vào năm 1452, được dựng tại Quốc Tử Giám Thăng Long năm Hồng Đức thứ 15, tức là năm 1484).
Không rõ vì sao  trong bối cảnh xã hội như vậy mà Thân Nhân Trung lại chậm thành công nhưng sử sách ghi rằng, phải tới năm 51 tuổi (năm 1469), mười năm sau khi vua Lê Thánh Tông lên trị vì ngôi báu (năm 1459), ông mới đỗ được đại khoa. Để đạt được nấc thang học vị cuối cùng của triều đình nhà Lê, Thân Nhân Trung đã phải mất tới hơn 40 năm đằng đẵng dùi mài kinh sử và tu dưỡng đạo đức. Thế nhưng, mặc dù lên làm quan ở cái tuổi sắp hưu trí này, Thân Nhân Trung trong những năm còn lại của đời mình vẫn tạo dựng được những dấu ấn đậm đà trong lòng dân tộc. Ra giúp đời, nếu có tâm và có tài, thì ở lứa tuổi nào cũng không là muộn màng.
Gần mặt trời thì rạng
Vua Lê Thánh Tông là bậc minh quân hàng đầu trong lịch sử nước ta. Đấy là người “nối theo nghiệp lớn, mở rộng nếp xưa, xem xét văn hóa con người, thành công trong việc giáo hóa thiên hạ, lấy việc sùng Nho trọng đạo làm đầu, tìm tòi trân trọng hiền tài làm chước tốt” (trích Bài ký Đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3). Chính nhờ thế nên triều đại của Đức Thái Tông Văn Hoàng Đế mới trở nên thịnh trị hiếm có. Văn hay chữ tốt, lại có tâm có đức, Thân Nhân Trung sau khi đỗ cao đã ngay lập tức lọt vào mắt xanh của minh quân, luôn được nhà vua cho đi theo hầu và cùng nhau thù tạc, ngâm vịnh. Chính vua Lê Thánh Tông đã phong cho Thân Nhân Trung chức Phó Đô Nguyên suý trong Tao Đàn mà nhà vua giữ vị trí Đô Nguyên suý.
Gần gụi minh quân, Thân Nhân Trung thêm có điều kiện để hiểu thấu tầm vĩ đại của Lê Thánh Tông và thực sự “tâm phục, khẩu phục” nhà vua. Khi vua Lê Thánh Tông băng hà năm 1497, Thân Nhân Trung đã viết bài viếng nhà vua: “Bậc nguyên thủ ngời ngời, vừa là vua, vừa là thầy, văn võ tung hoành, thực thi kỳ diệu. Non sông muôn thuở, thành quách tăng thêm; Bầy tôi, thứ dân cả nước vui đời thịnh trị. Hiếu ban ra bốn bể, rất được tôn kính; Trị nối đời Tam Vương, thật lớn lao; Công thần, đức thánh ấy, khó mà thuật lại được; Đã có trời đất, trăng sao cùng tỏ soi...”.

Được ở gần minh quân là một hạnh phúc vì bề tôi có thể thâu nhận được những bài học để đời mà không một trường lớp nào có thể cung cấp cho. Đọc lại những bài thơ ngâm vịnh thù tạc với nhau của Tao Đàn thuở ấy, đặc biệt là giữa vua Lê Thánh Tông với bề tôi Thân Nhân Trung, dẫu hơn nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, chúng ta hôm nay vẫn cảm nhận được những giá trị đạo đức cao cả của triều đại Lê Thánh Tông, khi mà những danh gia vọng tộc ở cấp cao nhất vẫn luôn tư duy gần gụi với người lao động và lúc nào cũng tự răn mình phải sống sao cho thanh sạch và hợp đạo lý. Rõ ràng, một thời thịnh trị được tụng ca không chỉ vì những công to việc lớn đã được hoàn thành mà cả vì những giá trị đạo đức nhân văn được tôn vinh và duy trì đúng tầm cỡ. Một nền chính trị cần vươn tới phải là một nền chính trị có đạo đức!
Hiền tài là nguyên khí quốc gia
Triều đại Lê Thánh Tông có nhiều thành tựu, nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất và là căn nguyên của mọi thành tựu chính là việc nhà vua đã nhất quán xác định cho mình chính sách trọng đãi hiền tài (V.I. Lênin sau này cũng nói, đại ý, cán bộ quyết định tất cả). Và Thân Nhân Trung là người đã tổng kết lại những nguyên tắc trọng đãi người tài của triều đại Lê Thánh Tông trong Bài ký Đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3.
Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi thế các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì thế cái ý tôn trọng họ thật là vô cùng, nên đã ban ân sủng bằng khoa danh, lại gia thêm bằng tước trật, ơn ban cho đã lớn, vẫn còn cho là chưa đủ. Lại cho đề tên ở Tháp Nhạn, ban tự hiệu ở bảng Long Hổ, mở tiệc vui triều đình mừng được người tài, không cái gì không ở mức cao nhất”.
Đấy là việc mà mọi ông vua hiền đều làm. Vua Lê Thánh Tông lại còn muốn làm hơn thế: “Ngày nay thánh thượng cho rằng, việc lớn lao đẹp đẽ tuy lừng lẫy vang dội một thời, song lời khen tiếng thơm chưa đủ để truyền lại vạn đời. Cho nên dựng đá đề tên đặt ở cửa Quốc Tử Giám, khiến kẻ sĩ trông lên thấy hâm mộ, phấn khởi, cố gắng rèn luyện danh tiết, dốc sức giúp rập hoàng gia”.
Dẫu ca dao bảo “trăm năm bia đá cũng mòn” nhưng những tấm bia đá ở Quốc Tử Giám, theo thánh ý của vua Lê Thánh Tông, sẽ như tấm gương để kẻ sĩ soi vào mà sửa mình: “Hãy đem tên họ những người đỗ trong khoa này mà kê lại. Những người đưa vào văn học chính sự tô điểm cho cảnh thịnh trị, thanh bình, vài chục năm trở lại đây, được quốc gia tin dùng, kể cũng nhiều vậy. Nhưng trong số đó cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác, là bởi vì lúc họ sống chưa được nhìn thấy tấm đá trinh bạch này thôi. Giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy, ý ác được ngăn chặn, đâu dám làm chuyện càn bậy. Thế thì việc dựng tấm bia đá này, ích lợi biết chừng nào. Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà cố gắng. Làm sáng tỏ những điều đã qua, mở rộng dạy bảo cho hậu thế. Một là để dài mãi tư chất danh tiết cho kẻ sĩ, hai là củng cố sự bền vững của quốc gia...”.
Trọng danh nhưng không ưa hư danh
Với kẻ sĩ, cái danh là một việc lớn. Nhưng với Thân Nhân Trung, cái danh phải là cái thực. Trong Bài ký Đề tên Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (năm 1487), ông viết: “Sẽ muôn thuở bất hủ vậy. Thảng hoặc chỉ tu sức văn vẻ bên ngoài, đức hạnh thiếu thốn bên trong, điều thấy không bằng điều nghe, việc làm trái với điều học, hạnh kiểm sa sút, danh giáo nhuốc nhơ, chỉ tổ bôi nhọ tấm bia này mà thôi. Không phải cái ý triều đình hy vọng ở kẻ sĩ quân tử, và cũng không phải là điều kẻ sĩ quân tử tự đối đãi với mình vậy”.
Chúng ta hôm nay đang sống trong một thời đại khác với Thân Nhân Trung (ông qua đời năm 1499). Thế nhưng, những lời giáo huấn của ông ngày xưa đâu phải không còn giá trị nữa trong cơ chế thị trường hôm nay. Điều đáng nói nữa là, sinh thời, Thân Nhân Trung không chỉ đã sống như ông đã viết mà còn giáo dục được con cháu mình noi gương ông cha. Ông là người khai khoa cho quê hương, mảnh đất mà về sau có tới mười vị tiến sĩ qua các thời đại, riêng dòng họ ông có tới bốn người. Đã có lúc bốn cha con, ông cháu nhà họ Thân đỗ đại khoa và cùng làm quan đồng triều. Vua Lê Thánh Tông từng khen ngợi việc hai cha ông cùng đỗ Tiến sĩ bằng câu thơ: “Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh”.  Đó âu cũng là một niềm hạnh phúc!

Lưu Hùng Văn


No comments:

Post a Comment