Trang

Monday, June 18, 2012

GS PHONG LÊ: NÔNG THÔN VÀ NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XX

1. Thế kỷ XX ở Việt Nam là thế kỷ có quá nhiều sự kiện kỳ vĩ và diễn biến cực kỳ nhanh gấp theo gia tốc lớn của lịch sử, gần như là từng thập niên một. Chưa có thế kỷ nào trong lịch sử dân tộc, thậm chí ngay cả nhiều thế kỷ trong lịch sử gộp lại có thể sánh với nó.

Ở thời điểm hôm nay - năm 2011, mà nhìn ngược lên đầu thế kỷ XX, chúng ta đã có một tầm nhìn thật khoáng đãng để nhận chân và đánh giá đúng gương mặt lịch sử, trên hành trình hơn một trăm năm, qua các chặng của nó. Tầm nhìn chúng ta không còn bị án ngữ bởi các sự kiện, dẫu có là sự kiện "long trời lở đất" đến mấy, kể từ 1945, qua 1954, 1975 cho đến 1986… Bây giờ là lúc, với tầm nhìn ấy, với khoảng cách ấy, chúng ta có thể đánh giá được và đúng và sau những gì đã diễn ra trong lịch sử và lịch sử văn chương - học thuật dân tộc.
2. Trên các kết quả của cách mạng hóa và hiện đại hóa đã được thực hiện từ trước 1945, chúng ta đã gặt hái được một mùa văn chương ngoạn mục 1930-1945. Trên cả ba dòng văn học: cách mạng, hiện thực và lãng mạn thì dòng văn học hiện thực đã ghi được những thành tựu lớn, những dấu ấn quan trọng trên bức tranh về đời sống nông thôn và người nông dân, qua đóng góp xuất sắc của các tác giả như Hồ Biểu Chánh (1885-1958), Ngô Tất Tố (1893-1954), Trần Tiêu (1900-1954), Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Mạnh Phú Tư (1913-1959). Nam Cao (1915-1951), Bùi Hiển (1919-2008), Kim Lân (1920-2007), Tô Hoài (sinh 1920)…
Để đến được với các tác giả và tác phẩm đỉnh cao như trên, trào lưu hiện thực đã trải qua một lịch sử trên dưới 30 năm, qua ba phương thức tiếp cận:
- Tiếp cận đạo đức, luân lý
- Tiếp cận giai cấp, xã hội
- Tiếp cận tâm lý, phong tục
Nhiều chục năm trước đây ta chỉ biểu dương và đánh giá rất cao cách tiếp cận giai cấp, xã hội với những tác phẩm tiêu biểu như Tắt đèn, Bước đường cùng, Chí Phèo… bây giờ cần phải thấy là cả ba đều có đóng góp, và phải tiếp nhận cả ba phương thức mới có một gương mặt đầy đủ về văn học đề tài nông thôn và người nông dân Việt Nam trong lịch sử.
3. Từ sau 1945, Việt Nam buộc phải chấp nhận hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, và ngay trong chiến tranh vẫn phải xây dựng một xã hội mới theo mô hình dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong đó nông dân chiếm 90% dân số, và nông thôn là hậu phương lớn cho tiền tuyến; người nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Một cuộc chiến tranh nhân dân, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, tất nhiên nhân vật chính phải là người nông dân, và người lính chủ yếu là người nông dân mặc áo lính.
Một đội ngũ những người viết thuộc thế hệ trước và sau 1945 đã chọn người nông dân làm nhân vật trung tâm, với phẩm chất cơ bản là lòng yêu nước, là tình làng - nước. Phẩm chất đó đã được ghi nhận khá sớm trong Làng của Kim Lân, Đánh trận giặc lúa của Bùi Hiển, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng… Còn trong Hà Nội bị tạm chiếm, Ngọc Giao lại có một cách khắc họa khác về thân phận người nông dân như trong Đất, Xã Bèo người của đất.
Từ 1945, người nông dân, sau khi được cách mạng giải phóng, thoát khỏi kiếp sống nô lệ, được hưởng những thành quả cơ bản của cách mạng là ruộng đất. Và không lâu sau lại chuyển thành tài sản chung trong phong trào hợp tác hóa, nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay trong cả thời chiến. Tất cả những bước chuyển đó trong số phận người nông dân tập thể với ý thức tôn vinh lợi ích chung - lợi ích cộng đồng, và với một viễn cảnh có thể hình dung được qua các khuôn mẫu lớn như Đất vỡ hoang của M. Solokhov, Mùa gặt của Nicolaêva (Liên Xô)…
Một đội ngũ người viết thuộc thế hệ sau 1945 như Nguyễn Văn Bổng (1921-2001), Chu Văn (1922-1994), Nguyễn Địch Dũng (1925-1993), Đào Vũ (1927-2005), Ngô Ngọc Bội (sinh 1929), Nguyễn Thế Phương (1930-1989), Nguyễn Khải (1930-2008), Vũ Thị Thường (sinh 1930), Nguyễn Kiên (1935), Nguyễn Hữu Nhàn (1938), Nguyễn Thị Ngọc Tú (1942), với các tác phẩm xuất hiện chủ yếu từ giữa những năm 50 đến nửa đầu những năm 80 - là lực lượng đối diện với hiện thực này.
Nhìn tổng thể, phương thức tiếp cận và xử lý đề tài nông thôn qua tất cả các tên tuổi trong đội ngũ trên là phương thức hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tức là nhìn cuộc sống trong yêu cầu khẳng định cái mới - gồm cuộc sống mới - con người mới; và trong ý thức đấu tranh cho sự chiến thắng của hệ ý thức xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… trong một thế giới chia làm hai phe, tồn tại từ giữa thế kỷ XX cho đến 1990, khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan vỡ.
Đây là một từ trường lớn, một áp lực lớn mà không người viết nào, dù có sáng suốt và dũng cảm đến mấy có thể thoát ra được.
Nguyễn Khải từng được tiếng là nhà văn sắc sảo trong việc phát hiện những mặt trái, mặt khuất tối của cuộc sống như trong Xung đột, Tầm nhìn xa, Chủ tịch huyện… thế mà cũng phải chờ đến năm 1987, khi tâm sự về cái thời lãng mạn của mình mới nói ra được cái điều hẳn từ lâu ông biết cách đào sâu chôn chặt rằng: phải có sự nghiệp Đổi mới do Đảng khởi xướng thì văn học mới được cởi trói và tự cởi trói. Vì chúng ta không có quyền phê bình một chủ trương, một chính sách trước khi Đảng tự nhận cần phải sửa đổi. Sai thì cùng sai, đúng thì cùng đúng, tác phẩm văn học đã mất dần cái khả năng phát hiện, dự báo, đã xa cách hoặc đi ngược lại nhân tâm, dùng cái văn chương phù phiếm để che đậy lên bao điều giả dối*.
Diện mạo và thành tựu văn học về đề tài nông thôn trong giai đoạn này được ghi nhận trên ba cách tiếp cận:
- Trên tinh thần tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng và đường lối văn nghệ của Đảng - đó là những tác phẩm có giá trị minh chứng và khẳng định con đường phát triển đi lên của hiện thực thông qua các sự kiện lớn, và cũng là những đảo lộn lớn trong sinh hoạt xã hội, và thân phận con người, như Cải cách ruộng đất, Sửa sai, rồi Hợp tác hóa từ bậc thấp lên bậc cao…
- Trên tinh thần tôn trọng sự thật và sự nhạy cảm trước những vấn đề nảy sinh trong hiện thực, một số người viết đã có sự dũng cảm nhất định trong việc phát hiện những mặt tối hoặc bất ổn của đời sống; và không ít người trong họ đã phải chịu "tai nạn nghề nghiệp".
- Cùng viết về nông thôn, nhưng hướng triển khai không phải là cách mạng quan hệ sản xuất, là đấu tranh giai cấp, là con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa… mà là tạo dựng bức tranh hậu phương lớn của tiền tuyến, là quan hệ giữa "người ra trận" và "người ở nhà"… như trong Cửa sông của Nguyễn Minh Châu, Người cửa sông của Đào Vũ, Vùng quê yên tĩnh của Nguyễn Kiên…
Nhìn chung, từ 1945 đến đầu những năm 80, hai đề tài lớn, bao trùm văn học miền Bắc là chiến tranh và nông thôn, cả hai cùng xen cài vào nhau, trong đó nông thôn và người nông dân vẫn có sức thu hút lớn những cây bút thuộc thế hệ thứ hai, như đã kể trên, trong đó Chu Văn là một gương mặt nổi bật với hai tập Bão biển
Ở khoảng lùi hôm nay nhìn lại, dễ nhận thấy những mặt bất cập trong nhận thức hiện thực ở vùng đề tài này - nhưng vẫn có thể nhận ra không ít những băn khoăn, trăn trở, ở một số người viết luôn khao khát đến với sự thật đích thực. Và những gì không thực hiện được trước 1980, họ sẽ gắng công điều chỉnh từ đầu những năm 80 cùng với một thế hệ chuyển nối - kể từ Nguyễn Mạnh Tuấn, Ma Văn Kháng, Lê Lựu đến Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Đào Thắng, Hoàng Minh Tường, Vũ Huy Anh, Hoàng Đình Quang… Để có Cù lao Tràm, Mưa mùa hạ, Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Dòng sông mía, Gia phả của đất, Trăm năm thoáng chốc, Cánh đồng lưu lạc… Từ đây, bức tranh nông thôn Việt Nam qua tất cả những đảo lộn lớn kể từ Cách mạng tháng Tám đến Cải cách ruộng đất và sửa sai; từ Hợp tác hóa đến Khoán hộ sẽ được đặt lại trong một nhận thức mới và tư duy phản biện, có chỗ dựa vững chắc là hai phương châm lớn của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986: "Lấy dân làm gốc" và "Nhìn thẳng v ào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".
4. Từ Đổi mới đến nay là chặng thứ tư trong hành trình viết về nông thôn và người nông dân Việt Nam, đã dần dần xuất hiện một bức tranh nông thôn mới và khác trước. Đó là nông thôn thời hậu chiến; nông thôn trong và sau sự thực thi một mô hình sai lạc về phát triển xã hội; nông thôn trong các quan hệ làng xã, gia tộc, dòng họ; nông thôn với sự bảo lưu hoặc thay đổi các tập quán, phong tục… Cuối cùng, hoặc bao trùm, đó là nông thôn trong guồng chuyển đô thị hóa khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, mở cửa. Và đây mới là chất liệu chính, là miền đất hứa cực kỳ hấp dẫn cho tiểu thuyết, bởi nó như là sự trở lại trên một quy mô và tầm vóc lớn hơn nhiều những thành tựu đã được ghi nhận trong văn học hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa trước và sau 1945.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là rất đáng quan tâm ở đây là: Nếu ở các giai đoạn trước, văn học Việt Nam đã có mấy thế hệ người viết tương xứng để gánh vác vai trò lịch sử - kể từ Hồ Biếu Chánh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân… qua Chu Văn, Nguyễn Khải, Đào Vũ, Nguyễn Kiên, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Thị Ngọc Tú… đến Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Đào Thắng, Hoàng Minh Tường… thì với giai đoạn lịch sử mới này, cho đến nay lại chưa thấy sự xuất hiện một tên tuổi nào nổi bật, càng chưa có một đội ngũ. Vậy những ai là người có đủ sức vóc, tiềm năng và hứng thú để gánh vác trách nhiệm này? Nếu có, họ đang ở đâu?
Nhìn vào các mùa gặt lớn đã qua, thấy đội ngũ viết bao giờ cũng thực hiện được trách nhiệm lịch sử của mình ở lứa tuổi 20 đến 30, rộng ra một chút là ở tuổi trên dưới 40. Và như vậy, lực lượng đáng tin cậy cho giai đoạn mới này phải từ lứa tuổi 7X trở đi.
5. Cuối cùng, điều tôi muốn nói, đó là: trong cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba bắt đầu từ năm 2000** mà Việt Nam có cơ hội tham gia trong tư thế chủ động, chúng ta càng cần một tầm nhìn xa, để thấy trong xã hội hiện đại sẽ không còn người nông dân, theo cách hiểu cũ - như là một trong bộ tứ - tứ dân: Sỹ, nông, công, thương, với gương mặt và vị thế không đổi trong hàng ngàn năm qua: "Nhất sỹ nhì nông. Hết gạo chạy rông. Nhất nông nhì sĩ". Bởi cấu trúc của xã hội hiện đại trong sự phát triển hoàn chỉnh của nó sẽ chỉ còn 5 thành phần. Đó là: lớp người hoạt động chính trị; lớp người quản lý hành chính; các doanh nhân trên các lĩnh vực sản xuất và lưu thông; các tầng lớp trí thức; người lao động có kỹ năng nghề nghiệp. Người "nông dân" hoặc có "gốc gác nông thôn", tôi tin rồi sẽ có mặt trong cả 5 thành phần. Tất nhiên để đến với cái đích ấy, đối với đất nước chúng ta, còn là cả một thời gian dài.
Tất cả những gì văn học hiện đại đã ghi nhận được về nông thôn và người nông dân Việt Nam, trong hơn 1 thế kỷ qua, gồm cả những phản ánh sắc nét, hoặc sơ lược với cảm hứng đa chiều hoặc một chiều, đều cần và đều có ích cho chúng ta, và các thế hệ mai sau, để nhận lại gương mặt và hành trình lịch sử của dân tộc, một dân tộc nông dân, như cách Marx từng nói về mối quan hệ giữa các dân tộc trong thời hiện đại và thế giới hiện đại.
GS. Phong Lê
----------------
(*) Văn nghệ số 43 và 44; 10-1987
(**) Theo các giới khoa học phương Tây thì cuộc Toàn cầu hóa lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1492 là năm Christophe Colombus phát hiện ra c hâu Mỹ cho đến 1800-11 năm sau Cách mạng tư sản Pháp 1789. Cuộc thứ hai, từ 1800-2000 cũng 11 năm sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ 1989 - xóa bỏ tình thế thế giới chia thành 2 phe.

No comments:

Post a Comment