Trang

Tuesday, June 5, 2012

KO UN – NHÀ THƠ HIỆN ĐẠI VỚI KHÁT VỌNG HÒA BÌNH

Ko Un được coi là người tiên phong của những nhà văn Hàn Quốc hiện đại, là đỉnh cao của nền văn học Hàn Quốc. Với khối lượng hơn 140 tác phẩm đã xuất bản mang đậm tính thời sự, chính trị của lịch sử thế giới đầu thế kỉ XX, tiếng nói của ông là tâm huyết lớn của một trí thức yêu hòa bình và khát khao tự do lay động lòng người khắp mọi nơi trong thế giới bạo lực và áp bức.

Nhà thơ Ko Un ( ) vốn tên đầy đủ là Ko Un-tae (고은태), âm Hán Việt là Cao Ngân Thái, sau chiến tranh Nam - Bắc, ông bỏ chữ “tae” trong tên mình, thành Ko Un. Ông là con trưởng trong gia đình nông dân ở một ngôi làng gần thành phố cảng Gunsan, tỉnh Chollabuk, Hàn Quốc. Thuở nhỏ ông theo học trường làng; năm 1943 vào học trường Quốc dân Miriong. Lúc đó đang thời kì bị Nhật chiếm đóng nên ở trường chỉ dạy bằng tiếng Nhật, ông phải tự học tiếng Hàn và đọc rất nhiều sách tiếng Hàn. Năm thứ ba, khi hiệu trưởng người Nhật hỏi học sinh nguyện vọng tương lai sẽ làm gì, Ko Un nói ông muốn trở thành Thiên hoàng (Nhật hoàng); vì tội xúc phạm đó ông bị bắt lao động cưỡng chế ba tháng. Từ năm 1946, ông học trường trung học Gunsan. Trong chiến tranh Bắc- Nam 1950 – 1953, phải đi lánh nạn ở đảo Seonyu, đau đớn và bất lực trước cảnh tang thương, ông rơi vào khủng hoảng tâm thần, tự sát nhưng không thành (trong 20 năm tiếp theo ông còn tìm cách tự sát bốn lần khác nữa). Năm 1952, Ko Un xuất gia đi tu, lấy pháp danh Ilcho (일초 - Nhất Siêu) và trong 10 năm du hành khắp nơi trên đất nước, sống bằng khất thực, để lại nhiều bài viết về cuộc sống của mình.

Những năm trước 1970: Thời kì lãng mạn
Từ bé, Ko Un đã sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật của mình, bắt đầu làm thơ từ khi lên tám tuổi. Thời học sinh, ông có lần đạt giải nhất cuộc thi mĩ thuật của trường, say mê đọc thơ của các nhà thơ Hàn Quốc và tìm hiểu thơ ca cổ điển Trung Hoa. Năm 1958, ông bắt đầu xuất hiện trên văn đàn bằng bài thơ Bệnh lao phổi (폐결핵 - Pyegyeolhaek) trong  tạp chí Thơ hiện đại (현대시 - Hyeondaesi) của Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc với lời giới thiệu của nhà thơ Jo Ji-hun(1). Năm 1960, Ko Un xuất bản tập thơ đầu tiên Cảm tính về một thế giới khác (피안감성 - Pian gamseong). Năm 1962, khi đã trở thành một nhà thơ có tên tuổi, Ko Un đột ngột hoàn gia sau khi xuất bản tập Tuyên ngôn từ chức (환속 선언 - Hwansok seoneon). Từ năm 1963 tới 1966, Ko Un tự cô lập tại đảo Jeju(2) rồi thành lập một cơ sở từ thiện và trường học giảng dạy về nghệ thuật của Hàn quốc. Ông mắc phải bệnh mất ngủ và uống rượu, nhưng đã sáng tác rất nhiều thơ tượng trưng tuyệt vời tập hợp trong tập Những bài thơ biển (해변의 운문집 - Haebyeonui unmunjip, 1966). Vào những năm 1967 - 1973, Ko Un quay về Seoul, thời kì này thơ của ông chưa tìm được lối thoát, mang nặng tính hư vô chủ nghĩa, như các tập Chúa, khu làng của những ngôn ngữ cuối cùng  (언어 최후의 마을 - Sin, eoneo choihuui  maeul, 1967); Nirvana và câu nói dẫn đến cái chết (사형, 그리고 니르바나 - Sahyeong, geurigo nireubana, 1963 - 1969). Có thể coi những năm 1960 là thời kì sáng tác đầu tiên, thời kì lãng mạn trong sáng tác của Ko Un.

Những năm 1970 - 1980: Thời kì phản kháng và bùng nổ
Tình hình chính trị rối ren của Hàn Quốc những năm 1970 đã khiến tư tưởng của Ko Un chuyển hướng. Với ngòi bút đấu tranh sắc sảo, Ko Un tham gia vào những hoạt động xã hội, chính trị đối kháng với chế độ quân phiệt, tranh đấu cho nhân quyền và tự do. Năm 1972, khi Tổng thống độc tài Park Chung-hee ban hành Hiến pháp Yushin(3) mang lại thêm nhiều quyền hành cho Tổng thống, Ko Un đáp trả bằng cách thành lập Hiệp hội Các Nhà văn Thực hành Quyền Tự do và trở thành người phát ngôn cho Tổ chức Quốc dân Phục hồi Dân chủ. Sau đó, ông còn đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Liên minh Hàn Quốc vì Quyền con người. Những bài thơ chính trị của Ko Un được chuyển thể thành các ca khúc nổi tiếng ở Hàn Quốc thôi thúc sinh viên xuống đường đấu tranh cho nền dân chủ. Vì những hoạt động đó ông bị bắt giam bốn lần, bị tra tấn, đánh đập. Tác phẩm tiêu biểu của ông thời kì này là tập Bước vào làng văn (문의 마을에 가서 - Munui maeul e gaseo, 1974) khẳng định vị trí vững chắc của ông trên thi đàn Hàn Quốc. Ngoài ra, ông còn xuất bản các tuyển tập thơ Sự hồi phục (부활 Buhwal, 1974), Đi sâu vào núi ở ẩn (입산 – Íipsan, 1977), Lục địa (대륙 – daeryuk, 1977/1988), Con đường buổi sáng sớm (새벽길Saebyeokgil, 1978)… Năm 1982, do sức khỏe bị suy giảm trầm trọng, ông được đặc xá; sau đó ông giữ cương vị Đồng Chủ tịch Tổng liên hiệp Hội Nghệ thuật Dân tộc Hàn Quốc, Chủ tịch Hội nhà văn Dân tộc Hàn Quốc. Năm 1983, khi đã 50 tuổi, nhà thơ kết hôn với giáo sư tiếng Anh Lee Sang wha, chuyển về sống tại thành phố Anseong, phía Nam Seoul; hai năm sau sinh con gái đầu lòng. Năm 1983, ông cho xuất bản Tuyển tập thơ Ko Un (고은 선집 - Ko un si seonjip).

Những năm 1987-1994: Bạch Đầu sơn
Ý tưởng của tập thơ Bạch Đầu sơn (백두산 - Baekdusan) gồm bảy quyển, được Ko Un bắt đầu hình thành từ năm 1980, khi ông bị bắt vì tham gia Phong trào Dân chủ Gwangju(4) và giam cùng phòng với tướng Kim Jae-kyu(5) cho đến lúc ông này bị tử hình. Trong tập thơ hùng tráng này, tác giả phản ánh cuộc đấu tranh khốc liệt gắn liền với cuộc sống thực tại của các tầng lớp nhân dân trong một thời kì có những biến động lịch sử lớn lao và phức tạp: cuộc đấu tranh vũ trang chống sự xâm lược của người Nhật, cuộc vận động của nhân dân Hàn Quốc vươn lên tự giải thoát khỏi những vận nạn đau khổ. Tập thơ Bạch Đầu sơn là tiếng nói biểu hiện niềm tin mãnh liệt vào ý chí thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc của nhân dân Hàn Quốc, được đánh giá như một bước đột phá trong văn học, mở rộng không gian tư tưởng cho các nhà thơ Hàn Quốc.

Giữa hai thế kỉ: Vạn nhân phổ
Bộ “đại tác phẩm thơ” 30 tập Vạn nhân phổ (만인보Maninbo) cũng đã được Ko Un hình thành ý tưởng từ khi ở trong tù vì dính líu đến Phong trào Dân chủ Gwangju. Năm 1986 (sau khi nhận án chung thân rồi được ân xá một năm sau đó), ông bắt đầu xuất bản ba tập đầu tiên của bộ sách này; đến tháng bảy năm 2009, trải qua suốt 30 năm, ông đã hoàn thành trọn bộ 30 tập, bao gồm 4001 bài thơ. Vạn nhân phổ mang ý nghĩa là bộ tuyển thơ đồ sộ ghi lại cuộc sống của một vạn người trong lịch sử thăng trầm năm nghìn năm của Hàn Quốc. Tóm lược nội dung các tập như sau: từ tập 1 đến tập 6 là câu chuyện về những người dân nghèo khổ nhưng tràn đầy hi vọng ở  quê hương nhà thơ; tập 7 đến tập 9 miêu tả những con người bình thường đã sống và trải qua sự tàn phá của cuôc chiến tranh đầu thập kỉ 1950; tập 10 đến tập 15 là cuộc sống của các nhân vật chính trị và mọi tầng lớp khác sau thời tổng thống Park Chung-hui, những năm 1970; tập 16 đến tập 20 phản ánh số phận của con người bị cuốn vào các sự kiện lịch sử của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thời thuộc địa Nhật; tập 21 đến tập 23 nói về những người bình thường trong cuộc Cách mạng 4.19(6); tập 24 đến tập 26 kể về những cao tăng từ thời Silla(7) đến thời Cận đại; nội dung tập 27 đến tập 30 nói về những người bị chết oan uổng do bạo lực trong phong trào dân chủ Gwangju ngày 18 tháng 5 năm 1980. Tập thơ Vạn nhân phổ từ khi bắt đầu xuất bản đến khi hoàn thành đã nhận được ba giải thưởng Han Yon-gun(8).

Các tác phẩm khác và hoạt động xã hội
Tính đến nay, theo ước lượng của chính Ko Un, ông đã xuất bản khoảng 140 tác phẩm văn chương đủ thể loại và đạt tới chất lượng nghệ thuật cao cũng như hiệu quả truyền cảm tới người đọc. Ngoài những tác phẩm trên có thể kể: Con đường xa tắp (머나먼 - Meona moen gil, 1999), Ngọn gió  nào đó (어느 바람 - Oeneu baram, 2002), Hư không (허공 - Heogong, 2008), Rừng khái niệm (개념의 - Gaenyeomui sup, 2009), v. v... Bộ Ko Un toàn tập (고은 전집 – Ko un jeonjip), bắt đầu xuất bản từ năm 1988 đến nay đã có 38 tập. Ông được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Các nhà văn Hàn quốc, từ năm 2005 là Chủ tịch Thường vụ Hội đồng Biên tập Từ điển chung Nam-Bắc, Giáo sư của Đại học Kyeong-gi, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Harvard và Đại học Berkeley (California, Hoa Kì); được trao tặng nhiều giải thưởng văn chương Hàn Quốc và quốc tế; tác phẩm của ông được dịch sang khoảng hơn 25 thứ tiếng. Ko Un luôn được giới bình luận văn chương quốc tế coi là một ứng cử viên nặng kí của Giải Nobel.
Trong suốt cuộc đời mình, Ko Un là người nhất mực ủng hộ việc thống nhất Nam - Bắc Triều Tiên; ông từng bị tù vì tham gia biểu tình phản đối chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mĩ Cater năm 1979; bởi vậy ông luôn có sự đồng cảm với hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, và thực tế đã trở thành người bạn của nhân dân Việt Nam. Thơ ông đã được dịch ra tiếng Việt, gồm một số bài thơ Thiền (Nguyễn Quang Thiều dịch từ tiếng Anh) và tập Bài hát ngày mai (내일의 노래- Naeilui nore) do Lê Đăng Hoan chuyển ngữ thẳng từ tiếng Hàn.
HUYỀN LI

(1) Jo ji-hun (조지훈, 1920 - 1968):  Nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng Hàn Quốc, từng là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thơ Hàn Quốc.
(2) Jeju (제주):  Đảo Tế Châu, hải đảo lớn nhất Hàn Quốc, cũng là một đơn vị hành chính hàng tỉnh thuộc Hàn Quốc.
(3) Park Chung-hee (박정희 Park junghui; tiếng Việt: Păc Chung Hi, 19171979): Tổng thống độc tài suốt bốn nhiệm kì của Hàn Quốc (lên cầm quyền sau đảo chính quân sự năm 1961), năm 1972 ban hành Hiến  pháp Yushin để thế chế hóa nguyên tắc độc tài của chính phủ và cho phép tổng thống cầm quyền hầu như không thời hạn.

(4) Phong trào dân chủ Gwangju (광주): Cuộc nổi dậy của dân chúng ở thành phố Gwangju vào tháng 5/1980 chống sự độc tài của tướng Chun Doo-hwan (전두환, làm đảo chính quân sự nắm quyền tổng thống cuối năm 1979) và bị quân đội đàn áp. Sau khi luật dân sự được tái lập, sự kiện này được coi là một nỗ lực phục hồi dân chủ và chính phủ chính thức gửi lời xin lỗi các nạn nhân.

(5) Kim Jae-kyu (김재규1926 - 1980): Trung tướng tình báo, Giám đốc Cục tình báo trung ương Hàn Quốc, người đã ám sát nhà độc tài Park Chung Hee ngày 26/10/1979, bị xử treo cổ 24/5/1980.
(6) Cách mạng 4.19: Chỉ cuộc đấu tranh ngày 19/4/1960 của nhân dân Hàn Quốc đòi tự do, phản đối chế độ độc tài của Tổng thống Lee Sung-man (이승만 - Lí Thừa Vạn) và sự suy giảm kinh tế do Mĩ giảm viện trợ.
(7) Silla (신라 - Tân La): Một trong ba nước (Tam Quốc) của Triều Tiên, hình thành từ năm 57 trước CN về sau liên minh với Trung Quốc thôn tính hai vương quốc còn lại và được gọi là Tân La Nhất thống (thế kỉ VII).
(8) Han Yong-un (한용운, 1879 -  1944): Thiền sư, nhà cách mạng, nhà thơ (bút danh Manhae), tên tuổi trở thành biểu tượng văn hóa của hàn Quốc, người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập Triều Tiên ngày 01/3/1919. Giải thưởng Manhae được thành lập vào năm 1974.

No comments:

Post a Comment