Trang

Saturday, June 16, 2012

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC: TÁC GIẢ VIỆT KHÔNG THỂ VIẾT TRƯỜNG CA ?

1-Người Việt yêu thơ hay chỉ háo danh thơ?

Căn cứ vào đâu để biết người Việt yêu thơ? Vào hằng hà sa số những người làm thơ ư? Câu trả lời khoa học là : Không! Tại sao? Người làm thơ tức là CUNG rất nhiều. Nhưng CẦU – tức những người nghe thơ thì sao? Câu trả lời rất rõ ràng rằng người nghe thơ mỗi ngày một ít, ít đến thưa thớt và kiệt quệ. Đủ thấy rằng người Việt không hề yêu thơ. Một người yêu âm nhạc, hay cụ thể một bài hát thì sao? Nghe một làn điệu hay, người ta liền dậm chân, người đung đưa, miệng lẩm nhẩm hát theo, thậm chí người ta còn tìm cách chép lại bài hát đó để tự hát cho đúng, và người ta sẽ thấy ngượng ngùng xấu hổ khi hát sai giai điệu hay lời của bài hát. Bài hát,  giai điệu đó được người ta yêu quí bất kể bài đó của nhạc sĩ nào.
Những người làm thơ Việt có nhu cầu lắng nghe nhau không? Đây là một khung cảnh rất phổ biến của một đêm giao lưu và đọc thơ. Các nhà thơ được mời đến một trường đại học để giao lưu với các sinh viên. Người ta lập danh sách các nhà thơ được lên đọc thơ, yêu cầu mỗi người được đọc hai bài. Nhưng hầu hết các nhà thơ mỗi khi lên đọc lại xin thêm đọc bài thứ ba. Tại sao? Vì thơ của họ ngắn cũn, tủn mủn quá, đọc xong họ không thấy đủ đô, nên muốn đọc bài thứ ba. Vả lại theo tâm lý tiểu nông “được ăn, được nói, được gói mang về”, họ thấy đọc hai bài thì chưa tận dụng hết cơ hội, chưa có lãi, nên cố tình đọc thêm CUNG để  kiếm lãi. Buổi đọc thơ kéo dài đến ngắc ngoải, các sinh viên ngao ngán vô vàn, nhưng vì sợ thầy cô không dám bỏ về. Tại sao các sinh viên trẻ lại ngao ngán, thậm chí thất vọng? Vì mang tiếng là giao lưu, họ không hề được đặt câu hỏi, cũng như thể hiện ý tưởng của mình. Họ bị buộc phải trở thành những nhân vật phải nghe, nghe một cách thụ động.
Còn những nhà thơ thì sao? Họ cũng chẳng cần , chẳng muốn nghe sinh viên giao lưu để tìm hiểu nguyện vọng của giới trẻ. Cái chính họ để ý là ta đã đến lượt đọc thơ chưa, đọc xong hai bài có câu thêm được bài thứ ba. Không chỉ ở buổi đọc thơ này, buổi nào cũng vậy, các nhà thơ không hề yêu thơ theo kiểu nhu cầu, giống một người được nghe nhạc và dậm chân theo, mà yêu thơ theo kiểu ta được phát ra, được marketing, được đánh bóng ta như thế nào.
Quan sát nhiều đêm giao lưu thơ như vậy, tôi phải đắng cay thừa nhận rằng, các nhà thơ của ta ích kỷ quá, họ lúc nào cũng tận dụng cơ hội để đánh bóng mình, mà chẳng để ý gì đến ý thích hay nguyện vọng của người khác cho dù đó là giới trẻ, rất cần được học ở các đàn anh những gì tốt đẹp và cao thượng. Còn có rất nhiều nhà thơ khác, trong khi họ lo lắng thơ sẽ chết, nhưng chính họ lại không coi mình là nhà thơ, mà là nhà văn cơ. Có lần tôi hỏi thẳng một nhà thơ “tại sao anh đặc trưng là sáng tác thơ, lại nhận mình là nhà văn?” Anh trả lời “Vì nhiều lần đi chung với đoàn, khi viết tên mình lên bảng là nhà thơ, người ta Xì một tiếng xóa đi, cho rằng nhà thơ là kém cỏi, mà ghi vào đó là nhà văn”. Tôi bảo “Nếu thơ và nhà thơ kém cỏi thì anh nên ở trong đội ngũ đó để cứu vãn thơ, sao lại lủi mất như vậy?” Anh ấy liền cười xòa. Viết đến đây cũng cần nhắc lại câu chuyện về Nguyễn Đình Thi, ông có sách triết học lúc ngoài hai mươi tuổi, có tiểu thuyết, có kịch, có hai tổ khúc lớn “Người Hà Nội” và “Diệt phát xít” làm chóng mặt cả giới chuyên nghiệp, nhưng theo nhà văn Nguyễn Đình Chính là con trai ông, thì ông luôn luôn nhận mình là “nhà thơ”. Đúng là người có văn hóa cao và tự tin, nên người ta dám sống, dám nhận “cái mình là”, chứ không phải “cái ta ao ước là”.
Người Việt có câu “nước cả cá to”, nước ao chuôm thì chỉ có con rô con diếc, chỉ có nước đại dương mới có cá voi. Nước chính là môi trường để có cá lớn, nhưng môi trường của chúng ta mới chỉ có thơ đọc tự sướng, thơ đọc không cần ai nghe, mà chỉ cần được thượng đài đọc, đó là cách “thổi kèn khen lấy”, tôi hát, đồng đội, đồng hương , thấy hay, thấy thế là hơn người, là lãi to lắm rồi… Như vậy thì không thể nói người Việt yêu thơ được, mà chỉ là háo danh thơ thôi. Ở Việt Nam tại sao lại có quá nhiều người làm thơ đến vậy? Hãy nên đặt một câu hỏi khác rằng: nếu người Việt không làm thơ thì sẽ làm gì? Họ viết tiểu luận hay tiểu thuyết hoặc giao hưởng ư? Những thứ đó đòi hỏi một thứ trí tuệ cao siêu và sức lao động bền bỉ hơn nhiều, trong khi đó rất nhiêut tác giả cho đến trọn đời mình không thể viết nổi một bài tiểu luận, thì biết làm gì khác ngoài mấy vần vèo thơ?
2- Trường ca là gì, muốn viết trường ca thì phải hiểu về trường ca
Một hạt cát có thể lấp lánh giữa sa mạc, nhưng như người ta vẫn nói “lâu đài xây bằng cát”. Lâu đài cát không bao giờ vĩ đại, vì nó sụp đổ còn nhanh hơn cả việc người ta gọi người đến bấm máy ghi lại hình ảnh. Tại sao nó sụp đổ nhanh đến vậy? Bởi vì nó không có kết cấu cứng ở bên trong. Cũng có nghĩa là nó không có tính CẤU TRÚC. Cái gì không có tính cấu trúc thì không thể trở thành vĩ đại. Và tất cả những ai trở thành công trình sư, kiến trúc sư cho công trình của mình thì mới mang bóng dáng của vĩ đại. Tại lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, và 1000 năm Thăng Long, khi có nhu cầu để sáng tác giao hưởng cho hai sự kiện này, người ta mới thấy rằng, để có hàng vạn bài hát địa phương ca còn dễ hơn là có nổi một giao hưởng tổng phổ về hai thành phố hào hùng này. Ca khúc là gì? Đó chính là đoản ca giống mỗi bài thơ làm bằng cảm xúc. Còn Giao hưởng, đó chính là trường ca. Giao hưởng ít nhiều đều phải mang bóng dáng của nhạc kịch, ở đó có lớp lang nhân vật, có luân chuyển của thiện ác, và những con sóng bi tráng của những số phận đang dồn dập ập đến.
Tất cả các trường ca, cách tiên quyết đều phải mang nhân vật. Như Illiad hay Odyssey đều lấy các nhân vật chính là tên trường ca. Sử thi Ấn Độ Kinh Gita hoặc Mahabharata đều phải có nhân vật, các trường ca khác như Thần Khúc của Dante, Faust của Goethe, hoặc Don Juan của Byron tất cả đều mang tên nhân vật. Tại sao phải có nhân vật? Vì văn học là nhân học! Nếu cuộc đời có những con người thì thi ca phải có những nhân vật. Đây là điều kiện tiên quyết mà triết gia Aristote đã chỉ ra, ông gọi đó là cốt truyện (story). Ông còn chỉ ra: văn chương hơn hẳn các nghệ thuật khác như hội họa hay âm nhạc, vì chỉ có văn chương mới được quyền đưa cái ác, cái xấu, nhân vật xấu vào tác phẩm, bởi vì, văn chương là nghệ thuật của thời gian, trên con đường hành trình của mình, nó mới gột sạch , cải hóa và cứu chuộc cái xấu trở nên tốt. Trái lại hội họa thì không thể đưa cái xấu vào tác phẩm, âm nhạc cũng không thể dùng nghịch âm để đánh tan mỹ cảm.
Ở đời, chìa khóa căn bản nhất của khôn ngoan như bài kiểm tra trí thông minh IQ (intelligent question) là CÓ hay KHÔNG, tức Yes or No. Văn hào Banzac cho rằng : mọi nhận thức của con người chỉ có được qua con đường trải nghiệm. Tức Có hay Không. Người ta được ăn thì no, không ăn thì đói, được yêu thì vui sướng mà không được yêu thì thất tình. Và Cuộc đời không thể nào tránh được hai hạng người chính: Thiện và Ác, đó cũng là hai tư duy, hai hành động chính nằm trong mỗi con người. Một tác phẩm không thể diễn đạt về cuộc đời như là tác phẩm nhân văn nếu nó không định dùng hai tuyến nhân vật để bày tỏ thiện ác cũng như quá trình gột rửa giữa chúng.

Đó là cách tất yếu. Nhưng sao điều tất yếu đơn giản này lại trở nên quá khó khăn với nhiều nhà thơ Việt Nam đến vậy? Nhà thơ Đỗ Quyên mới đây, có liệt kê nước ta có 400 tác phẩm trường ca. Một nhà văn có nói với tôi, nếu đếm thẳng thừng, chỉ có độ chục trường ca có nhân vật. Nghĩ ra một cốt truyện để chuyển tải cho thơ của mình lại trở nên quá sức với nhà thơ Việt thế sao? Bởi vì, trong cuộc sống họ luôn sống ba phải, không bao giờ dám đưa ra chính kiến và nhận thức sống của mình, ý thức loanh quanh, vòng vo, câu giờ, tư duy cầu tính vòng tròn, không dám xây dựng tư duy tuyến tính, đây là cách mà người phương Tây gọi mỹ học Trung Quốc là “sống nhạt”, sống làm sao để mà : khôn như cây thẳng cũng bị đốn làm cột nhà, dại như cây cong cũng bị chặt làm củi, phải sống khuất khúc thế nào để không bị người ta phát hiện, sống nhạt thôi, đào hầm nấp thật sâu cho an toàn, nhưng cần xung phong thì không cách nào nhảy lên được miệng chiến hào. Trong căn tính của người ta không dám minh bạch rõ ràng Tốt hay Dở, Thiện hay Ác, Đẹp hay Xấu, mà làm sao có lợi trong mọi hoàn cảnh.
Đó là lý do chính yếu tại sao nhiều nhà thơ Việt không thể nghĩ ra cốt truyện với hai tuyến nhân vật thiện – ác. Không có cốt truyện thì họ đành làm thơ “cắt dán”, gộp những bộ sưu tập rời rạc lại, cho dài dài để gọi là trường ca. Đem nhiều đoản khúc gộp lại đặt một tên chung coi như giao hưởng. Nhưng trời ơi, bộ sưu tập cắt dán thì chỉ là cắt dán. Đoản khúc dù có cả vạn thì đâu có giàn khung để trở thành giao hưởng. Bởi vì dù sỏi có nhiều hằng hà sa số xếp lên nhau thì đâu có thể biến thành trái núi?
3- Sức khỏe mỹ học của nhà thơ Việt
Có vài lý do chính khiến nền thơ Việt èo uột, bé bỏng: a- đó không phải nền thơ lành mạnh với CUNG ngang ngửa CẦU, chỉ có người hám đọc thơ mà ít người ham nghe thơ, thậm chí có cả thứ hám giả vờ yêu thơ để đổi thơ lấy danh vọng hơn là yêu thơ thật. Đây là một căn bệnh rất lộ liễu. Người Việt xưa nay vẫn thường ham “có chữ để làm quan”. Nay sẵn có chữ quốc ngữ học nhanh, dùng nhanh, nên các kiểu công-nông-binh, thậm chí quan chức, lẫn tổ hưu thấy dùng chữ làm thơ rất thuận tiện để mưu danh, nên ào áo làm thơ. Giả vờ đánh trận giả về tình yêu thơ, cấp báo nền thơ xuống cấp hay đang hấp hối, kỳ thực đó chỉ là cách cứu vãn phiên chợ vét lèo tèo để mưu danh văn hóa cho mình. b- nhiều cây bút Việt không dám vượt qua thách thức hiển nhiên là: trường ca thì phải có cốt truyện và nhân vật, họ tạo thứ thậm cẩm mới không có khung cốt và tư tưởng, và trả vờ mặc nhiên coi đó là trường ca.
Một lần ngồi bên mấy nhà thơ, tôi nói trường ca cần có nhân vật. Một nhà thơ cãi: văn thơ hiện đại không cần có nhân vật. Trường ca hiện đại không cần có nhân vật. Tôi hỏi “anh đưa ra bằng chứng xem có trường ca nào trên thế giới không có nhân vật?” Anh trả lời “Đầy”. Dẫu vậy anh ta chẳng đưa ra được bằng chứng nào cả. Đó là cách nghĩ bản năng, nói lấy được, nói không cần bằng chứng, là “khẩu thiệt vô bằng”. Hai mươi năm tôi bước vào làng thơ, không chỉ bằng nhiệt huyết của kẻ nhập cuộc mà còn bằng trí tuệ quan sát thấu đáo của người quan sát từ bên ngoài, giờ tôi thấy, hầu hết thơ Việt không chỉ ở dạng dưới lý trí, ngang cảm xúc, mà thấp hơn đó là sáng tạo bản năng. Bản năng là thích gì nói nấy, thấy sao nói vậy, và loay hoay biện giải thế giới cũng như thi ca theo cái bụng tùy tiện của mình. Người sáng tạo bằng bản năng thì rất nhanh hết vốn. Đó là bằng chứng cho những cây bút viêt truyện ngắn rất nổi tiếng nhưng chỉ cần leo lên tiểu thuyết mini, thì đã phơi ra bãi cạn lộ thiên của nguồn vốn. Còn lại không ít các nhà thơ sau bốn mươi tuổi thì tuột dốc thẳng đứng, thậm chí có người rơi tự do. Trong vài chục năm viết lách mà ý tưởng dường như chẳng bao giờ được leo cầu thang, chúng vẫn cứ tì tõm lội bên bờ ruộng.
Có nhiều nhà thơ còn biện hộ rằng: hay không cần nhiều, cuộc đời chỉ cần một bài hay, một câu hay là đủ. Không đúng! Một hòn đá dù đẹp mấy không bao giờ biến thành lâu đài cả. Muốn có lâu đài thì phải có kiến trúc sư. Có người vẫn tiếp tục biện hộ: một viên kim cương có thể đắt bằng mấy lâu đài. Đúng vậy, nhưng viên kim cương cũng không phải tòa lâu đài. Và cho dù viên kim cương đắt, thì đó là sản phẩm của tạo hóa ở trong lòng đất, chứ không thuộc về tài năng của con người. Cái chúng ta cần là tài năng của con người, còn cái bắt được thì tính làm gì?! Hiện nhiều người trong chúng ta vẫn có thói quen bàn về thơ Hay-Dở, thực ra đó là một sinh hoạt lành mạnh đã bị bỏ rơi rồi. Cái vớ vẩn nhất bây giờ không phải là thơ hay, mà là cảm xúc giả để làm thơ, giả vờ đam mê, giả vờ nồng ái, rồi cất lên những hoan ca chói lọi nhất. Đấy mới là sự vỡ mộng không thể nào cứu vãn nổi.
Khi tôi bước vào thi ca, một nhà thơ liền bảo tôi, nền thơ Việt Nam giống như chia lúa ở sân hợp tác xã vậy, trong khi chia thì làm sao vơ vào lòng mình phần to nhất. Sáng tạo bản năng thì chóng cạn vốn, èo uột, yếu ớt, từ đó sinh ra tâm trạng câu bè kết phái, địa phương chủ nghĩa, nhóm lợi ích, chui sâu leo cao để kiếm cho mình một “nhân vật đóng thế quyền lực”. Chúng ta thấy rõ, báo Văn Nghệ trong một thời gian dài tập trung rất nhiều cây bút có tài, nhưng mấy năm qua nó cạn vốn cả nội dung lẫn ti-ra, xuống cấp khủng khiếp.
Lý do chính bởi, nó chỉ chú yếu mở cửa cho cánh hẩu, nhóm lợi ích, và những người cạn vốn kiệt quệ không thể nào còn sức nhảy. Khi Việt Nam vào WTO , đã có các cuộc điều tra và đưa ra nhận định rằng: một kỹ sư trong hệ thống bao cấp của nhà nước được ưu tiên gấp bảy lần một kỹ sư tự do bên ngoài. Tôi liền nói với mấy nhà thơ mậu dịch rằng: nếu thế, chỉ bằng cái tăm thì các ông thành cái đũa, nếu là cái đũa thì các ông là cây gậy, nếu chỉ là cây gậy các ông liền thành cột cờ. Liệu trong giới văn nghệ sĩ, thì những cây bút trong cơ chế xin cho được ưu tiên bao nhiêu lần đây? Bẩy lần hay mười bảy lần? Hãy thử nhìn xem, chỉ có một cốt truyện cho trường ca của mình nhiều cây bút đã không thể làm nổi, thì còn bàn đến những tầm vóc khác làm gì?
Mai đây, đến một ngày xã hội dân sự phát triển, viên kỹ sư bên ngoài có điều kiện ngang kỹ sư nhà nước, nhà văn, nhà thơ được ngang vai đưa ra tác phẩm của mình, thử xem cái tăm của mấy ông bao cấp liệu có còn là cột cờ giả nữa không? Chờ thử xem!
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

No comments:

Post a Comment