Trang

Saturday, June 9, 2012

NGUYỄN HUY THẮNG: NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG VỚI VĂN HỌC VÀ THIẾU NHI

NGUYỄN HUY THẮNG
Trước hết, cho phép tôi khẳng định lại, tiêu đề bài tham luận của chúng tôi đúng là như vậy: Nhà xuất bản Kim Đồng với văn học và thiếu nhi, mà không phải là “với văn học thiếu nhi” như ta vẫn hay nói. Về vấn đề văn học thiếu nhi, chúng tôi đã nói nhiều, bàn nhiều; ở bài viết này, chúng tôi muốn được đi sâu vào hai phạm trù có vẻ hoàn toàn tách biệt nhau, nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau. 

Đó là mối quan hệ giữa vấn đề phục vụ thiếu nhi và việc tham gia vào đời sống văn học mà Nhà xuất bản chúng tôi vừa là người thực thi, vừa là người thụ hưởng thông qua hoạt động xuất bản cũng như công tác thiếu nhi của mình. Thật may, trong nỗ lực làm sách thiếu nhi, với mong muốn cung cấp cho các em ngày càng nhiều những tác phẩm xứng đáng, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng góp phần vào việc vun đắp nền văn học chung. Ngược lại, với ý thức trách nhiệm đối với thực trạng và tương lai của văn học nước nhà, trong đó có văn học thiếu nhi, Nhà xuất bản chúng tôi cũng có được những đóng góp thiết thực, và những đóng góp ấy, đến lượt mình, lại giúp vào việc thúc đẩy văn hoá đọc, trước hết là trong giới trẻ.
Nhưng xin hãy trở về với một mốc lịch sử cách đây 55 năm. Ngày 17-6-1957, Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập, cùng một ngày với Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, và của Nhà xuất bản Hội Nhà văn là nhà văn Tô Hoài – hai tác giả gạo cội của văn học Việt Nam và cũng là hai cây bút thiết tha với việc viết cho các em. Quả là đã có một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, khi mà ở ngọn nguồn khởi thuỷ ấy, những người đứng đầu những cơ quan xuất bản quan trọng nhất về sách văn học và sách thiếu nhi, đều là một, hay nói chính xác hơn, “tuy hai mà một”?
Thực tế cho thấy, với Nhà xuất bản Kim Đồng, hai yếu tố văn học và thiếu nhi đã được gắn kết một cách hữu cơ. Nhiều người đã nói việc ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đồng thời với sự hình thành nền văn học thiếu nhi ở nước ta. Mặc dù trước đó, cùng với sự phát triển vũ bão của văn học chữ Quốc ngữ ở nửa đầu thế kỉ 20, nhiều tủ sách cho thiếu nhi đã được ra đời (Sách Hồng của Tự lực văn đoàn, Sách Hoa Xuân của Đoàn hướng đạo Việt Nam…), nhiều nhà văn nổi tiếng đã từng viết sách cho thiếu nhi (Khái Hưng, Nam Cao…). Nhưng phải đến khi có Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi quy tụ những nhà văn tâm huyết viết cho thiếu nhi và sớm cho ra đời hàng loạt tác phẩm nổi tiếng (Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Chú bò tìm bạn của Phạm Hổ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi…), có thể nói khi ấy mới thực sự hình thành nên một nền văn học thiếu nhi theo đúng nghĩa, nghĩa là có nền tảng, bề dày và có điều kiện phát triển…
Với vai trò là nhà xuất bản duy nhất trong cả nước chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi, trong suốt nhiều năm qua, Nhà xuất bản Kim Đồng luôn là người khởi xướng, người bạn đồng hành với các phong trào sáng tác văn học cho các em. Khó có thể kể hết những cuộc thi viết, cuộc vận động sáng tác, những trại bồi dưỡng viết văn, những cuộc gặp gỡ, giao lưu cũng như rất nhiều hình thức khích lệ, động viên khác nữa mà Nhà xuất bản đã dành cho các tác giả để họ có thêm nguồn cảm hứng sáng tác cho các em, có thêm phương tiện, điều kiện để viết nên những tác phẩm góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học nước nhà. Không ít nhà văn, nhà thơ thành danh được các em yêu thích nhất đã coi sự nghiệp của mình gắn liền với Nhà xuất bản Kim Đồng, thậm chí còn nhận rằng nếu không có Nhà xuất bản thì cũng không có mình…
Nhưng thiếu nhi đâu chỉ có đọc văn học thiếu nhi, đâu chỉ cần biết đến văn học thiếu nhi. Thực tiễn đã cho thấy, cái hay cái đẹp luôn luôn và bao giờ cũng là chung cho tất cả mọi người, bất kể lứa tuổi hay nền văn hoá nào. Nhiều người lớn chúng ta chẳng đã trưởng thành được là nhờ văn học, và phần nhiều những cuốn sách văn học ấy – từ Aivanhô đến Chiến tranh và hoà bình, từ Rômêô và Giuyliét đến thơ Puskin, từ Truyện Kiều đến Hoàng Lê nhất thống chí… – là đọc từ khi còn ở tuổi học trò đó sao? Xuất phát từ suy nghĩ ấy, Nhà xuất bản Kim Đồng đã chủ trương giới thiệu với các em những tinh hoa văn học của Việt Nam và thế giới một cách có hệ thống. Các bộ sách, tủ sách thuộc dạng này lần lượt ra đời: Tủ sách Vàng, Tủ sách Thơ với tuổi thơ, Tủ sách tác giả, bộ Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX, Tủ sách Văn học Nga, bộ sách Danh tác thế giới, Tủ sách Văn học thế giới… đã cung cấp cho các em những tác phẩm hay nhất, đặc sắc nhất của Việt Nam và thế giới mà các em nên biết, cần biết giúp cho sự hình thành nhân cách, phát triển tâm hồn mình. Ở các tủ sách đó, các em có thể tìm đọc Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Chuyện đường rừng của Lan Khai, thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử, bộ sách tác phẩm của Tô Hoài, cũng như nhiều truyện ngắn, truyện vừa của các nhà văn Nga trong nguyên dạng, hay những tác phẩm kinh điển của các nhà văn, nhà viết kịch hàng đầu thế giới được thể hiện dưới hình thức truyện tranh, giúp các em bước đầu biết đến các tác giả, tác phẩm lừng danh mà một người có văn hoá cần phải biết…
Nói đến văn học trước hết là nói đến tác phẩm. Một nền văn học dù có phong phú đến thế nào, suy cho cùng vẫn phải kể đến các tác phẩm thực sự làm nên giá trị của nền văn học ấy. Mà muốn có tác phẩm thì yếu tố hàng đầu chính là tác giả, người tự tay viết nên tác phẩm ấy chứ không thể là một tập thể chung chung hay một “đội ngũ sáng tác” nào. Vấn đề hiện nay ta đang phải đối mặt là, bên cạnh việc thiếu các tác giả tâm huyết viết sách văn học (không chỉ riêng văn học thiếu nhi), mà còn là ở chỗ, họ còn bị thiếu kỹ năng, thiếu sự chuẩn bị về kỹ thuật khi viết một cuốn sách. (Rõ ràng, sáng tác văn học cũng cần đòi hỏi rất nhiều kỹ năng; nhà văn Nguyễn Tuân từng nói đại ý, toàn bộ thao tác sáng tác của ông gồm ở ba chữ: đi - đọc - viết, nhưng ẩn sau lối nói độc đáo ấy, là biết bao ngón nghề bên cạnh sự khổ công lao động của nhà văn.)
Trước thực tế này, những năm gần đây, Nhà xuất bản Kim Đồng xúc tiến một chương trình nhằm góp phần giải quyết vấn đề, ít nhất là trong lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi. Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch – hai đơn vị thực hiện dự án – đã dành mối quan tâm đặc biệt cho việc đào tạo kỹ năng sáng tác truyện và vẽ truyện tranh thiếu nhi cho các nhà văn, hoạ sĩ Việt Nam. Theo đó, nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, giao lưu… đã được triển khai ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả các tỉnh xa, nhằm truyền thụ kỹ năng viết, vẽ cho các tác giả Việt Nam, với sự hướng dẫn trực tiếp của nhà văn, hoạ sĩ Đan Mạch. Các học viên đã có cơ hội học hỏi những phương pháp sáng tác hiện đang được áp dụng có hiệu quả ở các nước tiên tiến, và ứng dụng trực tiếp vào các tác phẩm in ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Tất nhiên, không ai ảo tưởng rằng chỉ bằng con đường đào tạo có thể tạo nên những tác giả lớn những tác phẩm lớn. Nhưng mọi hứa hẹn luôn ở về phía trước, khi thông qua hoạt động này, chúng ta có thêm được một bộ phận người viết có tri thức, tay nghề, được trau giồi, đào luyện qua nhiều năm dự án được triển khai…
Làm công tác thiếu nhi, tham gia vào đời sống văn học, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đặc biệt quan tâm đến việc quảng bá văn học nước nhà. Trước hết là quảng bá văn học Việt Nam đến các bạn đọc nhỏ tuổi. Xin đơn cử một ví dụ. Bên cạnh các tủ sách, bộ sách hướng vào tác phẩm như trên đã trình bày, trong mấy năm gần đây, Nhà xuất bản chúng tôi tổ chức biên soạn một bộ sách hướng đến tác giả – bộ “Nhà văn của em”. Chúng ta biết rằng các nhà văn chân chính bao giờ cũng là những nhân cách lớn, những tấm gương về lao động sáng tạo, về tình cảm gia đình, tình yêu đất nước. Đồng thời cũng là những vẻ đẹp trí tuệ, tình cảm. Bộ sách “Nhà văn của em” chính là đưa những vẻ đẹp, nhân cách ấy đến với các em, khiến các em thêm hiểu, thêm yêu những người đã góp phần làm nên toà nhà văn học Việt Nam, đồng thời các em khi bước vào toà nhà ấy cũng cảm thấy thân quen, gắn bó, trân trọng hơn. Đến nay, bộ sách đã quy tụ được gần 20 cuốn về những tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại, trong đó có văn học thiếu nhi.
Cuối cùng, xin được nói đến nỗ lực của Nhà xuất bản chúng tôi trong việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam với thế giới. Những năm trước đây, một số tác phẩm thơ, truyện của Võ Quảng, thơ của Trần Đăng Khoa đã được giới thiệu ở một số nước châu Âu, truyện Đất rừng phương nam của Đoàn Giỏi, Nơi xa của Văn Linh… được dịch ra tiếng Nga. Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne về bản quyền, Nhà xuất bản Kim Đồng bên cạnh việc khai thác các tinh hoa của văn học thế giới đến với bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam, càng đẩy mạnh việc giới thiệu các giá trị của văn học Việt Nam nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế. Đến nay, đã chuyển nhượng bản quyền được một số cuốn, trong đó phải kể đến Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài được dịch và xuất bản ở Nhật Bản, Thuỵ Điển, Hàn Quốc sau khi đã chu du qua nhiều nước, và gần đây hơn, một số tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng cũng được dịch và giới thiệu với bạn đọc nước ngoài, như Lá cờ thêu sáu chữ vàng được dịch sang tiếng Trung Quốc, Tìm mẹ được dịch và xuất bản ở Hàn Quốc, v.v… Những tác phẩm ấy, một khi đến với bạn đọc thế giới, thì cũng không còn là những truyện thiếu nhi như chúng ta quen gọi nữa, mà đã trở thành những đại diện chính thức của văn học Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù kết quả chưa được là bao, chúng tôi xin được coi đây như là những nỗ lực ban đầu đáng được ghi nhận của Nhà xuất bản Kim Đồng trong một hoạt động vì văn học mà cũng vì thiếu nhi Việt Nam, những chủ nhân tương lai của đất nước…
Nguyễn Huy Thắng
Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng

No comments:

Post a Comment