Trang

Saturday, June 16, 2012

VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU - NHỮNG KHÚC BI CA VỀ TÌNH YÊU BẤT TỬ

Nhiều khi tôi thấy mình thật may mắn khi được quen và đều được quý mến bởi hai người, ở hai thế hệ, đều có tài năng thuộc vào hàng đầu của nền văn chương Việt Nam: Chế Lan Viên và Nguyễn Quang Thiều. Với Chế Lan Viên, ngay lần đầu đọc một chùm thơ của tôi, với quyền uy của một tài năng lớn, ông đã tự ý trao giải cho tôi ngay tại nhà ông, trong một cuộc thi thơ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Và cái làm tôi ngạc nhiên nhất không phải là việc được giải mà là việc Chế Lan Viên lật đật bưng một chồng bản thảo rất dầy ra khoe và nói cách làm thơ của mình với tôi, như tâm sự với một người bạn tri kỷ; trong khi không chỉ là một nhà thơ lớn, lừng danh, mà ông còn hơn cha tôi hai tuổi. Còn Nguyễn Quang Thiều, mỗi lần tôi đến nhà chơi, tôi đã rất ngại khi bà xã anh tiếp đón quá chu đáo, Thiều đã nói với tôi một câu khiến tôi không thể nào quên: “Ông không có gì phải ngại. Vì ông là một thành viên của nhà tôi”.
 
Trên một cái nền không phải là đất đai phì nhiêu mà được tạo bởi thù hận rắn đanh, lạnh băng, xám ngoét; bị giam hãm trong một lời nguyền cách ngăn như vực thẳm, như vách đá dựng đứng; nhưng một đóa hoa tình yêu, trong truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông, vẫn bung nở lung linh, rực rỡ. Một tình yêu tự nhiên như hoa gặp tiết xuân nở, mây mọng nước thành mưa; một sự kết hợp âm dương bản năng, huyền diệu như tổ tiên A-đam và Ê-va xưa gặp nhau trong vườn Địa Đàng, ăn trái cấm để biết yêu đương, khởi thủy dòng giống và cuộc sống loài người.
Chinh, cô gái 17 tuổi, sống cùng cha và hai anh trong một con thuyền lênh đênh trên một bến sông. Mẹ cô đã mất khi cô còn nhỏ. Ông bố đã phải chôn người mẹ dưới lòng sông vì dân trên bờ sợ dịch bệnh không cho chôn trên mặt đất. Đó chính là nguyên nhân của thù hận, đã sinh ra cái lời nguyền của người cha, rằng người trong gia đình ông sẽ không bao giờ chạm chân lên mặt đất ác độc nữa. Nhưng lời nguyền đó không thể ngăn được cô bé “thừa hưởng sắc đẹp dịu dàng của mẹ”; không thể ngăn được cô lớn lên để “trong những đêm trăng mùa hạ, cô thích thả mình xuống dòng sông... Thỉnh thoảng cô co người lại, hai tay ôm bó gối để cho cơ thể tuổi dậy thì lóng lánh như giọt thủy ngân lắng dần xuống đáy sông”; lời nguyền đó cũng không thể ngăn được “Một buổi sáng... cô bỗng thấy trên bãi sông bến Chùa một thảm màu vàng tươi, một màu vàng xôn xao, ấm áp ùa vào mắt cô... Mỗi khi có ngọn gió chạy qua, cả bãi hoa vàng rợn lên như sóng”... và đặc biệt, lời nguyền đó càng không ngăn nổi những xốn xang vô hình cũng dậy sóng trong lòng cô “Thỉnh thoảng có đêm tỉnh giấc, cô cảm thấy một cái gì chập chờn, quấn quít ở đâu đây. Không phải tiếng nước sông chảy trong đêm, không phải tiếng reo của ngọn lửa, không phải hương ổi chín từ bãi sông đưa lại, cũng không phải tiếng gọi nhau của bầy chim ri từ những chùm dứa dại ven đê. Một cái gì đấy làm cô đang chải tóc chợt dừng tay. Nó làm cho ngực áo cô bỗng đầy lên đến nghẹn thở. Cái đó chợt đến, chợt đi, chợt rời ra, quấn quít”. Tất cả, tất cả những xáo động vô hình đó đã cồn cào khiến cô quên đi lời nguyền của cha, khiến cô “không thả lưới mà bơi mủng vào bờ... đi về phía bãi cát... ngồi xuống bên cạnh luống hoa. Đôi tay nâng khẽ những bông hoa cải ướt sương... Cô khẽ áp đôi môi mình vào hết chùm hoa này đến chùm hoa khác”. Và rồi trong khung cảnh dân giã mà thần tiên đó, vẻ trinh trắng thiên thần của cô đã đốt cháy bùng lên ngọn lửa yêu đương trong trái tim Thao, một chàng trai khỏe mạnh, học thức và nhân hậu, nhà ở trên bãi sông “... chàng trai giật mình. “Đẹp quá!”. Anh thầm kêu lên. Sao trong đêm trăng tĩnh lặng trên bãi sông ở một làng quê hẻo lánh này lại xuất hiện một người con gái đẹp như thế?... Chàng trai hồi hộp, liếc nhanh cơ thể cô và nhận ra dưới lớp trăng mỏng, dưới lớp áo tối màu, là tuổi dậy thì nóng hổi, dịu dàng và phập phồng thở...
    - Tên em là gì?
    - Chinh.
     - Anh là Thao. Nhà anh ở kia kìa. Mai em lên nhé. Hoa cải nhà anh đấy.
Chinh mỉm cười gật đầu và đi xuống bến. Anh nhìn theo. Đến lúc này anh mới nhận ra mái tóc như thiên thần của cô. Anh ngửa mặt lên trời. Có lẽ mái tóc ấy đã từ vầng trăng chảy xuống... Họ chưa biết gì về nhau nhưng cả hai đều nhận thấy có một cái gì đó mỏng, trong suốt đang quấn vào họ như tơ nhện”.
Đó chính là tình yêu. Khi Thao thốt ra cụ thể câu “Anh yêu em” và “cúi xuống hôn cô” thì Chinh vốn bị giam hãm trong lòng sông nên chưa hiểu rõ tình yêu là gì, “chỉ thấy rằng ngực cô như nén chặt. Người cô bừng nóng”. Rồi sau cái phút ban đầu ngỡ ngàng đó: “Những đêm trên dòng sông dịu dàng chảy, họ quấn quýt với nhau như một đôi cá thần. Dòng sông bí mật truyền vào cuộc đời họ sức mạnh hạnh phúc”.
Nhưng tình yêu của họ sao được yên khi họ dám dẫm lên lời nguyền của một người cha nghiêm khắc đến độc đoán, bảo thủ đến tàn nhẫn, kiên định đến cố chấp. Sự trừng phạt tất yếu sẽ phải đến. Như một lãnh chúa thực thi những hủ tục mông muội man rợ chứng tỏ quyền uy, người cha lấy rìu chặt mái tóc con gái ném xuống sông “Mái tóc bay rối bời quằn quại”, rồi ông giận dữ đổ xuống tấm thân người con gái yếu đuối bụng mang dạ chửa trận mưa đòn roi, tả tơi quần áo, rách nát thịt da. Sau cùng là đổ vỡ, là ngăn cách, chia lìa.
Truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông như một bức tranh mà Nguyễn Quang Thiều đã hòa trộn tài tình hai gam màu đối nghịch nhau. Một mảng là tình yêu trong sáng, như một bông hoa nở giữa thiên nhiên làng quê xanh mát, dưới mênh mông trời mây sông nước, ngập tràn ánh trăng lung linh huyền ảo, khiến người đọc như được ngợp vào một khoảng gì đó thật mát lành, đầy rạo rực, đầy xúc cảm; còn mảng đối nghịch là lòng thù hận u tối, trơ lì, chai sạn; là sự trừng phạt tàn độc khiến lòng ta tiếc nuối, đau đớn, xót xa.
Không chỉ cuốn hút khiến người đọc thích thú, Mùa hoa cải bên sông còn đạt tới một cấp độ cao hơn của văn chương, đó là cái chiều sâu triết lý khiến những người đọc thông thái phải ngẫm nghĩ. Nó chỉ ra cái nghịch lý của cuộc sống loài người, cái ác nhiều khi không phải sinh ra từ cái ác mà lại sinh ra từ chính cái thiện. Ông Lư, vì thương vợ không được chôn cất trên mặt đất nên đã đặt ra lời nguyền, nhưng chính cái lời nguyền đó lại khiến ông trở thành một người cha độc ác đối với cô con gái; nó cũng trở thành cái nhà tù vô hình giam cầm gia đình ông sống trên một con thuyền chật hẹp, trong một không gian chật hẹp là giới hạn của lòng sông. Đoạn đối thoại của những người con đã nói ra tất cả: - “Tao chán cảnh này lắm rồi, cứ như ở tù”. - “Mày tưởng trên bờ là thiên đường chắc? Nhà tù đấy em ạ, gà vịt cũng còn bị tù nữa đấy”... - “Nhưng chắc chắn đó cũng là cái nhà tù rộng rãi hơn cái nhà tù thuyền này!”.
Tương tự như vậy, ngoài đời có không ít cặp cha mẹ đã hại con cái không phải bằng thói vô trách nhiệm mà bằng chính tình thương, khi muốn xếp đặt tương lai cho con cái mà sự xếp đặt đó không phù hợp hoặc ngược với tình cảm, sở thích cũng như khả năng của những đứa con.
Nhưng tại sao lại như vậy? Ta hãy xem tiếp đoạn đối thoại: - “Ai, ai tù mày? Bố tù mày hay tao, hay con Chinh tù mày?”. Sỏi thốt lên giọng the thé. Cát thủng thẳng: “Chẳng ai tù ai hết cả. Ngu dốt nó tù tất cả”.
Thì ra, chính sự ngu dốt là thủ phạm, chính nó đã sinh ra sự cố chấp, tiêu diệt lòng vị tha. Nếu ông Lư biết suy xét, dân trên bờ sợ hãi dịch bệnh là có phần có lý, mà dù điều đó có vô lý đi chăng nữa thì cũng chỉ ở một số người, chứ ông không thể “vơ đũa cả nắm”, thù hận tất cả được.
Suy rộng ra, với phạm vi lớn như những quốc gia, những cộng đồng tôn giáo, sự ngu dốt thể hiện ở một nền văn minh thấp, ở một nền văn hóa thấp, với những hủ tục, những tệ nạn, kìm hãm sự phát triển. Tôi cũng đã làm mấy câu thơ nói về điều này:
Ngày ngày cha chở các con trên những con đường Sài           
          Gòn như những dòng sông luôn dâng lên vô tận
Chi chít người xe
Chi chít số phận
Tất cả bị bó chặt bởi những giới hạn
Nhưng các con có biết không?
Chúng ta đang đi trong giới hạn không phải của lề   
              đường  mà giới hạn của những suy nghĩ.
(Đông La – Dưới ánh sáng của những ngôi sao. Báo Văn nghệ)
Không chỉ thế, tệ hại nhất của sự dốt nát thể hiện ở sự cực đoan. Chính vì người ta luôn cho mình là trung tâm, là chuẩn mực phán xét tất cả, không chịu hiểu thấu đáo người khác, đã làm nổ ra những cuộc thánh chiến, những cuộc đại chiến tàn khốc làm thịt rơi máu đổ trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng rất may, loài người luôn lầm lỗi nhưng cũng nhanh chóng biết hối lỗi. Chính thế, bao dân tộc từng là kẻ thù nay đã trở thành bè bạn; cuộc chiến tranh lạnh, những xung đột về ý thức hệ cũng gần như đã được thay thế bằng xu hướng đối thoại thay cho đối đầu; Việt Nam ta cũng đã bình thường hóa quan hệ với các cựu thù, mở cửa, cùng tham gia trào lưu hội nhập trên toàn thế giới. Phải chăng tình yêu của Chinh và Thao, một tình yêu vượt lên trên thù hận trong Mùa hoa cải bên sông, một biểu tượng của lòng vị tha, cũng đã góp một lời kêu gọi để thế giới có được những trào lưu hòa giải và hợp tác tiến bộ như ngày hôm nay?
Người đầu tiên làm cho thế giới biết đến Mùa hoa cải bên sông chính là Đạo diễn Khải Hưng khi đã chuyển nó thành bộ phim "Lời nguyền của dòng sông" và đã giành được huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Đấy là bộ phim truyền hình Việt Nam đầu tiên giành được một giải lớn như vậy.
Ngoài Mùa hoa cải bên sông, Nguyễn Quang Thiều còn viết Đứa con của hai dòng họ như là một phiên bản với các nhân vật và các chi tiết khác. Từ sự tàn độc của Chánh Hợi do bị thất tình đã ngụy tạo chứng cớ vu oan giá họa cho tình địch là Mặc, khiến cho Mặc bị trừng phạt và lăng nhục, phải rời bỏ quê hương; Mặc đã khẩn cầu Trời Phật khiến cho con cháu muôn đời của Chánh Hợi bị câm; lời khẩn cầu linh ứng, đồng thời mối thù cũng được tạo dựng như thành lũy, ngăn cách con cháu hai dòng họ. Giống như tình yêu của Chinh và Thao đã phá vỡ lời nguyền của ông Lư trong Mùa hoa cải bên sông, thì tình yêu của Văn và Thảo cũng đã hóa giải thù hận giữa hai dòng họ.
Nguyễn Quang Thiều còn viết một loạt truyện theo cái mô tif  “con người làm khổ con người” khác nữa.
May, cô gái trong truyện Gió dại, bị đuổi ra khỏi nhà vì bị cho là “con hoang”, trong cảnh khốn cùng, đã được một bà chủ quán cưu mang; nhưng việc làm nhân từ đó của bà lại vì một mục đích đầy ích kỷ, là muốn ép cô gái xinh đẹp và tội nghiệp đó lấy đứa con trai dị dạng.
Trong truyện Tiếng gọi lúc hoàng hôn, ông Hiền thương con một cách bệnh hoạn, thiển cận, vì chỉ muốn nó ở sát bên, đã bắt đứa con bỏ học, bởi sợ việc học sẽ chắp cánh cho những ước mơ của nó, sẽ giúp nó có điều kiện rời xa ông. Ông còn trừng phạt nó bằng cách thiên vị tình cảm cho con chó. Chính thái độ này đã gieo mầm cái ác trong lòng con trẻ vốn đầy trong trắng, khiến nó đáp trả lại ông bằng cách giết đi con chó.
Trong Người đàn bà tóc trắng, người đàn bà làm nghề thuốc cao dán đã nuôi một đứa bé ăn xin, nhưng bà chỉ chấp nhận phần xác của nó lớn lên thành một thiếu nữ mà không chấp nhận phần hồn của cô cũng dần lớn lên như bông hoa ngát hương ở tuổi dậy thì, bởi cái lời trăng trối bất nhân của lão bố chồng người Tàu. Khi người chồng chết, để giữ được sự trinh trắng thờ cúng tổ tiên dòng họ, lão bố chồng đã bắt bà phải uống một thứ thuốc tiệt dục và bà cũng sẽ phải làm như vậy với tất cả phụ nữ nào mà bà cho nương nhờ ở ngôi nhà đó.
Trong Bầu trời của cha, sự đổ vỡ hôn nhân của một cặp vợ chồng do sự vênh nhau giữa hai tính cách; một bên là người chồng nhạy cảm, có tâm hồn phong phú, coi trọng mọi giá trị cuộc sống; một bên là người vợ tham lam, ích kỷ, đố kỵ, thực dụng. Khi đọc nhật ký của người cha là phi công, cô con gái đã hiểu được sự đổ vỡ tình cảm của cha mẹ mình là tất yếu: “Mỗi lần bay qua những vùng trời vô tận, sao mình cứ ước được bước ra khỏi khoang lái. Tất cả những gì trong khoảng mênh mông của vũ trụ mà mình cảm nhận được lại làm cho mình yên tâm tin mình khi đi trên mặt đất... Mình thèm khát được ngồi im lặng trong hoàng hôn và vùi bàn tay trong mái tóc đẹp lạ lùng của Lan. Lan không bao giờ ý thức được trong bóng tối. Lan quá rành rọt với những thứ mà có thể đếm được dưới ánh sáng đơn giản”…
Nếu những truyện trên, con người ta hành hạ lẫn nhau bởi tâm hồn còn những khoảng tối và bởi đủ thứ sứt sẹo của cái bản tính người, thì con người cũng làm khổ nhau không ít bởi sự mông muội ấu trĩ, bởi những tín điều của một thời. Ác thay, người ta lại hay nhân danh những điều cao cả như lý tưởng, lòng yêu nước, đạo đức cách mạng để định giá, xét xử theo những quy phạm phản nhân tính.
Truyện Chạy trốn khỏi vầng trăng người ta đã kỷ luật, đuổi việc và làm nhục một giáo viên giàu lòng nhân từ, trắc ẩn, đã yêu thương, chăm sóc hai mẹ con một góa phụ trẻ là vợ liệt sĩ, vì cho rằng anh đã “vi phạm truyền thống đạo đức ngành giáo dục”, làm “ảnh hưởng thanh danh nhà giáo”, phá vỡ “truyền thống tốt đẹp của vợ bộ đội”, làm “tổn hại đến lòng chung thủy của vợ liệt sĩ”, khiến anh phải chạy trốn và cuối cùng chết cô độc trong hang đá. Dù anh luôn tin rằng, mình có quyền được yêu thương, bù đắp cho những người đã bị mất mát. Thực ra những điều trên chính là những gì lạc hậu còn rơi rớt lại từ chế độ phong kiến, từ một nước nhược tiểu từng hàng ngàn năm bị đô hộ, khi mà tự do cá nhân luôn bị coi là đối nghịch với chuẩn mực luân lý và đạo đức. Khi hành xử mù quáng như vậy, người ta đã không ngờ rằng chính họ đã làm mất đi tính chất cao quý của sự hy sinh, bởi máu của những người chiến sĩ đổ xuống là để cho cuộc sống tiếp diễn, trong đó có vợ con họ, chứ không phải để làm khổ thêm, giam giữ cuộc đời những người vợ trẻ trong hai chữ chung thủy.


Ngoài truyện trên, Nguyễn Quang Thiều còn viết một loạt truyện kể về những mất mát do chiến tranh, những mối tình cao đẹp bị cắt lìa, người yêu mất người yêu, vợ mất chồng, con mất cha, những bà mẹ mất con, cùng với những bất hạnh nặng nề đeo đẳng do hậu quả của cuộc chiến.
 Hai người đàn bà xóm Trại là một truyện tiêu biểu.
Truyện không viết về sự tàn khốc nơi chiến địa mà viết về sự chịu đựng vĩ đại của những người vợ nơi hậu phương. Những tình tiết trớ trêu đầy kịch tính khiến ta tiếc nuối, thương cảm đến xót xa. Hai thiếu phụ trẻ có chồng là bộ đội, coi nhau như chị em nên đã sống chung. Được về thăm vợ thời chiến là vô cùng quý hiếm, vậy mà một anh chồng trở về lại chỉ được gặp vợ người kia; lần thì thời gian được phép về quá ngắn không đủ để anh chờ người vợ đi vắng trở về, lần thì anh trở về đúng lúc chị lại đến đơn vị tìm anh. Thế rồi cứ mỗi dịp Tết đến, hai người vợ trẻ lại gói mấy chục cái bánh chưng, chờ đợi và chờ đợi. Thật tội nghiệp, sự chờ đợi triền miên đã thành hoang tưởng, khi một người đã phải hiện thực hóa việc ái ân với chồng trong giấc mơ, và rồi vẫn còn mơ tiếp sau khi tỉnh dậy: “Chị Ân ơi” - Mật chợt kêu và ôm lấy Ân - “Mấy đêm trước em cũng mơ. Em mơ thấy anh ấy về và... ngay đêm đó...”; rồi “... em mơ em có mang. Lúc tỉnh dậy sờ bụng cứ thấy khang khác. Em sợ lắm”. Và rồi cứ thế, họ cứ gói bánh như vậy suốt mấy chục năm, kể cả sau khi họ đã biết chắc chắn cả hai người chồng đều đã hy sinh!
Mở đầu câu chuyện, trong ngôi nhà nhỏ ngoài triền bãi, hai bà già đầu bạc trắng ngồi móm mém nhai cơm, một bà bị hóc xương tép. Thực ra là do chứng ngẹn, khó nuốt của tuổi già, chứ con tép nhỏ xíu làm gì có xương. Vậy mà như thường lệ, họ lại bàn chuyện gói bánh và chờ đợi... Có một vẻ gì đó nghịch thường trong cái hành động đó nếu nhìn bằng con mắt thực dụng, sòng phẳng của ngày hôm nay. Nhưng nếu quay ngược về mấy chục năm trước, hiểu được cuộc sống cũng như tính cách của những người thôn nữ Việt hiền thục, cam chịu, giàu đức hy sinh, biết được tình yêu của họ là vô cùng cao quý thiêng liêng, thì ta sẽ thấy, lòng chung thủy đến ngang bướng của họ sẽ chẳng có gì là phi lý cả, và cái hành động gói bánh rồi chỉ để cho mốc meo lên thôi của họ cũng không có gì là nghịch thường cả. Thực ra đó cũng chỉ là kiểu cúng giỗ hơi khác thường của họ theo phong tục Việt.
Có thể nói Mùa hoa cải bên sôngHai người đàn bà xóm Trại là hai cột trụ chính làm nên ngôi nhà văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều.
Nếu Hai người đàn bà xóm Trại viết về lòng thủy chung son sắt của những phụ nữ nơi hậu phương thì Lời hứa của thời gian lại viết về nghĩa tình đồng đội cũng thủy chung sắt son không kém. Ông Miêng, một người lính sau cuộc chiến đã dẫn người vợ mới cưới trở lại khu đồi mà năm 1972, sau một trận đánh tàn khốc, cả tiểu đội của ông đã chết hết, chỉ còn mình ông bị thương còn sót lại. Cũng ngang bướng không kém hai người phụ nữ mấy chục năm gói bánh chưng chờ đợi hai người chồng đã chết kia, ông Miêng đã quyết chí một mình trồng thông phủ kín cả một vùng đồi mênh mông; ông muốn che mát nơi đồng đội mình yên nghỉ. Nếu sự bất hạnh sau cuộc chiến của những người vợ trẻ mất chồng là nỗi cô đơn, là tuổi xuân tàn phai dần trong sự chờ đợi vô vọng, thì ông Miêng, dù có vợ con, nhưng chỉ lành được thôi những vết thương trên thịt xương ông, còn cái vết thương sâu trong tận cùng trong máu huyết bởi chất độc da cam thì muôn đời không liền sẹo! Nên ông không thể sinh ra được những đứa con nối dõi! Hỏi nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào?
Ngoài những truyện mang đậm dấu ấn sáng tác, Nguyễn Quang Thiều còn viết những truyện thực, chính tác giả là chứng nhân. Chỉ với ít câu chữ thôi nhưng bằng tâm hồn nhạy cảm, từ những sự việc, sự vật li ti đã khắc sâu trong ký ức cậu bé nhà văn tương lai thuở nào, Nguyễn Quang Thiều đã viết ra những truyện rất ngắn nhưng lại chứa dựng nội dung rất dài, ôm trọn cả những kiếp người, không chỉ tái hiện hiện thực cuộc sống mà còn chỉ ra cái tính chất đầy bấp bênh, đầy mong manh của những phận người.
Truyện Thị trấn những cây bàng cụt, Nguyễn Quang Thiều kể về kỷ niệm thời học cấp III trọ học tại một thị trấn nhỏ, chỉ có một con đường trải đá hộc chạy qua và hai bên là dăm cây bàng cụt ngọn. Tác giả thường mua bún rồi thân quen với người bán bún, một phụ nữ đẹp, chân chất và cởi mở, có chồng là thương binh: “Yêu nhau lạ lắm chú ạ - Chị tủm tỉm - Cả cái chân gỗ của chồng cũng đẹp, có xước một tí sơn cũng xuýt xoa tưởng đứt thịt đứt da”. Một người đàn bà có tấm lòng như vậy, vậy mà số phận lại độc ác không cho những đứa con chị được chào đời, để được tận hưởng một tình mẹ bao la, và tai quái thay, đến tận đứa thứ 5 được sống thì sự sống của nó lại được đánh đổi bằng chính cái chết của người mẹ!
Người thổi kèn lá dứa kể chuyện tác giả khi còn là một cậu bé học lớp 5 với một “người chị” sinh viên năm thứ nhất sơ tán trọ học tại nhà. Dường như phái nam trong tâm trí luôn có một vài bóng dáng những “người chị” như vậy ở thuở thiếu thời, bởi những cô bạn cùng trang lứa thì còn là trẻ con chẳng có gì là hấp dẫn cả, chỉ những cô gái lớn tuổi hơn mới có sức cuốn hút. Theo quy luật sinh tồn của Tạo hóa, ngay những bông hoa cũng có ý thức biết làm duyên, với sắc mầu lộng lẫy, ngát hương, mục đích là để quyến rũ lũ ong bướm đến hút mật, giúp chúng thụ phấn, duy trì chủng loài; thì với loài người, sinh vật cao cấp nhất, Tạo hóa cũng phú cho như vậy. Những cô gái vào tuổi dậy thì, xuân sắc cũng bung nở như những bông hoa, với  má bồ quân, giọng nói, tiếng cười trong như ngọc; đặc biệt, vòm ngực dần căng núp dưới lớp áo luôn là thiên đường bí mật đối với các cậu bé. Tôi cũng từng có những ám ảnh như vậy, có lẽ bởi thế mà tôi đã viết thế này:
            Sao là cánh? Sao là đồng? Sao lại Chùa Mô,
                                                 Đằng Miều, Con Cóc?
           Những cái tên lạ lùng đã khắc dấu hồn ta
           Nhớ vệt bùn hôm nao em làm ta lấm áo
           Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
     Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ... 
        (Đông La - Cánh đồng quê. Báo Văn nghệ)
Chính vì thế, cậu bé Thiều, mà theo “người chị”: “Tên Thiều thì ngọt ngào lắm, vải Thiều mà” đã “Ngày ngày, tôi hay vẩn vơ ở ngoài ngõ chờ chị đi học về và lúc nào tôi cũng để chị nắm bàn tay nhỏ lem luốc của tôi dẫn về nhà. Những ngón tay chị mềm như nước và ấm như hơi lửa”. Và rồi chỉ gần một năm thôi đã để lại những xúc động đầu đời thiêng liêng, có thể sưởi ấm tâm hồn con người suốt cả cuộc đời: “Đêm chị rời làng tôi ra đi là một đêm trăng... Tôi cùng mẹ tôi ra tiễn chị. Đó là đêm mùa hạ đầy gió. Chị ôm chặt tôi vào lòng. Hai chị em tôi cùng khóc. Hơi thở chị phả nóng mặt tôi. Và mái tóc chị như phủ kín người tôi. Hương lá gội tóc của chị tỏa nóng ấm tôi. Tôi ôm chặt chị”. Và lại tai ác thay: “Tôi đâu có biết rằng, đêm chia tay ấy là đêm đầu tiên và cũng là đêm cuối cùng tôi thực sự có chị. Một năm sau tôi nghe tin chị mất vì tai nạn ô tô”!
Đọc những truyện thực này người ta thấy viết văn chả có gì là khó cả, chỉ cần kể lại những điều mình đã thấy, giống như tôi, trong nỗi xúc động tột cùng, tôi bình tĩnh ngồi trước máy tính gõ từng chữ một, kể lại toàn bộ đám ma người mẹ hiền yêu kính của tôi, những mong như một biên niên sử riêng của gia đình. Ấy vậy mà nhiều phụ nữ đã bật khóc khi đọc những dòng chữ thực thà đó, và nói chúng giống y như chuyện nhà họ, chỉ có điều khác là họ không sao viết ra được như vậy mà thôi.
Quả đúng thế, ngoài kỹ thuật ngôn ngữ, nhà văn khác người thường ở chỗ phải có một tâm hồn thật nhạy cảm mới có thể thổi hồn vào những sự vật vô tri biến chúng thành sống động. Một hòn sỏi chỉ là hòn sỏi, nhưng nếu chiếu ánh sáng của một hồn thơ vào nó thì nó sẽ lóng lánh như những hạt ngọc.
Nguyễn Quang Thiều đã làm đúng như vậy, cả truyện thực lẫn truyện sáng tác, tác giả đều viết bằng một tình yêu quê hương thiêng liêng. Trong một bài phỏng vấn, anh nói: “Mỗi người đều có một liên hệ vừa mơ hồ, vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng và vừa uy quyền với nơi chôn rau cắt rốn của mình... một không gian sống động và huyền ảo mà chúng ta không thể lớn lên nếu không có một không gian như thế và không thể nào đi ra khỏi không gian đó nếu muốn làm một người có chút gì lương thiện”... Cái không gian đó chính là ngôi làng Chùa của anh, một ngôi làng vừa độc đáo vừa đặc trưng cho miền quê đồng bằng Bắc bộ, bên bến sông, với triền đê trải dài, những vạt ngô biếc xanh điểm những chùm râu mầu nâu phất phơ trong gió, và những mùa hoa cải, cả triền sông như được dệt thành tấm thảm vàng rực, và mỗi khi một cơn gió lướt qua, tấm thảm lại biến thành mặt nước màu vàng, nhấp nhô sóng. Tất cả, tất cả, từng gốc cây ngọn cỏ, những bụi tầm xuân, những ngọn rau khúc nếp, những cánh chim chìa vôi non nớt, những đàn mòng két bay ngang trời... rồi dòng sông miên man trôi, những đầm nước yên tĩnh, những gò đống nhấp nhô mồ mả ... Tất cả đã trở thành không gian văn chương mà cũng là không gian tâm hồn của Nguyễn Quang Thiều.
Văn chương trên thế giới, những nhà văn Nga, có lẽ với tâm hồn Nga đa cảm và một đất nước rộng bao la nên đã viết về thiên nhiên cực hay.
Pautovsky đã viết về Prishvin: “Nếu như thiên nhiên biết mang ơn con người đã đi sâu vào trong đời sống của thiên nhiên, đã ca ngợi nó, thì người trước tiên xứng đáng được hưởng sự biết ơn đó là Mikhail Prishvin.
Prishvin cho mình là nhà thơ "bị đóng đanh trên cây thập tự của văn xuôi". Nhưng ông đã lầm. Văn xuôi của ông còn tràn đầy chất thơ hơn rất nhiều so với một số lớn những bài thơ và những bản thơ trường thiên”...
Còn chính Pautovsky, một nhà văn đầy lịch lãm và tinh tế, một nhà sư phạm văn chương lỗi lạc, trong tác phẩm Cội nguồn sáng tạo bàn về trí tưởng tượng, Pautovsky kể chuyện một quý tộc già người Tây Ban Nha, chỉ do trí tưởng tượng thôi thúc, đã tìm ra được vùng đất mà ngày nay là Florida; Pautovsky đã có những câu văn tả nơi đó thật đẹp, thật tuyệt vời, luôn bừng sáng, ngân vang trong lòng tôi, và tôi tin rằng nhiều người có danh vị nhà thơ cũng khó mà viết ra được:
Một hương vị tràn trề hạnh phúc của hoa trái từ trong bờ bay ra. Tưởng như mỗi ngụm hương vị đó đưa cái bất tử vào trong lồng ngực.
Mặt trời lên và cái xứ sở ngập trong bụi nước bay ra từ những dòng thác bỗng bừng lên đủ mọi màu sắc, những màu sắc chỉ có được khi ánh mặt trời khúc xạ trong những bình pha lê nhiều cạnh.
Đất nước ấy long lanh như một dải thắt lưng bằng kim cương mà nữ thần trinh bạch của trời và ánh sáng đã bỏ quên trên bờ biển”...
Nguyễn Quang Thiều cũng có những câu văn tuyệt đẹp bởi anh không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà thơ.
Như đoạn văn trong truyện Mùa hoa cải bên sông đã trích ở trên: “Chinh mỉm cười gật đầu và đi xuống bến. Anh nhìn theo. Đến lúc này anh mới nhận ra mái tóc như thiên thần của cô. Anh ngửa mặt lên trời. Có lẽ mái tóc ấy đã từ vầng trăng chảy xuống”. Trong Người đàn bà tóc trắng, không biết do Tạo hóa công bằng hay do ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Quang Thiều đã biến tình yêu của một chàng đánh xe bò với một cô gái người ở chẳng kém đắm say, chẳng kém thơ mộng so với tình yêu của một chàng hoàng tử và một nàng công chúa: “Gừng cảm thấy hai cánh tay Mô như hai cánh võng mềm mại đang dịu dàng đỡ lấy cơ thể cô”. Cũng tả hai cánh tay, trong Chạy trốn khỏi vầng trăng, Nguyễn Quang Thiều viết: “Em cũng im lặng rất lâu rồi đưa tay đỡ mái tóc vừa gội ban chiều và dâng lên. Trăng đưa hương nấm bưởi đến với tôi. Hai cánh tay trần của em như tạc bằng hai mảnh trăng mười sáu”...
Tôi thích văn Nguyễn Quang Thiều vì anh thường viết về những người đàn bà đẹp, đơn giản vì tôi là một người háo sắc, dù biết rằng, theo quan niệm của các cụ, háo sắc là một tính xấu. Có lẽ cần phải xem lại cái quan niệm này bởi nó phản khoa học, vì nếu những bông hoa không đẹp các loài thực vật sẽ tuyệt chủng, còn đàn ông mà không háo sắc, loài người chắc chắn cũng sẽ tuyệt diệt. Tôi mới xây xong một ngôi nhà và có toàn quyền lựa chọn những bức tranh đẹp nhất để treo ở phòng khách. Tôi không dám chê bức Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d'Avignon) của Picasso vĩ đại là xấu, nhưng tôi xin nhường vẻ đẹp của những cô nàng này cho cả thế giới chiêm ngưỡng, còn tôi sẽ chọn bức Cupid and Psyche (Thần Tình yêu và Tâm hồn) của François Gérard, vẽ nàng Psyche, một nàng công chúa dưới trần thế có sắc đẹp vượt cả nữ thần Sắc Ðẹp Venus, đã chinh phục được cả Cupid là thần tình yêu khi đi trừng phạt nàng, theo lệnh của người mẹ là Venus đã sai đi vì lòng đố kỵ.
Nếu như thơ Nguyễn Quang Thiều có nhiều dấu ấn sáng tạo về hình thức thì văn xuôi Nguyễn Quang Thiều lại rất giản dị. Không biết để làm được hai điều có vẻ trái ngược đó thì cái nào khó hơn cái nào? Bởi để đạt được sự giản dị trong sáng tạo là vô cùng khó. Nhưng cần phải phân biệt được giản dị với giản đơn, thô sơ. Giản dị là việc đạt được hiệu quả thẩm mỹ một cách tự nhiên mà không cần đến những xảo thuật, những uốn éo, đỏm dáng. Như những cô gái xinh đẹp đến tuổi dậy thì, má bồ quân rồi thì còn cần gì đến son với phấn! Cốt yếu văn xuôi là ở tính “chuyện”, chuyện không chỉ là cái “cốt truyện” mà là khả năng viết ra những điều bất thường trong những điều mà mọi người thấy là bình thường, và ngược lại, chỉ ra những điều bình thường trong những cái mà người đời thấy là bất thường. Muốn vậy nhà văn phải sống, quan sát, chiêm nghiệm nhiều hơn người thường. Chỉ có thể viết hay về cái gì đó bằng sự am tường chứ không phải bằng xảo thuật khéo léo, vì chỉ có am tường, người viết mới có khả năng nhìn xuyên qua lớp vỏ, nhiều khi là giả, để thấy được cái bản chất đích thực của sự việc. Nếu không, nhà văn chỉ viết ra được những tác phẩm dở như những nhà điêu khắc tạo ra những hình nộm, như những đứa trẻ vẽ ra những bức vẽ nghệch ngoạc, và những nhà thơ rỗng tuếch viết những bài thơ diêm dúa mà Pautovsky gọi là “Những bông hoa bằng vỏ bào”.
Nguyễn Quang Thiều quả khôn khéo, như anh thổ lộ: “Nhưng tôi hiểu mối liên hệ này được tạo dựng nên bởi rất nhiều yếu tố vừa cụ thể vừa mơ hồ: ký ức, kinh nghiệm, phong tục, văn hóa, ẩm thực, thổ ngữ, dòng họ, hàng xóm, những ngôi mộ, con sông, cánh đồng, đình làng, những câu chuyện ma thủa nhỏ, những đầm nước, những năm tháng đói rét, những cơn ốm đau, mối tình thủa học trò, những người đàn bà tắm trần trên bến sông, những phiên chợ, những đám tang, những thôn nữ tóc dài, ngực nở rắn chắc tưởng chỉ chạm khẽ là mang thai, những nhân vật đặc biệt của làng...”. Tất cả những cái đó là nguồn cội đã sinh ra ý thức, sinh ra tình cảm, sinh ra đam mê và cuối cùng đã sinh ra văn chương Nguyễn Quang Thiều.
Nhiều khi tôi thấy mình thật may mắn khi được quen và đều được quý mến bởi hai người, ở hai thế hệ, đều có tài năng thuộc vào hàng đầu của nền văn chương Việt Nam: Chế Lan Viên và Nguyễn Quang Thiều. Với Chế Lan Viên, ngay lần đầu đọc một chùm thơ của tôi, với quyền uy của một tài năng lớn, ông đã tự ý trao giải cho tôi ngay tại nhà ông, trong một cuộc thi thơ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Và cái làm tôi ngạc nhiên nhất không phải là việc được giải mà là việc Chế Lan Viên lật đật bưng một chồng bản thảo rất dầy ra khoe và nói cách làm thơ của mình với tôi, như tâm sự với một người bạn tri kỷ; trong khi không chỉ là một nhà thơ lớn, lừng danh, mà ông còn hơn cha tôi hai tuổi. Còn Nguyễn Quang Thiều, mỗi lần tôi đến nhà chơi, tôi đã rất ngại khi bà xã anh tiếp đón quá chu đáo, Thiều đã nói với tôi một câu khiến tôi không thể nào quên: “Ông không có gì phải ngại. Vì ông là một thành viên của nhà tôi”.
Thật tiếc, với Chế Lan Viên, tôi chỉ được gặp mấy năm cuối đời ông, nhưng cũng đã kịp là chứng nhân, bởi tôi là người đã xin giấy cho ông đi viện, chứng kiến giây phút ông được đưa ra từ phòng mổ, chứng kiến người ta liệm xác ông, và giây phút sau cùng, chứng kiến ngọn lửa trong lò thiêu trùm lên quan tài ông.
Còn Nguyễn Quang Thiều, ngày đầu tôi gặp Nguyễn Quang Thiều là ngày anh chịu trách nhiệm làm ra tờ Văn nghệ Trẻ, nghĩa là khi chúng tôi còn là những cây viết trẻ. Đến nhà nhau chơi, những đứa con vẫn còn nhỏ. Vậy mà giờ gặp lại, lòng tôi thấy rưng rưng khi thấy râu tóc người bạn mình đã nhiều sợi bạc, chúng tôi đều trở thành những đứa con mồ côi khi những bậc sinh thành đều đã ra đi. Những đứa con cũng đã trưởng thành, bay nhẩy ở những phương trời xa. Thời gian trôi đi khủng khiếp thật. Mới ngày nào viết về Thơ Nguyễn Quang Thiều, vậy mà đã hơn 10 năm trôi qua!
Nguyễn Quang Thiều là tác giả tôi đồng cảm nhất. Phải chăng vì chúng tôi cùng thế hệ, cùng lớn lên ở quê, và quan trọng nhất là có nhiều quan điểm trùng nhau về chân, thiện, mỹ. Lần gặp Nguyễn Quang Thiều gần đây, tôi đã giật mình khi nghe tiếng chuông điện thoại di động của Thiều kêu. Đa phần người ta thường chọn tiếng nhạc vì thích cái lạ, còn tôi khi chọn thì nghĩ, đã là điện thoại thì tiếng chuông phải là tiếng điện thoại, không ngờ ông bạn mình cũng chọn như thế, cả hai đều là tiếng chuông của điện thoại cố định. Một chuyện rất nhỏ thôi, nhưng thú vị ở chỗ nó như một dẫn chứng cụ thể về việc chúng tôi có sự đồng cảm. Đọc Người thổi kèn lá dứa tôi đã bật cười, khi Nguyễn Quang Thiều cho biết hồi nhỏ học Văn cũng không tốt, còn tôi thì hoàn toàn không thích học Văn mà chỉ thích những môn tự nhiên. Nguyễn Quang Thiều giờ đã trở thành tác giả nổi tiếng, đã vào đội ngũ lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam; còn tôi ngoài sáng tác, viết cả phê bình, còn phê phán tranh luận cả về sách giáo khoa, còn được cả Giáo sư văn học quý mến nể trọng, nghĩa là chúng tôi đều không dốt Văn. Như vậy, môn Văn nói riêng và cả nền giáo dục của chúng ta nói chung còn nhiều vấn đề không phù hợp và yếu kém, đó là nguyên nhân chính làm cho xã hội ta kém phát triển.
Thật thú vị khi viết về những tác phẩm mình yêu quý, của tác giả thân thiết với mình, mà tài năng họ đủ sức cho ta tha hồ phóng bút, giúp ta viết ra những rung động thực, những nhận xét thực. Bên cạnh những tác phẩm thơ có giá trị, Nguyễn Quang Thiều thực sự đã đóng góp những tác phẩm văn xuôi quý giá vào kho tàng văn chương Việt Nam. Độc một truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông thôi cũng đủ sức biến anh từ một người thường trở thành một nhà văn, với đầy đủ ý nghĩa cao quý nhất của danh hiệu đó.
ĐÔNG LA

2 comments:

  1. Trang "VC" mà cứ đăng những bài nịnh quan (cớm) văn nghệ như thế này thì ai thèm vào đọc nữa? Nịnh cũng phải có nghệ thuật nhé!!

    ReplyDelete
  2. Nhà em cứ ngỡ mình là đứa giỏi bợ đỡ nhất đời, cho đến khi đọc cái này ...

    ReplyDelete