Trang

Saturday, August 25, 2012

BÙI KIM ANH “ĐÁNH GHEN” THIÊN THẦN CỦA NGUYỄN TRỌNG TẠO


THIÊN THẦN
Nguyễn Trọng Tạo
em mười chín tuổi nghìn năm trước
sao đến bây giờ mới hai mươi
môi mềm ngực nõn vòng tay xiết
anh là đá tảng cũng tan thôi
cứ tưởng một lần cho đỡ khát
nào ngờ bùa ngải lú trời xanh
nghìn sau gặp lại… em hăm mốt
môi ngực vòng tay vẫn thiên thần. 
LỜI BÌNH CỦA BÙI KIM ANH:
Bài thơ ngắn – 8 câu. Tả về em ít – 1 câu: môi mềm ngực nõn vòng tay xiết. Tuổi em được nhắc đến trong 3 thời gian – trước 19, bây giờ 20 và sau 21. Em đang độ tuổi 20. Có chữ nào đẹp đâu, có chữ nào xinh đâu, mà trong tình thơ của Nguyễn Trọng Tạo em tuyệt vời thế, em hấp dẫn thế. Có chữ nào đâu, có chữ say nào đâu mà trong thơ, tình thi sĩ nồng nàn, đắm đuối thế.
em mười chín tuổi nghìn năm trước
sao đến bây giờ mới  hai mươi

nghìn sau gặp lại… em hăm mốt
Câu thơ cho ta một tiếp nối thời gian là như thế – 19 thì phải 20 rồi 21. Câu thơ cho ta một tiếp nối thời gian không là như thế – nghìn năm trước, nghìn năm sau. Vớ vẩn nếu không trong thơ, nếu không là tình yêu thi sĩ. Có bao nhiêu em trong thơ của các thi nhân. Người đọc chẳng biết. Thi sĩ không nhớ. Nguyễn Trọng Tạo chắc cũng không thể nhớ. Chỉ một chữ sao, một chữ mới, một cụm  từ quen dùng  – sao đến bây giờ mới… khiến cho cái không là như thế lại trở nên đúng như thế. Em với tuổi 20 đầy sức sống. Cái tuổi 20 cứ mơm mởm, cứ căng đầy. Vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn của tuổi thanh xuân như mơm man khiến anh ngỡ ngàng, khiến anh nhầm lẫn, khiến anh bâng khuâng tự hỏi – sao?
Em với môi mềm ngực nõn sao có thể nhìn đi chỗ khác, sao có thể không rạo rực. Sức sống ở tuổi em, ở môi em ngực em và ở cả sự mãnh liệt nơi vòng tay em đang đặt sự rung cảm của anh, tình thơ của thi nhân một xúc cảm vĩnh hằng. Thời gian nghiệt ngã với con người – với tuổi tác, với nhan sắc, với sức lực, với trí tuệ . Nhưng em với tuổi 20 và môi ngực vòng tay trong tình yêu, trong cảm hứng thi nhân là mãi mãi. Em là em cụ thể.  Em là em thiên thần. Không tả nhiều mà như đầy ắp. Tả rất thực mà cứ lâng lâng.
anh là đá tảng cũng tan thôi.
Là anh –  thi sĩ, là anh – người con trai, người đàn ông trước cái mềm, cái nõn của tuổi 20, của người con gái làm sao không tan ra. Là đá tảng, hay là “mặt sắt đen sì” cũng phải tan, phải ngây. Nói không là dối. Nói toạc là thô. Nói bằng thơ kiểu Nguyễn Trọng Tạo thì lại thanh tao. Thế đấy. Rung cảm ư? Đâu chỉ tâm hồn. Đâu chỉ thể xác. Làm nên nối nhịp Anh – Em là tất cả. Làm nên sự đắm say là tất cả. Tứ thơ có được là nhờ rung cảm hòa vào nhau của tất cả.
cứ tưởng một lần cho đỡ khát
nào ngờ bùa ngải lú trời xanh
Một trong  những cái đáng sợ là bị bỏ bùa- bùa mê, thuốc lú. Có hay không cái bùa chú của phù thủy, của một tộc người nào đó, của ai đó. Bị bỏ bùa sẽ ốm, sẽ mất hồn vía, sẽ có thể chết. Ở anh là lú, lú đến cả trời xanh. Lú đến cả đời. Một lần và cả một đời… Lú đến thế mới ra nghìn năm trước, nghìn năm sau – nghìn năm mới một tuổi. Và em vẫn mãi là tuổi hai mươi, vẫn môi mềm ngực nõn vòng tay xiết mà anh chẳng bao giờ đỡ khát. Nguyễn Trọng Tạo chẳng lựa chọn từ ngữ cho to tát, cho có vẻ hình tượng, cho cầu kỳ mới lạ gì. Đơn giản, quen thuộc như phải thế khi thốt ra từ ngôn ngữ thường ngày. Nào sao, nào cứ tưởng, nào mười chin, hai mươi, hăm mốt… Thế thôi, ngắn gọn, giản đơn mà đầy cảm xúc, mà truyền cảm đến với bao em, với bao kẻ đang yêu…
Đó chính là những câu thơ mặc khải* thời gian của “Thiên thần”.
____
* Mặc khải: nghĩa là vén, mở ra bức màn bí mật để cho thấy một điều gì đó – (từ thần học hay được dùng trong đạo Công Giáo).

No comments:

Post a Comment