Trang

Saturday, August 18, 2012

LUẬT SƯ TÂM: “GS THUẬN MƯỢN DANH THẦN PHẬT LÀ TỘI LỚN”

Sau khi tác giả Trần Trương phủ nhận cáo buộc GS.TS Hoàng Quang Thuận đạo sách, luật sư Nguyễn Minh Tâm, người phát hiện ra sự việc, phản hồi rằng ông không chủ ý tố GS Thuận đạo mà muốn chứng minh "Thi vân Yên Tử" không phải thơ nhập đồng.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm là tác giả bài viết “Thi vân Yên Tử được sao chép từ đâu?” (tên gốc "Thi vân Yên tử của Hoàng Quang Thuận có phải là thơ nhập đồng?"). Từ những phát hiện này của ông Tâm, dư luận đã dấy lên nghi ngờ GS. Hoàng Quang Thuận “đạo văn” từ cuốn “Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng” của tác giả Trần Trương. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, đó không phải là điều ông hướng tới và mổ xẻ, ông cũng phủ nhận việc mình quy kết GS. Thuận “đạo văn”.
Vị luật sư chia sẻ, điều ông muốn đề cập trong bài viết là việc ông Thuận đã thần thánh hóa tập thơ: “Tập thơ ra đời trên cơ sở sử dụng các tài liệu khác để viết thành thơ nhưng anh Thuận lại cho đó là thơ nhập đồng, tôi chỉ muốn chứng minh đó không phải là thơ nhập đồng thôi… Anh Thuận làm cho người đọc hiểu lầm xuất xứ của nó bằng cách gắn với yếu tố tâm linh. Tôi không quan tâm đến việc anh Thuận có đạo văn hay không mà chỉ quan tâm đến việc anh Thuận đã không công bố xuất xứ thực của tập thơ mà thổi vào đó yếu tố tâm linh, bằng cách cho nó là thơ của tiền nhân, đấy mới là tội lớn với nhà Phật”.
Bình luận về thơ của ông Thuận, nhà thơ Trần Trương - làm việc tại Tạp chí Thơ, không phải tác giả Trần Trương nói trên - chia sẻ với báo chí rằng: “Tác giả bảo trong 4 giờ của một đêm, hình như có “tiền nhân” nhập vào hồn nên ông viết liền 121 bài thơ theo thể tứ tuyệt Đường luật. Tôi nghe xong thấy kinh hãi, và tự hỏi: Đây là một thiên tài hay một người tâm thần vì ông đã quyết định gửi tập thơ Thi vân Yên Tử đi dự giải Nobel thế giới”.
Bên cạnh đó, những lùm xùm quanh tác giả Hoàng Quang Thuận và tập thơ vừa được tổ chức hẳn một hội thảo trang trọng tại trụ sở Hội Nhà văn khiến dư luận trở nên nghi ngờ chất lượng của các cuộc hội thảo văn học hiện nay. Nhiều người thậm chí còn nhận định, thơ ông Thuận không xứng đáng để tổ chức hội thảo.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - ủy viên ban Thường vụ Hội nhà văn Việt Nam - chia sẻ: “Về những chuyện xung quanh ông Hoàng Quang Thuận với phát ngôn cá nhân, cuộc hội thảo và những vấn đề liên quan, ai tham gia trực tiếp sẽ tự chịu trách nhiệm trước xã hội, người đọc, trước các nhà văn đích thực, chân chính. Địa chỉ số 9 Nguyễn Đình Chiểu mấy chục năm nay luôn mở cửa chào đón nhà văn khắp mọi miền của tổ quốc nhưng cũng chưa xảy ra kiểu hội thảo gây nhiều tai tiếng như thế này”. Từ đó, chị cho rằng: “… việc chưa có quy chế hoạt động và sử dụng Hội trường của Hội Nhà văn Việt Nam là thiếu sót. Tuy hội trường nhỏ và giản dị, không tráng lệ như các phòng họp cho thuê tại các khách sạn sang nhưng nó lại mang nhiều ý nghĩa rất thiêng liêng. Đây là hồi chuông cảnh báo về việc cần có quy chế, đưa vào nề nếp những hoạt động của các cơ quan cấp hai thuộc Hội nhà văn VN nhằm gìn giữ sự linh thiêng của ngôi đền chung của bao thế hệ nhà văn Việt Nam... ”.
Trước sự bức xúc của công chúng cũng như những người trong giới văn chương, đại diện Hội Nhà văn khẳng định, đây là hội thảo do Tạp chí Nhà Văn tổ chức tại Hội trường của Hội. Theo thông tin từ Hội Nhà văn, hôm qua Thường vụ Hội đã tổ chức họp về vụ “hậu hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận” và Hội sẽ có thông cáo về vụ việc này. “Về việc tổ chức các sự kiện tại hội trường của Hội do các cơ quan cấp hai hay các Ban thực hiện, chúng tôi sẽ có những chấn chỉnh để không xảy ra các vụ việc gây dư luận không tốt đến uy tín của Hội”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội, khẳng định.
GIA MIÊN – HOÀNG ANH


No comments:

Post a Comment