Trang

Friday, August 17, 2012

NHÀ THƠ ĐÀM CHU VĂN VÀ CÂU CHUYỆN ĐỒNG NAI QUA LĂNG KÍNH PHÊ BÌNH ĐỖ NGỌC YÊN: SAO VẪN CỐ TÌNH LÀM KHÓ CHO… THƠ (!?)


Trên báo Tuổi trẻ số 219/2012 (6973), ra ngày thứ Ba, 14/8/2012 có đăng bài “Nhà thơ gặp rắc rối vì...thơ” của tác giả Trần Nhã Thụy về "một cuộc họp khá bất thường" đối thoại giữa tác giả bài thơ và những người có quan tâm tới bài thơ “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dâncủa nhà thơ Đàm Chu Văn, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, vừa diễn ra chiều ngày 13/8 tại Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, TP Biên Hòa.

Đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ và bài báo tôi vô cùng ngỡ ngàng về “Cuộc đối thoại” hết sức bất thường kiểu này, mặc dù ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai vẫn khẳng định là “để rộng đường trao đổi chuyên môn”, nên ban Tuyên giáo “vẫn tổ chức cuộc đối thoại” xung quanh bài thơ và “hiện chúng tôi, (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai - PV) không kết luận cũng không đưa ra hình thức kỷ luật hay phê bình nào cả”.
Như thế, về hình thức, cuối cùng có vẻ như nhà thơ Đàm Chu Văn “vô can”. Vậy theo logic ấy thì cái gì ở đây “hữu can” ngoài bài thơ ra. Nhưng thơ là sản phẩm sáng tạo tinh thần của nhà thơ. Nếu cả tác giả lẫn tác phẩm “vô can” thì cuộc “đối thoại” trên trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Vậy mà Ban Tuyên giáo đã phải bỏ ra cả 4 tiếng đồng hồ (từ 13h30 đến 17h30) để “đối thoại” làm gì (!?)    
Về “chuyên môn” ư? Bản thân Hội VHNT đã không thành lập được “bộ phận lý luận phê bình” thì hỏi lấy ai vào đây mà thẩm định “chuyên môn” mới được chứ? Trong khi trước đó, ông Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đồng Nai cho biết là nhân Lớp tập huấn công tác lý luận phê bình VHNT diễn ra tại TP Biên Hòa vừa qua, ông “đã tranh thủ lấy ý kiến” của PGS- TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình VHNT, Ban Tuyên giáo Trung ương (không phải của Hội NVVN như trong bài báo đã nêu - PV). Ông Hồng Vinh sau khi đã đọc bài thơ, tham khảo ý kiến đồng nghiệp và cho ý kiến chính thức “đây là một bài thơ có tứ tốt, nhưng đôi chỗ còn hạn chế như cách đặt tên bài, cách diễn đạt chùm câu cuối, và vài chỗ trong bài dễ khiến người đọc hiểu theo hướng không có lợi
Còn ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT, Chủ tịch Hội NVVN, cho hay trong công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 8/8/2012 khẳng định: “Ban Thường vụ Hội NVVN khẳng định bài thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng có ý nghĩa khao khát vươn lên tới sự trường tồn của thiên nhiên, của dân tộc”.
Như vậy là quá rõ, hai người cao nhất có thẩm quyền phát ngôn về chuyên môn của VHNT nước ta đã lên tiếng khẳng định như thế. Vậy mà sau đấy đúng 5 ngày, Ban Tuyên giáo Đồng Nai vẫn còn muốn “đối thoại” về một thứ “chuyên môn” nào khác ngoài bài thơ chăng, trong khi đó họ nhất quyết rằng chỉ “đối thoại” giữa tác giả và những người quan tâm đến bài thơ trên? Chẳng lẽ hai vị kia không có đủ thẩm quyền phát ngôn về “chuyên môn” VHNT bằng cô phóng viên báo Lao động tỉnh Đồng Nai Trần Thu Hằng và một lá thư nặc danh chăng? Trong lá thư góp ý kiến của nhà báo Trần Thu Hằng gửi Ban Tuyên giáo Đồng Nai ngày 2-7-2012 có nội dung như sau: “Cảm nhận ban đầu của tôi là bài thơ dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để nói thay một cái cây cổ thụ, song bên cạnh đó lại thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện...”.
Trước hết, đây chỉ là “cảm nhận ban đầu” một cách rất chủ quan. Mà đã là cảm nhận thì chưa thể coi điều đó là đúng hay sai. Đọc rất kỹ bài thơ, chắc chắn tôi cũng như nhiều người khác không hề thấy tác giả Đàm Chu Văn “thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện” trong bài thơ của mình ở chỗ nào như Trần Thu Hằng đã quy kết cho anh. Nếu có thì Trần Thu Hằng phải chỉ ra câu nào, chữ nào, dòng nào như vậy chứ. Theo tôi, ở đây chính Trần Thu Hằng mới là người “định kiến” và “ám chỉ tùy tiện” với bài thơ và tác giả của nó. Thẩm thơ theo cách suy diễn vô lối như thế này chỉ có giết thơ và tiện tay giết luôn cả người làm thơ.
Mặt khác, bài thơ của Đàm Chu Văn đã được in ở báo Văn nghệ (HNVVN) từ ngày 16/4/2011. Như vậy nó có ít nhất gần 16 tháng sống trong dư luận xã hội. Chắc chắn rằng nhiều vị ở Hội VHNT, Ban Tuyên giáo và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã đọc bài thơ này của Đàm Chu Văn. Cớ gì họ phải chờ đến một “ngày thứ sáu đen tối” tức ngày 2/7/2012, chỉ vì một “thằng bán tơ” ất ơ nào đấy, để rồi sau gần 16 tháng trời, Ban Tuyên giáo Đồng Nai mới thấy cần phải “đối thoại” về “chuyên môn” với nhà thơ?
Dù là “vô can”, nhưng sau khi rời cuộc họp, nhà thơ vẫn chia sẻ tâm sự với nhà báo Trần Nhã Thụy: “Thật đáng sợ khi một người làm thơ phải ngồi giải thích mình làm bài thơ này là ý nói cái gì, câu thơ này mang ý nghĩa gì... Nghe chuyện này chắc bạn nào mới làm thơ phải khiếp vía...”  
Khiếp vía” quá đi chứ, vì có ở đâu mà người ta làm ăn ngược đời, đối xử với thơ và người thơ như thế? Vì thế, có ý kiến cho rằng, Ban Tuyên giáo Đồng Nai đã dùng mệnh lệnh hành chính để “thẩm định chuyên môn” bài thơ trên và tác giả của nó. Đây là một việc làm hết sức vô lối, cố tình suy diễn nhằm kiếm cớ để “dìm hàng” người khác. Thiết nghĩ những người có ý đồ như thế cần phải rút kinh nghiệm, chấm dứt ngay và phải xin lỗi tác giả bài thơ.
ĐỖ NGỌC YÊN

2 comments:

  1. May quá, thiên hạ đang theo dõi vụ Bầu Kiên nên đã quên vụ "dìm thơ" này rồi, đừng đau lòng nữa, vì đời não đời nào thì miệng nhà quan luôn có gáng có thép. Ban TG ĐN làm những chuyện mà Ban TG nơi khác không làm : Đó là chỉ thị cho báo chí không được đụng đến bà Đỗ Thu Hằng, ĐBQH, lãnh đạo cao nhất Công ty Sonadezi vì vụ xả thải. Và mới đây là vụ tổ chức đối thoại một buổi đầy về vụ bài thơ của Nhà thơ ĐCV. Chuyện nào cũng vì cá nhân cả, chỉ khác là bảo vệ cá nhân doanh nhân Đỗ Thị Thu Hằng và không bảo vệ nhà thơ họ Đàm mà thôi.

    ReplyDelete
  2. Ý kiến hay quá.

    ReplyDelete