Trang

Thursday, August 23, 2012

ĐỖ BÍCH THÚY: HÓM HỈNH VÀ HỒN NHIÊN VỚI “EM BÉO…”


Sau tập tản văn “Trên căn gác áp mái” đầy những nỗi niềm của đứa con tha hương với miền quê xa ngái, Đỗ Bích Thúy gây bất ngờ khi vừa cho ra mắt cuốn sách cho thiếu nhi có nhan đề “Em Béo và Hội Cầu Vồng”. Cũng như nhiều nhà văn từng viết sách cho thiếu nhi, cảm hứng để chị viết những trang sách này đến từ hai cô con gái đang học tiểu học của mình.

Rời xa những trang văn đau đáu về một miền núi cao không biết bao giờ sẽ quay trở lại, về một căn gác áp mái thấm đẫm những ký ức tuổi thơ và những nhân vật miền sơn cước chân chất bình dị, Đỗ Bích Thúy bỗng hồn nhiên và hóm hỉnh không ngờ với Em Béo và Hội Cầu Vồng. Những câu chuyện thân quen trong mỗi gia đình nơi phố thị, với mỗi em bé đang ở tuổi đến trường được kể lại sinh động với lối kể chuyện dí dỏm và văn phong mộc mạc chân chất rất đặc trưng của Thúy.

Một nhóm 6 bạn nhỏ đang học lớp 2 với những nickname rất ngộ nghĩnh cùng chơi với nhau trong một hội được gọi là Hội Cầu Vồng: Nhi Su Mô, Nhi Còi, Nhi Búp Bê, Nhi Khủng Long, Ngọc Phù Thủy và Em Béo. Mỗi biệt danh đều có “sự tích” riêng của nó – đặt theo đặc điểm và cá tính của mỗi bạn nhỏ. Những câu chuyện hài hước và vô cùng ngây thơ ở trường và ở nhà đã gắn kết nhóm bạn nhỏ với nhau, tuy đôi khi cũng gây chia rẽ chúng. Từ trò chơi đóng giả nhà vua, hoàng hậu, ước mơ làm công chúa đến chứng nghiện sôcôla, thích ăn gia vị mì tôm… "Ganh" nhau thi ăn, thi đua xe đạp thậm chí thi cả… “xì hơi ra ngô” và ghét ngủ trưa, bức xúc với em bé, thích được làm mẹ để làm bất cứ điều gì mà không bị cấm đoán… Tất cả những trò nghịch ngợm và cả nỗi lòng con trẻ được tái hiện sinh động động qua lời kể của cô bé 4D - đụng-đâu-đổ-đấy - Ngọc Phù Thủy. Mỗi câu chuyện ẩn chứa tình yêu thương, sự chia sẻ, quan tâm tới nhau từ những điều nhỏ nhất.
Đỗ Bích Thúy chia sẻ: “Tôi không dám chắc là cuốn sách sẽ bán chạy, nhưng tôi tin là con gái tôi và bạn bè cùng lứa tuổi của nó sẽ thích bởi chúng thấy được mình ở trong đó”.
Quả là độc giả nhỏ tuổi có thể tìm thấy chính mình trong bóng dáng những nhân vật ngây thơ và hồn nhiên ấy, với lời tựa như một tiếng thì thầm cố làm ra vẻ quan trọng và bí mật "… những câu chuyện tôi viết ở trong cuốn sách này, xin thề, hoàn toàn là sự thật. Các bạn có thể kiểm chứng bằng cách gọi điện tới số 224998999… Nhưng cũng đề nghị các bạn đọc rồi thì giữ kín giúp cho…". Và mỗi câu chuyện nhỏ – như được kể từ một cô bé răng sún đang học lớp hai – ngộ nghĩnh với những lý luận rất con trẻ, có thể khiến độc giả nhí cười khanh khách nhưng cũng có thể giật mình, cay mắt, có người cho “như thế là thành công rồi”.
Đỗ Bích Thúy đã “chắt” lấy chất liệu từ cuộc sống hằng ngày của hai cô con gái nhỏ để đưa vào tác phẩm của mình. Những trưa trốn ngủ để viết truyện, thói ghét ngủ trưa, thích màu hồng, muốn được “làm mẹ” cho đến những “nỗi lòng” khi có em bé…
Tập hợp những câu chuyện hàng ngày của các con, trong đó có những chuyện từng được chị đưa lên blog thành một cuốn truyện dày gần trăm trang, cuốn sách đầu tiên viết cho thiếu nhi của Thúy dường như là một cách để chị ghi lại những kỷ niệm về con mình, để cho con mình. Cũng giống như một vài nhà văn từng viết sách cho thiếu nhi như Tạ Duy Anh, Phong Điệp, Trang Thanh…, Thúy viết cuốn sách bởi cảm hứng đến từ chính các con mình.
Chị từng hào hứng kể: “Đây là một món quà tôi dành cho con gái và các bạn của nó. Cuốn sách này có xuất xứ khá vui, ấy là đầu tiên tôi viết cho con tôi đọc, toàn những chuyện nhí nhố gây cười của bọn trẻ học lớp 2. Ngày nào nó cũng kể cho tôi một lô những chuyện rất thú vị. Tôi thấy không ghi lại thì phí quá nên đã biến thành những câu chuyện nhỏ. Con gái tôi mang đến lớp, bạn nó xúm xít đọc cùng và còn hỏi: "Mẹ cậu mua những truyện này ở đâu thế". Sau khi có “kiểm định chất lượng” của bọn trẻ, tôi mới sửa sang sạch sẽ gửi cho NXB Kim Đồng”.  
Chính bởi thế mà chưa thể khẳng định về một chặng đường dài với một sự đầu tư chuyên nghiệp cho một dòng văn dành cho thiếu nhi. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà Thúy đã làm được một điều khiến cho cuốn sách trở nên gần gũi và dễ dàng chia sẻ với các độc giả nhỏ tuổi, đó là hóa thân vào những nhân vật của mình một cách tài tình với những ngây thơ con trẻ và cách nghĩ hồn nhiên đúng lứa tuổi.
Đọc "Em Béo và hội Cầu Vồng" thú vị bởi không thấy bóng dáng của tác giả – được biết đến với biệt danh “nhà văn miền núi” – mà chỉ thấy những em bé “lắm chiêu, nhiều trò” nhưng cũng rất đáng yêu. Nhớ lại những lời đau đáu của chị về một vùng quê ở trên núi cao nay đã trở nên xa xôi, rằng chị đã gửi hết hồn vía ở nơi đó nên “mãi là người từ xa đến” với mảnh đất mà chị đang sinh sống này, chợt nhận ra, biết đâu từ những “cuộc hóa thân” này mà sự gắn kết với miền đất mới sẽ ngày càng khăng khít.

Từ tình người đến tình yêu với mỗi vùng đất chẳng phải luôn là một hành trình tất yếu hay sao. Khi mà Thúy dường như vẫn còn đang ngơ ngác giữa ngã ba đường, phân thân với câu hỏi “chưa biết đến bao giờ tôi mới chọn được một lối đi khác”.
Nhưng lối đi, đôi khi là do nó chọn mình, chứ không phải đi chỉ bởi vì “lối đi ở ngay dưới chân mình” mà người ta bước tới.
Yên Khê
(Nguồn: Tạp chí Đời sống gia đình)
Nhà văn Đỗ Bích Thúy hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cô viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tạp văn, tạp bút... Các tác phẩm đã xuất bản: Sau những mùa trăng (NXB Quân đội, 2001), Những buổi chiều ngang qua cuộc đời (NXB Thanh niên, 2003), Ký ức đôi guốc đỏ (NXB Kim Đồng, 2004), Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (NXB Công an, 2005), Bóng của cây sồi (NXB Thanh niên, 2006), Người đàn bà miền núi (NXB Phụ nữ 2010), Trên căn gác áp mái (NXB Phụ nữ, 2011), Em Béo và Hội Cầu Vồng (NXB Kim Đồng, 2012).

No comments:

Post a Comment