Trang

Friday, August 17, 2012

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG: THI VÂN YÊN TỬ “NHẬP ĐỒNG” HAY “ĐẠO” THƠ?

Dư luận đang xôn xao xung quanh chuyện thơ “nhập đồng”, thơ “thiền” của nhà thơ Hoàng Quang Thuận. Nếu có thì đây đúng là hiện tượng kỳ bí và hiếm có trên thi đàn nước ta. Việc sáng tác 121 bài thơ chỉ trong 4 giờ hoặc làm 143 bài thơ trong 3 đêm liền là chuyện lạ, bởi chỉ riêng việc đặt bút viết không suy nghĩ hoặc chép lại cẩn thận, đẹp đẽ từ những câu chữ có sẵn cũng chưa chắc kịp chứ nói gì đến suy nghĩ sáng tạo tứ thơ, hồn thơ, kết cấu bố cục bài thơ và bao nhiêu lao động đặc biệt lao tâm khổ tứ khác để cho ra một tác phẩm thơ hay. 

Với tốc độ làm thơ như vậy thì hoặc giải thích theo yếu tố tâm linh kỳ bí hoặc chép lại bằng tốc độ rất nhanh. Sắp tới, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương sẽ thẩm định và trả lời thỏa đáng trước dư luận.

Trong khi chờ đợi có câu trả lời từ cơ quan chức năng, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến để rộng đường dư luận…
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn - Hội Nhà văn Việt Nam: Sẽ làm rõ nghi án “đạo” thơ
Là đơn vị đứng ra tổ chức hội thảo thơ tôi khẳng định không có chuyện khuất tất gì ở đây. Không phải chúng ta chỉ tổ chức hội thảo về những tác phẩm xuất sắc, các tác giả bình thường họ cũng có quyền được tổ chức hội thảo chứ? Còn vấn đề kinh phí tổ chức thì bây giờ sự kiện nào mà chả kêu gọi xã hội hóa, có tài trợ. Mọi chuyện rất đàng hoàng, nhiều khách mời là do ông Thuận mời đến, ban tổ chức chúng tôi làm sao có những quan hệ ấy mà mời.
Hội thảo thơ “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” là một trong những sinh hoạt nghề nghiệp bình thường nhằm làm rõ một hiện tượng lạ trong đời sống văn học. Hội thảo  nhằm làm rõ tại sao tác phẩm của ông Thuận đạt kỷ lục Guinness châu Á về thơ, tác phẩm của ông như thế nào mà được gọi là thơ Thiền, rồi lại mang thơ dự giải Nobel… Hội thảo không phải nhằm tôn vinh và đóng cho ông Thuận một cái “mác”. Hơn nữa, tại hội thảo, hội đồng khoa học kết luận thơ của ông Hoàng Quang Thuận không phải là thơ Thiền mà chỉ chạm đến những vấn đề của Thiền.
Riêng chuyện ông Thuận có đạo văn hay không thì không nên kết luận vội vã. Theo thông tin chúng tôi có được thì cuốn Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng của tác giả Trần Trương tái bản năm 2005, trong khi những bài thơ trong cuốn Thi Vân Yên Tử của ông Thuận xuất hiện năm 1998, chưa thể khẳng định ai “đạo” của ai. Nếu quả thực ông Thuận “đạo” thơ thì chính ông phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Thêm nữa, nếu quả thực chuyện ông “đạo” thơ là thật thì cũng chính nhờ có hội thảo mà chúng ta mới phát hiện ra vấn đề này. Tuy nhiên, với trách nhiệm của đơn vị tổ chức hội thảo, chúng tôi cũng có trách nhiệm tìm hiểu thực hư nghi án này.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đây là hiện tượng kỳ bí khó lý giải
Với cuốn Thi Vân Yên Tử tôi không biết rõ lắm nhưng việc ký tên vào giấy để viết 121 bài thơ của Hoa Lư thi tập thì đó là sự thật. Khi ông Thuận kể chuyện 3 đêm liền làm 143 bài thơ của tập Thi Vân Yên Tử, tôi không tin, thế là ông ấy bảo “nếu không tin thì tôi đưa giấy cho ông ký vào làm chứng”. Đúng là tôi được chứng kiến ông Thuận viết 121 bài thơ của Hoa Lư thi tập trên những tờ giấy có chữ ký của tôi trong vòng 4 giờ. Tôi chứng kiến thế nào thì kể lại thế ấy, không khẳng định, không kết luận gì cả.
Thông tin về lá thư giới thiệu của nhà thơ Hữu Thỉnh về tập thơ để gửi tham dự Nobel tôi đã được đọc trích đoạn do chính tác giả Hoàng Quang Thuận gửi. Còn việc diễn văn xuôi thành thơ thì khó. Đây là hiện tượng kỳ bí, khó lý giải.
Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Văn bản thơ hạng xoàng!
Việc ông Thuận có đạo văn, đạo thơ của ai hay không hay người ta đạo của ông, việc này cần làm rõ nhưng cái chính, là một người làm nghề, tôi cho rằng chuyện đó không quan trọng bằng những gì văn bản thơ thể hiện. Liệu nó có đúng là thơ không và có đúng với những gì mà ông Thuận nói là thơ của “tiền nhân” không, vì theo đánh giá của tôi, đó chỉ là một văn bản thơ hạng xoàng. Tôi cũng nói rất rõ ràng trong bản tham luận gửi đến hội thảo: “Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt hoặc ghép hai bài tứ tuyệt thành một bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật thì ngay cái việc cố gắng ép thơ vần cũng đã đưa lại ý tứ khôi hài… Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đa, mây trời, trăng treo, tiếng hạc... là “bài thơ” có chất thiền…”.
Mai An thực hiện
Nguồn: SGGP

No comments:

Post a Comment