Trang

Monday, August 13, 2012

TÒA ÁN NÀO DÀNH CHO NHỮNG KẺ LŨNG ĐOẠN THI CA?

Hồi xưa thời còn bao cấp khi có cấn cá gì giữa các đơn vị hoạt động kinh tế của cùng một nhà nước (không có thành phần kinh tế tư nhân) quản lý, thì cần đến Trọng tài kinh tế để giải quyết cho thoả đáng. Hồi ấy tuy cuộc sống khó khăn về vật chất, nhưng tinh thần thì rất trong sáng vô tư, tất cả vì công việc chung, theo phương châm “Một người vì nhiều người và nhiều người vì một người”. Do vậy cuộc sống thanh bình êm ả và hạnh phúc (theo đúng nghĩa của từ này). Thường thì trọng tài kinh tế hoạt động rất công minh, nên giải quyết các vấn đề nói chung là thoả đáng cho các bên.

Khi nước ta bước vào nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì không còn Trọng tài kinh tế nữa, mà thay vào đó là Toà án kinh tế. Tất cả mọi tranh chấp và mâu thuẫn kinh tế, đề phải đưa nhau ra toà án mà giải quyết. Theo quan niệm của riêng tôi, thì Trọng tài kinh tế hay Toà án kinh tế, đều có một chức năng chung đó là: Giải quyết những khúc mắc giữa các bên về mặt kinh tế. Hay nói một cách khác là định vị cho những hoạt động kinh tế của các bên trở lại bình thường như nó cần phải có. Một quá trình hoạt động nào đó mà bị quá đà, không bình thường, dễ gây sự cố - thì ta phải điều chỉnh, định vị nó lại, cho nó trở lại hoạt động bình thường, suôn sẻ và an toàn. Còn trong sáng tác và quản lý văn học xưa nay chúng ta chưa có một tổ chức hay một ban nào đó mang tính định vị như Trọng tài kinh tế hay Toà án kinh tế. Có thể do chúng ta chưa có một quá trình văn học nào quá đà chăng, mà chưa có (tạm gọi là) Ban định vị?

Song mới chỉ hơn tháng nay thôi, kể từ ngày 28 tháng 6 đến 8 tháng 8 năm 2012 chúng ta đã có hai cuộc Hội thảo cực lớn về văn học. Đó là Hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” và Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử”. Tôi xin trích lại hai tin quan trọng đó như sau:

VanVN.Net – Sáng 28/6/2012, tại Viện văn học Việt Nam (số 20 Lý Thái Tổ - Hà Nội), cuộc tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” được tổ chức. Tới dự tọa đàm có các đại biểu: PSG. TS Đinh Xuân Dũng, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, TBT Báo Văn nghệ; nhà phê bình Lê Thành Nghị, nhà thơ Đỗ Hàn – Chánh văn phòng Hội NVVN; nhà phê bình Nguyễn Hòa, PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện văn học; PGS. TS Trương Đăng Dung… cùng đông đảo các cán bộ nghiên cứu của Viện văn học; các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, bạn bè của nhà thơ và những người quan tâm đến thơ Nguyễn Quang Thiều.

Sau cuộc hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” nhằm cổ vũ cho phong trào làm thơ cách tân, ta thấy có nhiều bài viết phản đối kịch liệt đăng trên blog dohoang, vannghecuocsong.com với những lời lẽ hết sức bức xúc của những người cầm bút có trách nhiệm với văn chương và bạn đọc chân chính. Những ý kiến của họ không xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, mà phần lớn là vì sự phát triển đúng hướng của thơ ca nước nhà (dẫu có một số lời lẽ hơi khó nghe). Tác giả của những loạt bài phản đối thơ cách tân (thậm chí vô lối theo cách gọi của Đỗ Hoàng) bao gồm: : Nhà thơ Đỗ Hoàng, Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Nhà văn Nguyễn Hiếu và Nhà văn Phạm Viết Đào.

Tôi đang phân vân không biết nên gọi là gì… Nếu coi cuộc Hội Thảo trên là quá đà - (nếu không quá đà thì tại sao lại có những nhà thơ nhà văn  tâm huyết phản đối dữ dội như vậy? Mà họ làm việc ấy vì tâm huyết, chứ có ai trả lương cho họ đâu, có khi còn chuốc lấy oán thù nữa chứ) – thì blog dohoang, vannghecuocsong.com và những nhà thơ nhà văn có bài phản đối ấy là đóng vai trò định vị chăng? Vấn đề này còn bỏ ngỏ. Kính mong các nhà thơ nhà văn và bạn đọc thảo luận tiếp để làm sáng tỏ vấn đề.

Rồi đến cuộc Hội thảo thứ hai:
Tapchinhavn.vn- Sáng 8/8/2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hai Bà Trưng – Hà Nội), đã diễn ra hội thảo “Hoàng Quang Thuận với Non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn-Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Đến dự hội thảo có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội NVVN; Ông Nguyễn Dy Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ông Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng Bộ ngoại giao; Ông Lê Trần Trường An – Chủ tịch, Tổng giám đốc sách Kỷ lục VN; PGS., TS. Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương; TS. Lê Thị Bích Hồng – Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước – Phó Tổng cục Tổng cục XDLL, Bộ Công an; Các vị hòa thượng tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử; các Ủy viên BCH Hội NVVN, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo cùng đông đảo bạn đọc quan tâm tới tập “Thi Vân Yên Tử”.


Cuộc Hội thảo diễn ra vào ngày 8 tháng 8, đến lúc này là bốn giờ bốn mươi lăm phút sáng 12 tháng 8 (Triệu Lam Châu thức suốt đêm để viết bài này), thì chỉ vẻn vẹn ba ngày – mà đã có các bài viết như: “Ứng viên Nô-Ben hay hội chứng Nô Đùa?” của nhà thơ Trần Trương, “Thi tài siêu đẳng, thi tâm siêu việt, hay thi sự siêu rùm beng?” của nhà thơ Hữu Kim, “Từ hiện tượng Hoàng Quang Thuận, nghĩ về nhệ thuật của thời gian” của Trần Văn Phúc.

Tất cả các bài này đều đăng trên lethieunhon.com và có rất nhiều phản hồi của bạn đọc có tâm, trong đó có phản hồi của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Lê Hoài Nguyên, nhà thơ Y Phương, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, Nhà báo Lê Phương Dung và nhiều người khác nữa… tỏ ý bất bình về việc vĩ đại hoá thơ Hoàng Quang Thuận, nhằm đưa thơ ông ta lên tầm cao nhất của nhân loại (đề cử vào giải Nobel) – mà thực chất các bài viết đều cho thấy thơ của vị tiến sĩ này rất bình thường không có gì gọi là xuất sắc, thậm chí theo nhà thơ Trần Trương đó là “Một tập thơ vào loại dưới trung bình, câu cú thì cổ hủ, hành văn thì tùy tiện, gặp gì nói đấy, may mà không gặp cái cảnh nhà vua đi…vệ sinh, tôi e rằng đến đây mà không giữ bình tĩnh, xúc động quá mà tức cảnh thành thơ thì …khó tả.”

Quả thật lúc đầu đọc tin các tờ báo lớn ở Hà Nội (kể cả tờ báo cao nhất và quan trọng nhất của nước ta hiện nay là tờ Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam), thấy ca ngợi hết lời thơ thiền (tạm gọi là như vậy) của Giáo sư tiến sĩ Hoàng Quang Thuận (Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông ) và đặc biệt nhất là Báo An ninh Thủ đô còn in một tít rất giật gân “ Hoàng Quang Thuận: Thơ Thiền dự giải Nobel” – tôi (Triệu Lam Châu) thực sự thấy choáng váng mấy ngày liền. Một hiện tượng thơ hết sức kỳ vĩ như vậy, mà lâu nay mình không hề tìm hiểu và quan tâm để học tập tinh hoa của thơ ông – thì quả thật mình lạc hậu và có lỗi nhiều lắm với Vầng hào quang thơ Hoàng Quang Thuận lồng lộng khắp thế gian này.

Thế rồi tôi vào trang thaibatan.com tìm đọc thơ Hoàng Quang Thuận. Dịch giả Thái Bá Tân đã trân trọng và dịch công phu thơ Hoàng Quang Thuận ra tiếng Anh. Đọc qua hàng mấy chục bài thơ của Hoàng Quang Thuận, tôi cảm thấy rất bình thường, không có gì nổi trội cả. Tôi băn khoăn: Hay là mình chưa có chất thiền trong người để cảm nhận cái tinh tuý của thơ ông?

Bây giờ đọc các bài viết của nhà thơ Trần Trương, nhà thơ Hữu Kim, ông Trần Văn Phúc và phản hồi của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (và của nhiều vị khác nữa) – về thơ Hoàng Quang Thuận, thì tôi hết băn khoăn rồi và khẳng định: Thơ thiền của ông ấy chỉ ở mức trung bình thôi. Thế mà cả một hệ thống truyền thông khổng lồ của nước nhà tôn thơ Hoàng Quang Thuận lên tận mây xanh, rồi đề cử dự giải Nobel. Tôi buồn vô hạn và không hiểu tại sao người ta lại tôn vinh vô lối như vậy? Cảm ơn lehieunhon.com đã giúp tôi hết băn khoăn khi đánh giá về thơ Hoàng Quang Thuận…

Tôi đồ rằng trong vài ngày tới sẽ có nhiều bài viết tâm huyết nữa phản đối viếc tôn vinh vô lối thơ Hoàng Quang Thuận.

Vậy với cuộc Hội thảo lớn thứ hai này, theo tôi – Triệu Lam Châu – cũng có vẻ là quá đà rồi, thì những người định vị cho nó là lethieunhon.com, là nhà thơ Trần Trương, là nhà thơ Hữu Kim, là Trần Văn Phúc chăng?

Tôi lại trộm nghĩ nếu không có những blog tự nguyện xả thân vì việc chung và những nhà văn nhà thơ tâm huyết với việc định vị như trên – thì bạn đọc sẽ hoang mang biết chừng nào và thơ ca của nước nhà sẽ đi về đâu? Tôi cảm phục và kính trọng các blog và các vị làm công việc định vị ấy, họ viết bài phản đối những việc quá đà là xuất phát từ một cái tâm vô cùng trong sáng, chứ có ai hoặc đơn vị nào trả lương cho họ đâu? Họ viết có lý, có trình độ, có căn cứ thoả đáng, với mục đích trong sáng và được bạn đọc chân chính ủng hộ.

Việc tôn vinh quá đà của hai cuộc hội thảo thơ trên đây, đã giáng một đòn chí tử vào sự cảm nhận thơ của cả nước. May mà chúng ta vẫn còn có những nhà thơ chân chính và các blog  tâm huyết với sự phát triển đúng hướng của thơ ca nước nhà – định vị cho chúng ta trở lại trạng thái cân bằng vốn có trong cảm nhận thơ hôm nay.

Do đó theo tôi, giờ đây đã đến lúc chúng ta cần phải có một Ban Định vị chính thống có tính pháp nhân, để làm chức năng điều chỉnh, điều tiết và định vị các quá trình hoạt động thơ ca của nước nhà hôm nay và mai sau…

TRIỆU LAM CHÂU

                                   Thành phố Tuy Hoà, ngày 12 tháng 8 năm 2012
                                         trieulamchau@gmail.com- ĐT: 0983 825502

No comments:

Post a Comment