Trang

Thursday, August 23, 2012

TUY HÒA: ÂU LO CHO CHẤT LƯỢNG HỘI THẢO

Xưa nay, hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của nhiều người có hiểu biết và kinh nghiệm, hòng làm sáng tỏ một hiện tượng hoặc tìm giải pháp cho một vấn đề. Thế nhưng, chất lượng các hội thảo trong nhiều năm gần đây đã bắt đầu khiến chuyên gia ngao ngán và công chúng nghi ngại. Các lĩnh vực khoa học kỹ thuật xin khoan bàn đến, riêng những hội thảo văn học nghệ thuật thì phần lớn chỉ thấy “hội” mà không thấy “thảo”. Cơn cớ nào đẩy giá trị của hội thảo vào thực trạng khủng hoảng? Có thể liệt kê nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một nguyên nhân khá quan trọng phải kể đầu tiên là… tiền đâu!

Một sự thật nói ra rất đau lòng, nhưng không thể không nhìn nhận: càng ngày trong đời sống văn học nghệ thuật càng ít những nhân vật đủ uy tín và năng lực để thuyết phục cộng đồng. Thậm chí, trình độ của những nhà quản lý trong môi trường sáng tạo đặc thù này cũng không phải không đáng băn khoăn. Vì đồng lương ít ỏi, những nhà nghiên cứu ở các đơn vị được bao cấp, phải mắt trước mắt sau mà xao nhãng dần chuyên môn. Vài gương mặt nổi bật cũng vì nỗi lo cơm áo nên ngại va chạm, cứ khư khư cái tôn chỉ “hòa khí sinh tài” mà nhạt nhòa dần, không dám trình bày bất cứ điều gì cho đến nơi đến chốn. Bối cảnh ấy khiến cho lực lượng hăng hái đăng đàn tham luận tại các hội thảo trở nên manh mún và khập khiễng.

Qui luật kinh tế thị trường đặt hầu hết các hội thảo vào sự trớ trêu: tổ chức hay không tổ chức, qui mô to hay nhỏ, diễn tiến vui hay buồn, đều phụ thuộc vào… tiền! Các hội nghề nghiệp muốn tổ chức một hội thảo theo chủ đề thì vô cùng nan giải. Bởi lẽ, mỗi cái tham luận trả khoảng 300 ngàn đồng sẽ chẳng mấy ai hào hứng tham gia, mà gắng gượng làm cho xong chuyện chỉ thu được dăm ba ý kiến hời hợt, vô thưởng vô phạt.
Kinh phí hoạt động hàng năm khá khiêm tốn, những đoàn thể dù uy tín đến đâu vẫn phải cầu đến nhà tài trợ nếu muốn có hội thảo. Khổ thân, hội thảo về y tế còn có công ty dược phẩm nào đó tài trợ, hội thảo về ẩm thực còn có nhãn hiệu cà phê nào đó tài trợ, còn hội thảo về nghệ thuật thì nhìn qua nhìn lại mỏi mắt cũng không thấy bóng dáng  mạnh thường quân!

Thời gian gần đây, dư luận thấy rộ lên vài ba hội thảo văn chương. Đối tượng chính của hội thảo cũng là người lo… kinh phí cho hội thảo. Bây giờ chẳng ai bỏ tiền để tìm cái hay, cái đẹp trong thơ Nguyễn Trãi hay thơ Nguyễn Du. Và cũng không có chuyện người nào có tác phẩm xuất sắc thì được đồng nghiệp đứng ra tổ chức hội thảo. Chủ yếu là cá nhân tự chi hàng trăm triệu để nhờ một cơ quan nào đó đứng ra đăng cai hội thảo cho mình. Hễ ai đã bỏ tiền thì khoái nghe những câu ngọt ngào, do đó khách mời dù chia quân xanh, quân đỏ ra sao cũng cốt yếu tâng bốc nhân vật trung tâm hội thảo. Cho nên, âm hưởng chủ đạo của hội thảo (mỗi tham luận được trả bạc triệu) không khác gì bản tụng ca ngây ngất dành cho kẻ sáng tạo kiêm đại gia, hoặc kẻ sáng tạo giỏi quan hệ với đại gia!
Đời sống cởi mở, ai có tiền cũng có thể tổ chức hội thảo tung hô bản thân. Và giá trị của những tham luận trong hội thảo cũng chênh vênh và nghiêng ngả theo nhu cầu của kẻ có tiền. Tất nhiên, chủ nhân hội thảo khoái chí, khách mời hội thảo khoái chí, riêng công chúng thất bại hoàn toàn.

Vạn thế sư biểu Khổng Tử dạy “xảo ngôn loạn đức”. Những lời có cánh từ các cuộc hội thảo hôm nay sẽ bay về đâu, và di họa thế nào, thật không ai lường trước được!
TUY HÒA
Nguồn: VHQN

No comments:

Post a Comment