Trang

Thursday, September 20, 2012

NGUYỄN TRỌNG TẠO: CÓ KHI NGƯỜI CHẾT NGHÌN NĂM TRƯỚC, HỒN VẪN BỒNG BỀNH NHỮNG GIẤC MƠ

Nghĩa là Hàn Mặc Tử vẫn sống trong một chữ “còn” của Chế đã tiên định. Và tôi thì cứ suốt đời ám ảnh về ông:

Mưa trắng đường mưa, nắng ngất ngư

Ai đem lụa trải tận xa mờ
Có khi người chết nghìn năm trước
Hồn vẫn bồng bềnh những giấc mơ…

(Có khi – Nguyễn Trọng Tạo)
HÀN MẶC TỬ - THI SĨ THIÊN TÀI CỦA “LOÀI THI SĨ”
1. Trước khi có Hàn Mặc Tử, người ta chỉ biết có hai loài đáng trọng vọng là “Thiên thần” và “loài Người”. Nhưng từ khi có Hàn Mặc Tử, người ta mới biết còn có thêm một loài nữa, đó là “loài thi sĩ”. Sau 15 năm làm thơ, đến năm 27 tuổi, ông mới định vị được cái loài lạ lùng đó khi viết thư cho một người bạn thân nói về quan niệm thơ của mình: “Đức Chúa Trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “thiên thần” và “loài người”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: “loài thi sĩ”!”.
Tại sao Hàn Mặc Tử lại tách Thi sĩ ra khỏi loài người? Cứ tưởng đấy là một quan niệm điên khùng, siêu hình, nhưng không phải như thế; và ông đã giải thích rõ khi viết tiếp liền sau đó: “Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: Phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã tạo nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch” - (Thư gửi cho Hoàng Trọng Miên, bạn thân của HMT trong bài Quan niệm về Thơ). Thì ra loài người không biết và không thể làm được cái việc “trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch”. Tách thi sĩ ra khỏi loài người không phải để thoát ly người, mà là để đề cao Thi sĩ, đề cao nghệ thuật, đề cao thiên chức của người sáng tạo, chung quy cũng là để đề cao cái đẹp tuyệt đối mà thôi. Bởi đối với Hàn, Thi sĩ cũng là người, nhưng là siêu người. Trong Lời tựa tập “Đau thương” ông bộc lộ rõ điều đó:
Tôi làm thơ?- Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng… Tôi làm thơ? - Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì của lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú… Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi?. Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống”.
Điều này phù hợp với quan niệm về thơ và nghệ thuật nói chung của Hàn thi sĩ. Ngay cả khi nói về văn xuôi, Hàn cũng đề cao văn chương, văn tài như một quan niệm vị nghệ thuật: “Ta chỉ dò xét đến văn tài của quyển truyện, dầu nó không hợp với thời đại mình đang sống, dầu nó không hợp với ý tưởng của mình cũng chả cần. Vì chỉ có văn chương kia mới đáng kể mà thôi”. Nhưng cho dù có đề cao cái thiên chức sáng tạo đến đâu, ta vẫn thấy ở Hàn một quan niệm rất dân tộc, rất phương Đông: “Ta không nên quên thơ ta là thơ quốc âm, ta phải giữ cái tinh thần Việt Nam của ta. Hơn nữa cái tinh thần phương Đông mà rung cảm tâm hồn người ta là nhờ ở cái đẹp kín đáo, cái tình sâu sắc, cái buồn thấm thía”.
Xem xét quan niệm nghệ thuật của Hàm Mặc Tử, ta thấy ông là một người luôn nung nấu tinh thần dân tộc – hiện đại, nối kết phương Đông với phương Tây, và xa hơn thế nữa là hướng tới sự siêu thăng tinh thần như một tôn giáo sáng tạo của riêng mình. Chính vì coi sáng tạo như một tôn giáo riêng, một vũ trụ riêng của chủ thể mà Hàn đã hình dung ra một thế giới của “loài Thi sĩ”. Đó là thế giới chiêm bao của một con người biết mình đang chết dần tới tột đỉnh của đau thương. Và Hàn Mặc Tử quả là một người khác thường, như một anh hùng của “loài Thi sĩ”, ông đã biến bi kịch của chính mình thành thiên đường của chiêm bao, thiên đường của sáng tạo.
2. Nói về thơ về đời của Hàn Mặc Tử thì đã có hàng trăm hàng nghìn người đã nói, đã viết, đã kể, đã khen, đã chê, đã bình, đã luận. Thậm chí đã xảy ra cả những vụ kiện cáo kéo dài. Nhưng hỏi có ai dám độc quyền về Hàn Mặc Tử, kể cả những người ruột thịt trong gia đình, những người bạn thân cùng thời hay những bóng hồng đi qua đời ông? Ngược lại, những yêu thương cực đoan hay bẽn lẽn đối với Hàn thi sĩ lại tạo nên một đáp số lớn lao của phép toán cấp số nhân. Mỗi người như thế đã góp một viên đá quý yêu thương để xây nên bức tượng đài của người thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Và mỗi người đứng một góc để chiêm ngưỡng bức tượng thi sĩ ấy. Người đứng gần, người đứng xa, lại có người chỉ được nhìn bức tượng qua gáy của kẻ khác… Thế nhưng mỗi người lại đều có một Hàn Mặc Tử của riêng mình. Đó là hạnh phúc của một thi sĩ, một thiên tài thi sĩ.
Có người gọi Hàn là một “thiên tài kinh dị”. Có người gọi Hàn là một kẻ điên khùng, hay giả điên giả dại. Lại có người coi Hàn như một thi sĩ duy nhất cùng thời: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”. Đấy là nhận xét xuất thần của Chế Lan Viên ngay sau khi Hàn thi sĩ qua đời (Người mới, số 5, ngày 23.11.1940). Tại sao người ta lại có những đánh giá cao về ông như thế? Bởi vì ông đã tạo ra một trường thơ kỳ lạ, ngoài cả trường “thơ loạn” mà Hàn cùng mấy thi hữu Bình Định đã lập nên, với những câu thơ không ai viết được: “Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa ”, hoặc “Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên”…
Xem một thi sĩ có thực sự tài hoa hay không, phải xem đến “đơn vị câu thơ” của họ. Thi sĩ có càng nhiều những câu thơ hay, chứng tỏ độ tài hoa của họ càng cao. Có lần cách đây hơn 30 năm, tôi và nhà thơ Quang Huy đã thử làm một cuộc khảo sát những câu thơ hay của các thi sĩ thời Thơ Mới (1930-1945), thì thấy Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử có mật độ câu thơ hay đoạt chức quán quân. Nhưng thơ của Hàn thi sĩ vẫn có cái gì đó “ma quái” khác hẳn Xuân Diệu. Những câu thơ đọc xong là nhớ ngay vì nó đầy ấn tượng lạ lùng.
Thi sĩ Esenin của Nga cũng làm sáng giá cho trăng, nhưng cũng không nhiều những câu thơ rờn rợn về trăng như thơ Hàn Mặc Tử. Ngoài những câu thơ lạ và hay về trăng nhiều người đã trích dẫn như: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi”,Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối”, “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”,”Tôi lượm lá trăng làm chiếu trải”, “Người trăng ăn vận toàn trăng cả”, “Áo ta rách rưởi trời không vá/ Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng/ Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn”, v.v… còn có những câu thơ khác về trăng mà tôi vô cùng bái phục. Ví dụ: “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt”. Câu thơ đọc lên nghe lạnh người, như nghe cả tiếng giật mình của vũ trụ bao la. Với Hàn, Trăng cũng là người, và trăng cũng là ma, luôn đi về trong hồn thơ dị thường của ông: “Hồn là ai? là ai tôi chẳng biết/ Cười như điên sặc cả mùi trăng”. Lại có câu thơ bảy chữ chỉ có một từ “trăng” và một từ đệm ở giữa mà đọc lên thấy mình ngơ ngác giữa một thứ ánh sáng thủy tinh kỳ lạ: “Trăng trăng trăng là trăng trăng trăng”. Đó là một câu thơ có thể sánh với câu thơ sáu chữ toàn là hư từ của thi hào Nguyễn Du: “Mai sau dù có bao giờ”.
Hàn Mặc Tử có tài tạo ra những âm vang kỳ lạ cho thơ. Đó là thứ thơ tạo nhạc, một thứ nhạc ma mị chiêu dụ lòng người, bởi trên dòng nhạc ấy là những thi ảnh lấp lánh dưới ngòi bút của một họa sĩ tài ba:
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
.
Câu thơ cuối khổ thơ đã tạo ra những nốt nhạc chơi vơi đến ngỡ ngàng. Hoặc 2 câu kết của bài “Mùa Xuân chín” thì không thể chê vào đâu được: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Câu thơ tạo nên một từ trường quá mạnh, lôi hút cả Tố Hữu sau này khi ông viết “Vườn xoài hoa trắng nắng đung đưa” hay “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan”. Đó chính là cái mới, cái lạ, cái ma mị đầy sự dẫn dụ của thơ Hàn Mặc Tử. Bởi từ nhỏ Hàn đã có tài thơ như một sự thiên phú. Ông không chỉ thông thạo thơ Đường luật, đăng đối chỉnh chu mà còn làm ra cả những bài thơ đọc xuôi đọc ngược đến năm sáu cách. Nhưng quan trọng hơn cả là hồn thơ ông luôn mới lạ nên không bị nhốt trong cái lồng thơ quen thuộc. Không thể nghĩ đây là những câu thơ của cậu bé 13 tuổi khi qua đò đi học: “Trong veo làn nước soi đôi mặt/ Xa tít quê nhà trỏ một tay”. Câu thơ “Xa tít quê nhà trỏ một tay” đã vẽ ra cả một không gian mênh mông xa mờ từ con đò tuổi thơ, cái con đò báo hiệu một tài thơ xuất chúng.
3. Tôi có may mắn/ hay là không may? được đọc Hàn Mặc Tử từ năm 14 tuổi. Đó là cuốn “Hàn Mặc Tử” của Trần Thanh Mại còn sót lại trong tủ sách của bố tôi sau cải cách ruộng đất. Cuốn sách ấy như có ma lực kỳ diệu cuốn hút tôi. Cuộc đời, tình duyên, bệnh tật và đặc biệt là thơ của Hàn cứ khoan xoáy vào tôi, nó làm tôi không sao rời ra được. Thú thực là khi chưa đọc “Hàn Mặc Tử”, tôi chỉ thích môn toán mà không mấy thích những bài thơ trong sách giáo khoa, đại loại như “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng”, hoặc “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng”… Những thứ thơ ấy làm cho tuổi nhỏ của tôi bị dị ứng. Nhưng thơ của Hàn Mặc Tử thì khác, nó cứ ám ảnh tôi như ma nhập. Có lẽ vì thế giới thơ của Hàn Mạc Tử không phải là thế giới thực của người đang sống, mà nó là thế giới của chiêm bao, thế giới của thần linh.
Tôi thực sự bàng hoàng khi đọc đến câu thơ “Người đi một nửa hồn tôi mất – Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ“. Không kìm lại được, tôi lấy sổ tay chép lại những bài những câu tôi thích. Đến câu: “Bây giờ tôi dại tôi điên – Chắp tay tôi lạy cả miền không gian” thì hình ảnh thi nhân hiện lên trong tôi đầy thương cảm. Tôi thẫn thờ suốt buổi chiều như người nhiễm bệnh. Đêm hôm đó tôi không học bài được, và bắt chước Hàn Mặc Tử – người thầy tự chọn – tôi đã viết được bài thơ đầu tiên, trong đó có đoạn: “Bây giờ tôi dịu tôi hiền/ Biết đâu tôi dại, tôi điên bao giờ/ Mai sau tôi chết trong thơ/ Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi”… Những dịu những hiền, những điên những dại, những chết những hồn đều là chữ trong thơ Hàn Mặc Tử mà tôi đã đọc được.
Sau này tôi mới biết, người thầy đầu tiên dạy cho tôi đấy là Hàn Mặc Tử, người thi sĩ đã qua đời trước khi tôi được sinh ra.
Có lẽ vì thế mà tôi luôn nghĩ Hàn Mặc Tử vượt ra ngoài vòng cương tỏa của thời Thơ Mới, không phải vì nhận xét xuất thần của Chế Lan Viên, mà vì tôi thích ông từ nhỏ, cũng như khi lớn lên tôi thích Hoàng Cầm, một siêu thơ của văn hóa Kinh Bắc. Thích đến nỗi, năm 1993 khi thấy ống kính camera của Nguyễn Đình Toán chĩa vào tôi và Hòa Vang “phỏng vấn”: Nguyễn Trọng Tạo thích nhà thơ Việt Nam nào trong thế kỷ 20? Tôi liền nói ngay: Hàn Mặc Tử và Hoàng Cầm. Còn trả lời câu hỏi trắc nghiệm của Ngô Thảo về các nhà thơ thế giới, tôi chọn 3 người, đó là Esenin, Lorca và Hàn Mặc Tử.
4. Có lẽ vì thế mà khi đọc bộ “Từ điển Văn học Việt Nam” xuất bản năm 1984 tại Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên khi thấy mục “Hàn Mặc Tử” chỉ chưa đầy nửa trang, trong khi mục “Lê Đức Thọ” lại chiếm gần 2 trang. Cũng dễ thông cảm với những người làm từ điển hồi đó, họ phê phán thơ Hàn Mặc Tử chạy trốn vào tôn giáo và đề cao thơ Lê Đức Thọ giàu tính chiến đấu, tính cách mạng. Đó là những quan niệm sai lệch của một thời, sai lệch vào tận từ điển mà đến nay ai cũng dễ nhận ra. Tôi nghĩ Hàn Mặc Tử chắc cũng không để ý đến điều đó, vì lúc sinh thời ông đã viết “Tôi vẫn còn đây hay ở đâu/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?”. Nghĩa là ông luôn bay ở trên cao, luôn là “Người thơ phong vận như thơ ấy” để “Gặp vua nhà Nguyễn bay trên mây”, và nhìn xuống trần gian với tư cách của người thi sĩ: “Ta ở trên cao nhìn trở xuống/ Lâng lâng mây khói nhuộm trăng đêm”
Nghĩa là Hàn Mặc Tử vẫn sống trong một chữ “còn” của Chế đã tiên định. Và tôi thì cứ suốt đời ám ảnh về ông:
Mưa trắng đường mưa, nắng ngất ngư
Ai đem lụa trải tận xa mờ
Có khi người chết nghìn năm trước
Hồn vẫn bồng bềnh những giấc mơ…
(Có khi – Nguyễn Trọng Tạo)
Hàn Mặc Tử vẫn sống cả trong những bài hát, những bộ phim, những vở kịch mà hậu thế nhận diện ông. Dù những tác phẩm viết về ông còn những khiếm khuyết thì cũng là gửi lại tấm lòng ngưỡng mộ người thi sĩ đã để lại cho họ những ấn tượng khong phai mờ. Giống như Esenin của Nga, Hàn Mặc Tử cũng có bài hát mang tên ông. Không phải nhà thơ nào cũng có được cái vinh hạnh ấy, được làm nhân vật của văn chương, nghệ thuật. Khi câu hát “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” còn cất lên đâu đó, cũng có nghĩa là ông vẫn còn gần lắm.
Tôi xin mượn hai câu thơ của Hàn thi sĩ để thay cho lời kết bài viết này:
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu…
Vâng, Thi sĩ thiên tài Hàn Mặc Tử mãi còn bay trên bầu trời thơ với biết bao sự ngưỡng mộ của nhân gian.
Hà Nội, 19.9.2012
NGUYỄN TRỌNG TẠO

No comments:

Post a Comment