Trang

Saturday, November 3, 2012

INRASARA: XIN HỎI LOẠI NHÀ THƠ NÀO NẶNG TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN HƠN?

Sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa cuối năm 2007, đại đa số nhà thơ hậu hiện đại Việt Nam nhập cuộc qua các tác phẩm, các phát ngôn [và cả hành động] của mình; trong khi đó các nhà thơ truyền thống và chính thống đắp mền. Mãi đến sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa kì hai năm 2011, - và chỉ khi được phép - các nhà này mới ồ ạt làm thơ yêu nước. Thế nhưng, ở đây họ chỉ ngó thấy bóng giặc từ xa mà hoàn toàn mù màu về hiện thực gần, với các cuộc biểu tình, các vụ đàn áp và bắt bớ lộ thiên mỗi cuối tuần tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội.

Xin hỏi, trong trường hợp này, loại nhà thơ nào nặng trách nhiệm công dân hơn?
Nhà thơ INRASARA

VÀI GIẢI MINH QUA NGỘ NHẬN VỀ HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT NAM

Bài báo "Ai trách nhiệm ‘định hướng’ thẩm mĩ độc giả” đã đăng ở vài trang mạng. Sau đó, do đề tài "thơ thần” đương nóng ở website Lethieunhon.com, tôi mới gửi đăng tại đó vào cuối tháng 8-2012. Ngay tức thì, bài viết nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc, trong đó hai ý kiến phản đối tôi về hậu hiện đại, là ý rất phụ tôi chỉ nhắc lướt qua. Thế là nhà thơ Triệu Lam Châu - "từ năm 2004 tới giờ, khi đọc những bài thơ mang cảm thức hậu hiện đại từ nhiều nguồn, dẫu trong lòng tôi (một bạn đọc chân chính) bùng phát rất nhiều nỗi bức xúc – nhưng vẫn cố kìm nén và chờ đợi… chờ đợi mãi, cho đến tận hôm nay (8-2012)” - mới "mạnh dạn” trao đổi về hậu hiện đại, với tiêu đề khá sốc: "Phải chăng thơ hậu hiện đại Việt Nam chấp nhận sự vô văn hóa?” đăng ở Trithucdantocthieuso.net, 2-9-2012.

Tôi có nói lại theo thể cách gạch đầu dòng. Tôi nghĩ, thuyết lí như vậy đã tạm đủ, Triệu Lam Châu cũng nhận như thế. Nhưng do anh cho biết "phần quan trọng nhất là thơ hậu hiện đại Việt Nam chấp nhận sự vô văn hóathì tôi "chưa phát biểu gì”, cho nên việc giải minh thêm là cần thiết.

Biết thêm: Triệu Lam Châu không phải nhà phê bình, càng không là người nghiên cứu lí thuyết văn học, thế nhưng phát biểu của anh là khá tiêu biểu cho tiếng nói trái chiều về hậu hiện đại ở Việt Nam được đăng tải rải rác trên báo chí chính thống, non chục năm qua.

Mở…

Có thể nói, chữ DE (giải) mã hóa được tất cả khía cạnh của vấn đề hậu hiện đại: trong sống, từ lối nghĩ cho đến thái độ ứng xử hay hành động; trong văn chương, từ thủ pháp cho đến giọng điệu… Giải trung tâm là "hành động” chủ đạo của hậu hiện đại. Nó đạp đổ mọi sự phân biệt đối xử trung tâm và ngoại vi các loại: Châu Âu so với phần còn lại của nhân loại, Đông Nam Á so với thế giới, tiếng Việt với tiếng Anh, dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, nữ với nam, vùng sâu vùng xa với trung tâm văn hóa lớn, ngôn từ bình dân với ngôn từ [được cho] là sang trọng… Nó tôn trọng những Cái KHÁC The Others, đấu tranh cho những Cái Khác tồn tại bình đẳng.

Đó chính là Đức lý hậu hiện đại!

Bởi xã hội Việt Nam hôm nay còn lệ thuộc và tôn vinh những "trung tâm” (các trung tâm văn hóa lớn, tiếng Việt là ngôn ngữ dân tộc đa số, nam quyền, chính thống, trung ương, nhà văn đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,…) do đó nghệ sĩ hậu hiện đại với tư cách kẻ nhập cuộc, không tránh khỏi thái độ phản biện xã hội. Điểm nổi bật nhất của sáng tác hậu hiện đại Việt Nam là tính chính trị; giọng điệu dễ nhận ra nhất là giễu nhại; xu hướng chung nhất của tác giả hậu hiện đại Việt Nam là đứng hẳn về phía "ngoại vi” (vùng sâu vùng xa, ngôn ngữ đời thường, những thân phận bên lề, người nữ, nạn nhân của sự độc đoán, phi chính thống, văn chương vỉa hè, tiếng nói dân tộc thiểu số…). Phản ứng lại mấy nỗi kia, hậu hiện đại Việt Nam thừa sự thiên lệch bên cạnh không thiếu tính quyết liệt, thiên lệch và quyết liệt lắm lúc thành quá khích - như thể dùng độc trị độc. Đây là vài điểm đáng lưu ý, khi nhận định hậu hiện đại Việt Nam trong đối sánh với sáng tác hậu hiện đại thế giới.

A. Về 2 phản hồi của bạn đọc mà Triệu Lam Châu "rất tán đồng”Inrasara viết: "Rồi cả thập kỉ hình thành và lớn mạnh của phong trào sáng tác hậu hiện đại, non mười năm thơ tân hình thức xuất hiện và phát triển, tại sao Hội Nhà văn chưa có một hội thảo nhỏ, lớn nào bất kì về chúng?”.

1. Hoàng Gia Khanh phản hồi: ..."Xin thưa, cái món hậu hiện đại bây giờ đã lạc mốt, lỗi thời, có thành tựu gì đâu mà nhăm nhe hội thảo? Không rõ nhà thơ ngây thơ hay ít đọc, hay cuồng tín mà tung hô cái món hậu hiện đại và tân hình thức này dữ vậy”.- Xin nói rõ, hậu hiện đại là trào lưu văn hóa lớn tác động trên toàn thế giới. Nếu ai đó quyết làm đà điểu nhắm mắt lại trước nó, thì đó không phải vấn đề của hậu hiện đại. Còn chuyện nó lạc hậu với lỗi thời tới đâu, không bàn ở đây. Điều đáng nói là thơ hậu hiện đại đã và đang có mặt tại Việt Nam. Nó là HIỆN THỰC.

Cho rằng "nó có thành tựu gì đâu mà làm hội thảo”, là nhận định theo thói quen lạc hậu. Thói quen xuất phát từ hai nguyên do. Thứ nhất, từ lối nghĩ ‘truyền thống’: Hội thảo thường là để ghi nhận một thành tựu, tôn vinh một tài năng hay quảng bá một tác giả, tác phẩm… mà hiếm khi thảo luận về hiện tượng có ‘tính vấn đề’. Thứ hai, do người đọc chưa kết nối đủ ý trong văn bản của tôi. Tôi viết:

"Điều tôi nhấn mạnh là: Hội thảo được đặt tên như thế nào? Ta thảo luận nó ra sao? Và cuối cùng, ban tổ chức rút ra được bài học gì từ hội thảo đó cho đời sống văn học?”.

Ví dụ nếu cho tôi làm hội thảo về thơ Hoàng Quang Thuận, trước hết tôi tìm cho nó cái tên, có thể là: "HQT và sự sáo cũ của một loài thơ”, hoặc vài tên gì khác tương cận. Bước thứ hai, tôi bàn về cái sáo cũ đó. Cuối cùng, hội thảo đưa ra giải pháp: làm thế nào để thơ Việt Nam cắt đuổi cái sáo cũ kia.

"Sự sáo cũ” (hiện tượng thơ HQT chỉ là một trong những) đang làm trì trệ đời sống văn nghệ, nó cần được đưa ra bàn tròn văn học (hay hội thảo) mổ xẻ, nhận diện để cuối cùng cắt đuôi nó. Lâu nay chúng ta ưa nói: Thơ Việt có mặt bằng mà chưa có đỉnh cao. Theo tôi, tính vấn đề của "mặt bằng” đáng được chọn để làm hội thảo hơn là "đỉnh cao”.
Vân vân… Văn học Việt Nam hôm nay đang ứ đọng khối ‘vấn đề’, cho nên việc tổ chức hội thảo để mổ xẻ con bệnh có khi còn quan trọng hơn là đánh giá để ghi nhận một thành tựu. Miễn sao chúng ta dám làm và biết làm…

2. Về ý kiến của Lý Văn Trinh."… văn chương phương Tây mới sinh ra "chán chường" và có "hậu hiện đại và tân hình thức" chăng?! Chả thế mà rất nhiều nhà văn hóa của phương Tây đang muốn tìm về "văn hóa phương Đông” chăng? Tôi nghĩ văn hóa Việt, văn hóa phương Đông không chỉ và không thể cứ cố tình "nhồi nhét" cái hậu hiện đại", áp đặt như ý nghĩ của INRASARA hay cách làm thơ của Nguyễn Quang Thiều được!”

- Sự chán chường thì không dính dáng gì đến hậu hiện đại và tân hình thức cả. Riêng thơ Nguyễn Quang Thiều không là và không thể là hậu hiện đại, ý này tôi nói rồi, vài lần (Inrasara, "Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định, Tienve.org, 5-7-2012). Còn câu "rất nhiều nhà văn hóa của Phương Tây đang muốn tìm về văn hóa phương Đông” là nhận định đầy ảo tưởng. Trong thời đại toàn cầu, chuyện giao lưu học hỏi nhau buộc phải có. Nhưng so sánh từ hai phía, thì tỉ lệ Tây học Đông là cả vực thẳm so với chiều ngược lại.

Đó là tôi chưa hỏi: Đông phương là Đông phương nào? Đông phương của văn hóa Trung Hoa và Khổng giáo hay Đông phương của văn hóa Ấn Độ với Bà-la-môn giáo và Phật giáo? Rồi văn hóa Trung Đông và Hồi giáo nữa… Phát biểu về Đông phương mà không rạch ròi mấy bộ phận kia thì dễ rơi vào chung chung là hời hợt.

B. Về vài ý kiến của Triệu Lam Châu

1. Về truyền thống

Triệu Lam Châu viết: "Song tôi đinh ninh rằng, theo thói quen thưởng thức thơ truyền thống, thì quảng đại quần chúng yêu thơ sẽ cho rằng: Đấy là loại thơ… bỏ qua giá trị thẩm mỹ…”Ở Việt Nam, đây là ý kiến thường gặp hơn cả. Đại đa số nhà phê bình hay nhân danh truyền thống và độc giả, để phê phán hậu hiện đại. Vậy xin hỏi, truyền thống là truyền thống gì? Độc giả là ai?

"Tại sao các thế hệ thơ không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ? Nhà thơ tài năng nữa! Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi. Trong lúc Xuân Diệu cho thơ Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng củng, thì Tố Hữu chẳng chút ngần ngại khi thò tay sửa nát bét tập thơ thi sĩ tài hoa này. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại "thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Đinh Linh là nhà thơ rất tài năng, vậy mà không ít nhà thơ ở Việt Nam cho thơ của anh không phải là thơ!” (Inrasara, "Góp nhặt sỏi đá, hay Đối thoại về sai lầm lặp đi lặp lại về nhìn nhận thơ hôm nay”, Song thoại với cái mới, 2008).

Tại sao?


Trước năm 1934, ở ta chưa hề có truyền thống như Thơ Mới. Vậy độc giả Thơ Mới ở đâu? Trước thập kỉ 60, Việt Nam cũng chưa từng có cái gì giống thơ tự do không vần! Vậy truyền thống là cái gì? Còn thẩm mĩ là thẩm mĩ nào? Nữa: thế nào là đẹp?

Làm như chúng ta đã biết "đẹp” là gì rồi!

Làm như chúng ta đã nắm chắc "chân lí” là gì rồi!

Triệu Lam Châu viết: "Nếu làm thơ theo một cảm thức "hỗn độn, vô nghĩa, mọi bảng giá trị đều đổ vỡ, mọi định hướng ý nghĩa đều vô ích” và không còn niềm tin nào nữa kể cả chân lý… - thì sẽ sinh ra loại thơ gì nhỉ? Đó là thơ hậu hiện đại”.

Ở đây, dài dòng e sẽ dẫn ta đi lạc đề. Tôi chỉ đưa hai ví dụ: Heidegger đã dành nguyên tác phẩm để định nghĩa lại chân lí (On the Essence of Truth) mà sau bình minh của tư tưởng Hi Lạp, truyền thống triết học Tây phương đã hiểu sai, một định nghĩa làm chuyển đổi cả dòng chảy của triết học Tây phương. Hay Nietzsche dành cả đời để làm mỗi chuyện: lật đổ mọi bảng giá trị cũ. Và ông đã làm nên cuộc thay đổi lớn. Ai dám cho "lật đổ mọi bảng giá trị” kia là hư vô chủ nghĩa? Nói theo ngôn từ Kinh Kim Cang: "Phật thuyết lật đổ mọi bảng giá trị tức phi lật đổ mọi bảng giá trị thị danh lật đổ mọi bảng giá trị”.

2. Về thủ pháp

Triệu Lam Châu viết: "Đến đây ta mới rõ lối viết của nhà thơ hậu hiện đại là… thể hiện trong sự rối loạn ngôn từ của kẻ mang chứng bệnh thần kinh phân liệt. Hay nói cách khác là họ làm thơ như là trong lúc điên loạn vậy.”

Các cách thể hiện và thủ pháp chủ yếu của hậu hiện đại: siêu hư cấu sử kí, cấu trúc phân mảnh, rối loạn ngôn từ, ngôn ngữ đia phương, tiếng lóng và giọng ngọng, phá vỡ trật tự thời gian, phá vỡ khu biệt thể loại, phi tâm hóa ngôn từ và hình ảnh, nhại văn, vân vân… mỗi tác giả hậu hiện đại khai thác thế mạnh khác nhau. Không thể nhấn vào một thủ pháp nào đó để phê phán hậu hiện đại. Thủ pháp kết hợp nhuần nhuyễn với cảm thức hậu hiện đại để làm nên bài thơ hậu hiện đại đúng nghĩa. Ở ta, không ít nhà thơ vận dụng vài thủ pháp hậu hiện đại, nhưng do thiếu cảm thức kia, nên thành ra thứ thơ nạc mỡ dở cơm dở cháo. Ngoài ra chúng còn tùy thuộc vào tài năng người viết nữa. Không ít nhà phê bình Việt Nam trang bị thứ tâm lí vừa kì lạ vừa sai lầm là, cứ chọn ra những bài "thơ hậu hiện đại” dở, không đạt tiêu chuẩn hậu hiện đại để chê nghệ thuật hậu hiện đại.

Bài thơ "Đâm ja” của Bùi Chát:

Tôi lém lước bọt nên tường
tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống
tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè
xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật
tôi nhìn tôi bay chên chời
tôi hành hạ tôi ba bữa
tôi đâm ja
tôi cêu đòi chữ ngĩa…


Đây là bài thơ mang tính nhân văn cao cả hiếm có mà tôi đọc được, hơn mươi năm qua. Nó thể hiện sự cảm thông sâu xa của thi sĩ với thân phận người nữ dưới đáy xã hội, người nữ thất học - có lẽ, nói giọng "ngọng”, có thể làm nghề thấp kém và đang mắc kẹt ở xó xỉnh nào đó của thế giới văn minh này. Nhà thơ đã "cêu đòi chữ ngĩa” cho thân phận đó.

Bài thơ gây cho tôi xúc động mạnh. Tôi cho đây là bài thơ cực kì độc đáo, cảm động và mãnh liệt. Ở đây không tìm đâu ra một câu, một ý nào thể hiện sự khinh miệt con người. Thế mà Triệu Lam Châu đã hạ bút cho đó là loại thơ phản văn hoá. Ai có thể hiểu nổi không?! "Vốn quen tiếp nhận thơ theo kiểu truyền thống, chúng ta không thể chấp nhận những loại thơ phản văn hoá như trên”.

Ở đây, anh lại nhân danh truyền thống, mà phán xét!

[Diễn nôm bài thơ là điều tối kị đối với thơ, ở đây vì thế buộc, xin tạm diễn như sau:

Tôi lém lước bọt nên tường: Tôi phỉ nhổ vào xã hội các ông, chính các ông đẻ ra tình trạng xã hội này. Tác giả không khạc xuống đất mà là ném lên tường. Tường cao nên phải "ném lên
”; tường, đại diện cho cái gì xa cách nhân dân.

tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống: những người phụ nữ là nạn nhân của xã hội ấy, đáng thương biết bao. Không phải NHƯ chuột cống mà LÀ chuột cống. Tôi không thương hại họ, mà chính tôi yêu họ. Yêu thật lòng, dù họ có sống dưới đãy xã hội, trong môi trường hôi thối, bẩn thỉu.

tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè: hình ảnh tiêu biểu nhất để nói lên hoàn cảnh tối tăm của thân phận người nữ. Người ta xài quần lót tệ nhất cũng 20.000 đồng/ cái, còn của em 10 ngàn mà có đến ba cái. Nhu cầu tối thiểu của người nữ không được đảm bảo.

xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật: Sách với thi sĩ thì không gì quý hơn. Nhưng trước thảm cảnh này, đọc sách thì cực kì vô ích, nếu không nói là gần như sỉ nhục kẻ đồng loại khốn khổ. Nhớ Sartre từng tuyên bố: đứng trước em bé châu Phi đang chết đói, cuốn Buồn nôn (tác phẩm danh giá nhất của ông) chỉ đáng vứt đi.

tôi nhìn tôi bay chên chời: Tôi có một ước mơ, thế giới sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống em sẽ sáng sủa hơn. Có thể đây chỉ là nỗi mơ hão huyền, nhưng I have a dream…

tôi hành hạ tôi ba bữa: Tôi là một thi sĩ nghèo đói, dẫu thế tôi vẫn được ngày ba bữa. Ăn, tôi không vẫn không thể quên người nữ kia, tôi bứt rứt.

tôi đâm ja/ tôi cêu đòi chữ ngĩa…: Không thể im lặng mãi được, tôi phải lên tiếng! Thi sĩ, tôi không thể Hành động, mà Hành động tôi chính là chữ nghĩa
…]

3. Về ngôn từ

Hậu hiện đại Việt Nam dùng nhiều ngôn từ thông tục, thông tục lắm khi thành thô tục. Xin nhắc lại: đó chỉ là một trong những cách phản ứng. Phản ứng ấy không chỉ là mục tiêu tự nhân, mà là vừa cho chính nó vừa cho cái khác. Không phân biệt được "khác” này, ta dễ đồng hóa thơ hậu hiện đại với chủ trương làm thơ nhếch nhác, dơ dáy, tục tằn…

"Chối bỏ lề thói tiệm tiến rù rì nhích từng bước sang bờ bên kia – quá diệu vợi, mơ hồ và siêu hình, hậu hiện đại sử dụng mọi chất liệu cận tay có sẵn trong sinh hoạt thường nhật, như là một lối đi tắt, thẳng để đạt đến thực tại, siêu vượt nỗi vong thân. Hậu hiện đại trong văn học - nghệ thuật có thể ví như Thiền trong truyền thống Phật giáo. Thiền sư vận dụng mọi phương tiện thiện xảo: la hét, chẹt cửa, đánh bằng hèo, nói tục nói phét, kêu yếu chỉ của đạo Phật là cọc phân khô (càn thỉ quyết – Vân Môn)… với mục đích tối hậu là đưa kẻ mê sang bến giác, ngay tức thì. Nhưng muốn chạm mặt cái sát-na ngay tức thì ấy, người tu tập cần kinh qua mấy tầng khổ luyện. Hậu hiện đại cho phép nghệ sĩ sáng tạo sử dụng mọi chất liệu, xáo trộn mọi phong cách, lắp ghép mọi vật làm sẵn. Vân vân… Thế nhưng nếu sản phẩm của bạn không đạt mục tiêu cuối cùng là hiệu quả nghệ thuật, chúng chỉ là trò chơi vô tăm tích của hư vô chủ nghĩa, không hơn” (Inrasara, "Khủng hoảng như là tín hiệu tốt lành”, Tham luận tại Hội thảo Mĩ thuật Việt Nam 20 năm đổi mới – Hà Nội, 5-2007).

Bài "Ngọn cỏ” của Nguyễn Thị Hoàng Bắc là ví dụ khác.

tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa

"Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”, là tục ngữ, là "truyền thống” Việt miệt thị phụ nữ. Ông bà ta dùng chữ "đái”, không tránh né, để hình tượng về sự thấp kém của người nữ. Người nữ hiện đại phản ứng lại: Ừ, thế thì quý ngài hãy xem chúng tôi "đái” đây.

"Thế giới hôm nay cung cấp cho nữ giới bao nhiêu là tấm gương chói lòa, với đủ đầy phương tiện hiện đại ["bồn cầu” là một trong những]. Người nữ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới. Chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa. Tại sao họ lại từ bỏ cơ hội ngon ăn kia chứ?...

Qua tinh thần bài thơ trên, "ngọn cỏ” lâu nay bị cầm tù đã được phóng thích. Thi sĩ trả nó về với gió mây giữa bao la thiên nhiên thơ mộng. Hãy để cho ngọn cỏ tự do đùa với gió mà không buộc nó phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, qua đó thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng.” (Inrasara, "Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’”, Song thoại với cái mới, 2008).

Đọc bài này, Triệu Lam Châu lần nữa - nhân danh truyền thống, cho là "nhà thơ hậu hiện đại Việt Nam lại công khai và trắng trợn nữa – thể hiện sự "vô văn hoá” (xét theo quan niệm truyền thống xưa nay).” Tôi thì ngược lại, "xét theo quan niệm nhân văn mang tính phổ quát” hiện đại, chính việc so sánh "sự đái” với "đàn bà” cùng cụm từ "không qua ngọn cỏ” mới thậm… vô văn hóa.

4. Về trách nhiệm công dânTriệu Lam Châu viết: "Trước tiên hãy làm một con người tốt và một công dân tốt đã, rồi mới làm thơ”.

Tôi không hiểu ý Triệu Lam Châu đề cập đến "con người tốt” là gì. Chỉ biết nghệ sĩ hậu hiện đại Việt Nam (hơn con số trăm) chưa ai mang tiếng xấu như chạy chọt, tham ô, hối lộ, bợ trên đè dưới hay phải bị tù hình sự cả. Còn "công dân tốt” ư? Thế nào là tốt? Tốt với ai? Riêng tôi thấy, họ là những công dân đầy tinh thần trách nhiệm.

Các nghệ sĩ hậu hiện đại Việt Nam "làm thơ và nhập cuộc vào dòng chảy thời cuộc của thời đại. Lạ, trước sự kiện trọng đại của đất nước là sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa và bao nhiêu thời sự nóng khác, hầu hết nhà thơ hậu hiện đại đều có mặt và phản ứng nhanh nhạy. Châm ngôn "Suy tư toàn cục, hành động địa phương” là tính thực tiễn của hậu hiện đại. Nhà thơ hậu hiện đại Việt đã đáp ứng trọn vẹn tinh thần nhập cuộc chịu chơi đó” (Inrasara, "Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve.org, 2009).

Sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa cuối năm 2007, đại đa số nhà thơ hậu hiện đại Việt Nam nhập cuộc qua các tác phẩm, các phát ngôn [và cả hành động] của mình; trong khi đó các nhà thơ truyền thống và chính thống đắp mền. Mãi đến sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa kì hai năm 2011, - và chỉ khi được phép - các nhà này mới ồ ạt làm thơ yêu nước. Thế nhưng, ở đây họ chỉ ngó thấy bóng giặc từ xa mà hoàn toàn mù màu về hiện thực gần, với các cuộc biểu tình, các vụ đàn áp và bắt bớ lộ thiên mỗi cuối tuần tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội.

Xin hỏi, trong trường hợp này, loại nhà thơ nào nặng trách nhiệm công dân hơn?

INRASARRA

No comments:

Post a Comment