Sách Luận Ngữ ở bên Tàu có chuyện người đi bán rọ tre đựng cỏ. Nghe Khổng Tử đánh khánh ở nước Vệ đã than rằng: kẻ đánh khánh kia ắt phải là người có Tâm. Ông và vị thi sĩ già đều là bậc tiên chỉ có góc chiếu giữa làng thơ Việt tự lâu rồi. Tôi chỉ như người đi bán rọ tre đựng cỏ. Làm gì dám đánh bạn với ông? Tôi trọng ông cũng bởi vì cái tâm trước đã. Bởi thế, khi được mời đến nhà đàm đạo văn chương thì vinh hạnh lắm.
Phố
Lý Nam Đế vốn là phố nhà binh. Xe chạy một chiều. Phải đi theo phía vườn hoa
hàng Đậu đi vào. Qua vài bước chân. Ngôi nhà số 4. Nơi sản sinh ra bao nhiêu
nhân tài làm nghề nghiên bút ở đây. Đến một đoạn ngắn nữa thì tới ngõ 12B. Cái
đoạn ngắn buồn tẻ này, ông đã có một bài thơ đầy ẩn ức. Từ nhà sang cơ quan! Cơ
quan chính là nhà số 4 đấy.
Từ nhà sang cơ quan chào hai cây đại già
Thả từng chùm hoa rơi trắng đất
Mình đi quẩn quanh ngày này sang ngày khác
Thời gian trôi qua từng đốt trăng gầy
Vậy mà đã cạn năm đầy tháng
Mùa qua mùa, mình có được như cây?
Cuối
ngõ 12B nương náu một tập thể nhà binh cao 4, 5 tầng. Đi theo cầu thang xi
măng. Cứ một khoảng tối rồi lại một khoảng sáng. Đến khoảng sáng thứ 3 thì tới
nơi. Đại tá, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đứng ở cửa đón khách. Đó là căn hộ khoảng 3
buồng. Thêm buồng nhỏ nữa được cơi nới ra mà dân Hà Nội thân ái gọi là
“chuồng cọp”. Chẳng hiểu sao lại nghĩ. Không biết nhà tập thể này có phải là
hình mẫu Bảo Ninh tả trong Nỗi buồn chiến tranh hay không?
Nguyễn
Đức Mậu bảo chẳng phải mình ông mà còn cả mấy chàng lính làm thơ, nhà ở
cứ hay thích kiểu Liên xô. Đất không lấy lại đòi bằng được căn hộ. Càng trên
cao càng oách. Có ông còn ‘’khôn” đến mức vội vàng bán xuất đất của mình như
thể để tý nữa nó sẽ thiu mất. Rồi nhanh nhảu mua mấy trăm gạch hoa Thạch Bàn
gia công lát kín nền căn hộ trên tầng cao cho sang… Chả cái dại nào giống cái
dại nào. Họ mu mơ giữa bao tráo trở và bất trắc của kinh tế thị trường. Xã hội
nửa tỉnh nửa mơ vào sâu trong cái chợ ấy rồi. Chả có mấy ai đi xe đạp và ăn chè
đỗ đen nữa. Thì đi làm xe ôm. Đầu đường đại tá làm thơ, cuối đường thiếu tá
đứng chờ…khách quen.
Căn
hộ không có phòng khách riêng. Liền nhau một dải cho thoáng. Bộ bàn ghế uống
nước độc một chiếc ghế dài cũ màu cánh gián. Trong căn hộ này, đêm đến, không
hiểu ngài đại tá có còn bố trí quân ta ngủ theo đội hình đánh giặc nữa
hay không?
Năm
2010, Nguyễn Đức Mậu cho xuất bản tuyển thơ về chiến tranh. Từ trong lòng
cuộc chiến. Thơ có 99 bài. Không phải một tuyển thơ đầy đủ. Cũng là duyên
nợ một đời thơ. Người ta mua bản quyền này trong vòng một năm 10 triệu đồng.
Tính từ bài thơ viết sớm nhất năm 1966 đến năm 2010 là bao nhiêu năm? Bao nhiêu
nhân tình thế thái từ trong lòng cuộc chiến này. Ngủ rừng theo đội hình đánh
giặc. Nắm mộ và cây trầm. Những vỏ đạn còn lại. Hoa lau đường 9. Bắc Lào gió
nóng. Đêm thành cổ 1972. Khúc bi tráng ngã ba Đồng Lộc. Tiếng trẻ khóc nơi bản
Lào lửa cháy. Trong lòng đất Củ Chi. Trên hầm Đờ Cát. Đêm ở Đồng Tháp Mười…
tất, tất cả. Chỉ 10 triệu đồng thôi. Có người băn khoăn cho là rẻ. Nguyễn Đức
Mậu chỉ cười và cười thôi. Cái nòi thi sỹ. Như những cô gái trong trẻo chưa
chồng. Họ tình nguyện cả đời làm người lái đò nhân hậu đưa khách qua sông. Từ
cổ xưa rồi, thi ca là cõi lòng trắc ẩn nhất của loài người để lại cho hậu thế
trên con đường dài gian nan đi tìm hạnh phúc. Thi sỹ hàng nghìn đời nay chẳng
có ai làm thơ với cái đích kiếm tiền.
Nguyễn
Đức Mậu viết nhiều thể loại. Ký sự. Truyện ngắn. Tiểu thuyết. Thơ. Ông nổi danh
và được người ta nhắc đến hơn cả là tước hiệu nhà thơ. Có người bảo. Lịch sử sẽ
không quên một ai. Nhưng lịch sử có quyền lựa chọn. Thời chống Pháp. Người làm
thơ đông đến một tiểu đoàn. Sau 100 năm nữa. Tiểu đoàn ấy còn lại tên tuổi một
tiểu đội, khoảng 12 người. Thời chống Mỹ. Có đến một trung đoàn làm thơ. Sau
100 năm nữa. Trung đoàn ấy cũng còn lại tên tuổi hơn một tiểu đội, khoảng 20,
25 người. Nhiều ý kiến chia giai đoạn thơ theo thời gian lịch sử. Lấy mốc 1945
và 1975. Phân kỳ thơ. Tiền chiến 1930-1945, kháng chiến 1945-1975, hậu chiến
1975 đến nay. Chỉ là ước lệ thôi. Dòng thơ không phải lúc nào cũng hòa lẫn vào
dòng lịch sử. Đôi khi nó âm thầm vòng ra xa để ngắm nhìn những khúc quanh nhân
thế. Dòng thơ lai láng thảnh thơi để làm êm dịu đi sóng gió cuộc đời. Nó tự do,
phóng khoáng, nghiền nghẫm và chiêm nghiệm có khi quên mất cả nhịp gõ thời
gian. Nó giữ gìn tiếng họa mi hót ban mai giữa lúc đại bác gầm. Nó tràn qua bờ
đê của quá khứ hiện tại và tương lai để dự báo những mùa màng tốt đẹp. Ào ạt
như dòng lũ mùa xuân. Tươi trẻ và bát ngát dâng đầy bãi bờ của hoài niệm. Chảy
ngược lại để đằm mình vào những gì đã qua của quá khứ, làm sâu sắc và mến yêu
hơn hiện tại.
Thi
ca dạy con người niềm hy vọng ngay cả trong thời khắc lịch sử cay đắng nhất.
Sau 1975 một thời gian ngắn, lửa khói cam tuyền lại đốt đỏ thức mây ở hai đầu
đất nước. Những người lính cầm súng bảo vệ non sông lại đi thêm gần 20 năm nữa.
Một người trong số họ mặc áo trấn thủ vệ quốc đoàn từ mùa đông năm 1946 đi liên
tục đến 1991, 1992 hỏi đã bao nhiêu lần tóc bạc? Người lính già ấy ít nhất cũng
thất thập cổ lai hy mới cởi giáp trở về nhà. Tuổi của thi ca, dựa trên lý
thuyết dòng chảy không song hành kia thì đâu phải 70 năm? Có thể hàng trăm năm…
Không gian thi ca Việt nam mở rộng đầy biển cồn bão tố. Thơ Việt nam hiện đại
hầu hết được thi sỹ của thời đại chúng ta viết trên mình ngựa chiến như cách
nói của bậc tiền nhân. Đó là khúc ca bi tráng nhất trong lịch sử của đất nước
này.
Hậu
thế và thời gian sẽ công bằng thêu những câu thơ hay nhất trên lụa điều để ngàn
đời treo dưới mái khuê văn. Ai trong số 25 người cùng thời với Nguyễn Đức Mậu
được ghi tên? Rồi hậu thế sẽ thắp sáng lửa đèn trên dãy Trường sơn, trên đỉnh
núi còn mây phủ ở biên thùy phía Bắc, trên bạt ngàn lúa chín phương Nam để tôn
vinh những người lính đã sống và đã chết, những thi sỹ một đời dâng hiến, cho
thế kỷ 20. Tủ sách Tinh hoa thơ Việt in năm 2007 đã chọn 10 nhà thơ thời chống
Mỹ. Nguyễn Đức Mậu được in 25 bài. Tôi nghĩ có thể chọn thêm 10 nhà thơ nữa của
thời đó.
Thơ
Nguyễn Đức Mậu có tiếng nói riêng. Không trộn lẫn với người khác được. Đây rộn
rã mà vang xa Phạm Tiến Duật. Đây tài hoa mà đằm thắm Hữu Thỉnh. Đây nho nhã mà
kiêu sa Bằng Việt. Đây bảng lảng xa xăm mà dịu hiền Thanh Thảo. Thơ Nguyễn Đức
Mậu chân chất mặn mà, giằu tính tự sự, kỷ niệm và một tấm lòng nhân ái trang
trải trên hầu hết các trang thơ. Ông tự sự đến mức có cả những tên người cụ thể
trong không ít các bài thơ. Không ngại nói đến nấm mồ chết chóc giữa khói lửa
chiến tranh. Không thi vị hoá mà trân trọng nâng niu những gì sâu lắng nhất, bé
bỏng mà thơ ngây đến tội nghiệp con đò ẩn hiện giữa hai bờ lau sậy hoang sơ hay
một ổ gà con mới nở giữa khoảng trống hố bom trong rừng chiều chiêm chiếp hoàng
hôn. Cái chất lính trong thơ Nguyễn Đức Mậu thật rõ rệt. Nguyễn Đức Mậu đã dựng
lên bức tranh khái quát và trần trụi về chiến tranh, về người lính gây bao xúc
động cho người đọc.
-
Mặt trận miền Tây
Sáu
mươi cây số trời
Mặt
trận miền Tây
Sáu
mươi cây số đất
Mặt
trận miền Tây
Sáu
mươi cây số người.
-
Nếu tất cả trở về đông đủ
Sư
đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn.
-
Người hóa đá trọn đời nhan sắc
Anh
sẽ về cho đá lại là em.
-
Mùi tóc cháy mùi thịt da khét lẹt
Ngọn
gió qua đồi hóa ngọn gió mồ côi
Khuôn
mặt cháy đen chỉ đôi mắt nhìn tôi không chịu khép
Như
hai hốc đất sâu hai vết thủng vòm trời.
-
Mười khẩu súng mười vùng quê dập nát
Đã
vùi sâu trong gạch vỡ cổ thành.
-
Qua nhiều dòng suối sâu tôi tìm được một viên đá nhỏ
Qua
nhiều đêm rừng tôi nhặt về khắc khoải giọng từ quy
Qua
bãi bom ngổn ngang bới đất sâu tôi tìm được
Cái
cúc áo người phá bom trong vàng sắc hoa quỳ.
-
Năm người sập hầm chỉ riêng mình sống sót
Mình
là ngón tay thừa trong thương tật bàn tay.
Nói
chân chất là nói dòng chủ đạo. Nguyễn Đức Mậu không thiếu những câu
thơ tài hoa. Hãy xem ông viết về các loài hoa thế nào. Đâu phải là hoa. Là người
đấy. “Biết đâu sợi tóc trong đêm bạc. Lại trùng với khắc nụ thành hoa”. Là tâm
hồn nhẹ như phấn thông vàng của thi nhân.
-
Một sớm sông Hồng mười bảy tuổi
Hoa
gạo rơi trong nỗi nhớ nhà.
-
Thương loài hoa muộn rừng sâu
Mong
manh cánh mỏng có màu nắng mưa.
-
Em thay áo, con đường Thu chợt sáng
Bước
em qua hoa cúc nở trăng rằm.
-
Em bỏ vườn quê sang xứ khác
Hoa
ngẩn ngơ buồn trên luống mưa
Gom
bao thương nhớ mà xa cách
Cúc
vàng ơi vẫn cúc vàng xưa.
Đứng
chân ở dòng thơ lấy tự sự làm chủ đạo là một con đường sáng tạo không dễ dàng.
Dễ ít véo von bay bổng. Dễ kể lể dài dòng khó tập trung để đắp nổi những hình
tượng thơ độc đáo. Nguyễn Đức Mậu vượt qua được cái rào cản đầy khó khăn đó.
Ông đã viết lên những bài thơ có sức sống lâu bền. Nấm mộ và cây trầm. Chuyện
nhỏ trong rừng. Gạch vỡ thành cổ. Cánh rừng nhiều đom đóm bay…
Tự
sự nhưng khi cần tâm tình, cần “đào bới hư vô, tuôn chảy hư vô”, Nguyễn Đức Mậu
cũng già tay lắm. Hãy xem thi sỹ với những dòng thơ quyện đầy khói lửa chiến
tranh giãi bày một chút lẻ bóng ra sao.
- Dòng sông trắng một bờ đau
Mây bay nhuộm trắng một màu núi xa
Trắng thuyền trăng khuyết riêng ta
Trắng đêm lẻ bóng vào ra một mình.
- Bến quê một nhánh sông gầy
Một con đò nhỏ chở ngày và đêm
Chở anh về phía không em
Bao xa vắng cứ đầy thêm đò chiều
Nếu
Phạm Tiến Duật đã thắp sáng ngọn lửa đèn trong thi ca để soi tỏ khuôn mặt ngàn
năm của những người ra trận thì Sự mất ngủ của lửa đâu phải là của riêng
Nguyễn Quang Thiều. Đó là sự mất ngủ của thi ca, sự mất ngủ của thời đại, của
thân phận con người. Sự mất ngủ của những nụ tầm xuân trên bờ đê heo hút dọc
các triền sông, của gánh hàng rong cô lẻ mẹ ta đã gánh trong tĩnh mịch của ngõ
vắng chiều xưa… Là thi nhân, Nguyễn Đức Mậu cũng đã mất ngủ như thế. Tâm sự của
vị tướng về hưu: “Huân chương xếp vào góc tủ. Nay hàm tướng tá làm chi. Tuổi
già công danh xem nhẹ. Cuộc đời như nước trôi đi”. Cảm xúc mùa cày: “Những hòm
đạn không còn đạn bắn. Nằm phơi trần con số mồ côi”. Mất ngủ trong tiếng ru tha
thiết của hòa bình, tưởng ở cố hương mà lạc giữa cõi người.
Xa quê biền biệt tháng ngày
Ngủ rừng , ngủ phố đêm nay ngủ nhà.
…..
Có gì xa lắc xa lơ
Mình như lạc giữa bến bờ nhân gian.
Cả
một thời viết lách, mãi đến năm 2010 Nguyễn Đức Mậu mới cho in tập tiểu luận
phê bình đầu tiên với tiêu đề khiêm tốn. Niềm say mê ban đầu. Cả thảy có 43 bài
viết ngắn. Tiểu luận của ông như những góc nhỏ tâm tình. Có không ít bài viết
về hiếu nghĩa với các bạn thơ đã đi về cõi trăm năm. Nguyễn Bính. Khương Hữu
Dụng. Đoàn Văn Cừ. Xuân Diệu. Tế Hanh. Thu Bồn. Phạm Tiến Duật. Duy Khán. Phùng
Khắc Bắc. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận. Mỗi bài viết là một vòng hoa nhỏ rưng
rưng xúc động cho người ở chín suối yên lòng. Lắm khi chen vào những kỷ niệm
khôn nguôi. Lạ lùng nhất là chuyện kể về tình bạn giữa Nguyễn Đức Mậu với thi
sỹ Hoàng Nhuận Cầm. Ông Mậu chân chất bao nhiêu thì ông Cầm giang hồ lãng tử
Yến Thanh bấy nhiêu. Cầm như vương tôn công tử đi qua rừng. “Những cây nấm màu
nâu, màu nâu già. Tự dưng thức dậy bên vòm lá.” Và “Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi.
Chày mùa thu gõ mãi lời nước non”. Mang mác, tiêu dao quá Cầm ơi! Ấy vậy mà sự
khác nhau ấy của tâm tính và thi ca lại làm cho họ là bạn của nhau. Những tay
giang hồ gặp nhau nơi bến vắng.
Một
bậc thức giả ở phố hàng Bạc có lời nhắn: “Tình bạn giữa Mậu và Cầm gợi nhớ đến
sự đồng điệu trong sự khác biệt giữa Tô Hoài và Xuân Diệu. Tô Hoài giỏi giang
đến mức được phong thánh trong giáo phận văn chương nước Việt rồi sao mà ông ấy
còn… ác thế. Đọc Chiều chiều, Cát bụi chân ai… mà ghê cả người. Rõ là ma xó
trong làng văn. Thôi thì chiêu tuyết cho Phan Kế An, Nguyễn Hải Trừng, Trinh
Đường, Quang Dũng, Kim Lân, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng, Trần Đức Thảo… được
rồi. Sao lại nỡ kể cái chuyện yêu nhau trong màn mùi mẫm hồi ở chiến khu Việt
Bắc làm chi. Chả gì người ta đã trở thành thiên cổ rồi!” Biết nói làm sao để
bênh cụ Tô Hoài đây. Làm cái nghề văn chẳng bao giờ giữ được lâu cái gì trong
bụng. Biết mà không nói đôi khi cũng có lỗi với nhân duyên. Nói ra cho nhẹ cái
người trước khi đi gặp Mãn giác Thiền sư. Làm cái nghề phê bình và nghề cầm bút
cầm kéo biên tập văn thơ ở các tòa báo cũng… bạc lắm. Cắt bỏ, thêm vào nhiều
khi mặt nặng, mặt nhẹ, mất anh, mất em. Có lẽ tiểu luận phê bình của Nguyễn Đức
Mậu đã tránh được điều khó xử ấy chăng?
Phần
lớn các bài viết của ông đều mang giọng tâm tình. Có hai bài viết mang tính
chất sơ kết ở các trại sáng tác dưới tỉnh. Bài viết về thơ trên bia đá của Tú
Xương, Nguyễn Khuyến, Quang Dũng… rất có tâm trạng. Về chuyện bếp núc trong
nghề thơ cũng có một số bài. Một lần ông nói với tôi: Làm thơ khó nhất là cái
kết. Tôi bảo: Nếu khó thì tìm cách không có kết nữa? Ông đưa ra một ví von thật
di dỏm. Nhiều bài thơ đã có kết lâu rồi nhưng tác giả vẫn cứ sợ chưa đủ. Chẳng
khác gì đã mời khách vào nhà rồi lại mời ra. Thơ cần bùng nổ mà dây cháy chậm
dài quá.
Hôm
nay, sực nhớ gió bấc gửi đi trước những đám mây đen bồng bềnh lướt nhẹ qua
thành phố lúc rạng đông. Để rồi đến đêm nó sẽ tới, vừa đi vừa hát bài hát tha
phương không có tuổi. Lại một mùa đông nữa đến rồi. Thơ ca ngẫm đến cùng cũng
chẳng phải là cành nguyệt quế có thật ở trên đầu. Để có một góc chiếu giữa làng
thơ xứ Việt này, người ta đã phải trả giá một đời người mà vẫn chưa xong.
Nắm
tay tạm biệt ông, tạm biệt ngõ 12B Lý Nam Đế, lòng tôi bâng khuâng nghĩ về sứ
mệnh của người thi sỹ trên cõi đời này; Nghĩ về những câu thơ tâm sự nghiệp làm
thơ của Nguyễn Đức Mậu.
Khi mọi buồn vui trong lòng vơi cạn
Khi con tằm thiếu lá dâu xanh
Tôi lo ngại những hạt soàn giả tạo
Những câu thơ tự trang điểm cho mình.
KHUẤT BÌNH NGUYÊN
No comments:
Post a Comment