Trang

Monday, December 17, 2012

MÂY MẶC YẾM NÂU ĐÁNH THỨC MIỀN YÊN TĨNH

 
MÂY MẶC YẾM NÂU
Tặng người đẹp Thái Nhã Vân
Ngang qua làng anh mây mặc yếm nâu
Tuổi căng ngực nắng váy bay qua cầu
Rì rào đồng quê lúa non ngậm sữa
Mây dấu nụ cười chúm chím hoa ngâu
Mây qua đầm sâu sen nâng váy lĩnh
Trắng trắng hồng hồng thức miền yên tĩnh
Dải yếm nhiệm mầu buộc trái tim anh
Cái lúm đồng tiền chết đuối trời xanh
Rồi mây đi đâu? Qua miền ngà ngọc
Một tấm khăn nâu vấn tròn suối tóc
Một vòng tay gió ôm choàng lưng ong
Hai gót chân trần lội sóng sang sông
Anh nhìn đằng đông mặt trời đã tỏ
Mây qua đằng tây nhập vào thành phố
Xập xình xanh đỏ em thành nàng dâu
Anh nhớ thắt lòng mây mặc yếm nâu…
Hà Nội, 11.2012
NGUYỄN TRỌNG TẠO
LỜI BÌNH CỦA VÂN ĐÌNH HÙNG:
Nếu bắt đầu: Ngang qua/làng anh/mây mặc/yếm nâu. Rồi: tuổi căng/ngực nắng/váy bay/qua cầu… Tôi đoan chắc: những người yêu thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận ra anh ngay. Đây là thơ nhịp chẵn, mà chẵn nhịp đôi thủy chung như nhất. Nó khởi nguồn từ những bài đồng dao – Đồng dao cho người lớn. Tôi cũng cực đoan dành riêng cho mình sự trình bày bài thơ này với nhịp đôi. Đôi câu. Như trên.
Và bắt đầu lại từ đầu một lượt, rồi thêm một lượt… Đám mây yếm nâu quần lĩnh, tóc bỏ đuôi gà thoáng qua. Bay chậm. Thật chậm. Mây tóc xanh. Bay đến chiều thì ửng màu nâu sồng…
Hay nói một cách chắc nịch là thi ảnh đóng đinh vào người đọc. Động tác thời thượng gọi là dừng hình. Từ tiếng Anh trong các thiết bị công nghệ là pause. – dừng hình, cứ tạm thế đã.
Thi ảnh đóng vào đâu? Cái này tùy vào mỗi người, sau khi đọc nó. Mỗi người có thể chọn một bộ phận trên cơ thể người để diễn tả cảm xúc riêng.
Nếu dễ dãi, ngộ nhận cái câu kết bài gợi lại sự mòn mỏi muôn thuở, thể hiện khá nhiều trong các bài thơ tình thuở trước. Nhưng cái tứ cũ lại được dẫn bởi một cái nhìn khác phóng khoáng, không gian được mở ra rộng rãi:
Anh nhìn đằng đông mặt trời đã tỏ
Mây qua đằng tây nhập vào thành phố
Cái quan hệ Anh và Mây là quan hệ đông tây. Là hai phương trong bốn hướng. Nhưng tôi lại hiểu là hai nền văn hóa nằm ở hai hướng của trái đất. Mây sinh ra trong văn hóa phương Đông. Làm dâu ở phương khác – phía mặt trời lặn. Thế nên mây mới ửng nâu sồng.
Cái ngụ ý ấy cũng nảy ra nhiều suy ngẫm cho người đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo. Chữ thơ anh dễ rụng xuống khi nó chín, nhưng không dễ dãi, dễ tẩy rửa, nó neo bám lắm. Bám chặt lắm.
Có thể những thứ đó, kể trên, như tôi viết không có trong văn bản. Nhưng ý tại ngôn ngoại, thi ảnh ấy đóng vào đâu trong mỗi người là tùy, tôi viết bên trên như thế.
Đọc bài thơ của anh, tôi phải lật những trang viết cũ của mình cho thơ anh, cho riêng anh, xem có điều gì ngờ ngờ, trùng lặp không. Không. Tôi thấy thế và yên tâm thế.
Bài thơ thắt lòng nhớ thì đã rồi. Tác giả đã thú nhận cái thắt lòng kia khi Cái lúm đồng tiền chết đuối trời xanh . Thì ra vậy.
Tôi muốn dẫn ra: có thi nhân vớt trăng, bán trăng, và cả: chết đuối cùng trăng…  là những suy nghĩ của kẻ sỹ lãng tử, lãng đãng của nhiều thế kỷ trước, khi họ độc ẩm cùng trăng, hay thưởng trăng bằng ly rượu sầu muộn. Rồi thổ lộ lòng mình vậy. Đấy là tâm sự đêm muộn.
Nhưng cái lúm đồng tiền xuất hiện ở câu thơ dẫn là thanh thiên bạch nhật. Không khuất tất, không dấu đêm vào nỗi buồn hay ngược lại.
Má lúm đồng tiền là nụ cười mê hoặc thôn nữ, nếu người đàn bà ấy yếm nâu quần lĩnh. Đi đâu?… Thơ anh dẫn người đọc vật vã theo, vật vã mệt, vật vã sướng! Tôi viết thế.
Rồi mây đi đâu? – Nhà thơ viết thế. Nhìn kìa:
Mây qua đầm sâu sen nâng váy lĩnh
Trắng trắng hồng hồng thức miền yên tĩnh
Miền yên tĩnh của bạn đã bừng thức chưa? Còn tôi thì đã. Hai màu trắng, hồng thật gợi. Gợi sex. Sex sạch.
Tôi chợt nhớ nhà thơ Trần Dần đã viết trong bài thơ SẠCH của ông: Hợp tác xã sạch. Ban quản trị sạch… Cách đây nhiều chục năm, những năm bảy mươi thế kỷ trước, ông đã thấy trước cần phải làm sạch và cần phải định nghĩa cho cái sự sạch của riêng ông.
Nay tôi viết theo cách ấy trong bài này: Trắng sạch. Hồng sạch. Cả hai đều sạch…  để kết cho cảm nhận ngắn viết cho bài thơ Mây mặc yếm nâu của Nguyễn Trọng Tiên sinh.
Xin được cám ơn lần nữa sự đánh thức. Đánh thức miền yên tĩnh!
Ngày 16/12/2012_Vân Đình Hùng

1 comment: