Trang

Wednesday, December 19, 2012

NGƯỜI ĐẸP TUYÊN QUANG TỪ HUYỀN THOẠI ĐẾN BÂY GIỜ: ĐẸP CŨNG ĐÃ PHAI ĐI

Người ta bảo rằng, viết về người đẹp là cái thứ viết dễ nhất, bởi ai trong đời mà chẳng một lần gặp người đẹp, nhất là nhà báo đi nhiều lại gặp càng nhiều người đẹp. Viết về người đẹp có “chém gió” vài câu cũng chẳng chết ai. Thế nhưng viết về người đẹp xứ Tuyên mà thế thì không thuyết phục lắm!

Theo một hướng khác, tôi tiếp cận thông tin qua các con chữ được khắc trên bia đá, những chứng nhân sống gần gũi đời thường. Tôi ghi lại các văn bia như một cách “nói có sách, mách có chứng” về chuyện con gái đẹp. Tôi chọn những tấm ảnh của Hồ Thăng - nghệ sĩ chụp ảnh người đẹp Tuyên Quang tự nhiên và nghiêm khắc để làm hình cho bài viết.
Tư liệu xa xưa nhất nói về người đẹp đến đất Tuyên Quang
“Chè Thái, gái Tuyên” là phương ngôn nổi tiếng nói về gái đẹp ở Tuyên Quang. Tôi khoanh vùng các địa điểm để tìm hiểu lịch sử về gái đẹp, tiêu biểu là ở 2 huyện Na Hang và Chiêm Hóa. Khi đến Chiêm Hóa, mở sách lịch sử và dựa theo một số tư vấn của một vài người đi trước, tôi đến chùa Bảo Ninh ở thôn Sùng Phúc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa để tìm hiểu vấn đề này. Một số cụ trong thôn và cụ tự trông chùa, đã dẫn chúng tôi thăm bia đá nhuộm màu thời gian, trên đó in khắc nhiều thông tin quý giá về quá trình phát triển của châu Vị Long (Chiêm Hóa ngày nay). Đặc biệt trên bia đá có ghi về quá trình một số công chúa, người đẹp được gửi về Chiêm Hóa, sinh sống và sinh con đẻ cái. Sau khi sắp xếp các mốc thời gian và một số tư liệu tìm được, chúng tôi nhận thấy rằng: Đây là cội nguồn xa xưa nhất của một số huyền thoại sắc đẹp ở xứ Tuyên.
Bia Bảo Ninh tại thôn Sùng Phúc là tư liệu thành văn cổ nhất phát hiện ở Tuyên Quang. Trong bia ghi về lịch sử chùa Bảo Ninh, có viết: Năm Đinh Hợi (1107) triều vua Lý Nhân Tông, Thái phó Hà Hưng Tông, châu mục châu Vị Long (Chiêm Hóa) cho dựng chùa và khắc bia Bảo Ninh. Bia nói về giáo lý nhà Phật và công lao của dòng họ Hà và nhân dân trong vùng. Dòng họ Hà 15 đời giữ chức châu mục Vị Long, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, chăm lo đời sống nhân dân. Năm Ất Mão (1074), thân phụ Hà Hưng Tông chỉ huy quân dân trong vùng tham gia đạo quân tập kích vào thành Ung Châu trong cuộc kháng chiến vệ quốc của Lý Thường Kiệt, ngăn chặn âm mưu xâm lược của nhà Tống.
Nội dung trên bia khắc từ thế kỷ XI có ghi: “Hà Hưng Tông, chức Tri châu Vị Long, chức Phó Kỷ lang, Đô tri Tá vũ vệ Đại tướng quân, kiếm hiệu Thái phó… Bởi vì muốn tỏ rõ đời nay nên đã ghi bia đá”. Hà Hưng Tông đã cho khắc bia và ghi lại những vinh hiển của dòng họ mình ở châu Vị Long:
“Nhà họ Hà có nhiều đời sống tại châu Vị Long, kiêm quản nội khuyến nông sự. Thực ấp ba nghìn chín trăm hộ, thực phong 900 hộ… thóc lúa ùn ùn như núi, khách khứa 3 nghìn đông đúc nhộn nhịp”.
“5 đời, đến đời bấy giờ Thái phó giữ chức Thái bảo lấy công chúa thứ ba của Thái tổ Hoàng đế làm phu nhân. Nhân việc đó được Thái tổ trao chức Hữu đại Liêu ban. Phu nhân sinh ra con cái đông đúc, con trai dùi mài kinh sử, con gái kim chỉ thêu thùa” - (Sách lịch sử dòng họ Hà có viết lại thông tin trên là đến đời thứ 13, ông nội của Hà Hưng Tông được Lý Thái tổ gả công chúa thứ ba, phong làm Phò mã, Thái bảo - Tả đại Liêu ban).
“Năm Đinh Tị, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng (1077) bấy giờ Thái phó, tức Hà Hưng Tông, mới lên 9 tuổi. Được triệu đến cung làm bạn với công chúa tại cung. Thế nhưng vì Thái phó còn nhỏ nên được về ở với mẹ cha. Khi lớn hơn một chút, nhà vua sai đón Thái phó đến kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong là Tả đại Liêu ban”. Bia đá khi ấy mô tả nét đẹp của công chúa: “Than ôi, giữ lễ tiết trang nhã, sửa dung mạo đoan trang, nâng khuê bích nguy nga, vận lễ phục rạng rỡ. Cuối năm Nhâm Tuất (1082) vua tiễn đưa công chúa về nhà ở bản Châu Long. Nhà vua tiệc đãi long trọng. Thái phó sắm đủ lễ. Ăn mặc đủ màu… Dân chúng xem đông như hội”.
Từ nguồn thông tin khắc trên bia đá ở chùa Bảo Ninh có thể thấy từ thời xưa, Chiêm Hóa đã là một nơi nhộn nhịp với đông dân cư và có đời sống sung túc. Đặc biệt người dòng họ Hà ở Chiêm Hóa hai đời có hôn phối với những vị công chúa được mô tả là rất giỏi giang. Bia ghi lại: “Phu nhân sinh ra con cái đông đúc, con trai dùi mài kinh sử, con gái kim chỉ thêu thùa” có nhan sắc “giữ lễ tiết trang nhã, sửa dung mạo đoan trang, nâng khuê bích nguy nga, vận lễ phục rạng rỡ”. Ông nội Hà Hưng Tông lấy được công chúa. Sau đó thế hệ sau Hà Hưng Tông cũng lấy công chúa. Phải chăng, chính vì thế mà sau này, một số nhà văn hóa đánh giá cao nét đẹp riêng có của người đẹp ở Yên Nguyên và một số địa danh khác ở Chiêm Hóa?
Có những cái đẹp không lẫn!
“Hỏi về người đẹp, hãy gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Thăng” là lời khuyên của một đồng nghiệp của tôi đang làm việc ở Tuyên Quang. Hồ Thăng là một nghệ sĩ già. Ông không phải người gốc Tuyên Quang nhưng đã có hơn 50 năm lập nghiệp ở đất Tuyên Quang. Gặp ông trong một chiều mưa phây phất tại một cửa hiệu ảnh nhỏ trong thị xã Tuyên Quang bé hẹp. Ông chia sẻ: “Hồi ấy chụp ảnh, tôi chỉ nghĩ mình sẽ lưu giữ những hình ảnh mang tính chất tư liệu về trang phục và con người Tuyên Quang. Bởi thế, tôi không dễ dãi khi bấm máy. Tôi chỉ bấm máy khi người đẹp có một bộ trang phục đầy đủ và gọn gàng…”.
Thế rồi khi về già, nhìn lại kho ảnh của mình, chính nghệ sĩ Hồ Thăng cũng bất ngờ về những gì mình lưu giữ được. Hàng ngàn bức ảnh trong kho ảnh phim và ảnh số. Những vẻ đẹp mê mải như hoa, chỉ nở có một lần. Đến bây giờ khi kể lại, ông vẫn ngơ ngẩn nghĩ về những ngày hội ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa) khi ấy, hình ảnh những cô gái người Tày chưa chồng xúng xính váy hoa đi hội như còn ở đâu đây.
Nghệ sĩ Hồ Thăng cho biết: Người ta nói đến một số địa danh có nhiều gái đẹp như ở làng Việt kiều, Tân Đảo, Tân Thế giới hay truyền thuyết xưa cũ về việc vua quan nhà Mạc lưu lạc đến Tuyên Quang trên một chiếc thuyền, rồi cung tần mỹ nữ chạy loạn đi khắp miền… Không có những danh bia, hay thông tin cụ thể về vấn đề này, tôi nghĩ đó là những huyền thoại lịch sử. Bản thân tôi cho rằng, Tuyên Quang nhiều người đẹp vì đây là mảnh đất có nhiều dân tộc anh em sinh sống.
Nghệ sĩ Hồ Thăng phân tích: Có đến hơn 22 dân tộc đã và đang sinh sống như Dao, Thái, Tày, Mường, Pà Thẻn, Cao Lan… Riêng nhánh Dao đã có đến 10 ngành Dao riêng, nhánh Mông cũng đông đúc không kém. Người đẹp vì lụa là nhiều. Những tấm váy áo truyền thống được làm đẹp đẽ và cầu kỳ tạo nên những vẻ đẹp hoàn hảo của con gái sinh ra ở vùng này. Nghệ sĩ Hồ Thăng mê mẩn miêu tả việc những hoa văn trên áo của người Dao, người Mông từ những đường viền, chỉ thêu, sự cầu kỳ để làm một bộ quần áo đẹp mê mắt.
Mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng. Những đặc trưng riêng lẻ tuyệt diệu thì trở thành những câu thành ngữ truyền đời. Chẳng hạn “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”. Nói về con gái Thượng Lâm là nói về con gái của một xã vùng cao của Na Hang. Gái Thượng Lâm nhìn không lẫn vào đâu được. Đó là cô gái mặc bộ áo dài, chít khăn nhiễu xanh, giắt dao bên người để đi rừng, đi chợ. Đi đâu gặp con gái Thượng Lâm nhìn là biết…
Mất đi thanh sạch xưa cũ?
Nói về cái xưa cũ thì hào hứng, thế nhưng nói về cái đẹp hôm nay, Hồ Thăng lại buồn nhiều. Ông cho rằng đến nay cái đẹp ấy đã phôi phai.  Ông chua xót mô tả: Để có một tấm vải may áo, thiếu nữ dân tộc phải dành ra hàng mấy năm trời để trồng nguyên liệu, may mặc thêu thùa. Từ việc trồng bông, xe bông, cán bông và dệt bông từ khi còn rất bé. Khi dệt được nhiều vải bông, con gái mang đi may thành quần áo mặc, khâu thành chăn bông để chuẩn bị về nhà chồng… Nay thì mọi nét xưa không còn, quần áo may sẵn ở chợ rất rẻ, thế là mất nét xưa, không còn những cô gái tự tay chuẩn bị cho mình những bộ quần áo cầu kỳ và nhiều màu sắc.
Là miền gái đẹp xưa, người Tuyên Quang có nhiều nghi lễ mẫu. Trước kia các cô gái Yên Nguyên chưa chồng hay được khiêng kiệu rước mẫu. Thế nhưng bây giờ, trong ngày lễ rước mẫu hình như điều đó đã đổi thay. Sự đổi thay của đời thực, dẫn đến đổi thay cả ở tâm linh và những điều thanh sạch xưa cũ.
Ông Hồ Thăng kể một câu chuyện bỏ lửng: Có cô gái nói với tôi là sau đợt chụp ảnh này, anh lại lên thăm em nhé, kẻo mùa xuân là em lấy chồng. Thế rồi bận rộn, tôi không lên thăm sớm. Chỉ một thời gian sau, tôi trở lại. Cô gái đó đã con bế, con bồng. Mọi thứ đã không còn như xưa… Phần vì sự già đi, phần vì sự phôi phai bản sắc.
Gái đẹp Tuyên Quang bây giờ dường như chỉ còn lắng lại trong vài tấm ảnh của Hồ Thăng, hoặc trong ký ức của người già nơi đây.
T.PHAN
Nguồn: ANTGCT

No comments:

Post a Comment