Trang

Tuesday, December 18, 2012

NGUYỄN THỤY KHA – 12 NGÀY… 9 PHÚT… VÀ 3 BÀI CA


Sau ngày 13/12/1972, Hội nghị Paris về Việt Nam đi vào bế tắc. Ngày 14/12/1972, R.Nixon phê chuẩn kế hoạch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên chiến dịch Line Backer II. B52 sẽ cất cánh từ sân bay Utapao – Thái Lan và đảo Gu-am thành lực lượng tập kích chính. Và tối 18/12/1972, cuộc tập kích B52 bắt đầu...
Xác B52 trên hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Trong 12 ngày đêm khốc liệt này, người Hà Nội vẫn mãi là "người Hà Nội" khí phách trong trường ca của Nguyễn Đình Thi. Trong 12 ngày đêm, giữa đổ nát và đau thương vẫn bay lên tiếng hát. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể rằng trên đường về Đài phát thanh ở 58 Quán Sứ đêm 23/12/1972, ông vẫn nghe thánh thót đâu đấy tiếng đàn guitar vọng lên trên phố vắng. Ông chợt nhớ rằng giấy mời các cầm thủ guitar đến đài họp bàn chương trình đưa tiếng guitar lên làn sóng điện vào chiều 24/12/1972 đã được đưa tới anh em từ trước ngày B52 đánh phá. Đêm hôm đó, dưới căn hầm 58 Quán Sứ, cảm xúc về căn nhà ở khu tập thể phố Vọng bị sập đổ trộn lẫn cảm xúc về tiếng đàn guitar vọng lên trong đêm vắng đã khiến ông viết ra Hà Nội – những đêm không ngủ da diết:
Thánh thót đàn của ai ngân dài phố vắng
Bản tình ca đất nước càng sâu lắng
Người Hà Nội mang trong tim
Độc lập tự do thiêng liêng
Ngẩng đầu lên ngân cao tiếng hát…
Cuộc gặp gỡ các cầm thủ guitar chiều 24/12/1972 đành phải hoãn lại mặc dù các cầm thủ đến 58 Quán Sứ đông đủ hết. Có người trụ lại Hà Nội. Có người đạp xe từ nơi sơ tán về (cuộc họp này được nhóm lại vào giữa tháng 1/1973 theo lời kể của cầm thủ Vũ Bảo Lâm). Nhưng người Hà Nội đâu chỉ nén mình trong những âm giai tình cảm, họ đã từng thét vang trong lịch sử chống ngoại xâm mấy ngàn năm. Phạm Tuyên – chàng trai sinh ra ở phố Hàng Da – cũng không là ngoại lệ. Bên cạnh Hà Nội – những đêm không ngủ, ông còn thét vang trong căn hầm ấy một bản hùng ca Hà Nội – Điện Biên Phủ trong mùa giáng sinh đau thương ấy. Những đảo phách xuất hiện như bật ra từ chất chứa, căm hờn:
B52 tan xác cháy sáng bầu trời
Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời
Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu
Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù
Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng
Một Hà Nội lịch sử được dâng cao từ câu hát mở đầu trong trường ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội
Hà Nội của chúng ta
Trong trận Điện Biên mới oai hùng
Sáng rực hào quang chiến thắng …
Bóng đen những ngày B52 Hà Nội 1972
đã bị xua tan bằng "Điện Biên Phủ trên không".
Ngày 30/12/1972, R.Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom và sau đó, Hiệp định Paris được ký kết. Một bài ca Hà Nội chiến thắng cũng được một nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam viết ra. Đó là Hà Nội - niềm tin và hy vọng của Phan Nhân. Phan Nhân là một nhạc sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, công tác tại Đài từ đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc. Từ lâu, ông đã coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình, tuy không bao giờ quên quê hương miền Nam. Nghe giai điệu Hà Nội – niềm tin và hy vọng, thấy ngay một không khí của Hà Nội – miền đất thánh và hoa thơm, khi trở lại thanh bình trong không gian còn nồng khét mùi bom, mùi lửa và mùi máu:
Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời
Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô
Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô
Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau…
Từ sau tháng chạp 1972, Hà Nội càng mang tầm vóc vĩ đại của niềm tin và hy vọng. Những người lính ra đi từ Hà Nội vào chiến trường miền Nam lại có thêm một giai điệu thân thiết làm bạn đường những nẻo hành quân đi tới chiến thắng cuối cùng:
Hà Nội mến yêu của ta
Thủ đô mến yêu của ta
Là ngôi sao mai rạng rỡ
Sáng soi bóng đêm Trường Sơn
Lắng trong nước sông Cửu Long
Nhẹ nâng bước chân hành quân
Dệt lên tiếng ca
Át tiếng bom rền
Trong chiến tranh, "tiếng hát át tiếng bom". Trong thanh bình hôm nay, tiếng hát thời chiến tranh vẫn bập bùng trong ta lòng yêu nước cháy bỏng, trong đó có những ngọn lửa âm thanh của Hà Nội tháng chạp nóng - tháng chạp 1972 không bao giờ quên.
Nguyễn Thụy Kha
Nguồn: SKĐS

No comments:

Post a Comment