Trang

Thursday, December 20, 2012

NHÀ VĂN THIÊN SƠN: BÌNH NGUYÊN TRANG “MỞ CÁNH MỘT LOÀI HOA”


Sau 9 năm không xuất bản một tập sách nào, năm 2012, Bình Nguyên Trang đột ngột trở lại văn đàn. Một cuộc trở lại với 3 tập sách, gồm một tập thơ có cái tên rất lạ Những bông hoa đang thiền, một tập truyện ngắn Mùa đom đóm mở hội và tập ký chân dung Sông của nhiều bờ. Sự trở lại dồn dập và nhiều vang động đó khiến không ít người ngạc nhiên. Hóa ra Bình Nguyên Trang vẫn thế, bút lực vẫn mạnh mẽ, biết im lặng để dồn tích năng lượng, biết nhìn nhận để vượt qua những giới hạn của chính mình và khi cần, là những đợt dâng tràn, bùng vỡ.
Nhà thơ Bình Nguyên Trang
Không mấy ai như Bình Nguyên Trang. Nổi tiếng từ những bài thơ đầu tiên trên báo Hoa học trò, Mực Tím, Tuổi Xanh, báo Tiền Phong. Những năm 90 của thế kỷ trước, thơ Bình Nguyên Trang được nhiều bạn trẻ đón đợi, được ghi chép chuyền tay nhau trong những sổ tay lưu bút. Bình Nguyên Trang cũng được chú ý trong truyện ngắn với Giải nhất tác phẩm tuổi xanh Báo Tiền Phong, năm 1997, khi cô vừa tròn 20 tuổi. Sự khởi đầu ấy, có thể nói là quá thuận lợi với một đời văn. Nhưng Bình Nguyên Trang đã biết dừng lại, không để cho cái vinh quang ban đầu ấy cuốn đi. Đó hẳn nhiên là điều ít có cây bút trẻ nào làm được. 

Với tâm lý tò mò, tự hỏi vì sao Bình Nguyên Trang lại giành được giải cao nhất trong truyện ngắn ngay từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đọc lại những truyện ngắn của cô. Và càng đọc, tôi càng bị cuốn hút. Bình Nguyên Trang dẫu không viết nhiều truyện ngắn, không đi vào những đề tài lớn, hầu hết là những chuyện thường ngày, với những người thường gặp, kết cấu còn đơn giản như những nét phác về thân phận con người, nhưng bù lại, cô có một lối văn mạch lạc, trữ tình, giàu chất thơ và nghệ thuật phân tích tâm lý sắc sảo. Những truyện như Đời còn có nhau, Mợ Thanh, Huệ không ngoan của tôi… thực sự gây xúc động và ám ảnh.

Có lần tôi bảo Bình Nguyên Trang sự im lặng quá lâu của cô khiến có người nghĩ rằng, cái duyên với văn chương của cô phù thủy này hết rồi chăng? “Cứ để mọi người nghĩ thế cũng được. Em đã từng nói, mình sẽ bỏ bút khi không còn có khả năng mang đến một cái gì mới cho người đọc. Gần 10 năm qua, với em, thực sự khó khăn, em phải thay đổi, phải nhào nặn lại cảm xúc và ý nghĩ của mình. Cũng có lúc em thấy mình kiệt sức.” Bình Nguyên Trang nói và chợt im lặng. Đôi mắt nhà thơ như nhìn ngược vào bên trong tâm tư mình. Cô chia sẻ thêm: “Nghề báo cũng nhiều vất vả, cũng phải dành nhiều tâm lực, nhiều khi không thu xếp nổi một khoảng lặng đủ dài cho văn chương.”

Vậy đấy, thế hệ của những người viết trẻ ngày nay không hoàn toàn dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Ở nước ta, có ai sống được bằng văn chương để có thể trở thành một nhà văn chuyên nghiệp dành trọn thời gian cho nó. Vì thế, người viết trẻ trong thời kinh tế thị trường này lại càng khó bám trụ với văn đàn. Họ phải lăn lộn, phải làm thêm nghề khác để sống. Bình Nguyên Trang học ngành báo chí. Ra trường cô về làm việc tại báo Tiền Phong, rồi được cơ quan cử đi làm phóng viên  thường trú tại Nam Định. Tuổi trẻ đang háo hức, đang cần sôi động, cần giao lưu, lại phải về địa phương “nằm vùng” ở đó, viết đủ các lĩnh vực khác nhau của đời sống, từ nội chính đến giáo dục, xã hội, xa rời lĩnh vực văn nghệ mình sở trường, yêu thích, cảm giác có hơi buồn và lẻ loi, cô độc. Bình Nguyên Trang xin nghỉ và trở lại Hà Nội, làm việc cho báo Sinh Viên Việt Nam và Hoa Học Trò- nơi cô từng đăng những bài thơ, những truyện ngắn đầu tiên. Năm 2004, cô chuyển sang làm phóng viên của Báo công an nhân dân – An ninh thế giới. Trong số hàng ngàn phóng viên chuyên về văn hóa, văn nghệ, Bình Nguyên Trang đã nổi lên như một cây bút được chờ đợi, một phần do uy tín của tờ báo, một phần do nỗ lực không ngừng của cô.

Với sự ra mắt của cuốn ký chân dung Sông của nhiều bờ, chúng ta có dịp nhìn lại những cống hiến của cô trong lĩnh vực báo chí. Khoảng 50 chân dung nghệ sỹ được cô chọn in trong cuốn sách này có thể khái quát một phần diện mạo của những gương mặt tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nước ta trong những năm gần đây. Bình Nguyên Trang mạnh về trực giác. Cô nắm lấy một vài chi tiết điển hình nhất, rồi từ đó mà vẽ nên cái thần thái của nhân vật. Độc đáo. Cuốn hút. Tư liệu thực được thể hiện sinh động dựa trên thủ pháp văn học, với lối dẫn chuyện khéo léo, làm cho mỗi chân dung mang những ấn tượng riêng và tràn ngập cảm xúc.

Nhưng có lẽ thành công nhất của Bình Nguyên Trang vẫn là thơ. Và Bình Nguyên Trang được bạn đọc nhớ đến trước hết cũng bởi cô đã là nhà thơ từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ban đầu thơ Bình Nguyên Trang như tiếng lòng của lớp tuổi hoa niên với những nỗi nhớ đầu đời, những đớn đau thưở tình yêu chớm hé, và cả những hoài niệm tuổi thơ, những tình cảm thắm thiết với quê hương, với gia đình. Những bài thơ ấy sau được tập hợp và in trong 2 tập Lối về (1995) và Chỉ em và chiếc bình pha lê biết (2003). Bình Nguyên Trang từ buổi đầu đã có một giọng thơ riêng, thủ thỉ, tâm tình, chân chất, hài hòa giữa cảm xúc và ý tưởng.
Một trong những thế mạnh của Bình Nguyên Trang là mảng thơ tình.
Đây là những câu thơ về mối tình đầu:

Ta ngỡ lòng đã quên
Chút tình xưa khờ dại
Thế mà dằng dặc đêm
Thế mà ngày tê tái
Thế mà chân đi mãi
Không qua mối tình đầu
(Mối tình đầu)

Và đây là những câu thơ về nỗi đau thầm lặng trong tình yêu:
Em đã tưới hoa bằng nước mắt của em
Điều đó chỉ em và chiếc bình pha lê biết
(Chỉ em và chiếc bình pha lê biết)

Trong tập Chỉ em và chiếc bình pha lê biết, dù còn dàn trải, có chỗ còn non nớt, nhưng tác giả đã có nhiều bài thơ đi vào từng cảnh ngộ trong tình yêu khá đặc sắc và sinh động như: Thành phố ngày ta không yêu nhau nói về cái tâm trạng ơ hờ, lạnh lẽo của một mối tình tan vỡ. Cảm giác chia ly, hao khuyết, giá lạnh thấm vào cảnh vật, trùm lên tất cả không gian. Ngày không anh nói về nỗi đợi chờ, hoang lạnh trong thiếu vắng của một cuộc tình… Tả cảnh để tả tình, thông qua cảnh vật và những trạng huống thẳm sâu, những nỗi đớn đau, những niềm day dứt được biểu lộ. Đó không phải là một thủ pháp mới, nhưng với Bình Nguyên Trang, nó mang đến những dư vị tinh tế.

Từ Chỉ em và chiếc bình pha lê biết đến Những bông hoa đang thiền, với độ lùi thời gian, với những trải từng trong cuộc sống, trong tình yêu và những ý tưởng tự đổi mới mình đã đưa Bình Nguyên Trang thoát khỏi lối thơ học trò, xác lập một tư duy thơ mới cho chính mình. Phải nói rằng, đó là cả là một cuộc lột xác.

Tập Những bông hoa đang thiền có một giọng thơ điềm tĩnh, những ý nghĩ sâu sắc, những cảm nhận tinh tế và những hình ảnh tinh khiết. Trong cái thời bộn bừa, khi cả xã hội và bản thân các nhà thơ đang đối mặt với sự rối loạn mỹ học, với những sự đánh tráo giá trị, nhiều người chạy theo những model thời thượng, thì gặp được một tập thơ có phong vị riêng, đẹp đẽ từ ngôn từ đến hình tượng, từ nhạc điệu đến cấu tứ như thế quả thực là điều không dễ. Bình Nguyên Trang đã vật vã trong hành trình khám phá không ngừng, trong những cuộc thể nghiệm đơn độc để trình bày trước công chúng một tác phẩm không hề xoàng về giá trị. Không còn nghi ngờ gì nữa, Những bông hoa đang thiền là thành công của một tài năng đang độ chín.
Sự ngẫm suy này là của người đã thấu hiểu những nghịch lý của sự sống, những bí mật của sáng tạo:

Tôi dõi tìm tôi
Lại nhặt về chiếc bóng
Ai làm rơi, cô quạnh triệu năm rồi
(Giấc mơ)

Và buổi sáng
Chính là bắt đầu từ buổi tối
Giấc mơ đêm qua
Thực ra ta đã mơ từ rất lâu rồi
(Buổi sáng)

Và đây là cái xót xa về nỗi mất mát của đời người trong thời gian:
Một ngày qua đâu phải ngày khác đến
Một ngày qua trầm tích một ngày
(Đào Phai)

Tôi đặc biệt chú đến bài Cánh đồng. Cấu tứ của nó nói lên những nhức buốt của cả một thời:
Mùi phân bò mùi cố hương trú ẩn
Trong ngóc ngách thẳm sâu tâm hồn đã lâu rồi phố xá
Thức dậy
             như gốc cây bật rễ một ngày xanh trở lại
                                                    ký ức úp mặt luống cày
 ….
Cánh đồng
Hãy để ta nhặt về giấc mơ cố hương
Đang chật hẹp dần bởi mùa đô thị hóa
Hãy để cỏ may cào xước ngực ta, chân trần rớm máu
Khất thực một tình yêu sắp sửa lâm chung…

Đấy là những câu thơ viết bằng hồn, đầy sức gợi. Thăm thẳm.

Nếu tìm trong tập Những bông hoa đang thiền, những bài thơ hay, những câu thơ hay như thế không phải ít. Nó hài hòa giữa cảm xúc và suy tưởng, giữa gợi và tả. Nó ám ảnh người đọc, nó khiến người ta phải suy nghĩ không ngừng.

Bình Nguyên Trang thuộc lớp nhà thơ trẻ giàu sáng tạo. Đổi mới nhưng không xa lìa cội rễ văn hóa dân tộc. Bộc lộ cái tôi cá nhân nhưng không sa vào cực đoan. Vượt qua ràng buộc của niêm luật trong thơ truyền thống, tìm tự do trong sự hài hòa. Với ý thức như vậy, hẳn cô sẽ còn đi xa trên con đường sáng tạo, để cống hiến cho người đọc nhiều câu thơ, bài thơ hay.

NHÀ VĂN THIÊN SƠN

Nguồn: VNT/Phong Điệp

No comments:

Post a Comment