Trang

Friday, January 18, 2013

ĐẶNG TIẾN ĐÔI LỜI THỎ THẺ CÙNG BẠN HIỀN NGUYỄN TRỌNG TẠO, CŨNG VỀ CHUYỆN ÔNG HỮU THỈNH

Ý tưởng trong một câu thơ hay bài thơ là cái mà độc giả (và Hữu Thỉnh) hiểu, không phải là điều mà tác giả nhất thiết muốn nói, dù được google xác nhận.

Nguyên tác của Christa Reinig là một bài thơ hay, ý nhị, nhuần nhị, sâu lắng; phóng tác của Hữu Thỉnh là một bài thơ xoàng, không dở không hay. Do đó không thể so sánh tinh thần hay tư tưởng. So sánh là tội nghiệp cho Hữu Thỉnh. Ta đối chiếu một nguyên tác hội họa với sao bản hay phiên bản thì thấy ngay.
Tóm lại: Hữu Thỉnh có đạo văn, một cách ý thức, công phu và tinh tế. Thành quả xứng đáng với tài năng của ông và cái xã hội văn học đã tạo ra ông.
ĐẶNG TIẾN: VĂN ĐẠO… ĐẠO VĂN
Trên talawas ngày 16.11.2006, bạn Trần Kh. trong bài "Em, anh, ta và tôi", có hỏi tôi, giọng nửa thật nửa đùa, về bài thơ "Hỏi" của Hữu Thỉnh, dựa theo bài "Thượng Đế tạo ra mặt trời" nguyên bản tiếng Đức của Christa Reinig. Nguyên ủy là Trần Kh. muốn thương thảo với Thường Nhân, tác giả một bài trên talawas ngày 11.11.2006. 
Trần Kh. viết: "chuyện hai bài thơ có giống nhau về cách lập tứ, cách hỏi và cách lập ngôn hay không thì tôi không rõ lắm, cái này thì phải để tôi đi hỏi ông Đặng Tiến. Nhưng khi Thường Nhân bảo hai bài thơ giống nhau về tinh thần, giống nhau về tư tưởng, và buộc tội Hữu Thỉnh đã đạo thơ thì tôi thấy hình như ông đã đi quá xa". 
Anh hỏi tôi, chắc là chuyện "vui thôi mà", nhưng trước đây Đại Lãng Du Tử, trên VietnamNet, ngày 9.11.2006 đã đặt câu hỏi như thế, và yêu cầu "các nhà nghiên cứu nên sớm có tiếng nói", nên nhân một công đôi ba việc, tôi xin trả lời ngắn gọn, dứt khoát: Hữu Thỉnh có đạo văn và Thường Nhân đã chứng minh chính xác không có gì là đi quá xa. 
Chuyện phóng tác, tập cổ, tập Kiều, nối điêu, sử dụng điển cố, xưa nay vẫn có, ở ta cũng như Tây phương. Ví dụ câu thơ Đường "đào hoa y cựu tiếu đông phong" là một câu ý nhị; đến tay Nguyễn Du "hoa đào năm ngoái còn cười gió đông", thì nó tuyệt vời, có lẽ nhờ chữ nôm "năm ngoái" và văn cảnh truyện Kiều, cái đoạn Kim Trọng trở về vườn Thúy. Đến tay Tản Đà, nó trở thành "trơ trơ là cái hoa đào gió đông" thì là tuyệt cú mèo, Xuân Diệu phục lăn, đã phải tự hỏi không biết nhà thơ đã có cái ma lực nào để làm được câu thơ như vậy, trong bài tựa các cuốn thơ văn Tản Đà hiện hành. 
Không ai dám nói là các cụ Tiên Điền, Tản Đà đã đạo văn, vì cành hoa đào kia đã nhập hồn vào thơ họ, như theo "ma lực". Còn ông Hữu Thỉnh thì cật lực mài dũa; ông đã cố tình thay thế những hình ảnh phụ thuộc gió, mặt trờisao, bằng: đất, nước,cỏ, và giữ hình ảnh chính ở cuối bài là người, và phát triển ý tưởng chỉ đạo này bằng cách lặp lại ba lần.
Như vậy, ông đã thao tác ý thức và công phu. Chữ đạo văn hay đạo thơ dùng ở đây là đúng, công bằng và chính xác. Còn tinh thần hay tư tưởng trong một bài thơ, lại là chuyện khác, dông dài lắm. Tôi chỉ nêu hai điều:
a.       Ý tưởng trong một câu thơ hay bài thơ là cái mà độc giả (và Hữu Thỉnh) hiểu, không phải là điều mà tác giả nhất thiết muốn nói, dù được google xác nhận.
b.      Nguyên tác của Christa Reinig là một bài thơ hay, ý nhị, nhuần nhị, sâu lắng; phóng tác của Hữu Thỉnh là một bài thơ xoàng, không dở không hay. Do đó không thể so sánh tinh thần hay tư tưởng. So sánh là tội nghiệp cho Hữu Thỉnh. Ta đối chiếu một nguyên tác hội họa với sao bản hay phiên bản thì thấy ngay.
Tóm lại: Hữu Thỉnh có đạo văn, một cách ý thức, công phu và tinh tế. Thành quả xứng đáng với tài năng của ông và cái xã hội văn học đã tạo ra ông.
Nhân chuyện dịch thơ liên quan đến Hữu Thỉnh, Trần Kh. còn nêu lên cách xưng hô phức tạp và tế nhị trong tiếng Việt, ví dụ từ em/anh giữa đôi tình nhân lệch tuổi, cậu Michael và bà Hanna. Anh giả thiết "khi đã lên giường với nhau… về thứ bậc xưng hô thì Hanna hẳn đã tự nguyện nằm phía dưới ". Sao kỳ vậy? Quy luật nào lạ vậy?
Thừa gió bẻ măng, xin bàn góp với Thường Nhân. Trên talawas ngày 11.11.2006, anh có nói là Hữu Thỉnh cóp thơ Tự Đức, qua hai câu:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi

Đây không phải là thơ Tự Đức mà là thơ Nguyễn Gia Thiều. Từ điển văn học, nhà xuất bản Thế Giới, 2004, cũng ghi nhầm, tôi đã có bài góp ý, đăng ở nhiều báo, trong và ngoài nước, không nghe ai cải chính. Nay xin nhắc lại. 
Bài thơ nôm "Khóc Thị Bằng" không phải của Tự Đức. Ngô Tất Tố đã chứng minh điều này từ năm 1941, trong cuốn Thi văn bình chú, Lê Mạc Tây Sơn, in lại lần thứ ba, Sài Gòn, 1957, trang 91. Những tuyển tập, toàn tập Ngô Tất Tố xuất bản gần đây không nhắc gì đến cuốn Thi văn bình chú này. Ngoài ra, (dường như) Trần Danh Án (1754-1794) có dịch bài thơ nôm của Nguyễn Gia Thiều ra chữ Hán. Hai câu nói trên:

Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Tùng phong khâm thử hộ dư hương

Sở dĩ có sự gán ghép là vì (dường như) Tự Đức thường ưa sửa thơ thiên hạ, khi nhuận sắc có sửa hai chữ mảnh gương thànhcổ kính và manh áo thành tàn y, rồi xếp vào hồ sơ của mình, nên Dương Quảng Hàm mới nhầm ra thơ Tự Đức và trong giáo trình văn học đã ghi là của Dực Tông, rồi người sau cứ truyền tụng như thế. Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm, đều nói không phải của vua, vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì bài thơ này, và tên họ một bà phi nào tương tợ. Hơn nữa giọng thơ trữ tình bay bướm, khó có thể là giọng Tự Đức. Sinh thời học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói vậy.

(Tôi dè dặt dùng chữ "dường như" là vì không có văn liệu trong tay.)
*
Về chuyện Hữu Thỉnh, trên báo Lao Động, 20.10.2006, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã mỉa mai nhắc đến việc Từ Đạm năm 1924 lên núi Dục Thúy thuê người khắc đục thơ mình, năm sau lại khắc đục dấu bàn chân, khiến Tản Đà bực mình đã làm thơ giễu:

Năm ngoái quan lên đục mấy vần
Năm nay quan lại đục hai chân
Khen cho đá cũng bền gan nhỉ
Đứng mãi cho quan đục mấy lần

Nhà văn tập cổ, sửa hai câu cuối: Khen cho Hội cũng bền gan nhỉ / Chịu để cho ông giật (giải) mấy lần. Tác giả hiền lành: thay vì "mấy lần" anh dùng "bốn lần" thì… thì… "chính xác" hơn! 
Tôi nhắc chuyện này, và đã có viết thư riêng cho Nguyễn Quang Thân, rằng bài thơ trên không phải của Tản Đà mà của một nhà nho Nam Định, tên Phạm Ứng Thuần, sinh 1885, tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Định, hiệu là Hiếu Khanh, tục danh Cả Thuần.
Ông bực chuyện Từ Đạm, lúc ấy là tuần vũ Ninh Bình, nên làm bài thơ châm biếm, đọc chơi trong giới bạn bè; có người thuật lại với Tản Đà, ông thích chí đem lên đăng báo An Nam tạp chí, 1926. Nhiều người đọc tưởng là của Tản Đà và cứ truyền tụng như thế. Thậm chí, Tuyển tập Tản Đà, 1986, của nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, tr. 209, cũng ghi là của Tản Đà. Riêng Nguyễn Quang Thân đã trả lời tôi là ghi theo trí nhớ, theo lời kể của nhà thơ Huyền Kiêu. 
Tôi dựa theo tư liệu của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, đồng hương với Phạm Ứng Thuần, trong Giai thoại làng Nho, Nam Chi Tùng Thư xuất bản, 1966, Sài Gòn, tr. 760. Và Chơi chữ, cùng nơi xuất bản, 1963, tr. 175.
*
Cuối cùng có đôi lời thỏ thẻ cùng bạn hiền Nguyễn Trọng Tạo, cũng về chuyện ông Hữu Thỉnh. Bài trả lời của anh trên Nhà Báo và Công Luận đã chạy dưới cái tít lớn: "Khôn chốn văn chương là khôn dại", nghĩa là gì? Anh lại nói "dùng thơ cổ".

Theo tôi anh đã vô tình hay cố ý lật ngược câu:

Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn

Không phải là thơ cổ, mà là thơ tập cổ, dựa theo bài thơ nôm số 94 của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
Nhưng trong chốn văn chương, bình thường, làm gì có chuyện dại chyện khôn? Đặt chân vào chốn ấy đã là khờ dại – hay là nghiệp dĩ. Xuân Diệu làm thơ là dại; khôn thì cứ làm Tây đoan, là lấy vợ con gái điền chủ. Huy Cận khôn thì cứ đi làm kỹ sư và bộ trưởng. Vũ Hoàng Chương khôn thì đi làm tri huyện hay thanh tra hoả xa, Hoàng Cầm khôn thì cứ làm Trưởng đoàn Văn công Trung ương thiếu gì gái đẹp. Thơ thẩn làm gì cho khổ cái thân ra? Khôn và khéo trên trần đời, ai hơn Tô Hoài? Sao ông ấy lại đánh giá thơ thủ trưởng là gánh đồng nát?

Cuối cùng hỏi riêng Trọng Tạo: nghe dư luận rằng có kẻ muốn hãm lại Hữu Thỉnh mới trao giải cho ông ấy, một thứ cadeau empoisonné, cho thân bại danh liệt, khỏi hó hé hò he ở ngưỡng cửa trung ương, khỏi gai mắt.

Hỏi là hỏi chơi, không chờ đợi trả lời.

Vui thôi mà.

Orleans, 20.11.2006

© 2006 talawas

No comments:

Post a Comment