Trang

Thursday, January 24, 2013

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN 2012: CHUYỆN HỦY DIỆT CẢM XÚC CỦA NGƯỜI NHẬN GIẢI, TRAO GIẢI VÀ CẢ NHỮNG NGƯỜI TỪ CHỐI GIẢI

Chiến thắng chỉ thực sự ý nghĩa, khi người trao, người nhận và cả khán giả có cảm xúc với nó. Nhận giải thưởng là sự vinh danh giữa công luận, mà người Việt ta xưa nay quan niệm: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, nên sự vinh danh và cả sự từ chối (nếu có) càng phải rõ ràng, công khai và thuyết phục với những thông điệp mang tính văn hóa trong các lý do được đưa ra. Có như vậy, nó mới không có chuyện hủy diệt cảm xúc của người nhận giải, trao giải và cả những người từ chối giải.

ĐÚNG LÀ TRÒ CHƠI HỦY DIỆT CẨM XÚC
Tôi không bàn luận Giải thưởng của Hội Nhà văn thuyết phục hay chưa thuyết phục. Nhưng với những lùm xùm vừa qua, ngay cả người trao giải, người từ chối và người nhận giải đều không vui vẻ gì. Cứ như một trò chơi hủy diệt cảm xúc vậy.
1. Tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc của nhà văn Y Ban và tiểu thuyết lịch sử Thế kỷ bị mất của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam vừa được thông báo nhận bằng khen của Hội Nhà văn VN năm 2012. Ngay lập tức, báo chí đưa tin, hai tác giả Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam nhất loạt gửi thư ngỏ từ chối vinh dự này.
Giải thưởng thì ít khi không có tranh luận, ngay đến như giải Nobel đã trao xong, thế giới còn tranh cãi “nâng lên đặt xuống” chán. Việc nhận hay từ chối một giải thưởng là hết sức bình thường và quyền cá nhân của mỗi người. Hẳn nhiều người nhớ, nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch kiêm tiểu thuyết gia người Pháp Jean-Paul Charles Aymard Sartre được trao giải Nobel Văn học năm 1964, nhưng ông từ chối. Ông nói rằng ông luôn từ chối những danh hiệu chính thức và "một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”.
Không có giải thưởng cao quý nhất của giới học thuật, nhưng tác phẩm của ông đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến xã hội thế giới trong các thế hệ tiếp theo.
Nhiều giải thưởng văn chương lớn, như giải Goncourt người ta vẫn từ chối như thường. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp, quê hương của Bắc Đẩu Bội Tinh nổi tiếng lại có câu nói “Tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó”.
2. Ai đã đọc Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban sẽ thấy hình ảnh người đàn bà tham gia trò chơi trực tuyến được lập trình tinh vi mang tên: Hủy diệt cảm xúc, thông qua những lá thư điện tử, và số tiền thưởng cho người chiến thắng là 100 nghìn đô la.
Mục tiêu ban đầu của người chơi là đoạt giải thưởng lớn. Qua cuộc chơi, những lá thư điện tử cứ dày lên, tất cả những tâm sự, kìm nén, bức xúc... trong đời sống một người đàn bà được chia sẻ trọn vẹn với một “người giấu mặt” trong một thế giới “ảo”.
Đến một ngày, nhân vật chính nhận được bức thư điện tử báo tin cô giành giải thưởng trong trò chơi hủy diệt cảm xúc. Lúc đó, cô cũng nhận ra, người đã chia sẻ, cảm thông, yêu thương mình chỉ là một... phần mềm.
Y Ban viết cảm xúc của người chiến thắng: “Trống rỗng. Tôi không còn một cảm xúc nào. Tôi đã tham gia trò chơi. Tôi đã giết chết những cảm xúc của mình. Tôi không còn phân biệt được đâu là thật đâu là giả”.
3. Chiến thắng chỉ thực sự ý nghĩa, khi người trao, người nhận và cả khán giả có cảm xúc với nó. Nhận giải thưởng là sự vinh danh giữa công luận, mà người Việt ta xưa nay quan niệm: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, nên sự vinh danh và cả sự từ chối (nếu có) càng phải rõ ràng, công khai và thuyết phục với những thông điệp mang tính văn hóa trong các lý do được đưa ra. Có như vậy, nó mới không có chuyện hủy diệt cảm xúc của người nhận giải, trao giải và cả những người từ chối giải.
Tôi không bàn luận Giải thưởng của Hội Nhà văn thuyết phục hay chưa thuyết phục. Nhưng với những lùm xùm vừa qua, ngay cả người trao giải, người từ chối và người nhận giải đều không vui vẻ gì. Cứ như một trò chơi hủy diệt cảm xúc vậy.
NGUYỄN GIA
TT&VH

No comments:

Post a Comment