Trang

Tuesday, January 29, 2013

“HẮC PHONG SONG SÁT” VĂN CHINH – TRẦN QUANG QUÝ LÊN TIẾNG: “GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM, TÁC GIẢ KHÔNG TỰ QUYẾT ĐỊNH GIẢI THƯỞNG CHO MÌNH”


Viết phê bình và tiểu luận bây giờ không chỉ để đề cao những tác phẩm và nhà văn tài năng, mà còn để bênh vực họ trước thực trạng ném đá vào tài năng, vào những người tử tế. Mà ở đời, như người ta nói, sinh sự thì sự sinh; có bao nhiêu người khen anh thì cũng nên ước lượng có bằng ấy người chê anh. Bạn hãy tin tôi đi, khi bạn tôn vinh cái hay, cái tử tế thì cái hay cái tử tế sẽ bảo vệ bạn” (Văn Chinh).
“Chị cũng nên xem “lời ra tiếng vào” thực chất là thế nào. Tôi là người được giải nên nói gì cũng rất khó. Tất nhiên, nếu là lời khách quan, lời xây dựng thì vui hơn chứ. Tôi ủng hộ những ý kiến chân thành, xây dựng, thực sự vì văn chương” (Trần Quang Quý).
Nhà thơ Trần Quang Quý và nhà văn Văn Chinh
GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM, TÁC GIẢ KHÔNG TỰ QUYẾT ĐỊNH GIẢI THƯỞNG CHO MÌNH
(Toquoc)- Nhà văn Văn Chinh và nhà thơ Trần Quang Quý là hai trong số năm tác giả được Hội Nhà văn trao giải thưởng văn học năm 2012. Trước những ồn ào và sự quan tâm của dư luận về giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012, phóng viên báo  điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với hai nhà văn trước giờ trao giải. 
PV: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 sau khi công bố đã có những “lời ra tiếng vào”, là người được trao giải, ông có suy nghĩ gì?
Nhà văn Văn Chinh: Tôi cũng có nghe những “lời ra tiếng vào” và để giữ vệ sinh cho đầu óc, tôi tránh trực tiếp đọc những trang mạng thường ném đá vào Hội Nhà văn. Thật buồn khi mọi chuẩn mực làm người, làm nhà văn đang bị xáo trộn, đang chuyển động brown. Ở lời thưa Cùng bạn đọc, trong Đa cực và điểm đến tôi có viết: “Thời ca sỹ trắng trợn xin các bạn một tràng pháo tay đã thành mốt, xin các bạn click chuột bầu chọn cho mình là ca sỹ được yêu thích nhất, và nhớ ném đá vào ca sỹ chân tài khác; cái thời mà nói như Thanh Thảo, “văn nhân thì ít siêu nhân thì nhiều” này, viết về các nhà văn chân tài rất dễ đầu không phải phải tai, cần dũng cảm như nhà báo chống tham nhũng!”
Nhưng với cá nhân mình, tôi có lý do để phấn khởi. Mười giờ đêm ngày 16 – 1 vanvn.net mới thông báo Giải thưởng, 8 giờ sáng 17 – 1, nhà văn Lê Khắc Hoan (Phó tổng biên tập phụ trách tạp chí Thế giới Mới) từ TP Hồ Chí Minh đã điện thoại nồng nhiệt chúc mừng tôi.
Nhà thơ Trần Quang Quý: Chị cũng nên xem “lời ra tiếng vào” thực chất là thế nào. Tôi là người được giải nên nói gì cũng rất khó. Tất nhiên, nếu là lời khách quan, lời xây dựng thì vui hơn chứ. Tôi ủng hộ những ý kiến chân thành, xây dựng, thực sự vì văn chương.
PV: Có nhà văn nói với tôi rằng: Giải thưởng văn chương thực sự có ý nghĩa lớn, là mối quan tâm lớn khi còn trẻ, mới viết văn. Còn sau hàng chục năm viết văn, trở thành nhà văn rồi thì giải thưởng mang một “ý nghĩa khác”? Tôi có tò mò hỏi thêm nhưng nhà văn ấy nhất định không nói. Nhân cơ hội này, tôi xin được hỏi với cá nhân nhà văn thì sao, có tồn tại cái gọi là “ý nghĩa khác” không, đó là gì?
Nhà văn Văn Chinh: Ai bảo với bạn thế? Tôi có ông bạn U70, khi viết khen tác phẩm của của ông, ông ấy bảo tôi là nhà phê bình số 1 Việt Nam; nhưng khi chê một tác phẩm khác của chính nhà văn ấy, liền bị mắng cho là không biết đọc, là đố kỵ. Được khen đã vậy, huống chi là được giải thưởng? Nhà văn trẻ nhà văn già như nhau cả thôi. Chỉ khác ở chỗ, nhận giải khi còn trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh ảo tưởng, vì khi được giải một năm, một cuộc thi thì chỉ là đạt một năm, một cuộc thi ấy mà thôi. Sang năm sau, ở cuộc thi khác, lại đòi hỏi một chuẩn mực giá trị khác. Trong khi người nhận giải luôn có xu hướng mình là tài năng lớn rồi, cứ đinh ninh thế là bắt đầu tụt dốc. Nhà thơ Lê Đạt hay nhắc lời nhà thơ Rimbaud “Chữ bầu lên nhà thơ” để chỉ ra một hiểm họa. Hôm qua hay thời còn trẻ, anh có bài thơ hay; đến hôm sau không viết được, anh sẽ không còn là nhà thơ nữa.
Tôi cũng không biết chắc cái “ý nghĩa khác” mà nhà văn nói với chị là thế nào. Nhưng tôi đoán nhà văn ấy nói về giá trị vật chất của giải thưởng. Thì cũng lại chả có gì khác, ngoài cái chia vui cùng vợ con anh em bạn bè. Vậy thế khi còn trẻ, người nhận giải không thế hay sao?
Nhà thơ Trần Quang Quý: Tôi không hiểu “ý nghĩa khác” ở đây là ý nghĩa gì. Cần phải biết nó là ý nghĩa gì mới có thể nói về nó. Đối với tôi, nó chẳng có ý nghĩa gì khác ngoài những ý nghĩa văn chương mà nó đạt được. Và cũng coi nó bình thường như một sự ghi nhận, động viên về một giai đoạn sáng tác, về một tập tập sách. Đúng là khi còn trẻ, giải thưởng văn chương có ý nghĩa khuyến khích niềm đam mê sáng tạo rất lớn. Tôi hiểu điều đó khi những bài thơ đầu tiên của mình in trên Văn nghệ giải phóng, năm hai mươi tuổi nó lạ lùng, hồi hộp thế nào. Tất nhiên, là không khí ngày đó. Còn bây giờ ra sao thì chị hỏi trực tiếp những người trẻ. Nhưng những giải thưởng văn chương lớn, có uy tín của thế giới thì phần lớn những tác gia được trao giải là những người có bề dày sáng tác. Điều đó cũng dễ hiểu, vì văn học là cuộc đời, là những tích lũy, trải nghiệm, chiêm nghiệm của đời sống, trừ những trường hợp đặc biệt. Tôi rất mừng mỗi khi có những tác giả trẻ đoạt giải thưởng văn chương.
PV: Giải thưởng năm nay đều dành cho các Hội viên Hội Nhà văn, theo ông giải thưởng có phải là một minh chứng cho danh xưng nhà văn, cho sự theo kịp không?
Nhà văn Văn Chinh: Có ông Phạm Ngọc Cảnh Nam chưa là hội viên được bằng khen. Nhưng với tôi, danh xưng nhà văn không làm nên giá trị cho một ai, như người ta nói, chiếc áo không làm nên nhà tu.
Nhà thơ Trần Quang Quý: Giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam là cho tác phẩm văn học chứ không phải cho Hội viên, hay danh xưng nào. Có năm, có những người nhận giải là những tác giả ngoài hội, tác giả còn rất trẻ, thậm chí đã mất, như trường hợp của Lãng Thanh, năm 2004 chẳng hạn. Năm nay, các giải lại thuộc về các Hội viên thì cũng là chuyện ngẫu nhiên, bình thường. Nó tùy thuộc vào tác phẩm của từng năm, tôi nghĩ thế.
PV: Như vậy, giải thưởng cũng chưa làm nên giá trị?
Nhà văn Văn Chinh: Bạn tốt nghiệp đại học, là nhà trường cấp bằng cho bạn sau một khóa học với rất nhiều cuộc thi. Còn cuộc sống bạn bè đồng nghiệp mới là người giám khảo cuối cùng. Tác phẩm văn học cũng thế, giải thưởng chỉ như một lưu ý cho độc giả, họ và thời gian mới minh chứng những giá trị đích thực.
PV: Giả sử tác phẩm được giải của ông bị dư luận lên tiếng theo chiều hướng xấu thì ông có tự đứng ra bảo vệ tác phẩm của mình không, hay sẽ nhờ những người đã chấm giải cho tác phẩm ấy bảo vệ?
Nhà văn Văn Chinh: Không. Và cũng không cần. Viết phê bình và tiểu luận bây giờ không chỉ để đề cao những tác phẩm và nhà văn tài năng, mà còn để bênh vực họ trước thực trạng ném đá vào tài năng, vào những người tử tế. Mà ở đời, như người ta nói, sinh sự thì sự sinh; có bao nhiêu người khen anh thì cũng nên ước lượng có bằng ấy người chê anh. Bạn hãy tin tôi đi, khi bạn tôn vinh cái hay, cái tử tế thì cái hay cái tử tế sẽ bảo vệ bạn.
Nhà thơ Trần Quang Quý: Tôi không việc gì phải tự đứng ra bảo vệ, vì tác phẩm ấy được các Hội đồng chuyên môn bầu chọn và được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam phê chuẩn giải. Tôi cũng như hàng trăm tác giả có tác phẩm dự giải khác, họ không tự quyết định giải cho mình.
PV: Ông có thể chia sẻ trước khi tác phẩm của nhà văn được giải thưởng Hội Nhà văn, ông đã nhận được những phản hồi của độc giả như thế nào?
Nhà thơ Trần Quang Quý: Trước khi tác phẩm được trao giải, tất nhiên phải có hy vọng, có niềm tin thế nào về tác phẩm của mình. Nhưng cũng chuẩn bị tinh thần nó có thể không được giải, thế thôi. Nhưng ở tập thơ Mầu tự do của đất, tôi tự thấy mình dành nhiều tâm huyết cho nó, những nỗ lực cho nó. Trước khi in, tôi nhờ ba nhà thơ đọc thẩm định lần cuối. Cả ba đều đánh giá có một bước tiến so với tôi trước đó. Tất nhiên, khó có gì toàn bích được. Một số chùm thơ từ tập sách được giới thiệu trên Tuổi trẻ online, Website nhavantphcm.com.vn, vanvn.net, báo Văn nghệ, Tạp chí Thơ, Tiền phong Chủ nhật, Hà Nội ngày nay, Tạp chí Tản Viên Sơn, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Hồng Lĩnh… thì nhận được nhiều ý kiến khích lệ của bạn đọc. Nhiều nhà thơ sau khi đọc cũng có ý kiến tích cực. Gần nhất, nhà thơ Y Phương bảo: “Anh tin tập thơ này được giải”. Một số bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh điện hỏi tìm mua sách ở đâu?
PV: Xin được hỏi nhỏ, tác phẩm của ông ngoài tham dự xét giải ở Hội Nhà văn Việt Nam, ông có mang xét giải thêm ở đâu không, chẳng hạn như Hội Nhà văn Hà Nội, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật. Nếu có thì kết quả hay được đánh giá thế nào?
Nhà thơ Trần Quang Quý: Tôi không gửi tập sách này dự giải ở các cơ quan mà chị vừa nêu. Trước đây cũng chưa lần nào gửi.
* Xin cảm ơn nhà văn, nhà thơ đã thẳng thắn chia sẻ!

Hiền Nguyễn thực hiện

2 comments: