Trang

Tuesday, January 29, 2013

HOAN HÔ BÁO LAO ĐỘNG: GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VN: KHÔNG DỄ “TÂM PHỤC KHẨU PHỤC”

(Báo Lao động) - Số 24 - Thứ ba 29/01/2013

Sáng  29.1, tại Hà Nội diễn ra lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn VN 2012, nhưng trước đó, dư luận đã lùm xùm chuyện hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam từ chối nhận bằng khen.
Nếu như trước đây, Giải thưởng Hội Nhà văn được nhiều nhà văn nằm mơ mong nhận được thì những năm gần đây nó ngày càng trở nên “mất thiêng” trong làng văn và công chúng. Vì sao vậy?

Tác phẩm và quan hệ

Trong lá thư ngỏ, nhà văn Y Ban cho rằng có sự không công tâm trong chấm giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn. Việc chấm còn tùy tiện, theo cảm tính và phụ thuộc vào các mối quan hệ. Thực ra điều đó (nếu có) không chỉ tồn tại trong giải của Hội Nhà văn mà ở nhiều hội khác, chẳng qua là Hội Nhà văn luôn là hội được đặc biệt chú ý “quan trên ngó xuống, người ta trông vào”. Sự “phản đòn” của  nhà văn Đình Kính - thành viên Hội đồng chấm chung khảo (trên một tờ báo) - tất nhiên là bác tất cả những chuyện “chấm 2 lần”, “chấm theo quan hệ”... và khẳng định việc chấm giải công bằng.

Dư luận chung thì người theo phe Y Ban- người ủng hộ kết quả, nhưng như người ta nói “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Vấn đề còn lại và thực ra quan trọng nhất là tác phẩm trao giải đã thực sự thuyết phục làng văn và bạn đọc chưa?

Trong số tác phẩm đoạt giải chỉ tính ba năm gần đây, sự tranh cãi chủ yếu nằm ở những tác phẩm văn xuôi. Tập truyện ngắn “Dị hương” của Sương Nguyệt Minh (đoạt giải năm 2010) có những ý kiến khác nhau về sự giống nhau với tác phẩm này hay tác phẩm kia, dù chưa khẳng định là ai “đạo” của ai. Tác phẩm “Huyền thoại không số” của Đình Kính (đoạt giải năm 2011) ăn ở sự kiện, còn cách thể hiện chưa nhiều chất “văn”, chưa thuyết phục mạnh mẽ người xem; trong khi một tác phẩm ấn tượng là “Những ngã tư và những cột đèn” của nhà văn Trần Dần lại rất ít phiếu bầu.

Và năm nay, tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ đã và sẽ chắc chắn gây nhiều tranh cãi, nhất là khi có chuyện râm ran bàn tán về tác phẩm này nhất định sẽ thắng giải từ  trước đó. Và có ý kiến rằng giải thưởng này sẽ được nhiều người vừa lòng hơn là công nhận.

Sẽ có nhiều người bàng quan với sự việc này, bởi một lẽ đơn giản là rất nhiều nhà văn chưa có thói quen đọc tác phẩm của nhau. Không được tặng sách là không đi mua, dù quyển đó đang xôn xao. Thậm chí được tặng còn để mốc trong tủ, không thèm ngó ngàng đến. Cái tâm lý “văn mình, vợ người” vẫn ăn sâu bén rễ trong nhiều nhà văn.

Sự công tâm đứng trước tác phẩm người khác cũng luôn là thách thức với những người “cầm cân nảy mực”. Khi mà sự ghen ghét, đố kỵ nhau trong nghề kể cả với những “kỹ sư của tâm hồn” đã trở thành ung thư di căn mà đã được cố nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến làm nhẹ đi bằng câu nói bất hủ “Người Việt mình nó thế”.   

Và có hay không “nhóm lợi ích” tạo nên quyền lực ngầm - chứng cứ hiển nhiên thì khó tìm, nhưng “không có lửa sao có khói”, những chuyện xì xào người này chạy giải, người kia cùng “cạ” nâng nhau lên để chia chác đều có những lý do của nó. Đã xuất hiện sự “lăngxê” thái quá một cây bút nào đó trước kỳ xét giải - một điều tối kỵ. Và sự việc đó cũng lặp lại năm nay, với sự  PR lộ liễu mà làng văn ai cũng biết!

Vì thế sau mỗi cuộc chấm, trao giải đều có dư luận này nọ. Dĩ nhiên không phải ý kiến nào cũng đúng. Từng có ý kiến xì xào rằng các uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN được ưu tiên khi xét giải, điều này là sai khi tiểu thuyết “Đối chiến” của nhà văn Khuất Quang Thụy năm ngoái và  tập truyện ngắn “Vàng son thạch thủy khí” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà bị loại ở sơ khảo. Trong đó, “Vàng son thạch thủy khí” được nhiều bạn đọc cho rằng ngoài sự tài hoa của nữ nhà văn còn có sự mới mẻ, bứt phá trong sáng tạo văn chương.

Để giải thưởng Hội Nhà văn thực sự công tâm, sang trọng
 

Trong văn học nghệ thuật, sự xơ cứng, bảo thủ trong sáng tạo và thẩm định luôn là hiểm họa. Vì thế hằng năm, nên chăng bên cạnh một số thành viên chủ chốt nằm trong Hội đồng chấm sơ khảo,  chung khảo, nên mời thêm vài nhà văn có tài, được nể trọng và không bị những quan hệ ràng buộc chi phối,  tham gia thẩm định xét giải. Việc chấm sơ khảo cũng cần làm quy củ, nghiêm cẩn với một sự tôn trọng cần thiết với tác phẩm của “thí sinh” dự thi, và nhất thiết mỗi thành viên giám khảo phải có nhận xét tỉ mỉ mặt mạnh và mặt yếu của từng tác phẩm.

Khi sơ khảo chấm xong, nên đăng tải lên trang web Hội Nhà văn VN kết quả, đánh giá của hội đồng xét giải và những tác phẩm đã vào chung kết để bạn văn, bạn đọc cùng nhận xét. Đó chính là một thước đo để tham khảo cũng là một cách phổ biến, quảng bá tác phẩm văn học đến với công chúng rộng rãi hơn.

Một tác phẩm đoạt giải chính thức phải thực sự có tầm vóc, có tư tưởng và mang vẻ đẹp của ngôn từ. Thực sự những tác phẩm đoạt giải của Hội Nhà văn VN những năm gần đây đã đạt được chuẩn cần thiết?

Nhớ lại thời điểm năm 2007, khi Hội Nhà văn VN dũng cảm trao giải tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư - như một lời tuyên ngôn ủng hộ cái mới, cái sáng tạo và chống lại mọi thói xấu chụp mũ, bảo thủ - đã được dân nghề và công chúng hưởng ứng như thế nào!

Sáng tạo là nghiệt ngã và đầy chông gai, nhưng  chính cá nhân chọn lựa nó và cần dũng cảm đi trọn con đường đó.

Giải thưởng là quan trọng, nhưng  không phải là tất cả, có những người vô duyên với giải, nhưng tác phẩm của họ vẫn làm làng văn phải kính nể, dù không phải ai “tâm phục” mà cũng chịu thừa nhận bằng “khẩu phục”!
Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2012: Giải thưởng: Thành phố đi vắng (tập truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ), Trường ca chân đất (thơ Thanh Thảo), Màu tự do của đất (thơ Trần Quang Quý) và Giờ thứ 25 (thơ Phạm Đương), Đa cực và điểm đến (LLPB - Văn Chinh). Bằng khen: Trò chơi hủy diệt cảm xúc (Y Ban), Thế kỷ bị mất (Phạm Ngọc Cảnh Nam), Hoa hoàng đàn nở muộn (thơ Khuất Bình Nguyên) và Chất vấn thói quen (thơ Phan Hoàng)

1 comment: