Trang

Tuesday, January 22, 2013

NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC: HAI BÃI NƯỚC BỌT CỦA ĐÀN BÀ NHỔ BAY ĐÁM ĐÀN ÔNG HÁO DANH NƯỚC VIỆT

Sự kiện là một biến cố thực tại trân trối hiện diện, đồng thời nó cũng là hạt nhân duy nhất của chân lý. Triết gia Ấn Độ Krisnamurti đã khẳng nhận một cách mạnh mẽ sức sống bất khả hủy diệt của sự kiện. Ông nói: “Người ta không thể nào phủ nhận một sự kiện. Người ta chỉ có thể phủ nhận ý kiến về sự kiện”. Một sự kiện đã xảy ra, nó từng hiện hữu không cách chi chối bỏ hay phá hủy, mà người ta chỉ có thể biên tập, loan báo, hay công bố, hoặc chỉ thị về nó như những ý kiến hay cái nhìn chủ quan, dẫu vậy, dù có muốn, người ta cũng không thể phủ nhận chính sự kiện đã hiện diện trong thời gian và không gian.

Ở Việt nam mỗi ngày có hàng ngàn vụ hình sự, cướp, giết, hiếp, lừa đảo, ăn trộm… nhưng cả nhiều thập kỷ qua, dường như chỉ có hai sự kiện tiêu biểu xảy ra đại biểu cho lương tâm, lại là hai  má hồng chân yếu tay mềm. Thật là hiếm hoi. Thật là một cái nhìn toàn thể như một vòm cung úp lên đầu đám đàn ông háo danh từ mấy vần thơ lèo tèo còi cọc trở lên, dấu chữ than sỉ nhục! Nếu để bình bầu và xem xét kỹ lưỡng, hai chị còn đại diện cho bước chân của phụ nữ đầu tiên muốn dẫn dân tộc Việt bước tới cuộc sống Dân sự. Việc này không hề nhỏ, chúng ta buộc phải nhìn nó bằng một cặp mắt học vấn.
Người Việt rất giống người Trung Quốc hầu như chưa biết đến đời sống dân sự. Đời sống dân sự được hiểu đơn giản thế này thôi: thường ở chế độ quân chủ thì chỉ có giá trị thuộc về quyền lực của vua chúa hay chính phủ chuyên chế như quan-quân vua, cán bộ của vua ăn cơm chúa múa tối ngày, hoặc thư lại sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Quyền dân sự là ngược với quyền đó, mọi người dân được sống, làm giầu, xây đắp giá trị cho mình và gia đình không cần phải tham dự vào hệ thống công quyền của nhà nước; và rõ nhất là họ có quyền thành lập hội của mình được gọi là “tổ chức phi chính phủ” (NGO).
Người Việt theo người Trung xưa nay đều “học giỏi để làm quan” (học nhi ưu tắc sĩ). Nhà văn Lỗ Tấn có nói: người Trung Quốc yêu quan lại đến mức, chỉ cần muốn cưới một cô vợ thì lập tức phải đèn sách, lên kinh đô thi đỗ, rồi vinh qui bái tổ, mới lấy vợ để “song hỉ lâm môn” – thứ nhất thủ khoa, thứ nhì động phòng hoa chúc. Có nghĩa là cái chức quan đó mới xứng đáng cho người ta cả vinh quang, cả tiền bạc, cả oai phong, rồi mới động phòng. Đây có thể coi như công thức hạnh phúc. Đã là công thức thì người ta làm theo ào ạt. Người ta tìm cách leo lên quan bằng mọi giá, như Cao Cầu chỉ đá cầu mà cũng luồn lách leo lên cả chức tể tướng, rồi nườm nượm đi mua chữ, mua quan. Ở Việt Nam mới đây cũng rộ lên nạn mua bằng giả, rồi quan chức, với mong muốn “một người làm quan cả họ được nhờ”, và “ăn trên ngồi trốc”… Cái muốn ăn hơn người, ăn trên người đã ăn sâu vào trong máu của người Việt Nam, mới đây nhiều khoa của trường đại học đã tự chấm cho nhau những điểm 10 để lấy bằng thạc sĩ. Còn các nhà văn, nhà thơ thì gắp giải cho nhau đến mức 5 ủy viên của Hội văn học TP.HCM đều nhất loạt lĩnh giải 5 năm văn học, đó hoàn toàn là một sự bỉ ổi thách thức dư luận. Ở Trung ương tình hình có vẻ khá hơn chăng, chỉ cần hai năm, hơn một nửa ủy viên trong Ban chấp hành đã giật giải.
Làm quan là có tất cả. Nhưng làm quan thì phải học. Học chữ Tầu khó lắm, xưa kia có khi cả huyện mới bói ra một người biết chữ Tầu. Vì thế, biết chữ là mặc cảm tôn vinh của người Việt. Ở nhiều làng quê và cả thành phố, người ta mua những hoành phi, câu đối về treo trong nhà như một bằng chứng của sự giàu có hay oai phong. Ngay cả ở Tầu, giờ vẫn có phong trào tập thể dục viết chữ trên đường phố để thể hiện cả ước mơ, cả sự mặc cảm sâu xa về chữ nghĩa của mình. Trước thế kỷ 20, người Việt có đến hơn 90% mù chữ, thất học, nhưng nhờ có phong trào bình dân học vụ, cũng như chữ Việt là thứ dễ bậc nhất thế giới, có chuyên gia đánh giá, chữ Việt người khôn học trong 23 ngày, người ngu học trong 3 tháng là có thể đọc và viết. Có một bằng chứng phổ biến hơn, học xong vỡ lòng xưa kia, hay lớp một ngày nay, trẻ con có thể cầm bất kỳ tờ báo nào đọc vanh vách. Vì thế chỉ trong ít năm, con số 90% mù chữ đã đảo ngược thành 90% biết đọc biết viết. Hồi Thơ Mới, thơ có rất nhiều xích lô, quang gánh đọc thơ là bởi người ta muốn đọc cái có vần để nhớ mặt chữ.
Có ít chữ trong tay, từ nông dân đến bộ đội, làm thơ là tiện nhất và nhanh nhất để đổi đời cũng như cải thiện tầm vóc văn hóa của mình. Để bình xét làm thơ có mấy cái nhất sau:
1-     Tiện nhất và nhanh nhất!
2-     Nhàn tản nhất! Vừa cầy cấy vừa lẩm nhẩm hay nấu cơm có thể làm thơ.
3-     Lười biếng nhất! Vì có thể đầu tư thời gian đầu thừa đuôi thẹo.
4-     Cải thiện danh phận văn hóa nhanh nhất! Vì chỉ cần một bài thơ lên báo là xong.
5-     Đông đảo người ít học tham gia nhất! Vì thơ có vần, đặc biệt thơ lục bát được nhiều người truyền khẩu vì chưa biết chữ hay ít học.
6-     Đố kỵ nhiều nhất! Vì quá đông người làm mấy câu vần vèo mang ước mơ thành tài năng lớn.
7-     Lương tri thấp nhất! Vì lương tri tỉ lệ thuận với học vấn.
8-     Tranh ăn, tranh công danh nhiều nhất! Vì đông đảo người chen chúc nhất.
Tôi đọc những cuốn sách về nhà nước và pháp luật, tôi thấy các dân tộc họ để ý đến những vấn đề xã hội, công lý, lập hiến, hay các hoạt động dân sự vì dân vì nước, so với mấy câu vần vèo của nhiều người Việt, tôi thấy rõ ràng chúng ta rất ấu niên và bé nhỏ, chẳng khác nào nhà thơ Tản Đà viết:
               Dân hai nhăm triệu ai người lớn
               Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
Cách sống nói chung của người Việt, đặc biệt với những kẻ háo danh là làm sao leo cầu thang để lên vị trí cao nhất. Nhưng cầu thang leo lên quyền chức, nghệ thuật lại không trùng nhau, nhiều khi anh leo lên cầu thang quyền chức thì lại tụt dốc cầu thang nghệ thuật. Triết gia Aristote minh định rằng:
1-     Công chức và quan chức của hệ thống nhà nước là thấp nhất, bởi vì họ chỉ thực hành việc có tính chất trơn dầu hệ thống.
2-     Nghệ sĩ khó hơn vì họ biết cách chắp cánh cho hiện thực.
3-     Cao nhất là sáng tạo và phát minh, bởi vì người ta thực hiện những giá trị tiến đến nguyên lý vũ trụ.
Vì thế một người nghệ sĩ muốn viết văn, làm thơ hay mà leo cầu thang quyền lực, thì là cách leo cầu thang thấp nhất. Nhưng ở Việt Nam có rất nhiều dạng người này, bởi lẽ họ còn mang quán tính học hành, có ít chữ, rồi muốn làm quan. Làm quan ăn trên ngồi trốc được đã quí! Làm vài vần thơ có khổ nhọc gì mà kiếm được  danh thi sĩ càng tốt chứ sao?! Việc bay lên cao giống như con chim vậy. Nhưng có một văn hào nói “Đỉnh núi cao chỉ có chim ưng và loài bò sát lên tới”. Đúng vậy, một là luyện thành chim ưng để cất cánh tới đỉnh núi, hai là bám chặt mặt đất kiên nhẫn bò thì lên đỉnh núi. Nhưng mấy chú chim chuyền cành tưởng rằng mình đã bay lên phó phòng, rồi thì trưởng phòng, cứ đà tăng tiến sẽ lên trung ương. Nhưng than ôi đã có chú nào lên được trung ương đâu. Tại sao? Vì lô gic của việc chinh phục đỉnh núi không giống nhí nhảnh chuyền cành.
Đàn ông, ai cũng muốn bay lên, rồi chui cao leo sâu vào hệ thống, vậy mà mới đây, Kim Chi thì từ chối cả giải thưởng của thủ tướng, nhà văn Y Ban thì vừa từ chối khen thưởng, vừa từ chức ủy viên ban văn xuôi. Hai chị rõ ràng đã làm được cái việc vô số, thậm chí hầu hết đàn ông nước Việt không làm nổi. Trong khi đàn ông đang chen vai thích cánh nhích từng phân tiến lên quan chức và giải thưởng, thì có hai nữ nhi lại thực hiện đường bay khác hẳn. Đường bay đó rõ ràng không tìm cách bay lên gầm ghế mà muốn bay thẳng lên đỉnh cao khao khát nhân phẩm và giá trị đích thực của con người. Theo thành tựu mới nhất của môn nhân bản, nếu lấy mẫu AND trong nước bọt của hai chị, tôi tin rằng nó còn nhiều cao quí hơn máu kiêu hãnh của vô số đàn ông vẫn đang chen chúc và bu đầy dưới gầm ghế. Có một phương ngôn nổi tiếng rằng “có khi hòn đá bị loại ra lại trở nên hòn đá góc tường”. Cứ xúm xít quanh ghế cấp trên đi, cứ gắp giải thưởng vốn mậu dịch cho nhau đi, liệu toàn bộ giải thưởng đó có đủ khí phách và vinh quang như hai bãi nước bọt của đàn bà? Than ôi, còn nỗi nhục nào của mày râu ê chề hơn???!!!
22/01/2013
NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

No comments:

Post a Comment