Trang

Friday, January 25, 2013

NHÀ VĂN Y BAN: Ừ, CHUYỆN QUÁ ĐỖI BÌNH THƯỜNG !


(Thethaovanhoa.vn) - Tôi cũng đồng ý với quan điểm từ Hội Nhà văn VN: Chuyện một tác giả từ chối Bằng khen dành cho mình là điều quá đỗi bình thường. Cái không bình thường ở đây là câu hỏi tại sao dư luận lại rất quan tâm tới điều ấy? - nhà văn Y Ban cho biết.

Trước đó, Y Ban đã gây dư luận tại giải thưởng Hội Nhà văn VN 2012, khi chị công bố thư ngỏ (và xác nhận với báo giới) về việc từ chối Bằng khen cho tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc. Kèm theo lời từ chối này là một số thông tin tiêu cực được chị cung cấp về cách chấm giải của Hội Nhà văn (HNV) VN.
Tôi chọn con đường “dại”
* Không đọc tác phẩm vẫn bỏ phiếu, bỏ phiếu thử để “cơ cấu” giải thưởng..., những thông tin của chị đã được đại diện HNV khẳng định là tuyệt đối không có... Chị có muốn nói thêm gì về lời phản biện này không?
- Việc Hội phủ nhận là bình thường. Khi viết thư ngỏ, tôi cũng đã đoán trước về điều ấy. Bởi thế, chẳng có chuyện uất ức, cay đắng, tuyệt vọng gì từ tác giả Y Ban khi Hội phản hồi như vậy. Chuyện mình có “tố điêu” không, tôi chỉ muốn nói thế này: HNV có 15 người trong Ban chấp hành. Rồi lại có các thành viên của 4 hội đồng chuyên môn. Ngần ấy gương mặt, tự thành thật với chính mình, hẳn họ hiểu rõ những gì tôi nói là sai hay đúng.
Tôi không muốn tranh cãi, cũng không định sa vào tiểu tiết để hì hục thuyết phục dư luận. Thật lòng, nếu muốn ăn thua, ngay từ đầu tôi đã đưa ra những chứng cứ liên quan tới câu chuyện này. Vì sao tôi không làm? Vì không muốn liên can và làm ảnh hưởng đến một vài tác giả mà tôi quý mến và tôn trọng.
* Nhưng ngược lại, ở góc độ một hội viên, chị có nghĩ rằng ngay từ đầu, những phản ứng của mình nên điềm đạm và xây dựng hơn không?
- Mỗi người đều có sự lựa chọn của mình. Trước tôi, Ly Hoàng Ly, Hồ Anh Thái và Chủ tịch Hữu Thỉnh cũng từng từ chối giải thưởng trong im lặng. Có người im lặng vì cá tính, và cũng có người im lặng bởi câu chuyện bắt buộc phải diễn ra như thế.
Có thể, như vậy là thông minh. Còn tôi, tôi chọn con đường “dại”, vì tôi không chịu được sự im lặng như người khác. Chuyện từ chối giải thưởng là bình thường, đúng vậy. Nhưng, ngược lại, nhiều nhà văn và độc giả quá quan tâm tới chuyện này có phải bình thường không? Hay đơn giản, trong nhiều năm qua, bản thân giải thưởng của HNV cũng đã “tích lũy” được quá nhiều ý kiến không tích cực, để rồi có dịp vỡ ra trong câu chuyện này?
Việc phán xét tôi thì mỗi người một cách. Tôi tôn trọng. Nhưng tôi khẳng định là tôi rất điềm đạm và xây dựng. Tôi muốn sự trong sạch, minh bạch trong các giải thưởng. Đó không phải là cách xây dựng sao?
Giải thưởng phải tuyệt đối thuyết phục người đọc
* Bạn bè và đồng nghiệp phản ứng thế nào với chị trong những ngày qua?
- Có những người tán thành, có những người động viên và chia sẻ. Những người không đồng ý với tôi thì đã lên tiếng. Nếu là nhà văn, bạn sẽ hiểu: các tác giả của mình cũng mạnh miệng lắm, và họ sẵn sàng phản ứng rất tiêu cực nếu thấy một điều gì vô lý.
* Một câu hỏi thẳng: Nếu Trò chơi hủy diệt cảm xúc được giải, chị có phản ứng thế này không?
- Không, tất nhiên. Bởi công tâm, tôi tin rằng nó xứng đáng. Nhưng lúc ấy, biết đâu có thể xuất hiện một Y Ban nào khác từ giới nhà văn, tuyên bố rằng việc trao giải cho Trò chơi hủy diệt cảm xúc là vô lý và không công bằng. Nếu có những tranh cãi theo hướng học thuật như vậy, tôi lại thấy đó là một điều rất tích cực cho những giải thưởng thường niên.
* Sự thật, những rắc rối vài năm qua cũng đến từ việc giải thưởng văn học được trao cho một số thành viên của BCH. Đó là điều mà rất nhiều người tranh luận về sự hợp lý...
- Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc xét giải thưởng cho thành viên BCH. Bản thân họ đã là nhà văn rồi, trước khi giữ cương vị ấy. Và, nhu cầu được giải với các tác giả là vô cùng quan trọng, khi đó là dấu ấn để chứng nhận sự lao động và tài năng của mỗi người. Tôi khẳng định, ai cũng khao khát giải thưởng nếu xét theo hệ giá trị ấy. Một nhiệm kì của BCH là 5 năm, nếu bắt họ không được dự thi trong 5 năm ấy thì bất công vô cùng. Chỉ có điều, nếu có trách nhiệm và ngồi ghế hội đồng, nói sòng phẳng thì tác phẩm được giải cần khó hơn, khắt khe hơn để tuyệt đối thuyết phục người đọc.
* Chị có thể đánh giá về giải thưởng văn xuôi năm nay?
- Chẳng có gì sợ hiểu lầm khi nói điều này, khi bắt đầu chấm giải, tôi là người giới thiệu cuốn Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ (tác phẩm duy nhất được trao giải). Với tôi, đây là tập sách cho thấy sự thay đổi lớn trong phong cách của Huệ: Bớt đi sự da diết từng có trong Hậu thiên đường để thay bằng cách viết mới rất hiện đại và đầy tưng tửng.
Một trường hợp khác là Dấu về gió xóa của Hồ Anh Thái. Thật lòng, tôi vốn thích truyện ngắn, chứ không mấy hào hứng với những tiểu thuyết mà anh Thái từng viết. Nhưng ở trường hợp này, tôi thật sự thấy tiếc vì cuốn sách bị loại từ vòng sơ khảo mà  không được giải thưởng nào.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

2 comments:

  1. "Anh" nào đấy, nếu thích thì ra Hà Nội. Đến báo GD&TĐ gặp Y Ban! Y Ban sẽ tiếp "anh" lên bờ xuống ruộng thì thôi!

    ReplyDelete
  2. Đang mùa hè nóng nực ,anh mời em Y Ban không xinh đẹp vào Đà Lạt nghỉ mát thư giãn một thể em ạ !
    Em xem đấy, cuộc thi Truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ vừa rồi (2011 - 2013), nhiều người cho là có đến hai phần ba tác phẩm thậm chí không đáng đọc nữa cơ, thé mà chúng vẫn được giải và thậm chí những giải cao mới lạ !!! . Phải chấp nhận thôi em ạ , đời nó thế . Mặc dầu có những đứa để nguyên thì có khi thành nhà văn , trao giải cho lại thành "nhà ăn"...

    ReplyDelete