Trang

Wednesday, January 23, 2013

NHÂN ĐỌC THƯ NGỎ CỦA NHÀ VĂN Y BAN: NẾU CÓ AI “NGỬI VĂN” THÌ HAY QUÁ!

Dư luận đang sôi sùng sục đọc lá thư ngỏ của nhà văn Y Ban, một người cá tính và hơi “lêu têu” trong mọi vấn đề. Tuy nhiên nội dung lá thư ngỏ của Y Ban thì lại không thấy “lêu têu” tí nào. Vấn đề mà Y Ban đưa ra đó là chất lượng chấm các tác phẩm văn chương dự thi, đây cũng là vẫn đề bức xúc của nhiều nhà thơ nhà văn trong những năm qua. Đây là chỉ nói tới sự tuyệt đối trung thực, trong sáng trong chấm giải mà thôi, còn nếu có tiêu cực như Y Ban bức xúc thì chẳng thể làm gì được.

Làm thế nào để đánh giá chất lượng những tác phẩm văn chương đang là đề tài rất nóng, rất bức xúc, là câu hỏi hóc búa không có lời giải đáp. Nghĩ rằng, tác phẩm văn chương cần phải có thời gian thẩm định, thậm chí phải trải qua cả trăm năm thì mới khẳng định được giá trị thực của nó. Nếu tác phẩm mới viết ra mà đã đem chấm thì rất khó khẳng định được giá trị thực, kết quả đánh giá phụ thuộc vào một nhóm người rất ít mà người ta gọi là ban giám khảo.
Theo như chúng tôi được biết thì hiện nay ở những nước tiên tiến, những tác phẩm văn chương nào bán được nhiều bản, thu được nhiều tiền thì sẽ được coi là hay. Còn những tác phẩm viết ra bán chẳng ai mua thì chắc chắn tác phẩm đó chẳng có giá trị gì với cuộc sống của con người đương đại. Ấy vậy mà ở nước ta, hầu hết những tác phẩm văn chương được giải cao hẳn hoi nhưng bán chẳng có ai mua, thậm chí đem biếu cũng không ai muốn đọc. Cái sự vô lý này đã tồn tại bao nhiêu năm rồi mà vẫn không thấy ai nghĩ ra giải pháp gì chấm giải cho chính sác hơn.
Nghĩ về cái vụ chấm giải văn chương, bất giác tôi nhớ ra hình như ngày xưa  có một người bị mù nhưng lại ngửi văn rất giỏi, chỉ cần đưa cuốn sách lên mũi là biết được văn hay tới cỡ nào. Ôi giá như mà tìm được một người có tài như thế thì sẽ giải tán hết những ban giám khảo, tiết kiệm cho nhà nước khá nhiều tiền. Và tất nhiên rồi, sẽ không có bất cứ tác giả nào thắc mắc, khiếu nại, thậm chí phẫn uất mỗi khi nghe tới kết quả chấm giải văn chương như hiện nay. Theo dư luận thì gần như hầu hết những tác phẩm được trao giải đều không thuyết phục một trăm phần trăm, thậm chí còn bị phản bác lại rất gay gắt.
Mới hôm qua, mấy anh em ngồi uống chè đặc với phó chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, câu chuyện bức thư ngỏ của Y Ban được đem ra bàn thảo, mỗi người một ý khác nhau. Ông Nguyễn Quang Thiều bảo chắc Hội phải có phát ngôn chính thức về vấn đề này thôi.
Chuyện chấm giải thì vẫn rất là khó khăn, hầu như những năm gần đây không có mấy tác phẩm thuyết phục dư luận tuyệt đối nên mới nhiều ý kiến như vậy. Ở nhiều nước trên thế giới người ta phân ra hai loại giải, loại thứ nhất dành cho những nhà văn viết theo chiều hướng học thuật, loại thứ hai là dành cho công chúng thưởng thức văn chương đánh giá thì mới sát được. Đấy là chuyện của người…
Thế nào là một tác phẩm văn học hay? Mội tiêu chí đưa ra như tính nhân dân, tính đảng, tính xã hội…đều chỉ là tiêu chí, còn một bài thơ hay nhiều khi lại chẳng có tính toán gì cả. Dựa vào cái lý này thì chỉ nên mang những tác phẩm đã được dư luận thẩm định ít nhất là 5 năm trở lên rồi mới trao giải thì chắc chắn là chính xác hơn nhiều.

Lê Tự

No comments:

Post a Comment