Trang

Friday, January 25, 2013

NHỮNG BLOG VĂN CHƯƠNG HÔM NAY.

Văn nghệ Trẻ - Giờ đây, những định dạng, những thiết kế nền tảng của blog đã cho phép tất cả mọi người, kể cả những ai lạc hậu nhất với tin học và mạng Internet, đều có thể diễn đạt thoải mái trên thế giới mạng. Nếu như ở thời kỳ đầu,  những blog văn chương được đón tiếp bằng một thái độ hờn dỗi hay giễu cợt dành cho “những kẻ không chuyên”, chủ yếu đến từ giới văn chương “chính thống”, thì hiện nay chúng lại là một đối tượng được quan tâm và theo dõi chăm chú, nhiều tác giả lớn cũng đã tham gia vào cuộc chơi này. Bước vào cái kỷ nguyên huy hoàng của những những trang mạng xã hội và của một nền văn chương bàn phím, các blog văn chương liệu có phải là giải pháp tối hậu mà chắc chắn chúng ta phải chấp nhận và chọn lựa không? Tạp chí Magazine Littéraire (Tạp chí Văn học) của Pháp đã tiến hành một cuộc điều tra để trả lời cho câu hỏi trên.Người thực hiện: Hubert Prolongeau

1. Thời đại bùng nổ của thế giới blog và các mạng xã hội ?
Trước đây, thiết kế một trang cá nhân trên mạng là một công việc cực kỳ nặng nhọc với việc sử dụng code html và những javascript khác.Giờ đây các blog đã trở thành cách biểu đạt đơn giản nhất, hệ quả của việc phổ cập hóa những phương thức kết nối tốc độ cao. Không đòi hỏi phải có những hiểu biết đặc biệt về công nghệ, bất cứ ai cũng có thể chia sẻ những văn bản, các bức ảnh và những đoạn băng video trong một môi trường và một cộng đồng có khả năng mở rộng gần như không giới hạn.
Những ngày đầu, lớp người hưởng ứng ngay lập tức và đi tiên phong là tầng lớp thanh thiếu niên, còn những những người khác khi đó đứng ngoài cuộc và khoan tay nhìn những gì đang xẩy ra với nụ cười thân tình pha chút giễu cợt. Nhưng tất cả nhanh chóng nhận ra rằng sự xuất hiện của mạng internet và thế giới những blog chắc chắn là một cuộc cách mạng về phương thức truyền bá thông tin và tư tưởng, hơn thế nữa nó còn là tiền đề cho sự ra đời của các cộng đồng và các mạng lưới trong cái xã hội điện tử của những cư dân mạng. Dần dần, các tổ chức văn hóa và các tập đoàn báo chí – truyền thông cũng đã nhận thức được những lợi ích mà họ có thể gặt hái được ở đây trong việc quảng bá các hoạt động và khuếch trương các hình ảnh của họ. Số lượng các blog thuộc về các cơ quan/ tổ chức, từ Bộ Văn Hóa cho đến các tòa Thị chính của những thành phố nhỏ, vì thế đã không ngừng tăng lên.  Trang chủ của những tờ báo lớn giờ đây cũng dành ra những khoảng không gian quý báu cho nhiều blog, đó là blog của những cộng tác viên của báo hay thậm chí đơn thuần chỉ là một người đọc báo thường xuyên; một hành động góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm của họ.
Tính hữu dụng của dạng truyền thông này sẽ không thể có được hay chí ít không thể có tác dụng lớn lao như chúng ta đang chứng kiến nếu không có sự xuất hiện của các mạng xã hội và của công nghệ tiên tiến định dạng các dòng thông tin. Vào thời kỳ xuất hiện những blog đầu tiên, mức độ phổ cập của chúng chỉ được thể hiện trên số lượng truy cập ( ngày nay đó cũng vẫn là một chỉ báo quan trọng cho độ phổ cập của blog đó ), nhưng giờ đây độ phổ cập chủ yếu được đo bằng danh sách các mối liên kết được đề nghị bởi từng thành viên của cộng đồng, những liên kết tạo khả năng thiết lập các trao đổi song song và chéo nhau giữa các blogger. Ngày nay, các blogger, nhờ vào những trình đọc tin trực tuyến tiên tiến, sẽ có thông tin tức thời về những cập nhật trên các blog khác và các trang mạng mà họ đã đánh dấu theo dõi mà không cần phải truy cập vào đó, cũng không cần phải biết tới sự tồn tại của những blog liên kết tới những trang đã được đánh dấu để có thể theo dõi được những bình luận đang được trao đổi qua lại. Các blog thuộc về một cơ quan hay tổ chức nói chung lại không phải là nơi thích hợp để đưa ra những ý kiến trao đổi hay đánh giá, chúng đóng vai trò “ những tủ kinh trưng bầy hàng mẫu” hay những không gian lưu trữ thông tin. Nhìn tổng thể, số lượng các blog giờ đây có giảm đi so với trước đây, nhưng bù, lại số lượng các cuộc viếng thăm tăng lên và thời gian thăm viếng cũng dài hơn.
Trong vài năm, số các công dân điện tử của thế giới Internet nhanh chóng đạt tới những con số khổng lồ. Các trang mạng mang tính thương mại đã rất cố gắng trong việc thu hút và lôi kéo độc giả đến với mình bằng rất nhiều cách thức phong phú khác nhau: Thưởng tiền cho những bài viết được nhiều người đọc, trao những danh hiệu/ huy hiệu và nâng bậc các thành viên tích cực tích cực viết bài…Để đáp lại, rất nhiều độc giả đã cung cấp đều đặn những bài viết và những nhận xét/đánh giá để làm phong phú thêm cho nội dung trang mạng đó. Hầu hết đều xuất phát từ một niềm đam mê không giới hạn với sách vở và văn chương.
2. Hàng triệu nhà bình luận văn chương
“ Căn cứ vào điều gì mà cho rằng một nhà báo chuyên nghiệp thì sẽ viết có “chất” hơn tôi về những cuốn sách đã đọc?”. Một câu hỏi thú vị! Và không chỉ có Isabelle Rousset là người duy nhất đặt ra câu hỏi đó. Một con mọt sách từ 40 năm nay,  Isabelle Rousset thực sự có thẩm quyền để đặt ra một câu hỏi như vậy. Càng ngày càng có nhiều những “người đọc thực sự” quyết định gõ bàn phím để phát biểu những ý kiến của mình, chia sẻ những cảm xúc đang cuộn trào trong trái tim khi đắm mình vào trong thế giới của những cuốn sách. Những blogger dạng này luôn chiếm một số lượng áp đảo so với những cây bút phê bình “ chuyên nghiệp” và gây cho những cây bút này khá nhiều bối rối, ít nhất là từ những lời chỉ trích hay tư vấn của họ. “ Tôi quá ngán ngẩm cái tình trạng những cuốn sách tôi mà yêu thích chẳng bao giờ được báo chí nhắc tới, Isabelle Rousset nói tiếp, vì thế tôi tìm đọc trên các blog, ở đây tôi có cơ hội gập những người có cùng khẩu vị, yêu thích những cuốn sách giống tôi và quan trọng nhất là họ viết thẳng thừng những gì họ nghĩ, không chút ẩn ý”.
Chính vì muốn được tận mắt xem xét và gia nhập vào cái giới phê bình văn chương “ chính thống” mà cuối cùng Anne-Sophie Demonchy đã từ chối cuộc chơi. “ Tôi đã có một kỳ thực tập ở tờ Figaro littéraire, thời kỳ mà Jean-Marie Rouart còn là sếp ở đó. Những gì tôi chứng kiến làm sụp đổ tận gốc rễ những ảo tưởng của tôi. Những nhà báo viết bài về những cuốn sách họ chưa bao giờ đọc. Họ dành những vị trí “mặt tiền” cho những cuốn tiểu thuyết hoàn toàn không tương xứng chỉ vì nó là của bạn bè. Chắc chắn tôi là một kẻ ngờ nghệch, nhưng tôi đã quyết định thay đổi lựa chọn của mình sau kỳ thực tập đó”. Là giáo viên và một độc giả trung thành của thế giới sách, năm 2006 cô đã lập ra trang mạng có địa chỉ là Lalettrine.com. “ Trong không gian này tôi thực sự tự do, không ai áp đặt những điều kiện rành buộc với tôi, tôi có thể viết về những cuốn sách không hoặc rất ít được truyền thông. Là blogger chúng tôi tránh được những mối quan hệ nhập nhằng”.
Tự do, đó là từ chủ đạo mà Kévin Juliat, sáng lập viên của trang mạng Actulitteraire.com, đặt lên hàng đầu. “ Tôi đọc những gì tôi muốn, tôi viết về những gì tôi muốn, tôi có một thứ tự do mà chẳng nhà báo nào có được”. Abeline Majorel, nữ sáng lập của trang mạng Chroniquesdelarentreelitteraire.com đã kết nối được 300 tình nguyện viên để cố gắng đưa ra đánh giá cho tất cả những cuốn tiểu thuyết được tung ra thị trường ở mỗi mùa văn chương của Pháp. Cô nhận những cuốn sách từ các nhà xuất bản hoặc các tác giả rồi tự mình gửi cho các thành viên quan tâm đọc và viết bài phê bình. Các tình nguyện viên đôi khi cũng tổ chức các buổi gập mặt để trao đổi ý kiến xung quanh một số cuốn có vấn đề cần tranh luận.
Abeline Majorel luôn luôn tỏ ra năng nổ, đôi khi hơi quá quyết đoán. Một phụ nữ  ăn lương theo sản phẩm, điện thoại viên của một tổng đài kiểu “ kết nối yêu thương”, người viết lách , bà nội trợ, người nghiên cứu lịch sử..Những công việc ấy đôi khi dẫn tới việc cô tự mâu thuẫn với chính mình nhưng một điều chắc chắn rằng cô không bao giờ là người bị cạn kiệt lòng nhiệt tình. “ Tôi chẳng bao giờ mơ mình trở thành Jérôme Garcin (1),. cái mà tôi yêu thích, đó là sự chia sẻ”. Vào mỗi mùa văn học ở Pháp, cô ngốn hết 90 cuốn tiểu thuyết, “ đọc tất cả những gì tôi thấy tò mò”.Xung quanh niềm đam mê cháy bỏng với sách là những giai thoại về cô: Biết đọc từ năm lên 4 tuổi, mỗi thứ bẩy đem theo nước uống và thức ăn để cắm trại tại các nhà sách và đọc nghiến ngấu…Cô có thể đọc thuộc lòng trước đám đông toàn bộ nội dung cuốn Sắc mầu của tình cảm (La Couleur des sentiments) của Kathryn Stockett(2),. Cô còn trao cho tác giả này một “giải thưởng văn chương trên mạng” trước khi bà được trao những giải thưởng chính thức của giới phê bình truyền thống. Cô cũng đã từng phỏng vấn François Vallejo(3) về cách sử dụng các dấu chấm – phẩy của ông, một câu hỏi mà chắc chắn các tờ báo lớn đã bỏ qua một cách đáng tiếc! Cô cũng tỏ ra thất vọng với “ văn phong” của Eliette Abecassis(4) khi phạm những lỗi như “ những bước chân chúng tôi kêu lạo xạo dưới trời tuyết” trong  Et te voici permise à tout homme…
“ Chúng tôi không viết phê bình, chúng tôi chỉ chia sẻ những trải nghiệm của việc đọc sách, Abeline Majorel nhấn mạnh, chúng tôi muốn duy trì một thứ thẩm mỹ đúng đắn với một nguyên tắc: không có sự liên quan gì với marketing, với tiếp thị và quảng cáo”. Và với một nguyên tắc hiển nhiên là rất cá nhân: “ Trên blog , người ta chỉ kể về những gì người ta đã sống , đã trải nghiệm khi đọc sách”. Một ví dụ cụ thể: Chúng ta hãy chọn một cách ngẫu nhiên trên trang mạng có địa chỉ : Accrocdeslivres- Les Livres de Melisande ( những cuốn sách của Melisande) bài phê bình về một cuốn tiểu thuyết trinh thám của Pieter Aspe : Nữ blogger này sẽ cho chúng ta biết cô đọc cuốn sách này lúc nào, mỗi tuần cô đọc bao nhiêu cuốn sách, đọc đến đoạn nào thì cô đã đoán ra thủ phạm của vụ án, lúc nào thì cô sẽ đọc tiếp những cuốn khác của serie này…Thực sự đó là những thứ viết lách rất cá nhân và tạo ra sự khác biệt rất lớn với những cây bút phê bình truyền thống, đó cũng là cái rào cản khiến cho những nhà phê bình chuyên nghiệp thấy ngại đọc blog như họ đã thú nhận.
3. Phong vũ biểu cho các nhà xuất bản
“Đây thực sự là một hiện tượng, Nathalie Crom, phụ trách chuyên mục điểm sách của tờ Télérama khẳng định, Hiện tượng này thậm chí có lúc còn đẩy tới chỗ phải đặt câu hỏi về sự tồn tại hay không nên tồn tại những chuyên mục loại như của chúng tôi.Và chúng tôi đã nhìn nhận lại cái công việc chính yếu của mình là: Đặt tác phẩm trở lại trong cái ngữ cảnh của nó, định vị cái tác phẩm đó trong hành trình nghề nghiệp của tác giả… một nhà phê bình chuyên nghiệp không thể chỉ dừng lại ở mức độ của những đánh giá đại loại như “ tôi rất thích đọc cuốn sách này..” hay “ tôi không hề thích đọc cuốn sách kia..” giống như các phát biểu của đa số blogger.Tất nhiên trên mạng cũng có một số bài viết dựa trên những lập luận khá sắc sảo, nhưng số đó không nhiều”. Michel Abescat , trưởng ban biên tập của một tờ báo, thường xuyên theo dõi những blog chuyên biệt trong lĩnh vực sách tuổi hồng và truyện trinh thám. Ông cho rằng : “ Các blogger thường tỏ ra nhanh nhậy hơn chúng tôi, họ đề cập sớm hơn chúng tôi rất nhiều về những cuốn sách mới được tung ra thị trường.Nhưng cái kiểu phân tích/ bình luận  thuần túy dựa trên cảm xúc này khiến tôi lo ngại. Những người phê bình chuyên nghiệp không thể và không nên copy dạng phê bình văn học nghiệp dư như vậy”.
Các nhà xuất bản giờ đây rất quan tâm đến thế giới blog nhưng họ không coi đó là mục tiêu hàng đầu. Anne Bouissy, trợ lý báo chí của tủ sách Livre de poche ( sách bỏ túi) của Librairie générale française (Hiệu sách Tổng Hợp Pháp) nhận định : “ Những blog văn chương chỉ thực sự thích hợp với những thể loại như: khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám hay tiểu thuyết có tính chất giải trí..” . Trong lĩnh vực này, các blog thực sự có thể thay thế cho những ấn phẩm tự phát, những ấn phẩm “chui” đã từng tồn tại trước đây. Jérôm Vincent đã nhận ra điều đó khi lập ra trang mạng Actusf.com, được xem như ấn phẩm kế thừa của một tạp chí in ấn ( thủ công) trên giấy đã tồn tại trước đó. Xuất hiện trên mạng từ năm 2003, nhưng mới đây Actusf.com mới chính thức thông báo tuyển nhân sự, trước đó những người đến để cộng tác chủ yếu là vì tình bạn hoặc vì sở thích cá nhân. “ Ở chỗ chúng tôi, không khí không quá nặng nề và tẻ nhạt như ở bên giới phê bình chính thống”, Jérôm Vincent mỉm cười khi đưa ra những đánh giá như vậy. Các cây bút viết bài trên Actusf.com tỏ ra thực sự uyên bác, những bài phê bình của họ rất tinh tế, lập luận chặt chẽ và đã được rất nhiều tờ báo lớn sử dụng lại. 800 tít bài mỗi năm, động chạm đến gần như tất cả các vấn đề thời sự văn học. “ Rất nhiều những cây bút chủ lực của chúng tôi đã xuất bản sách, nhưng chúng tôi không có ý định biến Actusf.com thành một cái lò đào tạo nhà văn hay kiếm tìm những mỗi quan hệ. Mỗi thành viên quản lý mạng lưới của mình theo cách mà họ muốn”. Trong thế giới này ít có những quan hệ mập mờ hay vụ lợi như thường gặp trong giới nhà văn và các phóng viên, Nếu có cái gì đó làm vẩn đục bầu không khí ở đây, đáng buồn là chúng thường hay đến từ chính các nhà văn: “ Thỉnh thoảng chúng tôi cũng phát hiện ra vài người gửi tới chúng tôi những bài phê bình rất hấp dẫn …do chính họ viết về tác phẩm của mình”. Jérôm Vincent nói bằng một ngữ điệu trào phúng.
Babelio.com là trang mạng duy nhất có quan tâm tới việc thương mại hóa, mặc dù rất khiêm tốn. Mỗi tháng, họ tung ra một chiến dịch “ phê bình đại chúng”, các nhà xuất bản sẽ kiến nghị khoảng một trăm tựa sách cho các độc giả lựa chọn để bình luận. Nếu có được từ 20 bài phê bình trở lên, trang mạng sẽ được hưởng 1.000 euro.Những bài viết đó sẽ được tập hợp thành một cơ sở dữ liệu, cung cấp (có tính phí ) cho các cá nhân hay tổ chức có nhu cầu, các blogger tham gia viết bài đương nhiên được truy cập miễn phí. Guillaume Teisseire, một trong những đồng sáng lập của Babelio, khẳng định : “ chúng tôi vận hành như một công ty nhỏ, tuy nhiên mọi việc vẫn còn ở bước khởi đầu, rất mong manh..”
Một hội nghị hoành tráng của giới phê bình văn chương nước Pháp sẽ được tổ chức vào ngày 23 đến 24 tháng 11 năm 2013 ở Avignon, liệu ở đó các blogger văn chương có được dành cho một chỗ và có được một tiếng nói nào đó trên các diễn đàn không? Cho đến giờ phút này câu trả lời vẫn là một sự phủ định tuyệt đối. Abeline Majorel than phiền: “ Giới xuất bản vẫn chưa đánh giá cao chúng tôi, họ không thừa nhận tính hợp pháp của chúng tôi. Phải chăng là niềm say mê thì không có giá trị mà chỉ có chứng chỉ nghề nghiệp mới có giá trị trong những hoạt động sáng tạo và thưởng thức văn chương?”
Dương Thắng dịch từ tiếng Pháp.Tạp chí Le Magazine Littéraire. n°527. Tháng 1 năm 2013. Chuyên mục : La vie des lettres . Tác giả Hubert Prolongeau

---------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích :
(1) Jérôme Garcin, sinh năm 1956, một nhà báo nổi tiếng của Pháp. Ông phụ trách chuyên mục văn hóa của tờ Nouvel Observateur, nhà sản xuất và điều hành chuyên mục Mặt nạ và Ngòi bút(Le Masque et la Plume) trên Radio France Inter và là thành viên hội đồng duyệt kịch bản của Nhà Hát Kịch Pháp Quốc (la Comédie-Française)
 (2) Kathryn Stockett, sinh năm 1969 tại Jackson (Mississippi-Mỹ), là một nữ tiểu thuyết gia Mỹ, nổi tiếng từ 2009 với tác phẩm đầu tay The Help (được Pierre Girard dịch sang tiếng Pháp với tên gọi Sắc mầu của tình cảm (La Couleur des sentiments), cuốn sách đã kể về những cuộc xung đột giữa những người hầu da đen và các bà chủ da trắng tại thành phố Jackson, vùng Mississippi vào những năm 60 .
(3) François Vallejo sinh năm 1960, với lòng hâm mộ các nhà văn Claudel, rồi Louis-Ferdinand Céline, ông đã đi vào con đường nghiên cứu văn chương. Hiện ông giảng dậy văn học cổ điển tại Le Havre - Pháp
(4) Éliette Abécassis, sinh ngày 27 tháng giêng năm 1969 tại Strasbourg - Pháp. Cô là một nhà văn Pháp gốc Do thái khá nổi tiếng.Từng là sinh viên trường cao đẳng sư phạm Pháp ('École normale supérieure),trường đại học danh giá bậc nhất của Pháp,cô có bằng thạc sĩ triết học và tham gia giảng dậy triết tại đại học Caen. Cô cũng là tác giả của mười lăm cuốn tiểu thuyết và nhiều tiểu luận triết học , tác phẩm của cô đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn chương.
Văn nghệ Trẻ

No comments:

Post a Comment