Trang

Sunday, February 17, 2013

TƯỚNG PHẠM CHUYÊN – NGUYÊN GIÁM ĐỐC CÔNG AN TP HÀ NỘI VÀ BÀI THƠ “NGƯỜI HÈN”


NGƯỜI HÈN

Đất nước ngàn năm
Hiếm kẻ bán nước
Có nhiều nhặn gì đâu,
Một Trần Ích Tắc
Một Lê Chiêu Thống
Một Hoàng Văn Hoan.
 Đất nước ngàn năm
Quá lắm người hèn
Hèn vì quyền cao chức trọng
Hèn vì nhà cao cửa rộng
Hèn vì miếng cơm manh áo
Hèn vì vợ dại con thơ
Hèn vì danh hão danh hờ.

Hèn mà còn nhận ra
mình là thằng hèn
Là hèn tử tế.
Hèn ngậm miệng ăn tiền
hèn nhơ bẩn
Hèn ngậm miệng ăn tiền
hèn bất nhân
Hèn bán đất bán nước
Trời tru đất diệt
Hèn ơi! Đất nước ơi! 
PHẠM CHUYÊN
_________________
* Tướng Phạm Chuyên, nguyên là Giám đốc Công an Hà Nội.
- Phản hồi của Nhà văn Phạm Đình Trọng: “Trước đây khi biết ông Phạm Chuyên là ông tướng, giám đốc công an Hà Nội, tôi cũng chỉ coi ông Chuyên như ông Nguyễn Văn Ninh, trung tá công an đã nhẫn tâm vung dùi cui đánh gãy cổ dẫn đến cái chết thê thảm của ông Trịnh Xuân Tùng, chỉ vì ông Ninh vu cho ông Tùng ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm. Hoặc tôi coi ông Chuyên cũng chỉ như ông Tuấn công an Sài Gòn đã lạnh lùng, sắt đá giữ tôi suốt một ngày ở đồn công an phường Bến Thành chỉ vì tôi đến tòa án Sài Gòn dư phiên tòa công khai xử Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do. Tôi coi ông Chuyên chỉ như ông Tuấn công an Sài Gòn đã xăng xái, quyết liệt ngăn chặn tôi đi biểu tình chống Trung Quốc cướp biển, cướp đảo của ta, bắn giết dân ta, đã lì lợm chặn cửa nhà tôi gần suốt một ngày chủ nhật.
Nhưng khi rời nhiệm sở công an, trút bỏ bộ hàm cấp tướng công an, ông Phạm Chuyên xuống Hải Phòng, đến thăm ngôi nhà gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị viên đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc công an Hải Phòng đập phá chỉ còn đống gạch vụn, thì tôi có chút cảm tình với ông Phạm Chuyên. Bây giờ đọc bài thơ Người Hèn của ông Phạm Chuyên, tôi mới thực sự vui mừng nhận ra phần Người chân chính vẫn còn ở ông tướng công an Phạm Chuyên.
Tôi rất muốn được gặp, nắm bàn tay ông Phạm Chuyên còn ấm áp nhịp đập trái tim con Người. Phạm Đình Trọng”.
- Phản hồi của Nhà giáo Phạm Toàn: “Không có Phạm Chuyên thì Hoàng Cầm, Văn Cao, và nhiều vị nữa đã ra bã từ lâu rồi.
Tôi tin rằng có một nhà thơ họ Hoàng sau khi mổ mắt đang mải đi chơi Tết với vợ, khi anh trở về đọc bài này và các còm ở đây THẾ NÀO ANH CŨNG viết một kỷ niệm dài về Phạm Chuyên với Hoàng Cầm. He he he đón đọc nha!!!
Riêng tôi, cho nhắn một chút này: Bravo Phạm Chuyên! Bravo Phạm Chuyên! Bravo Phạm Chuyên! (Ba lần hẳn hoi). Phạm Toàn”.
Nguồn: ABS
____________________

NGUYỄN TRỌNG TẠO: CHÙM THƠ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI

TỔ QUỐC Ở BIÊN GIỚI

Ấy thế mà tôi đã đi
Dọc đường viền quanh quanh trên bản đồ Tổ Quốc
Cái đường viền li ti dấu chân người thương nước
Thức qua ngày, thức qua đêm
Móng Cái, Lai Châu, Cha Lo, Hà Tiên…
Bao địa danh nghe rưng nước mắt!
Những vùng đất đai… đất đai xa khuất
Như cuối chân trời, như bị lãng quên
Nhện vẫn chăng tơ nhắc nghề dệt vải
Gặp mẹ Âu Cơ quanh bập bùng đống lửa
Quanh bao nòng súng bình yên sao xanh
Những vùng rừng hoa ban, hoa ban
Hoa ban trắng vô tư, ngây dại
Cô gái Tày mời tôi nhấp rượu
Đàn tính, tay người, lá nguỵ trang…
Những đêm trăng mờ ảo cây rừng
Cây rừng cháy, cây rừng đâm lộc
Tên bạn học ngày nào tôi bỗng gặp
Trên tấm bia dựng vội cuối Trường Sơn
Tiếng đàn ta-lư chạm giọt sương rừng
Tiếng hát Đam San rì rầm gió núi
Tiếng chiêng trống và tiếng gầm đại bác
Vọng âm thầm qua mỗi bước chân tôi…
Ấy thế mà tôi đã đi
Bước núi chập chùng
Để đến đồng bằng thênh thang bước gió
Vượt sóng Cửu Long thuyền nan, thuyền gỗ
Những chiếc thuyền chở đạn ngày nào
Giờ tì tay vào khẩu súng mang theo
Gió thổi… trời xanh… biên giới…
Tổ quốc tôi – trái tim Hà Nội
Dồn máu nuôi biển xanh hàng trăm hải lý
Dồn máu nuôi những hòn đảo xa vời
Những hòn đảo theo thuỷ triều chìm nổi
Vẫn thuỷ chung tình Mẹ với Con yêu…
Tổ quốc tôi – trái tim Hà Nội
Dồn máu lên biên giới xa xôi
Dồn máu lên mỗi bước chân tôi
Dọc đường viền quanh quanh trên bản đồ Tổ Quốc
Máu vẫn đỏ không thể nào khác được
Da lính xạm sốt rừng – máu vẫn đỏ mà thôi!
Tổ Quốc tôi! Tổ Quốc tôi ơi
Ở biên giới Người giàu có nhất
Ở biên giới Người gần gũi nhất
Ở biên giới Người sâu lắng nhất
Khi máu người râm ran mỗi bước chân tôi
Khi tình yêu Người thắp sáng sao xanh
Trên mũi súng như mắt người lính gác
Như mắt người yêu giõi nhìn ấm áp…
Ngày 1 tháng 1 năm 1978
.
ANH ĐÃ YÊU NHƯ VẬY
Chẳng lẽ anh yêu đất cằn và đá cỗi
nắng cháy da và rét buốt xương
gió xé rách áo quần
mưa ném nghiêng mũ cối
chẳng lẽ anh yêu sóng biển gào dữ dội
át cả tiếng em từ phía đất liền?
Công sự anh đào xuyên ngày, xuyên đêm
đào vào đá (lưỡi xẻng thay mấy bận)
những cánh tay kéo pháo hai ba tấn
lên điểm cao, dốc dựng lệch trời xanh
chẳng lẽ anh yêu đá cào tướp bàn chân
dày cao cổ rách rồi, tay con trai lại vá?
Sống giữa biển mà lắm khi thèm cá
luống rau trồng trong lưới ngăn chim
nước biển nhiều mà chẳng thể nấu cơm
(phuy nước ngọt để dành khi giặc giã)
chẳng lẽ anh yêu đêm liên hoan văn nghệ
có chàng trai sắm vai gái diễn chèo?
Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo
báo đến chậm hai tuần vẫn gọi là “báo mới”
lá thư tình đọc chung cùng đồng đội
lúc nghe đài là lúc gặp quê hương
chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng
đêm bật dậy mấy lần báo động?
Nhưng em ơi, giữa muôn trùng biển sóng
anh đã yêu như vậy ngày ngày
như yêu em đắm say
yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát
bởi anh biết:
nếu lòng mình đổi khác
giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!…
Đảo Vạn Hoa,1979
.
HÀ NỘI CỦA TÔI
Miên man bãi dưa ven sông Hồng
Tôi thường đi cùng em dọc những hoàng hôn gió
Trên nhịp cầu Long Biên ngót hai cây số
Tôi thường ngắm những gương mặt ưu tư lúc tắc cầu
Những con đường hoa sấu rơi nôn nao
Tôi thường cùng em ghé hè đường nhờ trẻ bơm xe đạp
Những đêm công viên nghe ca nhạc
Mưa thường rơi trên tóc em mềm
Hà Nội ơi, Hà Nội về đêm
Điện đủ sáng cho lứa đôi đi dạo
Điện đủ sáng cho người vào nhà máy
Cho em đi học lớp ngữ văn
Những người lính mang ba lô hành quân
Qua Hà Nội đủ nhìn từng ngõ phố
Cho gió chạy dọc bờ đê cỏ
Gió tự do không lạc đích đi về…
Hà Nội ơi, Hoa phượng đỏ ngày hè
Nắng chéo con đường ít mũ nón
Bao ngày đông tôi nhớ màu áo ấm
Xe đạp nhiều vội vã những lo toan
Em đến trường hay gặp chuyến tàu chậm
Chạy ngang đường, em đợi, nóng lòng chăng?
Hà Nội ơi, bao năm tháng gian nan
Hà Nội có thêm tôi, tôi có thêm Hà Nội
Tôi – người lính của chiến trường lửa khói
Những năm giặc giã phía cuối trời
Tôi của những bài thơ đổi bằng máu đỏ tươi
Đổi bằng máu – thơ viết về Tổ quốc
Và Hà Nội trong dáng em thanh khiết
Mắt đợi chờ – hy vọng của tôi xa…
Mai tôi đi thanh phố vẫn mùa hoa
Cuối phố vẫn xếp hàng mua kem chiếc
Ngoài cửa sổ ống khói nhà máy dệt
Dệt lên trời khói trắng giữa lơ xanh
Súng chéo vao bao màu áo công nhân
Chuông tàu điện leng keng đầu ngã sáu
Một Hà Nội luôn sẵn sàng chiến đấu
Luôn nói cười luôn làm việc hồn nhiên!
Giờ này em ở đâu, ơi em
Tan buổi học khoan ghé quầy bán báo
Tờ báo tuần sẽ đăng thơ tôi đấy
Mai tôi mua và đọc ở trên tàu
Mai tôi mua và mang đến chiến hào
Nơi đồng đội đợi chờ nơi biên giới
Nơi lấm láp đời tôi những bài thơ mới
Những bài thơ máu lửa nhớ về em.
Hà Nội ơi, tôi lam sao mà quên
Ngày giặc xâm lăng lại bắn vào Tổ quốc
Hướng biên thùy, hướng biên thùy giữ đất
Mỗi bước xa Hà Nội lại thêm gần
Mai tôi đi… bỗng nghe nhịp tim mình
Giữa Hà Nội như là em đang đến…
Thơ viết xong tôi nhìn màu áo lính
Ngỡ màu xanh quá nửa đã vào thơ!…
Hà Nội – Cao Bằng, 2.1979
.
MỘT NGÀY HÀ NỘI CỦA ANH
Một ngày Hà nội – anh về
Áo vương bụi đất nắng hè biên cương
Con đường rồi lại con đường
Bao nhiêu ngõ phố nhớ thương bao người
Quà này chuyển đến Hàng Vôi
Thư này mang giúp đến người bạn yêu
Lời này nhắn mẹ gửi Kiều
(Bạn đang phiên gác dặn theo đôi lời)
Chùm thơ nghe mãi thuộc rồi
Thì nhờ mang đến một người yêu thơ
Bao nhiêu nhắn gửi đơn sơ
Anh mang theo một ba-lô căng đầy…
Một ngày Hà Nội – một ngày
Anh trong gặp gỡ chia tay đời thường
Tiếng rao kem mát cuối đường
Hàng cây cơm nguội lời thương một thời
Ồn ào bè bạn nói cười
Đến đi tất bật như người miền Trung
Ngước lên hoa phượng nở bừng
Hàng Da sắm chiếc thắt lưng bạn nhờ
Tìm mươi tệp giấy viết thư
Chỉ màu áo lính ghé mua Hàng Đào
Một ngày Hà Nội nôn nao
Nhà mình mà cứ hết vào lại ra
Nghe còi tàu vẳng ngoài ga
Bồn chồn ngỡ tiếng trời xa gọi mình
Lại ba-lô cuộc hành trình
Tiễn đưa Hà Nội đỏ xanh đèn đường
Áo còn nguyên bụi biên cương
Thêm dăm lá sấu phố phường đậu vai
Anh – người lính trẻ bạn tôi
Anh – người Hà Nội cuối trời đạn bom…
Hàng Bông, 1982
.
TÂM TRẠNG
Tuổi bốn mươi anh chờ đợi điều gì
em đã đến căn phòng thôi đơn chiếc
vẫn thường thiếu ai giữa đám đông náo nhiệt
cuối những năm tám mươi anh chờ đợi điều gì?
Nhà thơ bị chối từ nhà thơ được in thơ
người lên tướng người hóa thành tội phạm
anh cầu chúc cho trái tim ấm nóng
người đang yêu, người đang mất người yêu
Lá vẫn rơi người quét đường vẫn quét
giá chợ cứ lên đều đồng lương lúc đầy vơi
ai bật nắp bia đâu đây nghe sốt ruột
lũ trẻ chờ tranh nhặt nắp bia chơi
Anh chờ đợi điều gì khi tuổi đã bốn mươi?
đến niên hạn thêm bộ quân phục mới
em đã mặc “áo bầu” anh lại lên biên giới
lại vui buồn lại mong ngóng cách xa
Đất đỏ nhường kia, chúng mình thì quá khát
anh chờ đợi điều gì? Mùa mai sắp vàng hoa…
.
SÁO TRÚC
bàn tay cầm dao nhọn
khoét vào ống trúc khô
chín lỗ thủng hiện ra
trên ống trúc
ống trúc khô kêu thét
- đừng khoét thịt da tôi
bỗng bất ngờ buồn vui
ngân lên thành âm nhạc
ngỡ tan ra hình thức
linh hồn mở cánh bay
dao nhọn lại cầm tay
lại khoét vào buốt nhức
cứ mỗi linh hồn trúc
chín ô cửa Tự Do.
1983
.
BIÊN GIỚI MÙA TRĂNG THU
Đêm nay trăng
Chín vàng trên điểm tựa
Vàng như quả dưa bở
Giờ này con ngủ chưa
Hay chơi trăng sân nhà?
Sân nhà vàng rơm rạ
Con mặc áo trăng vàng
Nghe chuyện trăng bà kể
Hay rủ mẹ dung dăng?…
Con có nhờ ông Trăng
Tìm cha trên biên giới
Con có nhờ chú Cuội
Lùa trâu về nơi cha?…
Chú Cuội thì ở xa
Với con sao gần thế
Cha con mà xa quá
Cha phải hình dung con!
Con ở khuất núi non
Chú Cuội đi chân mỏi
Lời bây giờ cha nói
Bao giờ con được nghe?
Bao giờ con đi xe
Đi tàu bay chẳng hạn
Đến nơi cha đang đứng
Với trăng kia sát gần
Nhưng không phải đi thăm
Người cha đang cầm súng
Mà thăm đất nước mình
Núi non như bức tranh
Khi ấy yên biên giới
Cha ở làng, chờ tin
Bỗng nghe lời con nói
Qua không gian hòa bình:
“Con bay sang Bắc Kinh
Thăn thủ đô bè bạn
Dăm ngày, con lại về
Hè vẫn còn dài chán!…”
Hẳn là cha sung sướng
Trả lời qua không gian:
“Nếu mà không già lắm
Cha sẽ cùng đi thăm!…”
Nhưng bây giờ
Vẫn trăng
Mềm như quả dưa bở
Cha thức trên điểm tựa
Súng trên tay vẫn cầm
Bây giờ cha nhớ con
Giữ quả dưa bở ấy
Nếu mà cha quên khuấy
Sẽ mất liền quả dưa
Cả chú Cuội cũng mất
Bởi họng súng quân thù
Con chẳng còn thấy được
Ông trăng tròn Trung thu!…
Trích trường ca “Tình ca người lính”, 1984
NGUYỄN TRỌNG TẠO

NHÀ PBVH NGÔ THẢO: ĐÔI LÚC, BÀI THƠ CÓ SỨC MẠNH NHƯ MỘT SƯ ĐOÀN



Mặc dù phải trải qua một cơn trọng bệnh nhưng nhà phê bình Ngô Thảo ở tuổi thất thập vẫn cho ra mắt bạn đọc một cuốn sách rất có giá trị với những ai muốn hiểu rõ hơn về một thời văn nghệ còn chưa xa. Tác phẩm mang tên “Dĩ vãng phía trước” gồm những tư liệu gốc và những ký ức của chính Ngô Thảo.
Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhấn mạnh: “Làm lý luận phê bình, Ngô Thảo luôn luôn có ý thức sưu tầm tư liệu, đặc biệt là làm tư liệu về một số nhà văn cụ thể. Đó là một công việc thiết thực giúp cho các thế hệ độc giả nhận diện chân dung văn học của một thời. Công việc nhọc nhằn này đã bộc lộ đức tính cần cù, tận tụy, vô tư như anh từng sống với bạn bè, tự nó nói lên tấm lòng của anh một cách khiêm nhường đầy trách nhiệm…”.


- PV: Nói thật là tôi rất thích tên tác phẩm mà anh xuất bản gần đây nhất, “Dĩ vãng phía trước”. Nhưng tôi lại hiểu theo nghĩa là, thực sự tương lai của chúng ta đã được định hình bởi những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Đối với anh, quãng đời trải nghiệm trong chiến tranh đã mang lại cho anh những gì để anh có thể an tâm hơn với tương lai?
- Nhà phê bình văn học Ngô Thảo: Cảm ơn bạn đã biết đến cuốn sách. Đó là tập tư liệu văn học chủ yếu của các nhà văn quân đội sống và làm việc ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, nơi tôi có 15 năm làm biên tập viên. Thế hệ chúng tôi ra trận khi miền Bắc đã có 10 năm xây dựng trong hòa bình.
Một lớp trẻ quê ở nông thôn như chúng tôi đã được đi học, kịp tốt nghiệp đại học. Chỉ có điều, đón chúng tôi trên chặng đầu vào đời là một cuộc chiến tranh nhằm giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước. Mọi ước mơ, dự định riêng tư đành gác lại. Những năm tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường luôn mơ có ngày về lại với thế giới xưa.
Với chúng tôi, để về lại chốn xưa, chỉ có một con đường là đạp lên chông gai, chiến thắng kẻ thù. Dĩ vãng phía trước là lời động viên người chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng như anh nói, một nhà triết học từng nhận xét: Tương lai là quá khứ quay trở lại theo một mặt phẳng khác. Ngày trước thường nghĩ đó là một ý nghĩ tiêu cực.
Nhưng nhìn vào sự phát triển của thế giới hiện tại, hình như họ đã nói đúng. Đối với riêng tôi, những năm mặc áo lính, đặc biệt những năm ở mặt trận B4, trực tiếp tham gia các trận đánh, chia sẻ vui buồn với đồng đội, những phẩm chất cơ bản làm nên hình ảnh ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ đã tập nhiễm tự nhiên vào chúng tôi. Là người may mắn còn trở về, còn tiếp tục thực hiện ước mơ xưa, câu hát trong hàng quân vẫn luôn ngân lên trong cuộc sống ngày thường hôm nay “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”...
Máy móc, khô cứng quá phải không? Có thể. Nhưng không hề giả dối đâu. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều những người lính đã qua chiến tranh như chúng tôi, cùng chung tâm trạng về lẽ sống giản dị đó.
- Anh đã nhiều năm làm việc ở nhà số 4 Lý Nam Đế, từng có nhiều cơ hội để hiểu hơn về những tên tuổi mà bây giờ đã trở thành biểu tượng của nền văn học mang quân phục của chúng ta. Nếu mà nói một cách ngắn gọn, liệu có thể đưa ra một nhận định chung nào về đội ngũ những người cầm bút trong quân đội giai đoạn chiến tranh hay không?
- Tôi nghĩ, họ đã sống và viết với tư cách những sĩ quan quân đội mẫu mực. Đó không chỉ là những nhà văn mặc áo lính mà thực sự là những người lính với vũ khí lợi hại là cây bút. Trước khi cầm bút, họ đều đã là những người lính trực tiếp chiến đấu và trưởng thành từ các đơn vị. Khi đã là nhà văn, họ vẫn thường xuyên bám sát các nơi xảy ra chiến sự ác liệt.
Tác phẩm của họ đã có sức cổ vũ, động viên các chiến sĩ ở chiến trường, hàng vạn thanh niên xung phong ra mặt trận. Mấy cán bộ cao cấp ở chiến trường Khu Năm, trong các bài phát biểu khi nhà thơ Thu Bồn mất gần mười năm trước, hơn một lần khẳng định, trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, nhiều bài thơ của Thu Bồn có sức mạnh như một sư đoàn. Mà không chỉ Thu Bồn…
- Theo anh, đâu là lý do giúp các nhà văn ở số 4 Lý Nam Đế suốt những tháng năm dài đằng đẵng trong chiến tranh đã kìm tỏa được tất cả những suy tư rất điển hình của kẻ sĩ nói chung để thực hiện một cách chỉn chu, ít ra là ở mức độ có thể chấp nhận được thời đó, những nhiệm vụ người lính?
- Lý do quan trọng nhất, như tôi đã nói, vì trước hết, trên hết, bao giờ họ cũng có ý thức rõ ràng và dứt khoát rằng, họ là những người lính, những ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ. Lại xin lưu ý, đội ngũ nhà văn quân đội trong thời kỳ chống Mỹ là một lớp người còn lại sau những năm tháng có nhiều biến động về lực lượng trong các cuộc đấu tranh về tư tưởng.
Bài học của những người tài năng đi trước giúp họ có ý thức tự khép mình vào những khuôn khổ có phần nghiêm khắc của kỷ luật quân đội thời chiến. Đó là nói về kỷ luật sinh hoạt và sáng tác. Còn trong trao đổi nghề nghiệp và thế sự, họ vẫn có một không gian rộng rãi, thoải mái của những đồng nghiệp đã sống lâu bên nhau, hiểu rõ những mặt hay dở của nhau.
Cũng không thể không nhắc đến những người lãnh đạo thời đó: nhà thơ Thanh Tịnh, Vũ Cao, nhà văn Từ Bích Hoàng, với phương châm mà nhà thơ Vũ Cao nói đùa là lãnh đạo văn nghệ sĩ có nghĩa là không lãnh đạo gì cả. Bởi ông biết, họ đều là những nhà văn đã có ý thức đầy đủ về vị thế và trách nhiệm của mình. Gửi gắm niềm tin là tạo nguồn năng lượng tinh thần cho họ được tự do sáng tạo.
- Anh nghĩ thế nào về những giai đoạn khác nhau của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn mà theo tôi, là người rất tiêu biểu cho những phát triển biến đổi trong tâm thế nhà văn ở số 4 Lý Nam Đế?
- Nguyễn Minh Châu được xem như là nhà văn có công đầu trong mảng văn học viết về người lính, với nhiều tác phẩm đặc sắc. Ông cũng là nhà văn đi đầu trong thời kỳ văn học đổi mới. Thật ra, về nhận thức, tư tưởng, hai giai đoạn này chỉ là sự kế tiếp nhau của một quá trình, theo sự phát triển của đất nước. Mà không chỉ riêng ông nhận ra điều đó.
Hầu hết các nhà văn đều có chung tâm trạng và suy nghĩ. Nhưng tài năng Nguyễn Minh Châu là thể hiện được những điều nhiều người nhận biết trong những tác phẩm cụ thể. Nếu Nguyễn Khải luôn mượn nhân vật làm người phát ngôn cho các tư tưởng của nhà văn, thì Nguyễn Minh Châu lại thông qua số phận các nhân vật để thể hiện những quan sát nhân thế của mình. Cũng như những thời kỳ trước, không phải mọi cái mới xuất hiện đã được công nhận ngay.
Sự phản ứng từ nhiều phía cũng có lúc làm nhà văn nao núng. Ông từng viết: “Xưa ở chiến trường sống bên cạnh cái chết nhưng khi ngồi viết thì thanh thản, còn về sau này, nhất là những năm 1983-1984, có đôi khi mình cầm bút mà cảm giác y như đứng giữa  trận tiền”. Là nói vậy, kể cả tự nhận mình là “người nhát gan” nhưng trong từng tác phẩm càng gần về cuối đời, ông vẫn giữ được khí phách của một nhà văn chiến sĩ. Chính sự đổi mới của đất nước có sự góp sức bằng những tác phẩm được viết với sự mẫn cảm của một số nhà văn như Nguyễn Minh Châu.
- Theo anh, đâu là những bài học cuộc đời mà nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi lại cho lớp đồng nghiệp đi sau?
- Ngoài tác phẩm, nhà văn cũng viết một số bài lý luận, trao đổi về văn học. Trong bài cuối viết trên giường bệnh, ông có nói một ý mà tôi nghĩ đến giờ vẫn còn tính thời sự: “Tôi nghĩ thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một công việc chính và duy nhất là viết cho hay, ngoài ra, bằng uy tín của mình anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng thây kệ khi con người bị đày đọa và chà đạp, và công việc đó nó phải là phản ứng tự nhiên của nhà văn. Nhưng với các nhà văn nước ta, có vẻ hình như vì mang tư tưởng tự ti do tiếng nói bé bỏng, đôi khi chúng ta y như những kẻ bàng quan trước những vấn đề cấp bách của con người. (Dĩ vãng phía trước trang 165).
- Tôi biết anh là người được coi là đầu tiên đã đưa câu nói nổi tiếng của một nhà văn Xôviết vào nước ta: “Một nửa cái bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Nhưng tôi lại cho rằng, trong những điều kiện thời chiến, nếu chúng ta tư duy theo kiểu tuyệt đối ấy thì rất lợi bất cấp hại, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ có hại cho cuộc chiến đấu chung. Anh nghĩ thế nào?
- Tôi không biết tiếng Nga, nên câu này tôi đọc trong một bài viết trước đó. Họ nói đây là một câu ngạn ngữ Nga. Nguyên văn là: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối”. Tôi trích dẫn câu này vào năm 1984, trong tham luận tại hội nghị bàn về văn học sau chiến tranh.
Khi nói về mức độ chân thực của những tác phẩm viết trong chiến tranh, do kỷ luật nghiêm ngặt về bí mật trong thời chiến, cũng như mọi mục tiêu phải che mắt kẻ địch. Văn học cũng phải biết tuân theo nguyên tắc ngụy trang. Vì thế không thể đòi hỏi văn học trong chiến tranh phải nói hết sự thật như nó vốn có. Và đó sẽ là điểm khác nhau của văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh.
Đề phòng mọi sự hiểu lầm tôi đã nói, không vì thế mà đánh giá văn học viết trong chiến tranh không chân thực. Đáng tiếc, do nhiều lý do, có thể có cả những người không đọc kỹ bài viết, họ đã ghép tôi vào những người phủ định thành tựu văn học cách mạng. Thời gian đã trả lời.
- “Dĩ vãng phía trước”, nếu ta nhìn không đúng về dĩ vãng sẽ có hại cho việc tạo dựng tương lai. Nhưng theo anh, liệu có nên nhìn về dĩ vãng và phán định một cách chủ quan và phiến diện, không đếm xỉa gì tới những điều kiện khách quan cụ thể của một thời mà nói theo chữ của nhà văn Lê Lựu là “xa vắng” không?
- Dĩ vãng là lịch sử. Và văn học viết về lịch sử còn là một câu chuyện dài kỳ. Giỏi lắm một nhà văn trong tác phẩm của mình chỉ có thể đưa ra một cách nhìn riêng của họ. Và đó là một dấu hiệu sự phát triển của văn học nước ta những năm sau đổi mới: Những cách nhìn cá nhân được tôn trọng. Nhưng đồng tình hay không lại là một vấn đề khác.
Tôi tôn trọng các tác giả có cái nhìn riêng về các thời kỳ, các sự kiện, các nhân vật trong quá khứ. Nhưng tôi không thấy mình trong những trang viết của Lê Lựu cũng như một số cây bút khác. Có thể vì họ là những người bị ngọn triều lịch sử cuốn đi, nên có vai trò bị động trong mọi hoàn cảnh. Còn tôi, luôn thấy mình là đồng tác giả của cuộc chiến, những hay dở của nó mình đều can dự và chịu trách nhiệm, nên không thể đứng bên lề để phán xét, phân xử.
Và tôi tự hào nhưng cũng thấy đau buồn về một thực tế không như mình từng tưởng tượng, hy vọng và mong ước. Và đó là điều tôi luôn thấy mình đã không làm tròn được lời hứa với những đồng đội đã hy sinh mà nhiều lần tôi đã thay mặt đơn vị hứa trong các điếu văn đọc ở chiến trường, trong đó có phần hứa sẽ thay họ tổ chức thật tốt đời sống cho những người thân của họ. Hàng triệu người lính trở về có lẽ cũng đang ngày đêm thao thức vì điều đó, bởi trong họ vẫn luôn khắc ghi lời bài hát VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH. Nhà văn viết về người lính hôm nay có lẽ không nên quên phẩm chất CAO THƯỢNG đó.
- Xin cảm ơn anh!
HUYỀN ANH
Nguồn: VNCA