Mặc dù phải trải qua một cơn trọng
bệnh nhưng nhà phê bình Ngô Thảo ở tuổi thất thập vẫn cho ra mắt bạn đọc một
cuốn sách rất có giá trị với những ai muốn hiểu rõ hơn về một thời văn nghệ còn
chưa xa. Tác phẩm mang tên “Dĩ vãng phía trước” gồm những tư liệu gốc và những
ký ức của chính Ngô Thảo.
Nhận
xét về cuốn sách, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhấn mạnh: “Làm lý luận phê bình,
Ngô Thảo luôn luôn có ý thức sưu tầm tư liệu, đặc biệt là làm tư liệu về một số
nhà văn cụ thể. Đó là một công việc thiết thực giúp cho các thế hệ độc giả nhận
diện chân dung văn học của một thời. Công việc nhọc nhằn này đã bộc lộ đức tính
cần cù, tận tụy, vô tư như anh từng sống với bạn bè, tự nó nói lên tấm lòng của
anh một cách khiêm nhường đầy trách nhiệm…”.
- PV: Nói
thật là tôi rất thích tên tác phẩm mà anh xuất bản gần đây nhất, “Dĩ vãng phía
trước”. Nhưng tôi lại hiểu theo nghĩa là, thực sự tương lai của chúng ta đã
được định hình bởi những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Đối với anh, quãng
đời trải nghiệm trong chiến tranh đã mang lại cho anh những gì để anh có thể an
tâm hơn với tương lai?
- Nhà phê
bình văn học Ngô Thảo: Cảm ơn bạn đã biết đến cuốn sách. Đó là tập tư liệu văn
học chủ yếu của các nhà văn quân đội sống và làm việc ở Tạp chí Văn nghệ quân
đội, nơi tôi có 15 năm làm biên tập viên. Thế hệ chúng tôi ra trận khi miền Bắc
đã có 10 năm xây dựng trong hòa bình.
Một lớp trẻ
quê ở nông thôn như chúng tôi đã được đi học, kịp tốt nghiệp đại học. Chỉ có
điều, đón chúng tôi trên chặng đầu vào đời là một cuộc chiến tranh nhằm giải
phóng miền Nam
để thống nhất đất nước. Mọi ước mơ, dự định riêng tư đành gác lại. Những năm
tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường luôn mơ có ngày về lại với thế giới xưa.
Với chúng
tôi, để về lại chốn xưa, chỉ có một con đường là đạp lên chông gai, chiến thắng
kẻ thù. Dĩ vãng phía trước là lời động viên người chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng như anh nói, một nhà triết học từng nhận xét: Tương lai là quá khứ quay
trở lại theo một mặt phẳng khác. Ngày trước thường nghĩ đó là một ý nghĩ tiêu
cực.
Nhưng nhìn
vào sự phát triển của thế giới hiện tại, hình như họ đã nói đúng. Đối với riêng
tôi, những năm mặc áo lính, đặc biệt những năm ở mặt trận B4, trực tiếp tham
gia các trận đánh, chia sẻ vui buồn với đồng đội, những phẩm chất cơ bản làm
nên hình ảnh ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ đã tập nhiễm tự nhiên vào chúng tôi. Là người may
mắn còn trở về, còn tiếp tục thực hiện ước mơ xưa, câu hát trong hàng quân vẫn
luôn ngân lên trong cuộc sống ngày thường hôm nay “Vì nhân dân quên mình, vì
nhân dân hy sinh”...
Máy móc, khô
cứng quá phải không? Có thể. Nhưng không hề giả dối đâu. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều
những người lính đã qua chiến tranh như chúng tôi, cùng chung tâm trạng về lẽ
sống giản dị đó.
- Anh đã
nhiều năm làm việc ở nhà số 4 Lý Nam Đế, từng có nhiều cơ hội để hiểu hơn về
những tên tuổi mà bây giờ đã trở thành biểu tượng của nền văn học mang quân
phục của chúng ta. Nếu mà nói một cách ngắn gọn, liệu có thể đưa ra một nhận
định chung nào về đội ngũ những người cầm bút trong quân đội giai đoạn chiến
tranh hay không?
- Tôi nghĩ,
họ đã sống và viết với tư cách những sĩ quan quân đội mẫu mực. Đó không chỉ là
những nhà văn mặc áo lính mà thực sự là những người lính với vũ khí lợi hại là
cây bút. Trước khi cầm bút, họ đều đã là những người lính trực tiếp chiến đấu
và trưởng thành từ các đơn vị. Khi đã là nhà văn, họ vẫn thường xuyên bám sát
các nơi xảy ra chiến sự ác liệt.
Tác phẩm của
họ đã có sức cổ vũ, động viên các chiến sĩ ở chiến trường, hàng vạn thanh niên
xung phong ra mặt trận. Mấy cán bộ cao cấp ở chiến trường Khu Năm, trong các
bài phát biểu khi nhà thơ Thu Bồn mất gần mười năm trước, hơn một lần khẳng
định, trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, nhiều bài thơ của Thu Bồn có sức
mạnh như một sư đoàn. Mà không chỉ Thu Bồn…
- Theo
anh, đâu là lý do giúp các nhà văn ở số 4 Lý Nam Đế suốt những tháng năm dài
đằng đẵng trong chiến tranh đã kìm tỏa được tất cả những suy tư rất điển hình
của kẻ sĩ nói chung để thực hiện một cách chỉn chu, ít ra là ở mức độ có thể
chấp nhận được thời đó, những nhiệm vụ người lính?
- Lý do quan
trọng nhất, như tôi đã nói, vì trước hết, trên hết, bao giờ họ cũng có ý thức
rõ ràng và dứt khoát rằng, họ là những người lính, những ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ. Lại
xin lưu ý, đội ngũ nhà văn quân đội trong thời kỳ chống Mỹ là một lớp người còn
lại sau những năm tháng có nhiều biến động về lực lượng trong các cuộc đấu
tranh về tư tưởng.
Bài học của
những người tài năng đi trước giúp họ có ý thức tự khép mình vào những khuôn
khổ có phần nghiêm khắc của kỷ luật quân đội thời chiến. Đó là nói về kỷ luật
sinh hoạt và sáng tác. Còn trong trao đổi nghề nghiệp và thế sự, họ vẫn có một
không gian rộng rãi, thoải mái của những đồng nghiệp đã sống lâu bên nhau, hiểu
rõ những mặt hay dở của nhau.
Cũng không
thể không nhắc đến những người lãnh đạo thời đó: nhà thơ Thanh Tịnh, Vũ Cao,
nhà văn Từ Bích Hoàng, với phương châm mà nhà thơ Vũ Cao nói đùa là lãnh đạo
văn nghệ sĩ có nghĩa là không lãnh đạo gì cả. Bởi ông biết, họ đều là những nhà
văn đã có ý thức đầy đủ về vị thế và trách nhiệm của mình. Gửi gắm niềm tin là
tạo nguồn năng lượng tinh thần cho họ được tự do sáng tạo.
- Anh
nghĩ thế nào về những giai đoạn khác nhau của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn
mà theo tôi, là người rất tiêu biểu cho những phát triển biến đổi trong tâm thế
nhà văn ở số 4 Lý Nam Đế?
- Nguyễn
Minh Châu được xem như là nhà văn có công đầu trong mảng văn học viết về người
lính, với nhiều tác phẩm đặc sắc. Ông cũng là nhà văn đi đầu trong thời kỳ văn
học đổi mới. Thật ra, về nhận thức, tư tưởng, hai giai đoạn này chỉ là sự kế
tiếp nhau của một quá trình, theo sự phát triển của đất nước. Mà không chỉ
riêng ông nhận ra điều đó.
Hầu hết các
nhà văn đều có chung tâm trạng và suy nghĩ. Nhưng tài năng Nguyễn Minh Châu là
thể hiện được những điều nhiều người nhận biết trong những tác phẩm cụ thể. Nếu
Nguyễn Khải luôn mượn nhân vật làm người phát ngôn cho các tư tưởng của nhà
văn, thì Nguyễn Minh Châu lại thông qua số phận các nhân vật để thể hiện những
quan sát nhân thế của mình. Cũng như những thời kỳ trước, không phải mọi cái
mới xuất hiện đã được công nhận ngay.
Sự phản ứng
từ nhiều phía cũng có lúc làm nhà văn nao núng. Ông từng viết: “Xưa ở chiến
trường sống bên cạnh cái chết nhưng khi ngồi viết thì thanh thản, còn về sau
này, nhất là những năm 1983-1984, có đôi khi mình cầm bút mà cảm giác y như
đứng giữa trận tiền”. Là nói vậy, kể cả tự nhận mình là “người nhát gan”
nhưng trong từng tác phẩm càng gần về cuối đời, ông vẫn giữ được khí phách của
một nhà văn chiến sĩ. Chính sự đổi mới của đất nước có sự góp sức bằng những
tác phẩm được viết với sự mẫn cảm của một số nhà văn như Nguyễn Minh Châu.
- Theo
anh, đâu là những bài học cuộc đời mà nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi lại cho
lớp đồng nghiệp đi sau?
- Ngoài tác
phẩm, nhà văn cũng viết một số bài lý luận, trao đổi về văn học. Trong bài cuối
viết trên giường bệnh, ông có nói một ý mà tôi nghĩ đến giờ vẫn còn tính thời
sự: “Tôi nghĩ thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một công việc
chính và duy nhất là viết cho hay, ngoài ra, bằng uy tín của mình anh phải tham
gia tiếng nói vào những vấn đề của con người trước những bất công, trước cái
ác, anh không có quyền dửng dưng thây kệ khi con người bị đày đọa và chà đạp,
và công việc đó nó phải là phản ứng tự nhiên của nhà văn. Nhưng với các nhà văn
nước ta, có vẻ hình như vì mang tư tưởng tự ti do tiếng nói bé bỏng, đôi khi
chúng ta y như những kẻ bàng quan trước những vấn đề cấp bách của con người.
(Dĩ vãng phía trước trang 165).
- Tôi
biết anh là người được coi là đầu tiên đã đưa câu nói nổi tiếng của một nhà văn
Xôviết vào nước ta: “Một nửa cái bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật không
phải là sự thật”. Nhưng tôi lại cho rằng, trong những điều kiện thời chiến, nếu
chúng ta tư duy theo kiểu tuyệt đối ấy thì rất lợi bất cấp hại, thậm chí trong
nhiều trường hợp sẽ có hại cho cuộc chiến đấu chung. Anh nghĩ thế nào?
- Tôi không
biết tiếng Nga, nên câu này tôi đọc trong một bài viết trước đó. Họ nói đây là
một câu ngạn ngữ Nga. Nguyên văn là: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng
một nửa sự thật đã là sự giả dối”. Tôi trích dẫn câu này vào năm 1984, trong
tham luận tại hội nghị bàn về văn học sau chiến tranh.
Khi nói về
mức độ chân thực của những tác phẩm viết trong chiến tranh, do kỷ luật nghiêm
ngặt về bí mật trong thời chiến, cũng như mọi mục tiêu phải che mắt kẻ địch.
Văn học cũng phải biết tuân theo nguyên tắc ngụy trang. Vì thế không thể đòi
hỏi văn học trong chiến tranh phải nói hết sự thật như nó vốn có. Và đó sẽ là
điểm khác nhau của văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh.
Đề phòng mọi
sự hiểu lầm tôi đã nói, không vì thế mà đánh giá văn học viết trong chiến tranh
không chân thực. Đáng tiếc, do nhiều lý do, có thể có cả những người không đọc
kỹ bài viết, họ đã ghép tôi vào những người phủ định thành tựu văn học cách mạng.
Thời gian đã trả lời.
- “Dĩ
vãng phía trước”, nếu ta nhìn không đúng về dĩ vãng sẽ có hại cho việc tạo dựng
tương lai. Nhưng theo anh, liệu có nên nhìn về dĩ vãng và phán định một cách
chủ quan và phiến diện, không đếm xỉa gì tới những điều kiện khách quan cụ thể
của một thời mà nói theo chữ của nhà văn Lê Lựu là “xa vắng” không?
- Dĩ vãng là
lịch sử. Và văn học viết về lịch sử còn là một câu chuyện dài kỳ. Giỏi lắm một
nhà văn trong tác phẩm của mình chỉ có thể đưa ra một cách nhìn riêng của họ.
Và đó là một dấu hiệu sự phát triển của văn học nước ta những năm sau đổi mới:
Những cách nhìn cá nhân được tôn trọng. Nhưng đồng tình hay không lại là một
vấn đề khác.
Tôi tôn
trọng các tác giả có cái nhìn riêng về các thời kỳ, các sự kiện, các nhân vật
trong quá khứ. Nhưng tôi không thấy mình trong những trang viết của Lê Lựu cũng
như một số cây bút khác. Có thể vì họ là những người bị ngọn triều lịch sử cuốn
đi, nên có vai trò bị động trong mọi hoàn cảnh. Còn tôi, luôn thấy mình là đồng
tác giả của cuộc chiến, những hay dở của nó mình đều can dự và chịu trách
nhiệm, nên không thể đứng bên lề để phán xét, phân xử.
Và tôi tự
hào nhưng cũng thấy đau buồn về một thực tế không như mình từng tưởng tượng, hy
vọng và mong ước. Và đó là điều tôi luôn thấy mình đã không làm tròn được lời
hứa với những đồng đội đã hy sinh mà nhiều lần tôi đã thay mặt đơn vị hứa trong
các điếu văn đọc ở chiến trường, trong đó có phần hứa sẽ thay họ tổ chức thật
tốt đời sống cho những người thân của họ. Hàng triệu người lính trở về có lẽ cũng
đang ngày đêm thao thức vì điều đó, bởi trong họ vẫn luôn khắc ghi lời bài hát
VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH. Nhà văn viết về người lính hôm nay có lẽ không nên quên
phẩm chất CAO THƯỢNG đó.
- Xin cảm
ơn anh!
HUYỀN
ANH
Nguồn: VNCA