.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, August 1, 2013

80 TRIỆU ĐỒNG: NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO ĐANG LÀ “CON NỢ KHÓ ĐÒI” CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN TRỌNG TẠO

NTT: Vừa rồi sau khi công bố kết quả cuộc thi thơ 1 tháng trên Facebook, có sự trao đi đổi lại của Trần Mạnh HảoLê Huy Mậu được nhiều bạn đọc gửi ý kiến qua comment trên blog NTT. Nhiều comment chửi bới anh Hảo và anh Mậu không hợp với quan điểm của blog NTT đã bị admin kiểm duyệt lưu lại không cho hiện. Tuy vậy, anh Hảo vẫn la làng là anh bị “ném đá” tơi bời. Với một bài viết la làng, ăn vạ, vu đồng nghiệp “chống đảng” (đăng trên danchimviet.info) kèm những thông tin bịa đặt, anh Hảo đã bộc lộ hết con người anh. Lê Huy Mậu từ chối không trao đổi lại. NTT thì chỉ cười nói “Sau bài viết đó, Hảo nợ tớ 80 triệu”, vì có một chi tiết nói về tiền. 
Bài dưới đây là thư của Lê Huy Mậu (không đối thoại với anh Hảo) gửi cho 2 tác giả trẻ được giải và comment của Luc Lac (không rõ Lục Lạc hay Lúc Lắc) góp ý với anh Hảo và anh Mậu. Xin giới thiệu cùng bạn.  

*

Thư Lê Huy Mậu gửi Sâm Cầm và Hoàng Anh Tuấn! 

Cháu Sâm Cầm và Hoàng Anh Tuấn thân mến!
             Trên trang  FB cá nhân, bác có viết một vài cảm nhận, nhân đọc bài phê bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo về giải thưởng cuộc thi “Lời tỏ tình đầu tiên” trên Facebook. Bài viết được đăng lại trên trannhuong.com và nhathonguyentrongtao. Nhà thơ TMH có  bài viết lại: XIN NHÀTHƠ LÊ HUY MẬU CHỈ GIÙM CHÚNG TÔI CÁI HAY CỤ THỂ CỦA BA BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI NHẤTVÀ NHÌ TRÊN FACEBOOK. Hôm nay, bác có nhận được tin nhắn của vài người bạn, bảo rằng, phải viết tiếp cái gì đó, nhất là, phải chỉ ra được cái hay của ba bài thơ được giải nhất và giải nhì của các cháu, nếu không, bác Hảo bác í cho là khen liều, khen lấy được, và bác ấy sẽ giả lại cái “sai”, “cái hồ đồ”, “cái cố chấp” cho bác đấy!
            Phải nói ngay rằng, bác không định tranh luận gì với bác Hảo cả. Bác chỉ thấy, một cuộc thi vui trên FB, được giải hay không được giải thì cũng chỉ cho vui. Bác Phạm Thanh Long là một người yêu thơ, hào hiệp, đứng ra tổ chức một cuộc vui như thế,  thật đáng quý. Còn bác í tin tưởng ai, giới thiệu ai vào ban giám khảo là quyền bác í. Và bác í chọn một ban giám khảo có Bắc,có Nam, và họ đều là những nhà thơ có uy tín trên văn đàn, vậy là hay quá rồi,vui quá rồi! Còn giải nhất hay nhì cũng chỉ là tương đối thôi. Vậy mà bác Hảo bác í chê ỏng, chê eo, bác í làm buồn lòng các cháu, buồn lòng Ban giám khảo, buồn lòng bác Phạm Thành Long. Bác đọc bài của bác Hảo, bác thấy, bác Hảo bác í làm to chuyện quá, làm như chọn trao giải cho ba bài thơ của các cháu là làm tổn hại đến cái đền đài thơ Việt, là làm hỏng thị hiếu thơ hay của dân tộc ta, của nhân dân ta  không bằng!
          Bác chỉ muốn nhắc lại, làm gì quan trọng thế! Cuộc thi có phạm vi và quy mô của nó. Vả lại, BGK họ công tâm, họ làm việc nghiêm túc, và nhất nhì như họ chọn là xứng đáng đấy chứ!
           Bác không có khả năng và thì giờ để chỉ ra cái hay, cái lạ của ba bài thơ được giải như bác Hảo yêu cầu, bác cũng không định tranh luận gì, nhưng hôm nay, bác có đọc trên trang nhathonguyentrongtao, thấy có comment của Lục Lạc (1), chỉ hộ cái hay của bài “Mùa phơi váy” của Hoàng Anh Tuấn rồi, lại bảo vì vội, nhưng sẽ chỉ ra cái hay, cái lạ trong hai bài thơ giải nhất của Sâm Cầm nữa. Bác hy vọng sẽ được đọc tiếp cái comment thân thiện đó !
             Tuy nhiên, cho dù chẳng có comment nào khen các bài thơ được giải trên FB của các cháu thì các cháu cũng đừng lấy thế làm buồn. Các cháu làm thơ, làm như mình nghĩ, viết theo cảm xúc mình có, và, dự thi là để cho vui, BGK họ bảo hay, họ chấm giải nhất, giải nhì cho các cháu. Nói theo giọng của d/c X, là, các d/c giám khảo giao nhiệm vụ giải nhất, giải nhì  thì tôi nhận! Tôi có xin đâu!
             Điều bác muốn nói với các cháu là, Ban giám khảo chấm giải cho các cháu là những người có uy tín và nhiệt tình. Trước một cuộc thi thơ thường có rất nhiều sự chọn lựa, để cuối cùng đưa ra một sựchọn lựa mà thôi! Và, sự chọn lựa của mỗi thành viên giám khảo cũng chì là một trong số các chọn lựa, đòi hỏi phải khớp với sự chọn lựa của những người khác!
              Chúc mừng các cháu! Hãy tiếp tục làm thơ, làm như mình nghĩ, mình tin, hãy trân trọng lắng nghe cả người khen, kẻ chê, nhưng, làm thơ thì hãy làm như mình nghĩ, mình tin ! Rất mong được đọc những bài thơ mới của các cháu!                                                                                      23/7/2013
 _________
GHI CHÚ: (1) Dướiđây là toàn bộ còm của Luc Lac trên Blog Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
Tôi đọc cả 3 bài, 2 bài của bác TMH và bài của bác LHM thì thấy: Bác Hảo dè bỉu thơ trẻ, phang lấy được; bác Mậu thì trân trọng thơ và thơ trẻ.
Tôi chứng minh:
Bác Hảo bảo Bài thơ “ Mùa phơi váy” của Hoàng Anh Tuấn” chưa có câu thơ hay. Nhưng tôi lại thấy câu kết rất đau cho mối tình chưa kịp ngỏ: “Váy em kìa, phơi trước cửa người ta?”. Câu thơ này đã lật ngược bài thơ lên quá bất ngờ, khiến người đọc là tôi bị sững người, phải chết lặng cùng chàng trai trong bài thơ.
Còn bác nói: Bài “Mùa phơi váy” của Hoàng Anh Tuấn” gợi ta nhớ đến tên tập truyện của nữ văn sĩ Võ Thị Hảo: “ Ngồi hong váy ướt”. Bác liên tưởng thế cũng chả hại gì cho bài thơ của HAT. Bác nhớ váy của VTH là hong váy, còn đây váy của người mà HAT yêu là cả một mùa phơi váy cơ mà. Cái lối phê bình của bác TMH cứ nói lấy được thế sao mà lọt tai được. Đấy là chưa nói trong “Mùa phơi váy” có nhiều câu thơ ấn tượng:
Bên cọn nước tay em vò vạt nắng
Váy vén cao suối lượn bắp nõn ngần
Hay:
Mồ hôi anh níu váy chẳng cho về
Một bài thơ có tứ độc đáo, có tình trẻ trung, có hình có ảnh, có hi vọng và đớn đau như thế mà bác gọi là “bài thơ làng nhàng, không hay…” thì có lẽ bác nên xem lại là mình đang chê thơ hay đang phỉ báng thơ.
Tôi định viết dài nhưng phải đi làm nên tạm dừng ở đây, mong các bác thông cảm. Hẹn sẽ còm sau các bác nhé.
***
Giờ tôi mới rỗi để còm tiếp chuyện bác Hảo bác Mậu.
Về 2 bài thơ của Sâm Cầm (gải nhất) bác TMH “chê ỏng chê eo” (chữ của bác LHM) đến mức phủ nhận: “không có câu thơ hay; nó toàn là những câu nói tầm thường năng xuống dòng… người ta gọi là nói có vần, kiểu như tấu mà thôi… rất mari sến, cũ ơi là cũ, sáo ơi là sáo… thơ như thế này mà các ông gọi là hay, là trạng nguyên thơ thì than ôi, không còn trời đất gì nữa ?”
Thiết nghĩ bác TMH đã dùng hết vốn từ để phủ nhận sạch trơn thơ Sâm Cầm. Nhận xét về ý kiến trên của bác TMH về thơ SC, tôi nghĩ nói như bac LHM là đúng: “Trong xô nước có đứa trẻ, đổ xô nước phải bế đứa trẻ ra đã chứ. Bởi có nhiều người khen hôi và chê hôi anh Hảo ạ…”.
Tôi đọc 2 bài thơ của Sâm Cầm thấy thích, tức là khác với bác TMH.
Tôi chứng minh:
Thơ SC không phải “toàn là những câu nói tầm thường, tấu”, ví dụ:
“Em vẫn nghĩ về anh
Như đóa hoa nghĩ về một mùa Đông
Rồi hân hoan bung cánh”
“Nhưng ý nghĩ của em lại vòng vèo hơn một mê cung
Mải miết về anh như dấu ba chấm (…)”
“Sài Gòn sẽ cuống cuồng tìm anh…
Trong giấc mơ em”.
Hoặc:
“Cái gối dửng dưng
Cái chăn buồn bực
Cái chữ đành hanh
Cơn nấc lanh chanh”
“Em chạy hụt hơi
Nói trăm từ nhớ
Cơn nấc mắc cỡ
Nó trốn đi rồi”
Bài thơ “Nấc cụt” nó không bình thường là nấc cụt, mà đó là nấc tình, khi tác giả kết thúc:
“Hóa ra nấc đứng nấc ngồi
Vì em đang nợ đôi lời nhớ nhung”.
Đó chính là cái tứ bật lên của bài thơ: “nấc đứng nấc ngồi” chẳng qua chỉ vì đang “nợ” lời tỏ tình hay lời chấp nhận mà thôi. Bài thơ này hình thức đồng dao, nhưng rất sinh động và chân thành.
Tôi vừa được đọc cả chùm thơ của Sâm Cầm mới đăng trên trang web Nhà Văn TPHCM (có 2 bài được giải) thì thấy SC là một tác giả trẻ, có cảm xúc trẻ và cách viết trẻ, đầy hi vọng. Tôi nghĩ SC xứng đáng được trao giải thưởng. Chỉ tiếc là 2 bài trên chưa phải là xuất sắc nhất của tác giả. Nhưng không phải vì thế mà phủ nhận “nó không phải là thơ” bác TMH ạ…
Tôi cũng không nghĩ như bác TMH thơ hay “phải có câu thơ hay” (mà câu thơ thế nào là hay còn phải bàn chán), có nhiều bài thơ không có câu thơ hay vẫn hay đấy ạ. Ví dụ bài thơ của Heinrich Heine:
ANH VÀ EM…
Anh và em không hẹn,
Cùng đi chuyến xe đêm.
Hai đứa cười vui vẻ -
Chỉ mình anh với em.
Sáng ra ta kinh ngạc
Thấy người khách thứ ba
Là Tình yêu lậu vé,
Lén vào ngồi bên ta!
Tôi lại phải ăn trưa đây, hẹn các bác còn còm tiếp nhé. Xin cám ơn.
***
Tôi khá bận, nhưng cứ nghĩ chưa dứt về chuyện bác TMH và bác LHM nên lại viết tiếp ý nghĩ của mình, dù bạn Giời Ơi có góp ý chung là “Tốn chỗ vô cùng các bác ơi!”. Tốn giấy, tốn thời gian của bạn đọc mới đáng sợ, chứ “chỗ” trên mạng thì mênh mông, bạn Giời Ơi ạ.
Nói về chuyện “trạng nguyên” bác TMH viết: “thơ như thế này mà các ông gọi là hay, là trạng nguyên thơ thì than ôi, không còn trời đất gì nữa ?”. Bác LHM trao đổi lại: “Tuy nhiên, phạm vi và quy mô cuộc thi này không thể so sánh với các cuộc thi khác, do vậy, không thể so sánh trạng nguyên cuộc thi này với trạng nguyên cuộc thi khác được”.
Tôi nghĩ cái từ “trạng nguyên”, “thám hoa”… dạo này báo chí hay dùng cho các cuộc thi để phân biệt nhất nhì mà thôi. Nhưng nói thế cho nó sang, nó kêu (báo chí mà). Chắc bác TMH cũng quá rõ điều đó, nhưng vì bác vừa nghe hai chữ “trạng nguyên” mà bác đã thấy tối sầm mặt mũi “không còn trời đất gì nữa”, nên bác cáu, bác giận, bác điên lên phải dạy cho cái bọn “trạng nguyên” một bài học đấy thôi (cũng như bác đã dạy cho các bậc giáo sư nhiều bài học rồi, nhưng họ có nghe bác đâu). Chứ bác Hảo quá biết thơ là gì, và hiệu quả của dạy dỗ là gì. Tôi nghĩ bác TMH quên mất đây là cuộc thi 1 tháng trên Facebook, hầu hết là thơ ngẫu hứng chứ có phải là giải thơ của Hội Nhà Văn đâu mà bác cứ nổi giận đến thế. Mà dù giải gì cũng vậy, giận quá mất khôn – điều này là dân gian dạy chớ không phải tôi nghĩ ra đâu nhé. Vì vậy, bác Mậu trao đổi lại là hợp lý. Nhưng hình như với bác Hảo thì ai trao đổi ngược lại với mình cũng đều làm cho bác nổi giận.
Tôi nói thế là vì cái tít của bác Hảo như là đang ép bác Mậu vậy: “XIN NHÀ THƠ LÊ HUY MẬU CHỈ GIÙM CHÚNG TÔI CÁI HAY CỤ THỂ CỦA BA BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI NHẤT VÀ NHÌ TRÊN FACEBOOK”. Bác bảo bác “xin” nhưng thực ra là bác đố rất trịch thượng. Tôi hiểu ý bác Hảo là: Tao ngu, mày giỏi thì mày nói đi! Nhưng bác Hảo lại đợi cái kết quả: Mày nói thế thì mày ngu, chỉ tao mới giỏi. Cái hiểu của tôi là thế, nên tôi thấy sẽ không có trao đổi hay tranh luận gì với bác Hảo được. Nhưng nhiều người đời lại cứ thích cái sự chửi bới, chê bai, vì đố kị, vì ghen tuông, vì được xả xú páp, vì được trút một cơn giận dữ không biết từ đâu tới nên dễ hùa theo anh Chí để chửi cả làng Vũ Đại vậy. Điều đó không lạ trong cái xã hội đảo điên nhiều giá trị từ đạo đức đến văn chương nghệ thuật này.
Cuối cùng, tôi muốn bàn với bác Hảo điều này: Lớp trẻ.
Bác viết: “Qua cuộc thi này, chúng tôi thấy rất lo về tương lai không chỉ của nền thơ mà cả tương lai của lớp trẻ, hơn nữa là tương lai đất nước… Trong các cuộc thi thơ trước đây, cũng như cuộc thi thơ trên Facebook này, hình như lớp trẻ của chúng ta ( qua thơ) đã tách hoàn toàn mình ra khỏi đất nước và dân tộc, không hề quan tâm đến vận mệnh sống còn của Tổ Quốc nhân dân. Thơ kiểu này, phải chăng là đang thực hiện ý đồ của ai đó, muốn tách lớp trẻ ra khỏi vận mệnh của Tổ Quốc Việt Nam đang bị lâm nguy, dân tộc đang có cơ mất nước về tay giặc Phương Bắc ? Tất cả các bài thơ được giải của cuộc thi này không thấy đâu hình ảnh quê hương giống nòi đang bị giặc ngoai xâm cướp đất, cướp biển, giặc nội xâm cướp đất dân oan…”.
Tôi thật tức cười khi bác đi lạc đề về cuộc thi với chủ đề “Lời tỏ tình đầu tiên”. Tư duy suy diễn và áp đăt của bác TMH đến đây thì thấy không khác gì mấy ông tuyên huấn mao-it thời xưa. Tôi tức cười vì bác là một nhà thơ luôn lớn tiếng để phê bình sự suy diễn, áp đăt, độc tôn, độc đảng… lại biến mình thành đối tượng mà mình đã phê bình. Chắc bác thấy “không còn trời đất gì nữa” nên mới nhầm lối đó chớ? Nhưng người như bác làm sao mà nhầm, là bác cố ý tố cáo chỉ điểm đó thôi. Nhưng giờ có ai nghe bác cái việc đó nữa đâu, họ khôn rồi, họ biết bác là ai rồi.
Một cuộc thi thơ tình yêu với chủ đề “Lời tỏ tình đầu tiên” chắc chắn là ban tổ chức muốn hướng vào những tâm hồn trẻ yêu thơ, kéo họ lại với thơ và vun đắp tâm hồn họ bằng thơ. Điều đó chính là muốn khơi lên cho tương lai những cái hay cái đẹp cùng với sự tươi non của chồi của búp. Phát hiện để chăm chút. Rồi cũng có những hạt mầm sẽ thui chột, nhưng nếu không biết phát hiện và chăm chút thì làm sao có hi vọng về tương lai những mùa hoa thơm trái ngọt, phải không bác Hảo, bác Mậu nhỉ?
Cuối cùng tôi muốn trích câu này: Hoa thơm không giấu được hương thơm. Dẫu hoa bị vò nát, hương vẫn cứ thơm.
Còm này hơi dài mất thì giờ đọc nó, mong các bác lượng thứ.
Luc Lac xin trân trọng kính chào.

3 comments: