.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, July 20, 2012

10 NĂM TRƯỚC NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO ĐÃ LÀM GÌ LÃNG THANH?

Xin cám ơn nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, trong một dịp tình cờ, đã cho tôi tập thơ “HOA” của tác giả Lãng Thanh, NXB Thanh Niên 2003. Tôi đã đọc một mạch hết tập thơ 71 trang khổ 20,5 x 17,5 cm này trong niềm hứng khởi hiếm có (Trần Mạnh Hảo).



LÃNG THANH: GƯƠNG MẶT EM PHI NHƯ ĐIÊN CUỒNG

Lãng Thanh, tiếng sóng thơ ném ra cuộc đời này một dồn nén vỗ, một bùng vỡ kêu thương, quằn quại mà dịu dàng, nhức buốt mà thương mến. Tiếng sóng ấy vừa vọt lên từ bến thẳm thi ca đã mất hút vào hư vô, chỉ để lại chút dư âm gió hú. Lãng Thanh tên thật là Lê Quốc Tuấn, sinh năm 1977 tại Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ, mất ngày 20.07.2002 trong một tai nạn bi thảm: hai cha con anh đã đều bị tên bà con nghiện ma túy (con cô con cậu ruột) giết chết ngay trong chính nhà mình.
Mới 25 tuổi đời đã hóa mây bay, Lãng Thanh có hai bằng đại học, làm ngành ngân hàng ở Vĩnh Phúc, biết thành thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, có tài năng trong các lĩnh vực: hội họa, thư pháp và thơ ca. Xin nghiêng mình thắp cho em một nén nhang, và xin mượn câu thơ rất hay sau đây của Lãng Thanh làm tên cho đầu bài viết mọn này. Chừng như nỗi chết đã ám thơ Lãng Thanh bằng chính tình yêu: Em đến cứu chuộc anh bằng một điềm gở? Xin dẫn đoạn IV trong bài thơ “Thơ trước tuổi 21”; tôi xin phép hương hồn tác giả, đặt cho đoạn thơ này một cái tên: “EM”, có thể đứng một mình, sống như một bài thơ hay hoàn chỉnh với 3 khổ:

Em đến bàng hoàng như cơn sốt
Bỗng môi tôi bất lực
Nụ hôn ơi ngươi khóa cả linh hồn

Em đến bất ngờ như dao sắc
Không đùa tựa những vết thương
Bởi gai hoa lặng chán chường

Em đến vùng vằng như tơ rối
Tìm nhau xa đến không ngờ
Trói anh rồi em lại làm ngơ

Em đến lao đao như lá rụng
Ngày xanh là nghĩa thế nào
Về bên anh khi đã chết rồi sao
Bài thơ “EM” trên là một nghẹn ngào, đọc xong chợt thấy mình bị neo vào tiếng sóng Lãng Thanh, toan đập nát mạn thuyền định mệnh mà hỏi: sao cứ phải yêu như là chết thế này hỡi tạo hóa, hỡi thi nhân? Bài thơ đi theo logic “EM”. Em từ đâu hiện về một cái đẹp môi hôn, hớp hồn. Khổ đầu EM tặng hạnh phúc, khổ thứ hai EM biếu vết thương, khổ thứ ba EM dâng lòi tói, khổ cuối cùng EM ban cái chết! Thế là EM đã lôi thi sĩ về chốn mù tăm, dù hú gọi, tuyệt nhiên không chút hồi âm. Khổ cuối cùng:”Em đến lao đao như lá rụng / Ngày xanh là nghĩa thế nào / Về bên anh khi đã chết rồi sao“ như là thơ của người chết hiện hồn về viết, xúc động đến mức làm ta sờ sợ, hoang mang. Đúng như Lãng Thanh vừa nói, kẻ viết bài này nay mới được “Về bên anh khi đã chết rồi sao“.
Tôi đang ngắm nhành “HOA” Lãng Thanh trong niềm hân hoan và nỗi buồn thương, khi sắp tháng bảy, là ngày giỗ đầu anh. Lãng Thanh từng viết nhiều câu thơ hay về “nàng” - người đàn bà định mệnh - bằng những lời yêu dấu: ”Đôi mắt nàng trong như mới khóc”. Thơ anh vẽ chính hồn mình thành “EM”: Gương mặt của em nặng như nước / Mắt em đong đầy hoa cúc tím” (Hàng cơm chay). Tôi yêu những câu thơ vừa hiện đại vừa cổ điển của Lãng Thanh viết về nàng 21 tuổi. Thi sĩ van nài nàng đừng thêm một giọt đẹp nào vào ly đời nữa, sợ ly tràn nước, trôi dạt mất tình yêu: ”Hai mươi mốt tuổi, em vừa đủ để xòe que diêm ra ngoài bóng tối / Nếu ly nước tràn em sẽ trôi dạt / Da em trắng như lụa bạch, đôi mắt màu mực nho / Em đến chiều nao cong như nguyệt” (Từ chiếc vỏ ốc biển đến thị trường chứng khoán). Chao ôi “Em vừa đủ để xòe que diêm ra ngoài bóng tối“ chừng như có đủ các yếu tố siêu thực, tượng trưng, hậu hiện đại... nhưng chẳng có chút dấu ấn nào của các trường phái kia dính vào câu thơ; nó là Lãng Thanh, là EM vừa xòe lửa thành diêm hay DIÊM vừa xòe em thành lửa, hay chính bóng tối xẹt lửa trời thi sĩ?
Que diêm thơ Lãng Thanh quẹt ngang bầu trời một tia chớp, rồi mất hút vào bóng tối, theo giọt nước tình yêu tràn ly số phận, đổ rồi không hốt lại được. Và em cong như nguyệt ơi, da trắng lụa bạch, mắt mực nho ơi, ly nước trời đã tràn, cuốn hết tâm hồn Lãng Thanh vào hố thẳm, để chúng ta qua mặt phẳng trang giấy “HOA”, còn có dịp ngó thấy chiều sâu vô bờ bến của chiếc ly không đáy vũ trụ đựng mối tình diêm sinh... Lãng Thanh chừng như mượn cây cọ hoang tưởng, phiêu lãng của Salvador Dali để vẽ nên gương mặt vĩnh cửu của người-đàn-bà-tình-yêu đang “phi” nước đại, mang anh về cõi khôn cùng: ”Khuôn mặt em phi như điên cuồng”. Gương mặt em - con ngựa siêu thực phi qua cuộc tình, hay cuộc tình hư ảo được phi bằng chính gương mặt hiện thực em?
Câu thơ lạ đến mức tôi phải ngừng đọc, để chiêm ngưỡng vẻ mặt đẹp vượt qua mọi kích thước, đang vút đi mười ngựa không kéo lại nổi, tung hết vó điên - cuồng - em. Lãng Thanh tả mắt người đàn bà anh yêu cực lạ, đôi mắt như đôi cá con bơi trong hồ tình, có thể chìm nghỉm trên cạn, lặn ngụp tung tăng trong trò chơi trai gái: ”Đôi mắt em vừa ngoi lên sau một hơi ngụp lặn dưới hồ”. Xin một giọt mực đêm rơi xuống vết khỏa thân của chiếc áo dài trắng, cho gương mặt em đang “phi” hơn mọi loài ngựa trên đời, mở ra thế giới “NỤ” lời tỏ tình “HOA”: ”Đêm xuống như một giọt mực rơi / Chiếc áo dài trắng em đang mặc đính nhiều dấu vết khỏa thân... / ...Mặt hồ cứng đờ như giấy báo cũ nhăn nheo / Những con sóng nở nang, vuông góc / Tôi chia tay em để chấm dứt một mưu đồ “ (Mùa thu).
Lãng Thanh chia tay em để về chết với mùa thu: ”Lá thu! Như lãng quên hiện về đỏ sẫm“. Thơ phải chăng cũng chính là những “lãng quên hiện về đỏ sẫm”? Phải yêu mùa thu lắm, thương cảm với những gì bị lãng quên lắm, nhà thơ mới viết được câu thơ như máu khắc vào thu. Mùa thu trần trụi của thơ anh khác với thơ xưa thường thưởng thu theo kiểu đài các. Thu Lãng Thanh là thu của đời thường, hoa cỏ toát mồ hôi, thu của chân lấm tay bùn ủ trong bụi, phân và đất: ”Nhạc reo xa thoáng lạnh từng chân tóc / Cỏ thu xa vuốt ve đôi mắt đẹp / Chiều có thể nghiêng, mưa có thể buông, đá có thể khóc... /... Nhổ khóm hoa vàng để mà được vục vào với bụi, với phân, với đất / Gió ợ mùi chua, tình đã dậy men, đất hình như mặn / Bông hoa thả chân trong bình cổ / Một chiếc lá đỏ mặt, một chiếc lá lên gân” (Mùa thu). Anh không chỉ yêu mùa thu mà còn mê mùa hạ, nên đã nhìn thấy mùa hạ chết để linh hồn lại trong lá sen tàn, rực cháy thành bông hoa thu: ”Lá sen tàn là hoa nở đầu thu“. Tản Đà xưa cuối hạ, chỉ nhìn thấy lá sen chết héo mà thương: ”Lá sen tàn tạ trong đầm”. Nay Lãng Thanh nhìn lá sen chết hóa vàng phục sinh, thành bông hoa thẫm đỏ. Tưởng lá sen chết mà lại sống, tưởng tàn tạ mà lá lại hoá son tươi, nồng nàn một kiếp hoa khác. Đó chính là cái nhìn xuyên qua mọi sự chết, phủ nhận mọi tàn úa, biến tắt lịm thành lóe sáng, biến cái hữu hạn thành vô hạn của Lãng Thanh. Nhà thơ là con thiêu thân của cái đẹp, cái hằng sống. Anh như cánh kiến hoa vàng mê mẩn giữa xanh xao, yếu đuối, trần trọi cuộc đời: ”Cánh kiến cánh mỏng như vàng quỳ / Đẹp và xanh xao, xanh xao vì đẹp, yếu đuối vì đẹp, trần trọi vì đẹp”. Anh còn biết đưa cái nhìn xuyên qua bụng cá: ”Cá quẫy trong bụng cá, cá chết trong bụng cá, cá đẹp trong bụng cá” để tìm kiếm đường bơi cho thi ca không chỉ trên mặt giấy.
Lãng Thanh yêu quê mình đắm đuối. Anh càng yêu hơn nét thiên nhiên cô quạnh, thương cái hoang vỡ đời này bằng những câu thơ chen lẫn hội họa và điêu khắc: ”Tôi đã yêu những mảnh trăng nằm lạnh đáy sông / Yêu ánh xà cừ cựa mình trên giấy điệp / Những lăng tẩm ngả nghiêng đền đài hoang vỡ / Mảnh gương đồng soi nửa mặt người; gốc gỗ lũa nham nhở kỳ dị / Bức tranh cổ rã bong tàn tạ, vài mảnh ghép ngây ngô / Và chiếc lông chim rơi chậm hơn những giọt mưa thánh thót“ (Những mảnh vỡ). Anh mượn cánh cò trắng làm chiếc dao, bổ đôi bầu trời như bổ một trái cam tặng cha mẹ, ông bà: ”Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời / Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà / Bầu trời bên phải kéo cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi “( Những mảnh vỡ). Tôi yêu cái cách “chạy vùng vằng” của Lãng Thanh trên đồng đất trung du, một lối chạy rất mới, chân như vừa chạy vừa đôi co, cãi vã, làm lành với đất: ”Tôi chạy vùng vằng quanh cánh đồng nứt nẻ quê tôi / Rón qua những con mương đục như bát đất / Những ô cửa méo xệch như sắp rơi“ (Những mảnh vỡ). Chao ôi là “Những ô cửa méo xệch” của quê hương thực sự đã rơi vào thơ Lãng Thanh, đặng nhờ người đọc chở che, an ủi, nâng đỡ. “Những ô cửa méo xệch “ vì bị gió bấc quất hay bị thời gian phụ tình, bị chính ngôi nhà bỏ rơi? Tôi đã từng nhìn thấy bao nhiêu ô cửa trên mặt người méo xệch đớn đau, mà sao chỉ đến khi đọc những câu thơ này của Lãng Thanh, mới biết thi ca ít khi sống sau những cửa sổ đầy đặn.
Tình yêu quê hương trong thơ Lãng Thanh không hề dễ dãi, yêu đến nghẹn cả lòng, thắt cả ruột, yêu mà như khóc khi anh viết về tuổi thơ mình và tuổi thơ của những đứa con anh (giả tưởng) sắp được ra đời từ một mối tình gai góc: ”Có thể bây giờ nhưng cũng rất xa xưa / nhiều đứa trẻ mồ côi / -những đứa trẻ hồn nhiên - vừa ĐẸP vừa ĐÓI” (Thơ trước tuổi 21). Lãng Thanh ơi, anh từng là một “đứa trẻ hồn nhiên vừa ĐẸP vừa ĐÓI”, nay lại muốn kết nạp thêm những người yêu thơ anh vào hội này nữa sao?
Chúng ta đến thế giới để tìm cái ĐẸP hay để lấp đầy cơn ĐÓI - vực thẳm không đáy loài người luôn ngó xuống hoài nghi bản thân mình? Chúng ta đổ đầy cả thế giới vào dạ dày mà không hết đói: đói trí tuệ, đói tâm hồn, đói nhau, đói cơn đói kẻ khác, đói thiên đường và địa ngục. Và hãy xem nhà thơ, kẻ chết đói tình yêu viết về cơn đói khát được xẻ chia sự bất hạnh của kẻ khác, dù kẻ đó xa lạ như nắng, như mây, như khói: ”Nhà có người con gái đi mãi không về / Cửa gỗ nhỏ không mọc răng mà day day rứt rứt / Nắng ngang chừng, mây tới quãng, khói vừa hương“ ( Mùa thu). Tôi chợt nghĩ, cứ đà này, nhất định thi ca rồi sẽ làm cho “Cửa gỗ nhỏ” hằng “ray ray rứt rứt” đợi chờ cô gái về, sẽ biết cách mọc răng? Thơ vì thế biết dừng lại ở chỗ “... mây tới quãng, khói vừa hương” để nhường lối cho người đọc vào thi tứ.
Lãng Thanh từng bị ngòi bút mềm như gió quất roi, thậm chí bị hoa hồng đuổi đánh, phải chạy về nhà cầu cứu mẹ: ”Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió / Con phiêu lãng cùng non tận thủy / Nhưng những đóa hoa đánh con đau quá / Con trở về nhà băng vết máu đầy tay / Ngòi bút của con điên cuồng như gió“. Thơ như có giấu bùa ngải. Chữ nghĩa lồng lên cuồng dại như gương mặt hoa hồng phi “hỏa tiễn”, đuổi đánh tứa máu một hồn thơ. “Ngòi bút điên cuồng như gió”, “bông hoa đánh con đau quá” kia chừng như đã rước chàng thi sĩ về cõi khác không còn phải sợ hãi nỗi đớn đau? Lãng Thanh có thể đã bị giời xúi hay sao mà ưa viết những câu thơ tiên tri về sự ra đi vĩnh cửu của mình, những câu thơ bị đâm bằng nước mắt của bút điên, chữ cuồng: ”Buổi sớm mai trở dậy tim con mọc ở đằng Đông / Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ... /... Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay”.
Người xưa bảo “thi trung hữu quỷ” quả không ngoa. Khi Lãng Thanh viết những câu thơ này “Sông chảy dài như oan hồn”, hay “Phất phơ thu già lúa nghẹn đòng / Cắt ruột cho lòng thiếp xanh“ hoặc “-Tấm ơi! Chị mò cua tay mọc đầy hoa, chị là yêu tinh / Quả thị dựng tóc. Ay dà, miệng nhỏ xinh xinh“... thì quả là thơ anh có con ma... rình trong chữ nghĩa thật. Lãng Thanh còn nhiều câu thơ hay khác, nằm cô đơn giữa các trang giấy, ví dụ như: ”Nước mắt hung dữ như một viên đạn bắn trượt”, “Hai mặt người lăn tròn vào nhau như hai bánh răng”, “Lá rơi vì gió sao lá rơi vào giếng”, “Ngôi nhà lạnh toát như một thứ vũ khí / Đi trên đường như bước giữa hai họng súng”, “Sốt râm ran như tiếng hát tương tư “, “Thõng đôi tay khô chết như nhân sâm“, “Mẹ đang choàng chiếc khăn mười sáu tuổi“... Thơ Lãng Thanh vừa lạ, vừa hay.
Có thể nói, “Hoa” là một tập thơ hay trên tổng thể. Tuy nhiên, nó vẫn còn những câu kém, một số bài trung bình, thậm chí dở. Cái phần tinh túy của tập di cảo thơ này chính là sự vượt lên của Lãng Thanh so với một số bạn thơ trẻ cùng lứa khác. Dù vài ba nhà thơ trẻ nào đó được một số đàn anh cực đoan cho là hiện đại, được “lăng xê” với những mục đích khác nhau, thậm chí đôi khi với những dụng ý ngoài văn học, thì họ vẫn rất khó “đứng” một mình, đi đâu cũng phải vịn vào cây gậy “thổi phồng” kia. Thực ra, thơ họ có thể lạ, thậm chí xin bái phục vì họ đã học được phép đuổi sạch trơn sự hiểu và cảm xúc ra ngoài thơ; nhưng phần hồn của thơ là truyền cảm, là hay thì vài ba quý vị tân thời kia chừng như chưa đạt tới.
Khi một nhóm thơ trẻ - cách tân nào đó đang khủng hoảng, tắc tị, đưa thơ vào chốn sơn cùng thủy tận, thậm chí tục tĩu, thì may mắn thay, Lãng Thanh đột ngột từ cõi chết hiện về, tặng chúng ta một bó “HOA” thơ đích thực. Khi sống, Lãng Thanh gần như vô danh, như anh viết về mình rất “gở”: ”Lặng lẽ đi đến một ngôi mộ cũ - cô đơn / Không có tình yêu, không danh vọng”. Sau khi anh chết, nhóm thơ Chí Tâm bạn bè đã đưa một phần di cảo thơ anh đến với NXB Thanh Niên; biến anh thành người của công chúng. Thơ anh hiện đại mà cổ điển, lạ mà dễ hiểu, hài hòa CẢM và NHẬN, ví như trong bài thơ “Mắt mẹ rợn da trời” tả bà mẹ ngồi nhìn đứa con vừa chết: ”Ánh mắt người mẹ nhìn con / Sừng sững và cổ thụ / Ánh mắt trải rộng một niềm thương da diết đến mức bầu trời có thể mọc lông tơ như mênh mông một tấm da người“.
Lãng Thanh ơi, cảm ơn anh đã trải lên cao xanh đầu tôi “mênh mông một tấm da người” là bầu trời hài nhi đang lấm tấm mọc lông tơ! Đấy là món quà quý giá nhất anh trối lại, tặng những người yêu thơ anh, như một thông điệp: hãy ngó xuống trang thơ để tìm cách ngước lên bầu trời.

Thành phố Hồ Chí Minh 15-6-2003
Trần Mạnh Hảo

LÃNG THANH THAM VỌNG LỚN Ở NGHỆ THUẬT, ĐẶC BIỆT THƠ VÀ THI PHÁP


Tranh (xé dán) và thư pháp Lãng Thanh
 
ĐÔI ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ LÃNG THANH
Nhớ mười năm ngày mất
(20/7/2002 – 20/7/2012)
Nguyễn Đình Phúc

Vào ngày giáp cái giỗ lần thứ mười của nhà thơ Lãng Thanh, tôi tha thẩn về Hiền Quan, quê anh theo câu thơ anh viết. Đứng ở ngã tư Đồng Vương bồi hồi trải mắt xuôi cánh đồng nâu dáng cò như vươn mỏ xuống đầm Chuôm, con mắt làng. Hút hắt bên kia sông thơ mộng thị xã Phú Thọ. Dải đồi rừng Cấm bên trái sắn nghiêng nắng xanh. Dải đồi Mỏ Khoái bên phải, nơi tím mùa sim mua dĩ vãng, là vương quốc chơi đùa của bọn trẻ chăn trâu cắt cỏ chúng tôi thời bé. Theo như các cụ kể lại Đình Vương, rừng Cấm là nơi vua Hùng chọn ngày lành tháng tốt đi săn, tế lễ trời đất mỗi khi về đây. Mộ phần gia tiên Lãng Thanh nằm mấp mé chân đồi rừng Cấm, trơ đá sỏi, bơ vơ giữa chen chúc những sắn là sắn khúc khỉu, thuần khiết trung du.

Lãng Thanh không sinh ở quê, anh sinh ra và sống cùng bố mẹ nơi công tác thành phố Việt Trì. Hồi bé, chỉ khi dịp giỗ tết hay kỳ nghỉ, cậu mới được bố mẹ cho về quê tảo mộ, thăm ông bà, họ hàng. Nhớ bàn chân cậu cuống quýt, run rẩy, lặng đứng. Đôi mắt mờ dưới đôi tròng kính. Cảnh tượng đấy một mai bừng thức vụt hiện câu thơ: “Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời/ Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà/ Bầu trời bên phải vẫy gọi cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi”. Nó chớp lóe như dẫn dụ ta vào không gian “Hoa” gieo nở từ những tiếng kêu thương tiền kiếp nguồn cội sâu thẳm. “Cắt đôi bầu trời” chính là mở ra cánh cửa nối liền Âm- Dương, nối liền Thiên- Địa- Nhân thành một thể.

      Lãng Thanh ơi! giờ anh ở đâu. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng lồng kính treo kia, ngót mười năm mờ hương khói. Tấm lịch ố vàng dừng lại ngày 20 tháng 7. Mười năm mẹ vẫn để ngỏ hai lon bia Hà Nội như ngày nào đợi anh về. Tủ sách vẫn bày y nguyên sách là sách, sinh thời anh yêu thích. Vài cây sáo trúc nghiêng nghiêng. Những tập thơ “Hoa và những trang viết để lại” tái bản lần thứ ba xếp ngay ngắn, đồng nghĩa ơn sâu sự gom góp, cố gắng của nhóm Chí Tâm vì tình bạn và quý mến tài năng suốt năm tháng ấy. Trên tường còn đó 26 bức tranh thư pháp đếm cùng tuổi anh .

      Tôi cầm lên tập thơ, mở ra đọc để tái hiện và chiêm nghiêm vẻ huyền bí. Từ khi tập thơ “Hoa” đoạt giải thưởng B (không có giải A) của Hội Nhà văn, đã có hàng chục lời bình và giới thiệu của những nhà văn, nhà phê bình có uy tín cả nước như Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Đức Mậu, Trịnh Thanh Sơn, Thiên Sơn, Thanh Thảo, Trúc Thông, Kim Dũng, Nguyễn Tham Thiện Kế, Nguyễn Hưng Hải, Trịnh Tố Loan… trở thành hiện tượng thơ Lãng Thanh suốt mười năm qua. Còn văng vẳng bên tai tôi lời nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN trong buổi thuyết trình về thơ, mở cho lớp lý luận phê bình của Trung tâm BDVV Nguyễn Du khóa 2 khẳng định: “Thành công về thơ mới, thơ trẻ tiêu biểu nhất thập niên đầu thế kỷ hai mốt vẫn là Lãng Thanh”. Bất chợt trang mở đầu tiên là 111 với bài thơ “Hoa lụa”: Ngôn từ trong trẻo về tình yêu học trò cựa quậy, mở mắt na: Đẹp quá, “Hoa lụa” thức trong tôi một liên tưởng, đây có thể là chìa khóa nhắc nhớ để tên tập thơ “Hoa” sau này xuất hiện và Lãng Thanh bảo, cả đời cháu chỉ xuất bản một tập thơ “Hoa” và cũng để trả lời cho nhiều bạn đọc hỏi tôi bấy lâu nay:

Có một thời hoa lụa/ Đẹp như ngôi sao chiều/ Là bông hoa huyền diệu/ Anh gọi em: người yêu.

Hẳn đó là mộng yêu ảo giác đầu đời, ẩn một nguyên cớ sót lại, ý thức không bị đốt đi cùng hơn trăm bài thơ khác viết ở tuổi học tròLãng Thanh cho là thời mơ mộng thử nghiệm. “Hoa” của Lãng Thanh là hoa tâm tưởng, thẩm thấu qua mao mạch sinh tử đất trời, khuất nở trong vần vũ hồn người, những cánh hoa “Vọt như máu ngưng như lệ”, trong hỗn mang của ước lệ giá sương.

   Lãng Thanh thuộc típ người thâm trầm lặng lẽ: Như lớp nham thạch quý ẩn sâu sinh khí: “Những thứ gọi là sông bởi chưa từng chảy”. Lặng lẽ đường quê “Nhón qua những con mương đục như bát đất”, của tâm trạng đâu đó bất an hờn dỗi như bị bứt khỏi quê. Lặng lẽ làm thơ không thích khoe với ai từ bé. Lặng lẽ lời la mắng của bố mẹ khi năm đầu không thi đỗ đại học, để rồi âm thầm tự khẳng định mình cho năm sau thi đỗ hai trường đại học lớn: Ngoại giao và Ngoại thương. Lặng lẽ tự học thành thạo tiếng Anh, Pháp, Trung và chữ Hán, Nôm. Có thể nói  khá lưu loát cả tiếng Đức nữa. Cách học ngoại ngữ cũng rất kỳ lạ, mở trực tiếp đài phát thanh truyền hình nói tiếng nước ngoài, yêu thích chương trình thời sự, chính trị, xã hội và văn học, vừa nghe vừa viết, vừa đọc nhái, vừa ghi âm, vừa đối chứng, tra từ điển, gạch xóa chi chít và chỉ khoảng hơn một năm anh có thể nghe viết và đối thoại một cách khá dễ dàng mấy loại ngôn ngữ ấy. Tôi tìm cách lý giải cho hiện tượng này, Lãng Thanh cười bảo: “Trời cho đấy cậu ạ”. Tôi bảo: Trời cho hay trời đày không biết, chỉ thấy cháu học ngoại ngữ như vỡ hoang, như đánh trận ấy. Và cuối cùng lặng lẽ “Đi về một ngôi mộ cũ, cô đơn/ Không có tình yêu, không danh vọng”, yên hằng nơi đất mẹ , buông một cánh hoa lạ vào không gian thơ trong niềm mưa mỹ cảm.

      Tôi triền miên theo dòng suy tư trầm mặc của Lãng Thanh. Mới ngoài hai mươi tuổi, học và viết như cướp lấy thời gian, trong vô thức của thoát vượt định mệnh.Từng dây thần kinh run run trên khuôn mặt gầy, từng mạch máu hồi cơ bần bật. Anh bảo, chưa bao giờ cháu có thể đi ngủ trước hai giờ sáng. Vừa phải hoàn thành chương trình khóa học suốt năm năm của hai trường đại học. Gánh nặng của học hành, sự dày vò sáng tác dàn mỏng, trong niềm chống đỡ căng như dây đàn của áp lực tinh thần, nên cơ thể tiều tụy mảnh mai.

        Nhớ một chiều đến thăm Lãng Thanh ở một nhà trọ Trung Kính, quận Cầu Giấy hồi còn đaị học. Đang chuyện trò tán gẫu, bỗng thấy anh nhoài người nhìn qua cửa sổ tầng hai ngó xuống bên kia đường, tiếng chân con mèo hoang đang cào bới lá chuối khô bên gốc cây trứng cá, trong tiếng ồn ào xe cộ. Lãng Thanh liền với ngay ngòi bút, ghi vài dòng vẹo siêu: “Nàng ló đầu sột soạt sau đống lá chuối khô / Như bánh gai ngon bóc dở…” (sau này bài thơ có tiêu đề : “ Con mèo đen 2”).Tôi bảo, cậu chả thấy gì cả. Lãng Thanh mỉm cười, kéo dài hơn một chút âm điệu: Chỉ sinh viên ngo mới nghe được bước chân mèo tìm ăn vì đói thôi cậu ạ. Nó gói một lý lẽ, nghe mủi lòng đến  tận bây giờrất tinh tế.

     Ở những tư liệu còn sót lại cho thấy, Lãng Thanh làm thơ như vật vã, như đối chất với hồn mình, nhiều chòm chữ bị xô lệch, đè xóa nhì nhằng. Một bài thơ được chọn ghép lại từ nhiều bài nháp khác là bình thường trong tạo dựng thơ anh, đến là phức điệu,hơi thở của thơ không thấy sự đứt gãy.

     Tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần thơ anh, bởi sự ám ảnh. Tứ thơ lạ trong  liên tưởng ngữ nghĩa vô tiền khoáng hậu, lúc đẹp đến cổ kính, lúc dữ dội thượng phong, không hề lẫn lộn. Trong cái bàng bạc của triết lý, nhận ra thấm đẫm mảnh hồn văn hóa phương Đông: “Buổi sáng mai trở dậy/ Trái tim con mọc ở đằng đông”.
      Ở thơ anh, hiển nhiên lan chùm lên nhiều câu từ đầy dự cảm, nhưng quan niệm về nghệ thuật vừa độc đáo vừa nghiêm túc : “Thời  đại này là thời đại Thơ-Tư tưởng, nhưng Tư tưởng phải được nâng lên tầm cao của nó. Thơ đã đến lúc phải hoàn chỉnh như một học thuyết về cuộc sống- nghệ thuật. Sự đúc kết tinh hoa của trí tuệ phải được thể hiện một cách đa chiều kích, là sự ứng biến (cảm nhận) với mọi hiện tượng xã hội tự nhiên”. Nói về hình thành một học thuyết có thể còn bàn cãi dài, nhưng dường như Thơ- Tư tưởng gắn với cuộc sống, số phận con người, được các nhà thơ đề cập trên các trang báo, có sức thuyết phục cảm thụ văn chương trong công chúng yêu thơ.

      Lãng Thanh, gieo trong tôi ấn tượng về hai người bạn gái, dù tôi chưa hề gặp, ở ký ức câu chữ, ở niềm tri kỷ và gửi gắm, mỗi người một vẻ. Một người tên là Ph. Bạn học cùng phổ thông, nết na và tri âm nhất mực, có thể trút hết mọi tâm tư thầm kín như chính anh thú nhận. Khi học đại học và ra trường công tác, những thất bại đau đớn bế tắc trở về bên cô như một phép giải tinh thần. Sau khi cô rủi ro tai nạn xe máy, họ càng thương nhau. Bài thơ “Năm cánh phượng buồn” viết tặng  rụng rời xa xót:

Cánh buồn này ngả ngang chừng/ Như chìa tay vậy về đừng cô đơn
…Phượng ơi rụng cánh mấy lần /Rụng trong tim rụng mấy phần phượng ơi .
Người bạn gái thứ hai là LNH. Lãng Thanh thường gọi là LTH, chỉ lọai hương cỏ rừng. Là bạn ở đại học, trí tuệ, nghe đẹp vẻ kiêu sa, mến tài Lãng Thanh , nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Anh dự cảm được điều đó nên rất đau đớn về tinh thần. Lãng Thanh viết nhiều thư bày tỏ tình cảm và trao đổi quan điểm về sáng tác thơ, thư pháp hòa trộn niềm yêu cũng như sự kết hợp hài hoà chí hướng. Tôi cảm thấy phần lớn anh viết là viết vậy cho mình, không gửi đi. LNH cho ta cảm giác, cô như vùng ảo quyến rũ ma lực để anh có cớ đắm chìm trong suy cảm sáng tạo và chiêm nghiệm, để trút tột cùng đau khổ bến bờ. Đoạn trích sau đây nói lên tâm trạng bế tắc, linh cảm sững sờ:

   “ Tôi đã thất bại nhục nhã, hai bàn tay trắng của tôi không được gì thêm ngoài những vết máu, một nỗi lo sợ lớn laotôi không nỡ nói cùng em... Niềm hy vọng duy nhất là mong em thông cảm cho một thi sỹ tài năng bậc nhất này đang phải trải qua những cuộc đau đớn nhất của cuộc xáo động (hay là khủng hoảng) tư tưởng, sựn kém của tôi đã không thể làm gì để sắc đẹp của em được tôn vinh lúc này. Vậychỉ còn vài tháng nữa thì tôi đã vĩnh viễn xa em và tôi tin rằng kỷ niệm về em vĩnh viễn trong hư ảo”. Đặt vào bối cảnh đoạn tuyệt thư: “tài năng bậc nhất” chính là “Đỉnh sóng Lãng Thanh” dào lên trong tiếng kêu gào bật máu, trong suốt của hồn nhiên mách bảo. Giờ mỗi lần đọc lại  không khỏi thấy gai người.

     Lãng Thanh tham vọng lớn ở nghệ thuật, đặc biệt thơ và thư pháp. Tham vọng cả về chính trị, kinh tế: Rằng, con người phải thành đạt về chính trị và kinh tế để không khỏi rơi vào vòng luẩn quẩn như nhiều thi sỹ tài danh tiền bối, cuối cùng sống cuộc sống ngo khổ, bi ai và đơn độc. Có lần anh bảo mẹ: “ Thư pháp của con có thể bán khối tiền”. Để chứng minh điều ấy, khi bắt đầu ra trường đi làm, anh mua về một lúc ba bộ com lê, bảy chiếc áo sơ mi. Mọi người nhìn sửng sốt, cháu bảo: “Tiền bán thư pháp đầu tay đấy, mẹ ạ”. Nhưng đồng thời Lãng Thanh cũng nhận ra rằng, khao khát thì lớn nhưng sức lực trí tuệ con người lại có hạn, và rằng không đủ và không thể săn đuổi các mục tiêu cùng lúc hay cùng chiếm đoạt nó : “Tôi thấm thía rằng trí tuệ của mình thật nhỏ nhoi, tôi không thể khóc được về nỗi đau này, không thể đổi nước mắt lấy trí tuệ cũng như không thể đổi nước mắt lấy tình yêu, tôi chợt nhận ra rằng đang theo đuổi hư danhquên rằng mình đang kiếm tìm hạnh phúc”. Lãng Thanh lãng quên mình xác ve, đắm say trong lao động nghệ thuật. Với thơ, anh coi: “Thiên nhiên là người thầy vĩ đại của tôi”. Ở đó, “Sứ giả của thầy là chim hải âu/ Bay bằng hai lá cờ trắng muốt không quốc tịch”. Ở đó, thiên nhiên trong từng hơi thở, mạch nguồn cảm xúc khai mở vô biên và cả những đòn doi thấm thía. Với thư pháp, tư tưởng xuyên suốt trong sáng tác là “lộ nhu tàngcương”. Ở tranh anh, có nét như dải lụa bay, sự vút đi của kiếm, lúc lặng lờ, khi bay vút trong hư thực niềm thơ. Hãy nghe anh tâm sự với LNH: “Em yêu, tôi đã nói nghệ thuật thư pháp của tôi gặt hái được từ thơ, đồng thời tôi hướng tới xác lập một phong cách với tư cách một thư gia, theo vậy ý thơ là ngọn nguồn cho cảm hứng sáng tạo, mối liên hệ giữa hình thức (thư pháp) và nội dung (thơ) có khi tỏ ra mong manh nhưng mối liên hệ đó là tất yếu. Miền đất rộng cho thư gia khai thác đó là tính trữ tình. Thư pháp hướng tới một mỹ cảm rất lạ đối với thơ, vượt xa biên giới thơ”. Hồn thơ của anh qua đó trải rộng sang lĩnh vực thật mới nhưng cũng đầy thách thức. Câu thơ dưới đây tôi coi là một phong cách nghệ thuật trong thư pháp của anh, mở lối cho phơi triển một quan dạng mới về thư pháp:

    Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ/ Sóng bút điên cuồng nương theo áng thơ…/Điên cuồng chữ bay,điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay…
       Cũng phải nói thêm một chút đoạn ngoài đời công tác để hiểu hơn con người Lãng Thanh, để thấy dự định ở anh còn rất lớn. Sau ba tháng về công tác ở Ngân hàng Đầu tư Vĩnh Phúc, anh đã được cử đi thi nghiệp vụ giỏi của ngành và đoạt ngay giải ba như một cú hích đầu tiên. Năm 2002, chỉ cần bốn tháng đầu năm, Lãng Thanh đã hoàn thành kế hoạch Nhà nước cả năm bằng nhiệt thành phấn đấu, phương pháp làm việc độc đáo, ưu thế giỏi ngoại ngữ và khát vọng của lớp trí thức trẻ, mong muốn được thử sức và cống hiến cho Tổ quốc.

Tất cả giờ đây anh mang theo hun hút như vệt sao băng về trời, để lại giữa không gian và thời gian một sắcu triết lý rất riêng: Một áng văn thơ, một nét thư pháp không chỉ là sáng táccòn chuyển hướng chủ đích sang tính sáng lập- Một trường phái, đều thể hiện năng lượng sáng tạo tràn đầy sự kiểm chứng. Những gìanh để lại, ở tuổi 26, đủ để mỗi người chúng ta cảm phục, nghiêng mình trong miền loang sương lắng.

     Một ngày khi viết xong những dòng này, tôi sang nhà chị tôi, lên bàn thờ thắp một nén hương cho cháu. Ở tập thơ và những bài viết dường như đã dựng thấu chân dung một Lãng Thanh qua thi họa. Nhưng cảm giác vẫn thấy thiếu một điều gì đâu đó. Bần thần ngồi lục lọi lại những tư liệu cũ , bất chợt thấy hiện lên bốn ca khúc đã thất lạc phần nhạc bấy lâu, ca khúc run lên trong tay tôi như hồn gió.../.

 Nguồn: Văn nghệ trẻ (bản trên web Phong Điệp)

MƯỜI NĂM NGÀY MẤT THI SĨ LÃNG THANH

 
 
Lãng Thanh (1977 - 2002) tên thật là Lê Quốc Tuấn, quê ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ, tốt nghiệp cùng lúc Học viện Quan hệ quốc tế và Đại học Ngoại thương rồi về công tác tại một ngân hàng ở Việt Trì, Phú Thọ - quê hương anh. Ngày 20/7/2002, lưỡi dao oan nghiệt của một tên nghiện là người họ hàng đã giết chết cả hai bố con Lãng Thanh ngay tại gia đình anh.
Sau khi anh mất, di cảo của anh được in trong hai tập sách: Hoa (thơ) và Hoa và những trang viết để lại, đều của NXB Thanh niên. Năm 2003, “Hoa” được khoảng 30 tờ báo viết bài và là một trong những tác phẩm đoạt giải B (không có giả A) - Giải thưởng Văn học 2004 của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ một người vô danh, Lãng Thanh trở thành người của công chúng, nhưng khi đó thì anh đã về thế giới bên kia...

LÃNG THANH ƠI 10 NĂM...

Giữa mùa hè mà lòng như tê lạnh khi nghĩ về Lãng Thanh. Ôi, Lãng Thanh ơi, đã 10 năm… Thời gian lạnh lùng rắc bụi lên đời người, lên lòng người. Thời gian len lỏi xóa mờ những vết hằn trong não, biết bao điều đã đến và đi. Vậy mà, cái ngày ấy giờ vẫn cứ hiện rõ mồn một trong tâm trí mình.
Chiều 20 tháng 7 năm 2002, Việt Hưng đến gõ gõ vào cánh cửa ải mục của mình. Hai anh em ngồi lặng dưới sân có giàn hoa giấy rực đỏ. Việt Hưng nhìn mình và nói nhỏ: “Lãng Thanh mất rồi”… Mình bàng hoàng bấm  điện thoại cho mọi người. Lúc sau thì anh em Chí Tâm nườm nượp kéo đến.
“Sao? Lãng Thanh bị làm sao?”
Mọi người cùng một câu hỏi. Việt Hưng nói, Lãng Thanh chết oan. Khi từ cơ quan về nhà chủ nhật, bị một kẻ nghiện, một kẻ bất lương đến nhà đâm chết. Cả bố Lãng Thanh cũng thế.
“Trời!”
Tất cả chỉ thốt lên được thế rồi lặng đi. Hầu như ai cũng nước mắt lưng tròng. Đến tận tối hôm đó, Thái Việt vẫn còn ngồi cạnh mình mà khóc. Một đêm thức trắng. Sáng hôm sau, tất cả anh em cùng nhau lên Việt Trì. Em Thúy Hạnh còn mang theo cả một bó hoa dại màu tím để đặt lên quan tài Lãng Thanh.
Mình không còn được nhìn thấy bạn.
Nắp quan tài đóng lại.
Xe tang lăn…
Nước mắt đã chảy nhiều trong lúc ấy. Mình hứa sẽ cùng anh em Chí Tâm cố gắng in tập thơ mà Lãng Thanh gửi lại. Đó chính là phần hồn lãng Thanh gửi lại cho thế gian này. Mình vẫn nhớ, lúc ấy hương bùng lên thành ngọn lửa đỏ. Cả ngôi mộ đầy hoa trắng như xao động.
Rồi tập thơ ấy cuối cùng đã được in ra vào đầu năm 2003.
Ở Việt Trì, Thúy Phượng và Thanh Thủy quyên tiền từ các bạn cùng lớp, mỗi người một chút, gửi xuống Hà Nội cùng với Chí Tâm in thơ cho Lãng Thanh. Hồi ấy bọn mình nghèo. Vừa mới ra trường, khó khăn thế mà lòng yêu thơ thanh khiết. Tình bạn da diết thế…
Một ngày nắng đẹp. Mình và Việt Hưng lên Việt Trì, cùng với Thúy Phượng và Thanh Thủy mang tập thơ mới in đốt trên mộ Lãng Thanh. Ngọn lửa đỏ bén vào giấy trắng và tàn tro cuốn xoáy bay lên cao. Xa xa là tiếng chim thảng thốt…
Thế rồi, như được chắp một đôi cánh thần tiên, thơ Lãng Thanh đã đến với người đọc ở mọi phương trời. Em Thúy Hạnh cùng các em gái trong Chí Tâm đã đưa tập thơ đi tặng ở Hội nhà văn, ở tạp chí Văn Nghệ quân đội và nhiều tờ báo khác. Anh Từ Khôi đã mở một địa chỉ trên báo Tiền Phong Chủ nhật để tặng thơ Lãng Thanh cho mọi người. Tập thơ “Hoa” trở thành một sự kiện văn học, được hàng chục tờ báo đưa tin và biết bài bình luận. Sau đó tập thơ được giải Hội nhà văn Việt Nam năm 2004.
10 năm.
Đã 10 năm rồi.
Lãng Thanh giờ ra sao? Mình có lần nằm mơ thấy Lãng Thanh về căn nhà nhỏ của mình. Lãng Thanh cười, nói nhẹ: “Anh, em vẫn về thăm anh đấy.” Giờ đây, khi viết những dòng này, vẫn có cảm giác Lãng Thanh đang bên cạnh. Dường như Lãng Thanh đang nói bằng một giọng nói khác, trong lặng lẽ mênh mông của đêm đen.
10 năm, đủ để khẳng định thơ Lãng Thanh không dễ gì trôi tuột đi khỏi cái thế giới còn nhiều hỗn độn và đớn đau này. Thơ Lãng Thanh đã in đến lần thứ 3. Những bài tản văn, những bức thư pháp, những bức họa, những bản nhạc của Lãng Thanh cũng được in ra. Thúy Phượng không còn giữ những bài thơ của Lãng Thanh trong sổ tay nữa, mà đồng ý để mình in ra, chia sẻ với mọi người. Chị Cần, một người chị ở ngân hàng đầu tư và phát triển Vĩnh Phúc nơi Lãng Thanh công tác vì lòng thưởng cảm lớn lao và muốn thơ Lãng Thanh được lưu truyền mà cũng góp phần với Chí Tâm để tiếp tục in thơ cho Lãng Thanh. Những tấm lòng đẹp đẽ ấy sẽ còn lay động mãi. Hình ảnh Lãng Thanh sẽ vẫn sống trong tim những người thân yêu.
Giá như ở hai thế giới âm dương con người có thể trở lại thăm nhau. Giá như những tiếng lòng kỳ diệu có thể xuyên qua thời gian và không gian, qua những ranh giới của cõi người…
Mình có thể hình dung bây giờ Lãng Thanh đang mỉm cười. Mong ước lớn nhất của một thi sỹ là đem được thơ mình đến với mọi người, và dù có muộn màng, mình tin, Lãng Thanh vẫn là một người hạnh phúc.
“Lời của tôi đang nói trên môi em”. Câu thơ ấy của Lãng Thanh như một lời chứng nghiệm.

Hà Nội 3-7-2012
Thiên Sơn
 _______________________

THƠ LÃNG THANH
(Trích trong tập thơ HOA) 

Thư pháp

Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió,
Con phiêu đãng cùng non tận thủy,
Nhưng những đóa hoa đánh con đau quá,
Con trở về nhà băng vết máu đầy tay.
Ngòi bút của con điên cuồng như gió:
Vị ái danh hoa để tử cuồng”.

Mẹ ơi! Khóc sau lưng mẹ!
Con hái trộm nhiều hoa Chămpa thả trôi sông xanh
Nhưng con muốn tên dòng sông chảy về cửa bể
Con đổ cả nghiên mực rồi, cùng giỏ hoa Chămpa buổi mai
Ơi những cánh hoa bé bỏng!
Bất tận Trường Giang cổn cổn lai”.

Mẹ nói đi, không phải mẹ buồn vì cha của con đâu,
mẹ khóc vì con làm vỡ chiếc bình thuỷ tinh...
Xưa những ngày đói ăn con đâu biết quê mình nghèo quá,
Con ngỡ mẹ độc ác giấu bánh của con, cặp sách của con...
con căm ghét mẹ...
En Lenvol fou des mots

Trái tim con nghiêng giấc ngủ về phía mặt trời
Đất mẹ ơi, có nhận ra con đang say sưa hát theo khúc ca của
Rabindranath Tagore
Con yêu những khúc ca phương Đông
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Buổi sớm mai trở dậy tim con mọc ở đằng Đông

Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ,
Sóng bút điên cuồng nương theo áng thơ
Cánh tay dịu dàng của thơ bao la như biển mẹ
Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay...
Chữ phương mô ngậm hồn trong bóng nguyệt:
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân.

                                                                        3/1/2000


Những mảnh vỡ

Tôi đã yêu những mảnh trăng nằm lạnh đáy sông;
Yêu ánh xà cừ cựa mình trên giấy điệp;

Những lăng tẩm ngả nghiêng đền đài hoang vỡ;
Mảnh gương đồng soi nửa mặt người; gốc gỗ lũa nham nhở kỳ dị;
Bức tranh cổ rã bong tàn tạ, vài mảnh ghép ngây ngô;
...Và chiếc lông chim rơi chậm hơn những giọt mưa thánh thót.

Tôi trầm ngâm dạo trong nhà bảo tàng,
Nghe hàm răng đã cười sáu nghìn năm trong miệng đất,
Tiếng loảng xoảng gươm khua, tiếng hát ru từ các bộ xương.

Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời,
Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà,
Bầu trời bên phải kéo cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi.

Tôi không nỡ đổi nửa đồng xu mẻ đặng lấy đồng bạc nguyên đâu!

Tôi chạy vùng vằng quanh cánh đồng nứt nẻ quê tôi,
Rón qua những con mương đục như bát đất,
Những ô cửa méo xệch như sắp rơi.
Ủ vào lòng những mảnh ký ức quê tôi.

Tôi muốn làm con sông chia hai bờ thương
Lại muốn làm con sông nối hai đầu nhớ.

                                                                        23/05/2000


Mùa thu I
Tặng Hoàng Nghĩa Cảng
I

Nước cọ bầy rêu, đá núi nhăn mày Phật;
Lá sen tàn là hoa nở đầu thu.

Nhạc reo xa thoáng lạnh từng chân tóc.
Cỏ thu xa vuốt ve đôi mắt đẹp.
Chiều có thể nghiêng, mưa có thể buông, đá có thể khóc.
Trăng rớt giữa mặt, và xuống hố.
Con ong nâu rơi chết sau lùm cỏ,
cái chết của nó là một lỗ rò rỉ,
nơi sự sống đang chực ùa vào.

Nhổ khóm hoa vàng để mà được vục vào với bụi, với phân, với đất.
Gió ợ mùi chua, tình đã dậy men, đất hình như mặn.
Bông hoa thả chân trong bình cổ,
Một chiếc lá đỏ mặt, một chiếc lá lên gân.
Sắc mùa thu ấm hơn màu tình ái.

Nhà có người con gái đi mãi không về,
Cửa gỗ nhỏ không mọc răng mà day day rứt rứt.

Nắng ngang chừng, mây tới quãng, khói vừa hương...
Chén quỳnh say, rời rợi trăng Đường, Tống.
                        Cảm sầu chinh phụ canh chầy,
            Đầu khăn máu chảy, lệ đầy góc khăn.

II

Gió ôm theo khói rơm tươi và mùi phân bò.
Khi vòm cây ùa tràn tia sáng như một bầy trẻ.
Đôi mắt em vừa ngoi lên sau một hơi ngụp lặn dưới hồ.

Cánh cửa màu đỏ xóa bớt một số ngôi nhà.
Núi thôn xa muôn đời nhắm mắt, núi thôn xa ngửa mặt lên trời.
Ngôi sao xấu xí - cô dâu xấu xí - ngôi sao xấu xí...

Đêm xuống như một giọt mực rơi.
Chiếc áo dài trắng em đang mặc dính nhiều dấu vết khỏa thân.
- Cho tôi một vò nước lạnh!

Mặt hồ cứng đờ như giấy báo cũ nhăn nheo,
Những con sóng nở nang, vuông góc.
Tôi chia tay em để chấm dứt một mưu đồ.

Lặng lẽ đi đến một ngôi mộ cũ - cô đơn -
Không có tình yêu, không có danh vọng;
Ứ hự đôi câu: “...mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại,
Riêng một khu thanh son...”

                                                                   2000 – 2001


Bài ca phương Đông

Em hát hỏng bài ca cũ phương Đông:
Gái tinh chiên e lấm hơi lầu son,
Phơ phất thu già lúa nghẹn đòng.
- Cắt ruột cho lòng thiếp xanh!

Bầu trời cố hương lành như Bụt.
Em ngủ ôm đầu gối, vàng võ,
Bát cơm nàng hộc máu và nước.

... Nửa sau câu chuyện cổ tích làm căn nhà ấm hơn,
Tôi đọc sách, em học uống thuốc,
Em hát hỏng bài ca cũ phương Đông lần thứ hai.

Đoàn dân Israel hành hương về NHỮNG BỨC TƯỜNG KHÓC...

Em hát hỏng bài ca cũ phương Đông lần thứ ba.
Mưa cuối thu là cơn mưa nước ngọt,
Không còn nhà thông thái đục thơ lên bia mộ;
Hạt mưa phẩy rời rạc như sao bản mệnh.

Lối nhỏ nở đầy hoa Trạng nguyên,
Con đường đất bẩn như ruột gà,
Côn trùng khoe những bụng tròn -
Sáng tinh như mắt gã hề va vào răng khán giả.

... Chiến tướng đêm trăng gối xương ngựa.
Này giấc lá hươu động đậy trong nôi,
Hài nhi khóc - những hạt nước vô tội,
Đôi mắt là hai hột nước đẹp nhất thế gian.

Không thể tin trái tim người không ở giữa ngực,
Lại chẳng hề chia: có đất, có trời,
Những thứ gọi là sông bởi chưa từng chảy,
Chữ cái bao giờ cũng thích đứng lẻ loi.

                                                                        8/1999

Nhật ký

I

Niềm im lặng thẳm sâu trong trái tim đang chống đỡ
                                                                        tiếng huyên náo,
                                                                                    tiếng la huýt,
                                                                                                tiếng cãi vã,
                                                                                                            tiếng kẻng xe...
Ngôi nhà lạnh toát như một thứ vũ khí,
Đi trên đường như bước giữa hàng họng súng.

Gờ môi, vầng trăng,...
            đều trùng khớp với đường cong nguệch ngoạc bởi nét cọ sơn dầu -
Sự liên tưởng như một chai rượu bị bàn tay trẻ thơ dốc ngược.

*          *
*

Mẹ ơi! Con là Niềm tự do của mẹ!
Là con thuyền thả xuống bến sông quê.

Ngắm trăm hoa, bẻ một cành
Mẹ đang choàng chiếc khăn mười sáu tuổi
Niềm tự do vĩ đại lớn trong nỗi cô đơn.

*          *
*

Sông chảy dài như oan hồn
Mảnh trăng hóa thạch.

II

Con tép chết bom ưỡn bộ xứơng lên mặt nước,
Cá vàng ngủ dưới hoa
Lại đối chất một mùa hè cân đối, uy nghi

Len theo các đường cong chậm rãi, sự lãng quên trườn lên thang gác trọ,
như những bông hoa tím nhỏ...
(Vai nàng ấm từng giọt mồ hôi, đôi mắt nàng trong như mới khóc)
Nuông chiều tình yêu như đang nâng niu chiếc bình gốm cổ: đẹp và lười biếng.
Lũ lộc vừng nằm khoanh dưới bầu trời no bụng.
Vậy còn hơi thở nào buốt giá, tim óc lạnh như thép?
Em ngắt khỏi cây bông hoa đẹp nhất,
Đó cũng là cách em tin vào tình yêu của anh.

Cỏ đang bắt rễ vào nhau, nắng vẫn lục tìm ô cửa.
Lời của tôi đang nói trên môi em,
Tình yêu như đường thẳng đi qua hai điểm.

                                                          2001 – 2002