.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, March 25, 2012

TẾT ẤT DẬU THĂM NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM


Tết Giáp Thân 2004, tôi ăn Tết ở Huế. Sáng 30 có việc đến Vĩ Dạ, tiện thể ghé thăm căn nhà cũ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nơi hơn chục năm trước bạn bè văn thơ chúng tôi vẫn thường tụ tập uống rượu và đàm đạo thơ ca cùng chủ nhân của ngôi nhà. Khu vườn cũ rộng mênh mông nay có vẻ như thu hẹp lại, nhưng cây cối vẫn xanh tốt như rừng. Căn nhà, cổng ngõ đã được tu sửa khang trang, sạch sẽ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cùng vợ và ba con lên tàu hoả rời Hà Nội về Huế ăn Tết từ hôm trước.

Nguyễn Khoa Điềm và NTT, 2005
Thấy tôi và nhà báo Thanh Tú đến thăm, cả nhà mừng vui mở rượu đón mời. Chị Lợi vợ anh khoe với chúng tôi cành đào thật đẹp mang từ Bắc vào, không phải đào Nhật Tân mà là đào An Dương (Hải Phòng) quê Tổ của dòng họ Nguyễn Khoa ở Huế. Chả là từ 26 Tết, cả nhà anh chị đã kéo nhau về An Dương thắp hương mộ Tổ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm kể với chúng tôi về dòng họ của anh. Dòng họ Nguyễn Khoa ở Huế bắt đầu từ một người lính theo Chúa Nguyễn vào miền Trung, lập nhiều công trạng rồi mang con cháu về đây lập ấp. Cha của anh là nhà cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, hậu duệ quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng người gốc An Dương (Hải Dương cũ), từng được đồng chí Nguyễn Phong Sắc cử vào Tỉnh uỷ Thừa Thiên, rồi tham gia Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn từ tháng 8.l930. Sau bốn tháng hoạt động, ông bị bắt đưa về Huế và Toà án Nam Triều đã kết án ông 9 năm tù khổ sai và 8 năm quản thúc; nhưng 17 tháng sau ông được trả tự do, tiếp tục hoạt động Cách mạng và Kháng chiến. Năm 1954, khi Nguyễn Khoa Điềm được tổ chức đưa từ Huế ra Bắc thì người cha thân yêu cũng vừa qua đời trên đất Thanh Hoá năm ông mới 46 tuổi…
Tôi ngoái nhìn ra vườn chuối um tùm trước sân và căn nhà bếp cũ, chợt nhớ mấy câu thơ anh mới đọc tôi nghe hôm nào ở Hà Nội:
Trở về nhà
Nói cười trong căn bếp cũ
Đi vào đi ra
Ngồi bệt xuống thềm
Ngó mây bay trên vườn người khác
Tôi nói với anh là tôi rất thích cái tư thế và cái tâm thế của nhà thơ khi trở về ngôi nhà thân thuộc của mình. Thân thương và đạm bạc. Nguyễn Khoa Điềm xúc động đọc tiếp bài thơ mà đến nay tôi còn nhớ một đoạn thật thương:
Bạn cũ đến chơi
Chép miệng sống cũng tạm được
Phải cái hơi móm
Cười trống trơ như Đỗ Phủ
Nhìn nhau thương con mắt
Còn lung lay ngọn lửa rừng
Thời bom đạn
Và hôm nay, trước Tết Âm lịch năm Con Gà, tôi và Nguyễn Khoa Điềm ngồi với nhau trong căn nhà của anh bên ngõ Vạn Bảo (Hà Nội). Chúng tôi nhắc đến bạn bè văn nghệ Huế đã từng gắn bó. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị bạo bệnh hơn sáu năm rồi mà vẫn viết đều và hay. Anh Tường vừa viết xong cuốn sách về Trịnh Công Sơn, dành riêng cho nhà xuất bản Trẻ, và Tết nào cũng có mấy bài bút ký cho những tờ báo mà anh yêu quí. Nguyễn Khoa Điềm nhớ về năm 1982, một lần đến thăm Hoàng Phủ, và ông bạn văn phải vào bếp nấu cơm để khách ngồi một mình với cây long não trước cửa sổ. Vì thế mà Nguyễn Khoa Điềm ngồi viết được bài thơ “Ngồi với cây long não nhà bạn” với lời đề từ thật ngộ: “Viết để anh Tường đọc khi nấu cơm xong”. Những ngày gian khổ ấy đã qua đi, tác giả bài thơ không còn nhớ bài thơ ấy nữa, vậy mà Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn còn giữ. Khi nhờ tôi làm bìa tập thơ “Người hái Phù Dung“, anh Tường đã đưa tôi bài thơ ấy để in vào bìa gập, giữ gìn một tình bạn cảm động. Bài thơ trên tờ giấy ố vàng và nét chữ đã nhoè mờ, nhưng tấm lòng thì vẫn còn nguyên vẹn: “Mỗi âm thanh dễ nhận ra/ Củi – Diêm – nước mắm/ Và những gì gian khổ / Không âm thanh/ Tôi ngồi lại một mình/ Một mình với cây lông não/ Cây long não già mà lá trẻ/ Như ta giữa cuộc đời này…”
Bỗng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hỏi tôi:
-   Ngày thơ Nguyên Tiêu tới, Hội Nhà Văn đã định tổ chức thế nào chưa?
Tôi nói với anh rằng, theo tôi biết thì các tỉnh thành đã có kế hoạch chuẩn bị cho Ngày Thơ năm nay đi vào chiều sâu hơn các năm trước. Đặc biệt năm nay Hội Nhà Văn sẽ kết hợp với Nghệ An tổ chức Ngày Thơ với qui mô lớn nhân dịp Năm Du lịch của tỉnh và những ngày lễ lớn. Lễ hội sẽ được tổ chức tại Nam Đàn quê Bác rồi du thuyền dọc sông Lam xuống Vinh…
Nguyễn Khoa Điềm vui vẻ hẳn lên:
-   Năm nay Hà Tĩnh sẽ tổ chức kỷ niệm 200 năm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.Một sáng kiến rất hay. Dân ta không ai là không biết Truyện Kiều. Gần đây nhiều nhà nghiên cứu và nhiều người yêu thơ đã để công tìm thêm được một số văn bản Kiều cổ. Có người ở Huế chép lại Truyện Kiều bằng thư pháp nặng đến cả tạ, phải dùng xe chở đi triển lãm… Điều đó chứng tỏ Truyện Kiều luôn được quan tâm tìm hiểu. Báo Thơ của Hội Nhà Văn chất lượng rất tốt, năm nay nên ra số đặc biệt về Nguyễn Du và Truyện Kiều, vì Truyện Kiều luôn mới mẻ trong tiếp nhận của công chúng. Đây là một sự kiện lớn. Phải kỷ niệm 200 năm Truyện Kiều ở tầm quốc gia. UBKH xã hội và nhân văn có thể kết hợp với Hội Nhà Văn và các Hội Văn học Nghệ Thuật để làm việc này, sao cho xứng đáng với tầm vóc lớn của tác phẩm và tài năng xuất chúng của Cụ Nguyễn.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám đi cùng tôi, góp chuyện:
- Em thấy Truyện Kiều in rất nhiều mà vẫn bán chạy.
Anh Điềm tán thành:
-   Tôi đến một số hiệu sách, thấy nhiều cuốn Truyện Kiều in rất công phu, bìa cứng hẳn hoi. Bây giờ người ta mua sách không tiếc tiền, đặc biệt loại sách có tính kinh điển. Tôi biết có người mua về không phải để đọc ngay, bởi đọc sách cũng còn tuỳ theo tâm trạng, tâm lý và sở thích. Có người không đánh giá cao sách chưởng, sách trinh thám, nhưng họ vẫn thích đọc, vì để hiểu thêm một đời sống, một văn hoá, một nghề nghiệp và để giải trí. Có người thích mua những cuốn sách mà mình đã yêu quí từ thủơ còn đi học như sách của Vichto Hugo, Puskin, Leptonstoi, Phơrơt, Lỗ Tấn…và họ hy vọng có lúc con cái mình sẽ đọc được những áng văn chương kinh điển ấy. Có người mua sách để chơi. Nhiều gia đình nhờ có tủ sách quí mà đời sống văn hoá của con cháu được nâng cao. Tất nhiên, những người làm sách thời nay khá nhạy bén, họ nắm bắt được nhu cầu công chúng rất kịp thời để đưa ra thị trường những cuốn sách đang cần đọc. Cả sách mới và sách cũ. Xu hướng chung là cả người viết, người xuất bản và người đọc ngày càng quan tâm đến những giá trị đích thực hơn.
Tôi hỏi:
-   Trường ca Mặt đường khát vọng của anh rất nổi tiếng, được nhiều người thuộc lòng, sao hơn 30 năm rồi không thấy tái bản lần nào?
Nhà thơ hơi ngạc nhiên về câu hỏi, nhưng rồi anh cười nói:
-   Không thấy ngừơi làm sách nào hỏi tôi cả.
Bùi Hoàng Tám nhớ lại hồi nhỏ đã thuộc lòng nhiều đoạn trong Mặt đường khát vọng, rồi anh đọc đoạn mở đầu bản trường ca:
- Em nghĩ, nếu anh cho in lại trường ca này chắc sẽ có nhiều người cần đến. Trong nhà trường chỉ được học chương Đất Nước. Vì vậy mà nhiều giáo viên và học sinh chưa được đọc trọn vẹn tác phẩm. Nếu in lại, anh có định sửa chữa gì không?
-   Tôi rất tiếc là chương cuối của trường ca này viết lần đầu tiên đã không còn nữa. Đó là chương Tựu trường, một chương tôi rất thích. Hồi ấy Tuyên huấn Khu uỷ Trị Thiên triệu tập anh em chúng tôi lên rừng mở một trại sáng tác có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao,…Tôi viết xong trường ca Mặt đương khát vọng, đọc cho anh em nghe. Anh Trần Hoàn phụ trách trại và một số anh em góp ý là nên thay chương Tựu trường bằng một chương khác cho “khí thế” hơn,. Và người ta đã in trường ca theo bản viết lại ấy. Những năm 1970 – 71 ở chiến trường vô cùng ác liệt, bom đạn đã làm anh em mình mất đi nhiều trang bản thảo và cả những cuốn sách chưa kịp in ra…
- Và anh có lần đã bị địch bắt?
-   Đấy là năm 1967, tôi đang làm công tác xây dựng cơ sở ở Quảng Điền (Thừa Thiên) thì đã bị địch bắt trong một trận càn. Tôi bị giam ở lao Thừa Phủ. Mãi đến dịp Tết Mậu Thân, ta tấn công vào Huế chúng tôi mới được cứu thoát, trở lại hoạt động thuộc Thành uỷ Huế.
-   Anh cũng đã trải qua nhiều cương vị quản lý, có khó cho việc làm thơ chứ?
Nguyễn Khoa Điềm cười vui:
- Kể ra thì tôi cũng đã giữ khá nhiều chức vụ: Tuyên huấn, Thành đoàn, Hội văn nghệ, Tỉnh uỷ, Hội Nhà Văn, Bộ Văn Hoá, Ban Tư tưởng… nhưng chung qui thì chủ yếu là Tuyên huấn, Báo chí và Văn nghệ. Nhiều lúc tưởng không làm được thơ nữa. Nhưng mỗi lần làm được một bài thơ, thậm chí chỉ một câu tâm đắc cũng thấy sướng lắm. Thơ như người bạn tâm giao, mỗi lần gặp lại nhau đều như chuyện kỳ ngộ.
-   Nghe nói tới đây có ý hướng nhập Hội nhà Văn và các Hội chuyên ngành VHNT vào Bộ Văn Hoá-Thông Tin. Anh thấy việc ấy thế nào?
-   Đó là việc Chinh Phủ có bàn tới. Những hội Cây Cảnh, hội Nuôi Ong… thì sát nhập vào bộ Nông nghiệp và PTNT, vì đấy là những hội xã hội – nghề nghiệp. Còn các hội chuyên ngành VHNT là hội chính trị – xã hội – nghề nghiệp, nó là những hội “em em” của các đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, nó có lịch sử hình thành rất sớm trong công cuộc cách mạng của ta. Tính lịch sử đặc biệt ấy đặt hội Nhà văn cũng như các hội chuyên ngành VHNT có vị trí quan trọng nhất định, và vẫn trong xu hướng phát triển chung. Hội Nhà văn ta cũng sẽ phát triển như vậy. Tôi cũng là một hội viên của Hội mà…
Những câu chuyện “tổ chức” thường lướt qua nhanh, để lại trở về với những câu chuyên Thơ và Huế thân thương. Tôi đọc lại những câu thơ về Mẹ của anh thật độc đáo và cảm động:
Lũ chúng tôi từ tay  mẹ lớn lên
                   Còn những bí và bầu thì lớn xuống
                   ……
                   Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
                   Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
Và nhớ những lời tâm sự của anh về thơ thật khúc chiết:
“Tôi nghĩ có ba yếu tố làm nên phẩm chất của văn chương, đó là: Lời – Hành động – Tấm lòng.
Lời, đó là lời văn, cách viết.
Hành động, đó là ý tưởng văn chương thúc giục người ta hành động.
Tấm lòng, đó là tâm hồn tác giả trên từng trang sách.
Có lời văn hay, có khát vọng hành động mạnh mẽ, nhưng thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì chưa thể có văn hay.
Cho nên có sách nói thuỷ tổ là LỜI, có sách nói thuỷ tổ là HÀNH ĐỘNG, cũng nên có sách nói thuỷ tổ là TẤM LÒNG”.
- Tết này anh có định về Huế ăn Tết không?
- Từ ngày ra ở Hà Nội, tôi vẫn thường xuyên về Huế ăn Tết, để thắp nhang mừng tiên tổ. Tôi thường nhìn thấy Huế trong dáng vẻ u trầm. Những rêu phong cổ kính ở đó đều mang nét u trầm và buồn. Tôi rất nhớ miếu Âm Hồn để tưởng vọng những người chết trong ngày thất thủ kinh đô thời Tôn Thất Thuyết. Huế cũng đã một lần “tiêu thổ kháng chiến”, và Huế Mậu Thân bị bom đạn tàn phá ghê gớm. Thân phận hoài nhớ vàng son của người Huế đã khiến cho xứ này trầm xuống. Người ta sống với chiều sâu tâm linh. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà thơ gặp Huế đã để lại những bài thơ hay, ảo diệu và sâu sắc. Tôi sống một tuổi thơ ở Huế, học 10 năm ở miền Bắc, năm 1964 trở về quê hương tham gia kháng chiến, rồi lại theo công việc ra Hà Nội. Vì thế, Huế đẹp và gian khổ luôn ám ảnh tôi.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám xin phép chụp mấy tấm ảnh, và hỏi:
- Anh Điềm ơi, bao giờ nghỉ hưu, anh sẽ chọn Hà Nội hay chọn Huế?
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhìn xa xăm rồi cười dịu dàng:
- Có lẽ lúc đó tôi sẽ trở về Huế lo hương khói cho các cụ trong ấy…
Đã 12 giờ trưa. Chúng tôi chia tay nhà thơ. Anh tiễn chúng tôi ra tận cổng. Người lính gác đã đứng sẵn bên cánh cổng vừa được mở ra. Ngoài ngõ, cái chợ cóc tự nhóm họp, ồn ã một đời sống thường nhật…
Hà Nội, ngày 2.1.2005
NGUYỄN TRỌNG TẠO



Saturday, March 24, 2012

LINH HỒN LIỆT SĨ VÀ CÂU CHUYỆN LÀM RƠI NƯỚC MẮT MÙA XUÂN ĐẤT MẸ


“Rừng núi mịt mù, biển dâu dời đổi, việc tìm kiếm không phải một vài lần đã thành công. Để có kinh phí cho những chuyến đi, các cựu chiến binh đã dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi của mình, kêu gọi chút tiền tài trợ của đồng đội. Lần đến gặp Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cựu Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, ông Vĩnh đã khóc: “Chí muốn đi lắm nhưng ko còn sức nữa” và ủng hộ anh em 2 triệu đồng… Cụ Nguyễn Văn Khuông ôn lại chuyện xưa và khấn bằng tiếng Việt, xin linh hồn các liệt sĩ cho phép đồng đội đón về. Cụ cố nói rành rọt nhưng vẫn thỉnh thoảng phải dừng, đưa khăn lau mắt. Bà Sùng Thị Mai, Phó Văn phòng Hội LHPN Sơn La nước mắt đầm đìa, vừa rưới rượu cúng quanh phần mộ, bà vừa khấn to bằng tiếng H’Mông vừa khóc. Âm điệu tiếng H’Mông chơi vơi như gió núi của bà làm tất cả mọi người cùng khóc theo. Cỏ cây lặng phắc, hồi hộp dõi từng nhát cuốc đầu tiên bổ xuống. Nhẹ thôi, xin hãy nhẹ tay thôi! 60 năm đã trôi qua, con dốc nơi anh nằm đất trôi gần hết, chỉ nạo đi chừng nửa mét đất màu, đã thấy lộ ra phần đất xốp xỉn hơn, thịt xương anh đã hòa tan vào đất!”.



Câu chuyện làm rơi nước mắt

Tuổi thiếu nữ mộng mơ, chúng tôi chuyền tay nhau chép bài thơ Tây tiến của Nhà thơ Quang Dũng. Chí khí hào hùng một thuở của những người trai Hà Nội hào hoa “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” đã gợi cho chúng tôi bao mơ tưởng lãng mạn. Tây Bắc rừng thiêng nước độc “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” liệu có còn chăng? Và những chiến binh oai hùng thuở ấy, ai mất, ai còn? Câu thơ được tạc vào vách đá này có thay cho một tấm bia tưởng niệm những người lính vô danh đã ngã xuống hay không?
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Được mời tham gia Nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội sang Lào đón hài cốt liệt sĩ, tôi xúc động. Nhiều lần gặp gỡ giao lưu với các cựu chiến binh, tôi hiểu, đã từng vào sống ra chết có nhau, đã biết nhau hơn nửa thế kỉ, tình bạn của các ông là gắn bó máu thịt, sẵn sàng xẻ áo nhường cơm. Ông Đinh Phú Lân, một trong những người sáng lập Nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội đã có khoảng thời gian từ 1965 đến 1975 công tác tại Phòng Quân lực Bộ Tham mưu đoàn Chuyên gia quân sự 959 và Bộ Tư lệnh 31. Tự tay ông đã viết giấy báo tử cho hàng trăm liệt sĩ hi sinh trên đất Lào và làm chế độ chính sách cho những người trở về. Mấy chục năm sống ở Hà Nội, ông vẫn không nguôi nhớ về những đồng đội còn nằm lại chiến trường xa. Đau đáu trong ông điều tâm niệm phải đưa các anh về. Trong các cuộc họp mặt hàng năm, các cựu chiến binh lại nhắc tên những đồng đội chưa về, thao thiết một lời kêu gọi: “Phải tìm cách đưa các anh về thôi. Lớp chiến binh xưa giờ tuổi đã thất thập, liệu còn đủ thời gian tìm kiếm và đưa các anh về cho khỏi tủi vong linh?”.
Nhà nước đã có chính sách về việc tìm kiếm và qui tập mộ liệt sĩ, nhưng các ông biết vẫn còn nhiều chiến binh nằm lại chiến trường C. Có ông day dứt: “Tự tay tôi chôn anh ấy, vẫn nhớ địa hình. Không đưa được anh ấy về là có tội”. Rừng núi mịt mù, biển dâu dời đổi, việc tìm kiếm không phải một vài lần đã thành công. Để có kinh phí cho những chuyến đi, các cựu chiến binh đã dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi của mình, kêu gọi chút tiền tài trợ của đồng đội.
Lần đến gặp Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cựu Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, ông Vĩnh đã khóc: “Chí muốn đi lắm nhưng ko còn sức nữa” và ủng hộ anh em 2 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Mai, người có công rất lớn trong việc tìm mộ lần này có sáng kiến mang theo một hòm quyên góp đến chỗ tập thể dục buổi sáng ở Hồ Tây, kể về công việc nghĩa cử mà ông và đồng đội đang theo đuổi.
Câu chuyện của ông đã làm rơi nước mắt bao người. Bà nội trợ bớt chút tiền rau, ông xe ôm góp tiền một cuốc xe, bác công chức nhịn bữa quà sáng… Tất cả những đồng tiền thấm mồ hôi, nặng trĩu nghĩa tình ấy đã được các cựu chiến binh trân trọng, gom góp dùng cho chi phí tàu xe những lần đi tìm kiếm. Đồng đội ở các địa phương gần đó đón các bạn về ăn ngủ tại nhà, lo tìm kiếm, cung cấp thông tin, dùng xe cá nhân đưa các bạn đi. Các vị Đại đức phát tâm làm việc thiện, đến tận nơi làm lễ cầu siêu, không quản khó nhọc, lại còn chia chút lộc Phật cho đồng bào những vùng heo hút. Chính quyền địa phương cũng giúp đỡ rất nhiều, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm, đưa hài cốt các liệt sĩ về được thuận lợi.
Bản Lao Khô nằm sát biên giới, thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. 60 năm trước, già bản Lao Khô đã tự tay chôn cất hai cán bộ người Việt: một là đồng chí Nguyễn Tín và một đồng chí chỉ biết bí danh hoạt động trên đất Lào là Khăm Nhọt, không biết tên Việt là gì, quê quán ở đâu. Khi ngã xuống vào năm 1952, hai đồng chí còn rất trẻ. Cụ Nguyễn Văn Khuông, (sinh năm 1922, cán bộ tiền khởi nghĩa, năm 1945 đã tham gia xây dựng lực lượng bảo vệ cách mạng Sầm Nưa. Cụ cũng là một trong 25 thanh niên Việt Kiều ở Sầm Nưa gia nhập đoàn quân Tây Tiến ngay từ ngày đầu thành lập 27/2/1947 cho đến năm 1981 mới về Hà Nội nghỉ hưu) đã gặp đồng chí Nguyễn Tín, vẫn nhớ đồng chí người cao ráo, giỏi tiếng Lào, tiếng Pháp, còn đồng chí Khăm Nhọt cụ chưa gặp bao giờ. Từ tháng 8/2011 đến nay, nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội đã tổ chức nhiều chuyến đi, xác định địa hình địa vật và sơ bộ kết luận mộ của hai đồng chí nằm trên đất của bản Phiêng Sa thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào). Các ông đã đặt quan hệ với chính quyền nước bạn Lào và tranh thủ được sự giúp đỡ của Đội Qui tập tỉnh Thanh Hóa, trưởng nhóm là ông Phong. Trong chuyến đi thứ 4, Đội xác định vị trí chôn hai đồng chí là dưới nền nhà một người dân bản và xin phép tiến hành khai quật. Người dân cũng sốt sắng, nhiệt tình cho dỡ căn nhà mình, bới nát đất nhưng không thấy.
Chuyến đi thứ 5 này, rất may mắn, nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội đã liên lạc được với Tiến sĩ Vũ Bằng (số ĐT 0913203452), nhà khoa học cùng lứa tuổi thất thập như các ông. Xót xa trước việc tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm chỉ mang lại kết quả 1%, ông đã nghiên cứu ra máy dò tìm hài cốt, dựa trên lí thuyết đo “tia đất” (bức xạ điện từ). Theo ông, con người khi chết đi, phần xác trong quá trình tiêu hủy sẽ bức xạ ra những “từ trường” cao gấp hàng nghìn lần ở người sống. “Từ trường” này được gọi là “trường vong”. “Trường vong” vô hình nhưng sẽ tồn tại hàng nghìn năm trong khi động vật không có được tính chất đó. Từng tế bào, mô, xương, lục phủ ngũ tạng của người đều sinh ra “trường vong”. Đặc biệt, hệ thần kinh và bộ não người bức xạ ra “trường vong’ mạnh nhất và tập trung nhất. 6 năm qua, với một chữ TÂM và chiếc máy của mình, Tiến sĩ Vũ Bằng đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, dò tìm được mấy ngàn mộ liệt sĩ. Ông chính là người góp công lớn trong việc trục vớt chiếc ô tô cùng 20 hành khách bị cuốn trôi trên sông Lam trong trận lũ năm 2010. Ông cũng dùng chiếc máy của mình tìm được chính xác vị trí hai nạn nhân vụ sập mỏ đá Lèn Cờ đầu tháng 4/2011. Biết việc làm thắm tình đồng đội của các Cựu chiến binh, ông đã tình nguyện cùng hai cựu chiến binh Mai và Nguyên đi tiền trạm từ 12/3/2012. Nhờ có chiếc máy của Tiến sĩ Vũ Bằng, các ông đã xác định được vị trí hai ngôi mộ, Tin vui báo về Hà Nội, Nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội đã tổ chức một chuyến đi đón các anh về.

Linh hồn Liệt sĩ và Mùa xuân Đất Mẹ

Sáng 14/3/2012, xe chúng tôi khởi hành từ Hà Nội. Trưởng đoàn là cụ Nguyễn Văn Khuông, người lính Tây tiến oai hùng một thuở giờ 91 tuổi, người nhỏ thó nhưng còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Ngồi bên cụ là ông Tráng A Pao, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương. Sinh năm 1945, vóc người cao lớn, giọng nói sang sảng và đặc biệt ông có tiếng cười rất dễ lây.
Ông Tráng A Pao là một pho sử về cuộc sống và phong tục của đồng bào các dân tộc ít người ở phía Bắc. Mới gặp, chúng tôi tưởng ông còn nhiều tuổi hơn các chiến binh Tây tiến U70. Nhưng qua vài chặng đường, qua các câu chuyện vui với chuỗi cười ha… ha… lôi cuốn của ông, chúng tôi đã thân mật gọi ông là “Người H’Mông”. Mấy ngày rong ruổi trong chuyến đi, “Người H’Mông” đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho chúng tôi về một chính khách có tầm hiểu biết sâu rộng, tận tụy với công việc và có tấm lòng yêu nước, thương dân. Trên xe, ngoài các CCB Đinh Phú Lân, Nguyễn Quốc Hội và chị em tôi còn có Bác sĩ Dương Tiến Năng, công tác tại bệnh viện 139 tiền phương Xiêng Khoảng từ 1968 – 1973 và ông Đinh Văn Quảng, nguyên tham tán đại sứ tại Lào. Năm 1968 ông Quảng là lái xe của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
Bữa trưa ở dốc Cun, chúng tôi nhập đoàn của Trung tướng Anh hùng vũ trụ Phạm Tuân. Ông rất cao lớn, xuề xòa, đi đến đâu cũng gặp nhiều người hâm mộ. Bắn thuốc lào rất điệu nghệ, ông còn là một cây tiếu lâm mang lại nhiều trận cười nghiêng ngả. Vợ ông, chị Tiến từng là cô y sĩ xinh đẹp nhiều năm phục vụ ở chiến trường C.
Theo yêu cầu của cụ Nguyễn Văn Khuông, chúng tôi đến viếng Đài tưởng niệm các chiến binh Tây tiến. Đài nằm trên đồi cao, mênh mang nắng và gió. Ngày xây dựng khu tưởng niệm này, cụ Khuông đã bỏ nhiều tâm huyết. Vuốt ve từng cây cột, từng nét khắc trên bia đá, cụ xúc động kể cho chúng tôi nghe về mô hình tháp Luông Parabang bằng đá đặt làm từ Hà Nội chở lên đây, về những dòng chữ tiếng Lào cụ đã tự tay nắn nót viết trên đá cho thợ khắc theo... Cúi đầu mặc niệm trước anh linh các liệt sĩ, cụ Khuông nói như một tiếng thở dài: “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc” là bởi ngày ấy gian khổ quá, chấy rận nhiều nên lính ta phải cạo trọc. Thiếu ăn, cộng với sốt rét rừng nên mặt xanh lét như màu lá, chứ không phải màu xanh của quân phục đâu”. Vậy mà đoàn binh ấy, qua bài thơ của Quang Dũng, vẫn oai hùng, lãng mạn, là thần tượng một thời của những thiếu nữ Hà Nội mộng mơ.
Chiều muộn đến Yên Châu, phố núi nhuộm vàng trong nắng quái. Chợ họp ven đường, khá đông bà con dân tộc bày bán sản vật của rừng. Cả thị trấn chỉ có hai nhà khách. Đoàn của thượng tọa Thích Thanh Vân từ Hải Dương lên ở riêng, và cũng ngồi mâm riêng trong buổi chiêu đãi tối hôm đó của YBND huyện Yên Châu. Mâm của chúng tôi la liệt các món đặc sản dân tộc, có cả canh hoa ban, xôi hoa ban lần đầu tiên mới được nếm. Mượn cớ chúc rượu, tôi sang ngó mâm các Thầy, chỉ vài món ăn thanh tịnh. Con gái Yên Châu vừa đẹp, vừa hát hay múa giỏi, chuốc rượu giỏi, khiến các cựu chiến binh phải ngất ngư say.
Xem bản đồ thấy điểm đến hôm sau nằm gần địa phận Mường Khôn nước bạn. Đường đi không xa, lại vừa được san sửa để chuẩn bị đón đoàn đại biểu Quốc hội hai nước Việt - Lào nhưng các đồng chí vẫn căn dặn phải khởi hành sớm vì rất khó đi.
Đúng như vậy. Dẫu không còn cảnh “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” nhưng xe chúng tôi vẫn phải nhảy chồm chồm trên mấy chục km đường biên. Xe xịn của Trung tướng Phạm Tuân cũng phải gửi lại đồn biên phòng dọc đường. Khu vực này nếu không có giấy phép đặc biệt thì không được vào. Ngồi cùng xe chúng tôi là Trung úy Hoàng Quang Huy, đội trưởng đội Phòng chống ma túy. Mặc thường phục trông rất trẻ, nhưng chỉ trong hai tháng, chàng trai này đã bắt được hai vụ buôn lậu “vàng đen” qua biên giới. Quản lí 16 cột mốc, phương tiện đi lại chủ yếu của họ là xe máy và lội bộ. “Xe công hay xe tư?” “Dạ, xe công có ít, chủ yếu dùng xe tư”. Con đường đất vàng bụi mù mịt này mùa mưa không xe nào đi nổi, đất thành bùn níu chặt bánh xe.
Đang mùa hoa ban nhưng chỉ thỉnh thoảng mới gặp vài cây lạc lõng, nở hoa trắng xóa. Núi và núi gối vào nhau, màu đất nâu vàng tơi rất nạc. Rừng ở vùng này đã bị phá gần hết để trồng mía và ngô. Hai tháng nữa màu xanh sẽ phủ kín các ngọn núi kia. Cụ Khuông xót xa: “Ngày trước rừng ở đây toàn gỗ to mấy vòng ôm. Rừng mất, thú cũng chẳng còn. Không có nước tưới, chẳng trồng ngô và mía thì biết trồng gì?”. Ông Nguyễn Văn Chiến, phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu nói như thanh minh: “Chúng tôi cũng cố giữ rừng, nhiều lần đưa người vi phạm ra xử mà rất khổ tâm. Dân trí thấp, họ không hiểu đốt rừng là phạm pháp”. Chỗ cua tay áo dốc ngược cạnh cột mốc làm cả ba xe trong đoàn bị chạm cong vênh bậc lên xuống, không mở được cửa.
Khi chúng tôi đến bản Lao Khô, đã thấy dân bản và các cháu học sinh đứng đón. Nhóm cựu chiến binh hôm nay diện quân phục màu xanh, lấp lánh quân hàm quân hiệu, đỏ chói các loại huân chương, huy chương thu hút ánh nhìn ngưỡng mộ của đám lính biên phòng trẻ măng và các cháu học sinh. Đàn tràng được dựng trong một ngôi nhà dài khoảng 10x30 m, khung sắt, mái tôn, không có vách. Đây là ngôi nhà do chính quyền địa phương dựng lên, kiêm nhiệm nhiều việc như họp chợ, tiếp đón các đoàn khách, họp dân bản… Trên bàn thờ, giữa khói hương nghi ngút, đã có một hòm vuông vắn phủ cờ Tổ quốc, đó là hài cốt của đồng chí Nguyễn Tín, nằm cách đấy khoảng 3 km, hôm trước đã được đội qui tập liệt sĩ rước về. Hôm nay chúng tôi sẽ chứng kiến việc bốc hài cốt của đồng chí Khăm Nhọt. Dân bản ra xem đông, rất nhiều trẻ con. Một phụ nữ còn trẻ địu đứa bé đằng sau, ôm đứa nhỏ hơn phía trước, lại có hai đứa nữa ôm chân. “Bao nhiêu tuổi?” “Không biết tuổi đâu”. Hỏi thăm, biết trung bình mỗi nhà sinh 5,6 con. Đất Lào hiếm người, không phải thực hiện kế hoạch sinh sản.
Trên khoảng đất dốc, chỗ hai cây mận hậu xanh mướt chừng 10 tuổi, trĩu trịt những chùm quả xanh to bằng đầu ngón tay giao nhau, Tiến sĩ Vũ Bằng đã dùng máy dò tìm hài cốt xác định, đánh dấu vị trí đồng chí Khăm Nhọt nằm chính xác bằng những chiếc cọc sơn đỏ. Trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương hai nước Việt Lào, các phóng viên truyền hình, báo chí và đông đảo bà con bản La Khô, Tiến sĩ Vũ Bằng cho máy đi tìm hài cốt hoạt động. Rất kì lạ, cần quay của máy như có nam châm, cứ chỉ vào khu đất đã được đánh dấu. Đưa máy lên trên vuông đất, cần quay xoay tròn. Phía dưới dốc xoay mạnh hơn, Tiến sĩ Vũ Bằng nói liệt sĩ được mai táng để đầu dưới thấp.
Một mâm lễ đơn sơ, một nắm hương trầm được đốt lên. Già làng Lao Lử đứng khấn trước mộ bằng tiếng Lào. Trước khi mất, cha của già là cụ Lao Khô đã giao lại cho già chăm nom hai ngôi mộ. Cụ Nguyễn Văn Khuông ôn lại chuyện xưa và khấn bằng tiếng Việt, xin linh hồn các liệt sĩ cho phép đồng đội đón về. Cụ cố nói rành rọt nhưng vẫn thỉnh thoảng phải dừng, đưa khăn lau mắt. Bà Sùng Thị Mai, Phó Văn phòng Hội LHPN Sơn La nước mắt đầm đìa, vừa rưới rượu cúng quanh phần mộ, bà vừa khấn to bằng tiếng H’Mông vừa khóc. Âm điệu tiếng H’Mông chơi vơi như gió núi của bà làm tất cả mọi người cùng khóc theo.
Cỏ cây lặng phắc, hồi hộp dõi từng nhát cuốc đầu tiên bổ xuống. Nhẹ thôi, xin hãy nhẹ tay thôi! 60 năm đã trôi qua, con dốc nơi anh nằm đất trôi gần hết, chỉ nạo đi chừng nửa mét đất màu, đã thấy lộ ra phần đất xốp xỉn hơn, thịt xương anh đã hòa tan vào đất! Lúc này, máy dò tìm hài cốt liệt sĩ của Tiến sĩ Vũ Bằng phát huy tác dụng rất tốt. Từng nắm đất lật lên được đặt dưới máy để thử. Một nắm, hai nắm, ba nắm… vẫn chưa thấy tín hiệu gì. Có cốt, tức là có từ trường, máy sẽ quay để báo hiệu. Đây rồi. Chiếc cần quay đã rung lên, xoay tròn nhè nhẹ trên tay Tiến sĩ Vũ Bằng. Cụ Nguyễn Văn Khuông òa khóc, run lẩy bẩy đỡ nắm đất đầu tiên trộn lẫn xương thịt của người đồng đội. Đây là đầu, đây là thân, đây là tay chân… từng phần thân thể của liệt sĩ lần lượt được các đại diện chính quyền, các quan khách danh dự nâng niu, đặt nhẹ vào tấm vải liệm. Đốt thêm tuần nhang nữa, không có khói nhang dẫn đường anh không về được đâu. Trung tướng Anh hùng vũ trụ Phạm Tuân dùng tay bóp nhẹ từng viên đất, mong tìm thấy dấu vết một chiếc răng chưa bị tiêu hủy. Xót xa quá anh ơi.
Ngày liệt sĩ Khăm Nhót hi sinh vì Tổ quốc, đất nước còn đau thương, nhân dân còn cơ cực, không dám mong có một quan tài đúng nghĩa, chỉ ước gì liệt sĩ có được một tấm vải bọc cho đỡ lạnh nơi núi thẳm rừng sâu. Tiến sĩ Vũ Bằng cầm máy đi vòng quanh mộ kiểm tra lần cuối. Cần quay lúc này chỉ vào một điểm duy nhất, đó là phần đất đã được đặt trong vải liệm. Đưa máy lên trên, từ trường khiến cần quay xoáy đều, ông tuyên bố việc bốc mộ đã hoàn tất. Tiếng hú hồn nhập cốt bằng ba thứ tiếng lại vang lên thống thiết, ba hồn bảy vía liệt sĩ ở đâu thì nương theo nhang khói mà về với quê hương Tổ quốc anh ơi! Khói nhang nhòa nước mắt, chút tiền vàng đốt lên tạ ơn thần đất đã gìn giữ, chở che liệt sĩ. Hài cốt liệt sĩ Khăm Nhọt phủ lá cờ Tổ quốc, trong vòng tay đồng đội được rước về đàn tràng, bên liệt sĩ Nguyễn Tín để làm lễ cầu siêu.
Tôi lùi lại phía sau, nơi bà Sùng Thị Mai, người con gái xinh đẹp giỏi giang của người H’Mông đang nồng nhiệt cảm ơn bản Lào, cảm ơn bà con người Lào đã đến tiễn đưa liệt sĩ Khăm Nhọt. Khuôn mặt trắng hồng, giọng nói cởi mở đôn hậu, bà chúc trai bản mạnh khỏe giỏi giang, chúc gái bản xinh đẹp như hoa như nụ. Buổi sáng bận rộn thế, nhưng bà đã kịp nhận làm con cháu cụ Sùng Thị Mẩy của bản Lào. Nhìn bà đứng giữa những gương mặt tươi cười của dân bản Phiêng Sa, tôi thật sự cảm phục và tin tưởng những cán bộ như bà đã là cầu nối thân thiện giữa người dân với chính quyền.
Đàn tràng được bày biện đầy đủ và long trọng với các chiến sĩ tiêu binh bồng súng đứng nghiêm trang dưới cờ Tổ Quốc. Hài cốt của hai liệt sĩ phủ cờ đặt chính giữa, khói hương nghi ngút. Bảy vòng hoa mang băng của chính quyền tỉnh Sơn La, của UBND huyện Yên Châu, của tỉnh Hủa Phăn (Lào), của Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, của Đại sứ quán Lào, của Hội Cựu chiến binh, của Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La. Vàng mã và hàng trăm bộ quân phục mã màu xanh xếp thẳng hàng, câm lặng. Tưởng như có các anh, những chiến binh “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”cũng hiện diện trong không khí thiêng liêng, trong tiếng nhạc trầm hùng của bài Quốc ca. Đại tá Bùi Như Thắng, phó Chính ủy Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La khai mạc buổi lễ truy điệu liệt sĩ. Ông Nguyễn Mạnh Du, phó Bí thư thường trực huyện ủy Yên Châu tiếp lời, nói lên lòng biết ơn của nhân dân với hi sinh xương máu của các liệt sĩ và quyết tâm của chính quyền trong việc tìm và qui tập mộ liệt sĩ. Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, Thượng tọa Thích Thanh Vân chủ trì lễ cầu siêu. Cùng Đại đức Thích Giác Đăng, Đại đức Thích Giác Lãm, Đại đức Thích Minh Ba… các Thầy cầu cho quốc thái dân an, cầu cho linh hồn các liệt sĩ nương theo khói nhang tìm về quê hương bản quán.
Vĩ thanh
Mùa xuân nơi biên giới nắng vàng như lụa. Chúng tôi thành kính đứng bên nhau, đón linh hồn các anh trở về cùng Đất Mẹ yêu thương. Ông Lê Văn Hạnh, PGĐ Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn Giáo, đại diện Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Nguyên, 444 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hải Dương và cũng là một cựu chiến binh nhân chuyến đi này cũng tặng quà gồm: Cặp sách, vở viết, lương thực... cho các em học sinh bản Lao Khô (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) và bản Phiêng Sa (Lào). Tổng số quà trị giá gần 10 triệu đồng. Đó là lời cảm ơn, tri ân bà con cô bác hai bản đã giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong chiến tranh giải phóng, bảo vệ đất nước Lào và Việt Nam, xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc bằng xương máu để chống kẻ thù chung, và đã chăm lo hương khói bảo vệ hai ngôi mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam.
Bữa cơm do UBND tỉnh mời được bày ngay tại chỗ. Ở nơi rừng núi vắng vẻ heo hút, rất khó đi này hẳn những người tổ chức đã phải rất cố gắng mới lo được bữa ăn chu đáo, tươm tất như vậy. Hơn một trăm người tham gia buổi lễ đã cùng nhau nâng chén chúc mừng thắng lợi của chuyến đi và chia tay nhau ngay tại đây.
Tạm biệt các chiến sĩ biên phòng trẻ măng, thoáng chút bùi ngùi, chúng tôi giao lại biên cương cho các cháu với một niềm tin. Tre già, măng mọc. Vâng, ở vùng biên ải này, chỉ cần mưa xuống, là măng lay sẽ tua tủa đội đất vươn lên, dẻo dai mà vững chãi…

Xuân tháng 3/2012
CHỬ THU HẰNG
(Nguồn: - Blog Chử Thu Hằng)
Tít bài Văn chương +





Các anh đã trở về với đất mẹ

“XA THẮM TRƯỜNG SA” BÀI ĐOẠT GIẢI THƯỞNG BÚT KÝ VĂN HỌC TẠP CHÍ NHÀ VĂN


Tôi đang dự đám cưới con trai của nhà thơ Trần Ninh Hồ thì nhận được điện thoại của chị Hương trên Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương gọi vào máy di động của tôi ( Số máy liên lạc được ghi trước trong hồ sơ đăng ký đi Trường Sa). Tôi chưa hề gặp chị nhưng nhận ra ngay chất giọng mềm mại , ấm áp của người Hà Nội đã nhiều lần liên lạc, thông báo với tôi về việc chuẩn bị đi Trường Sa. Chị bảo : 10 giờ ngày 2 tháng 4 năm 2007 anh phải có mặt tại Vùng 4 Hải quân, Cam Ranh để đi Trường Sa.

Chị nói tiếp: - Anh cho tôi số fax , tôi sẽ gửi thông báo và giấy mời sau. Tôi trả lời với chị là đang dự đám cưới, hẹn chị về cơ quan tôi sẽ cho chị số fax. Chị đồng ý. Chị Hương dặn thêm: Đây là công việc hết sức bí mật không được gọi điện và báo địa đIểm sẽ dến cho ai !  Tôi chấp hành. Về cơ quan tôi gọi cho chị Hương báo số fax để liên lạc. Đợi mãi vẫn không thấy chị Hương fax về, tôi suốt ruột điện hỏi chị vì đã mua lỡ vé tàu rồi. Chị Hương trả lời: - Thông báo này bí mật nên không thể gửi qua máy fax, sẽ có người mang đến tận tay cho anh. Quả vậy, gần cuối chiều 28 tháng 3, tôi mới được nhận thông báo thay cho giấy mời do người của Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương đưa tới.

Lần này Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung Ương cử 2 đoàn đi Trường Sa. Đoàn 1 gồm 8 người xuất phát tại Quân cảng, Tân Cảng Sài Gòn. Đoàn 2 gồm 11 người xuất phát tại Quân cảng Cam Ranh. Tôi thuộc đoàn 2. Ông Vũ Hồng Thanh trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bến Tre, trưởng đoàn ốm không đi được, chị Nguyễn Thị Trà Vinh biên tập viên Trung tâm Dữ kiện-Tư liệu TTXVN cũng vì lý do không đi được. Ông Đặng Hoài Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh An Giang được đề cử làm trưởng đoàn 2.

 Danh sách đề cử người đi Trường Sa đã chuẩn bị từ cuối năm 2006. Người được cử  đi phải làm hồ sơ lý lịch. Tôi thầm nghĩ : Đi nước ngoài còn không làm hồ sơ lý lịch, đi công tác trong nước mắc gì  mà phải làm hồ sơ lý lịch. Ai vượt biên được đâu? Lúc ấy tôi chưa hiểu tình hình Trường Sa đang có sự tranh chấp khá quyết liệt của nhiều quốc gia nằm trong vùng biển quần đảo này nên mới có những ý nghĩ như vậy!
       Anh Đỗ Kim Cuông ở trên Ban tư tưởng- Văn hoá Trung ương bảo tôi: - Ai qua biển Đông, nơi Vùng 4 Hải quân bảo vệ, họ đều phải biết lý lịch. Hoàng ạ, mình ở Phú Khánh hơn mười năm mà chưa đi được, vì ở dân sự rất ít người được đi Trường Sa, nên may mắn có dịp này Hoàng đi đi! Tôi nghe ra và chuẩn bị tinh thần đi Trường Sa!
        Đến thị xã Cam Ranh, tôi gọi xe ôm vào Vùng 4 Hải quân. Qua cổng một chẳng ai hỏi. Đến một chỗ không có biến chắn nào hết thì bị chặn lại. Một người lính hải quân đội mũ và áo bướm binh chủng chặn tay xe ôm và mời tôi vào doanh trại. Tôi trả tiền cho người xe ôm để anh ta về thị xã kiếm sống, còn tôi ngồi chờ người lính gọi lên cấp trên.
  Một thiếu uý mang sắc phục Hải quân chạy xe hon đa 50 đến chở tôi vào vọng gác chính. Tôi đưa thông báo thay giấy mời của Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương số 77, mật . Trên tít đề là Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội ngày 28 tháng 3 năm 2007. Một trung tá trực ban nhẹ nhàng bảo tôi : - Đã nghe thông báo của trên. Anh chờ một lát sẽ có xe chở anh tới địa điểm tập kết. Trung tá trực ban gọi điện, người thiếu uý lúc nảy lại chở tôi đến một doanh trại mới. Đó là Ban ngoaị vụ của Vùng 4 Hải quân. Đợi một lát quảng gần 10 giờ đại biểu các đoàn thể dân sự cũng tụ tập đông đủ. Có cả sinh viên ttường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội nữa. Sau đó có mấy chiếc xe ca chở mọi người ra Quân cảng Cam Ranh.
             Tôi tranh thủ tìm đọc các tài liệu nói về Trường Sa để hiểu thêm quần đảo này vì trước đó mình chỉ biết loáng thoáng.
        Trường Sa cũng như Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được tổ tiên gìn giữ từ lâu đời. Năm 1975, giải phóng miền Nam, Trường Sa trở về với Tổ quốc thống nhất. Quần đảo Trướng Sa được gọi nhiều tên như Hằng Sa, Đông Sa, Bãi Cát Vàng... Khu vực này là nơi sinh ra các cơn bão Biển Đông nên còn gọi là quần đẩo bão tố. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm diện tích khoảng 180 nghìn kilômét vuông nằm ở phía Đông - Đông Nam bờ biển Nam Trung Bộ. Phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa phía Đông giáp vùng biển Philippin, phía Nam giáp vùng biển Malaixia,Brunây, Inđônêxia, phia Tây là vùng lãnh hải của ta. Từ trung tâm quần đảo Trường Sa đến đến vùng biển Malaixia khoảng 250 hải lý, đến vùng biển Philippin khoảng 210 hải lý, đến vùng biển Brunây khoảng320 hải lý, đến đảo Hải Nam khoảng 600 hải lý, đến Đài Loan khoảng 900 hải lý, trong giới hạn vĩ độ 6o 30’N đến 12o  O’N và từ 111o 30’ E đến 117o 30’ E.
     Trường Sa chỉ có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Thực chất đó là những đỉnh nhô cao của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng 414 000 km2. Đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Thái Bình ( Ba Bình) có diện tích 0,6 km2, tiếp theo là các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, diện tích mỗi đảo khoảng 0,1 đến 0,2 km2. Độ cao các đảo không lớn, khi nước thuỷ triều lên , những đảo có bình độ lớn nhất cao trên mặt nước chừng 1.5 đến 2 mét; khi thuỷ triều xuống thấp nhất độ cao của các đảo so với mặt biển cũng chỉ từ 2 đến 5 mét. Có khoảng 18 đảo thuỷ triều không ngập là dân có thể ở được. Thực vật ở quần đảo Trường Sa có hai nguồn gôc: một là cây mọc tự nhiên như cây bàng vuông, cây tra, muống biển,  cây phong ba, ( dân tự đặt), cây bẫo táp (dân tự đặt); cây do người mang từ đất liền ra như dừa,phi lao, cây giàu,ớt tỏi, cây cảnh… Hàng năm Trường Sa có 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Chỉ tháng 4 là ít gió mạnh. Nhiệt độ quanh năm đều trên dưới 30oC. Trường Sa là vùng có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt.
  Vị trí chiến lược của Trường Sa hết sức quan trọng. Nó án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ân độ Dương và Đại Tây Dương, giữa Châu Âu, Châu Phi, Trung Cận Đông, Trung Quốc và Nhật Bản với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Là một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào ra hàng thứ 2 trên thế giới ( chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình một ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông.
  Về quân sự, quần đảo Trường Sa là lá chắn quan trọng bao quanh vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo thành một hệ thống cứ đIểm tiền tiêu để ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động trtanh chấp, lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao.
  Trường Sa từ lầu đời đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Trong các tài liệu và bản đồ cổ của Việt Nam và của nước ngoài đã ghi rõ quần đảo Trường Sa là lãnh thổ và nằm trong hệ thống địa lý hành chính của Việt Nam. Bản đồ của xứ Đàng Trong do Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 và Đại Nam nhất thống chí vẽ năm 1838 thì Bãi Cát Vàng (tức là Trường Sa) là lãnh thổ Việt Nam. Với tư cách là chủ nhân đất nước, Nhà nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ đã giữ gìn bảo vệ một phần biển đảo thiêng liêng của Tố quốc.                        
               Trước khi rời đất liền, Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức họp mặt thông báo tình hình Trường Sa và lãnh đạo Đoàn công tác cho mọi người biết. Trung tướng Bùi Văn Huấn, Uỷ viên Trung Ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn, Chuẩn đô đốc, Chính uỷ quân chủng Hải quân Trần Thanh Huyền làm phó đoàn. Đại tá Chính uỷ Vùng 4 Hải quân Nguyễn Đức Long chỉ huy hành quân. Đoàn công tác có 135 người, phục vụ 69 người, tổng cộng là 204 người. Cuộc họp điểm mặt chu toàn, vui vẻ. Bữa liên hoan và cuộc tiễn đưa Đoàn đến Trường Sa lên đường theo nghi lễ Hải quân hết sức long trọng. 
   Chiếc tàu HQ 996 chở Đoàn đi với dòng chữ nổi bật: “Nhiệt liệt chào mừng Đoàn công tác bộ Quốc phòng và các đồng chi đại biểu đi thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa 04 – 07”.
  Chúng tôi lên tàu nao nức hồ hởi. Sau đó đi tìm nơi nghỉ.Tôi giật mình khi thấy tên, chức danh của mình và nhiều đồng nghiệp khác đã ghi săn ở phòng ngủ. Chao ơi, bộ đội Hải quân làm công tác quản lý và tổ chức kỹ lưỡng không chê vào đâu được.
  Quảng hơn 6 giờ chiều tàu rú còi nhổ neo ra khơi. Quân cảng Cam Ranh đẹp như một bức tranh thuỷ mạc cổ. Biển xanh, trời xanh, nuí xanh lộng lẫy trong màu hoàng hôn bát ngát dần dần lùi xa. Tôi thấy lòng mình xuyến xao lúc rời đất cảng, chạnh nghĩ những chiến sỹ đi công tác lâu dài ngoài biển cả họ bâng khuâng lưu luyến biết nhường nào khi rời đất liền. Khoảnh khắc đẹp này tôi lại nhớ đến bài hát “Tâm tình người thuỷ thủ” của Hoàng Vân phổ nhạc bài thơ cùng tên của nhà thơ Hà Nhật nổi tiếng một thời: “Tạm biệt em yêu/ Vẫy chào thành phố cảng thân yêu/ Em ơi, chớ hỏi anh rằng, anh nhiều/ Vì sao xa khơi kia có những gì kêu gọi anh! Nhổ neo ra khơi anh biết rằng nếu ở cuối trời có những hòn đảo xinh tươi đầy châu báu/ Hay có nàng thiếu nữ với đôi môi hồng như san hô/ Vẫn không thể làm anh xa được em yêu!”
   Đêm đầu tiên trên biển, mọi người thức rất khuya, ai cũng lên bong tàu, mũi tàu ngắm nhìn trời nước của Tổ quốc xa xôi, rộng dài. Và cuộc giao lưu văn nghệ giữa quân dân rất sôi nổi ấm cúng, đậm đà. Sinh viên nghệ thuật biểu diễn hết mình, các bậc lãnh đạo cao niên cũng tham gia hát những bài ca mình yêu thích.
  Đến sáng ngày thứ ba khi ánh bình mính hồng lựng phía chân trời thì hòn Trường Sa lớn đã mờ thấp thoáng trong khói sương. Ai có máy ảnh đều lên bong tàu, mũi tàu tranh thủ chớp lấy nét đẹp hiếm có của một phần đất đai của Tổ quốc.
   Vì thời gian eo hẹp, vì các đảo nằm xa cách, nên Đoàn công tác được chia thành nhiều nhóm để đi các đảo. Nhóm đi đảo Đá Lát, nhóm lên đảo Trường Sa lớn. Tôi được lên đảo Trương Sa lớn. Phút đón tiếp đại biểu của các chiến sỹ trên đảo Trường Sa lớn cũng đầy cảm động và long trọng bằng nghi lễ Hải quân không kém lúc tiễn đưa Đoàn từ  Quân cảng Cam Ranh ra biển. Tôi càng xúc động hơn khi nhìn người thật, biết việc thật của những con người dạn dày sóng gió, dám hy sinh bám trụ trên biển đảo, bảo đảm yên bình cho biển trời. Mình như được trở lại quân ngũ sống những ngày trận mạc hiểm nguy của những ngày đánh Mỹ nhưng thật hào hùng, nghĩa hiệp của anh bộ đội cụ Hồ.
  Trường Sa lớn là thủ phủ của huyện đảo Trường Sa. Trụ sở của Uỷ ban nhân huyện đóng gần các doanh trại quân đội. Nhà cửa trên đảo rất khang trang không thua đất liền là bao. Có nhà lầu, có hội trường lớn nhỏ. Công trình vệ sinh: giếng nước, nhà tắm sạch sẽ khang trang. Nhìn các công trình xây cất trên Trường Sa mới biết Đảng và Chính phủ đã dầu tư bao nhiêu tiền của mới được như hôm nay. Bỡi vì ta biết xây một cái nhà hai tầng trên Đảo độ 100 m2 thì bằng xây một khu phố trên đất liền. Bao nhiêu máu quân dân đổ ra để được như hôm nay. Khi chúng tôi đến thì  huyện đảo Trường Sa đang tổ chức lễ kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa ( 29 – 4 – 1975 _ 29 – 4 – 2007) và tuyên truyền học tập nội dung, thể lệ bầu cử Quốc hội khoá XII vào ngày 20-5- 2007 sắp tới. Ông Tạ Trung Đức, đảo phó, Bí thư Đảng uỷ, tổ ttưởng tổ bầu cử đang họp mật cử tri nói về quyền lợi và nghĩa vụ công dân khi cầm lá phiếu. Việc làm này của huyện đảo Trường Sa đã được đưa lên trên báo chí và các cơ quan truyền thông khác từ nhiều năm trước. Trong đất liền sự kiện này là bình thường nhưng ở Trường Sa là một sự kiện nổi bật. Hơn 63 cử tri đều hồ hởi lắng nghe học tập thể lệ bầu cử Quốc hội. Tôi hỏi anh Trần Văn Thăng:- Anh hiểu ý nghĩa, nội dung bầu cử Quốc hội, quyền lợi, nghĩa vụ của người cử tri chưa?  Trần Văn Thành là chiến sỹ sinh năm 1982 quê ở Quỳnh Ngọc, Quỳnh Phụ, Thái Bình ra Trường Sa 7-2006. Thăng đáp: -  Tôi biết 2 tháng nữa sẽ bầu cử Quốc hội khoá XII, tôi thấy cuộc bầu cử có nhiều ý nghĩa quan trọng với nước ta ở thời kỳ đổi mới, hội nhập. Bầu cử Quốc hội thể hiện quyên dân chủ của một công dân để chọn người xứng đáng lo việc nước. Tôi hoàn toàn thông suốt và tự hào khi cầm là phiếu đI bầu. Vinh dự hơn nữa mình là người chiến sỹ Trường Sa  được đi bầu cử . Tôi cười:- Bạn nói khá sách vở đấy. Thành đáp: -Không phải, em hiểu từ tấm lòng của em! Đây là lần đầu tiên em được đi bầu cử.
   Rời tổ bầu cử, tôi tìm gặp anh em chiến sỹ của Trạm ra đa 11. Ngày 12 tháng 12 năm 2000, Trạm ra đa 11 được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới. Trạm ra đa 11 thuộc D 292, F 377, Quân chủng Phòng không – Không quân có bề dày trong kháng chiến chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cămpuchia. Ngày 17-3-1988 khi xảy ra sự đụng độ ở Trường Sa với nước ngoài thì đơn vị được lệnh hành quân ra đảo. Từ đó đến nay 19 năm làm nhiệm vụ trên đảo, mặc dù vũ khí, khí tài cũ, sử dụng nhiều năm hỏng hóc nhưng đơn vị vẫn liên tục sẵn sàng trực chiến bảo đảm chiến đấu 24/24giờ, quản ly tốt các mục tiêu bay qua khu vực.
     Năm 2006, đơn vị đã kịp thời bắt và phát hiện 76 mục tiêu (tốp) bay qua khu vực Trường Sa. Đơn vị đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị phối thuộc trên đảo để bắt và kiểm soát các mục tiêu. Khương Công Vũ, thiếu tá Trạm trưởng, cho biết : - Qua 19 năm đơn vị liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, chi bộ trong sạch, đơn vị vững mạnh toàn diện đạt danh hiệu quyết thắng. Về khó khăn thì nhiều khó khăn lắm, nào khí tài đã cũ, thời hội nhập máy bay, tàu thuyên xâm nhập liên tục, cường độ làm việc của cán bộ chiến sỹ căng thẳng. Mùa mưa bão tàu thuyền ít ra nên đời sống của anh em thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Tình cảm thì quá thiếu thốn.
    Tôi biết Trường Sa không có bóng con gái. Phụ nữ chưa đến sống lâu dài với đảo.
Thảng hoặc có văn công nữ, chị em các cơ quan đát liền ra thăm vội vàng rồi trở về để lại nỗi mơ mòng, tơ tưởng cho cán bộ, chiến sỹ mà thôi!
 Tôi đồng cảm những day dứt suy tư của các chiến sỹ. Ngày dánh Mỹ ở biền biệt mười năm trong núi rừng, những vùng rừng không dân. Cả nước đều hy sinh như vậy nên sự hy sinh của bộ đội cũng như mọi người. Nay đất nước thanh bình mọi người ai cũng được vui hưởng thụ mà chiến sỹ hy sinh cả vật chất lẫn tình cảm thì điều này ai cũng phải day dứt, băn khoăn. Nhưng quân đội mình thì khác quân đội một số nước. Anh bộ đội phải biết hy sinh trước tiên. Thời chiến tranh chống Mỹ ở trên chốt nhìn qua các đồn địch cứ cuối tuần Mỹ cho máy bay trực thăng chở gái các thành phố lên cho lính giải trí. Qua ống nhòm thấy lính Mỹ, nguỵ chực sẵn ở bãi, hễ có cô gái trần truồng nào ra khỏi máy bay là chúng bu đến như ruồi, mỗi đứa ẵm mỗi con điếm chạy vù vào các hầm hào công sự. Thủ trưởng của tôi tức quá chưởi thề: - Đụ mạ, chúng mày hưởng lạc như thế sẽ thua chúng tao!           Nguyễn Ngọc Giang, thiếu tá Chính trị viên Trạm ra đa 11 trầm tĩnh hơn: -Gian khổ như vậy, nhưng chúng tôi lấy hoàn cảnh xa vợ, xa con của mình ra để động viên cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, khỏi phụ lòng cả nước lo cho Trường Sa, hướng về Trường Sa!                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  Tranh thủ phút ít công việc, tôi gặp đảo trưởng Nguyễn Bạch Dương. Tôi nhận ra anh vì có một lần chương trình VTV3 phát hình anh.  Nguyễn Bạch Dương người gọn nhỏ, da sạm nắng biển. Trong anh rất thư sinh thế mà anh ra đảo từ đầu năm 2005 và chỉ huy một đảo lớn. Đảo duy nhất có sân bay trên Trường Sa của ta. Anh quê ở Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Vợ dạy trung học cơ sở và hai con đều ở trong đất liền. Anh báo cáo vắn tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đảo:
  - Năm 2006, kết hợp với Trạm ra đa 11, Đảo đã quan sát phát hiện kịp thời cac mục tiêu trên không: 8 887 tốp. Đáng chú ý trong năm 2006 có 16 lượt máy bay Trung Quốc, Philíppin bay qua Đảo ở độ cao thấp; phát hiện các mục tiêu trên biển: gồm 621 lượt tàu bè, riêng tàu quân sự Trung Quốc là 2.
  Đảo đã chủ động xây dựng, bổ sung kiện toàn đầy đủ các kế hoạch, phương án chiến đấu, củng cố hầm hào công sự, đường cơ động đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Anh Nguyễn Bạch Dương thay mặt Đảo có mấy đề xuất:
Đề nghị cấp trên quan tâm hơn nữa về vật chất phục vụ nâng cao đời sống bộ đội như bàn ghế, tủ gường, đài casset, radio. Tăng lượng phát sóng, tuyên truyền nhiều hơn về quần đảo Trường Sa và người lính đảo. Tạo điều kiện thuận lợi học tập, học nghề cho các chiến sỹ khi hết nghĩa vụ  ở Trường Sa.
Đây là những yêu câu rất khiêm nhường mà đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhan dân Việt Nam lắng nghe và ghi nhận.
  Sau đó tôi theo các đồng chí Trưởng, phó đoàn và các đại biểu đi thăm hầm hào. cơ sở chiến đấu của Đảo. Là người lính trải qua chiến đấu, tôi vô cùng sửng sốt cảm phục trước các hệ thống phòng ngự mà bộ đội công binh hải quân xây dựng. Với hệ thống phòng thủ này, với tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sỹ, chắc chắn không có một thế lực ngoại xâm nào lấn chiếm biển đảo của ta.Tuy thế nhưng hoả lực của mình thì quá cũ và quá yếu. Không biết còn cất dấu ở đâu, chứ  cái tôi nhìn được như xe tăng thì có từ trước cả thời chống Mỹ, súng cối 60, cối 82 cũng đã quá cũ. Súng phòng không càng cũ hơn. Súng 12ly7( thường gọi là 12 ly vác), bộ đội không dùng chỉ cho dân quân du kích sử dụng cũng thời chống Mỹ giỡ cũng có trên bệ pháo. Súng cá nhân AK báng gỗ, AK báng gập của thời tôi nhập ngũ thập kỷ 70, nay các chiến sỹ vẫn cầm tay. Tất cả các vũ khí cỗ lỗ này các chốt trên các đảo Trường Sa đều sử dụng. Thời hiện đại tên lửa tomohow, súng bắn lade, tên lửa vượt mặt trăng thì trang bị vũ khí của bộ đội ta quả quá là “khiêm tốn”. Điều này Đảng và Nhà nước phải biết chứ không thể lấy xương thịt đọ với mãi với sắt thép của quân thù!
   Tối ngày 4 – 4- 22007 dự lễ mít tinh kỷ niệm32 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa xong, Đoàn công tác lên tàu đi đảo Đá Tây. Đảo Đá Tây nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, toạ độ 8o 52’ vĩ độ Bắc, 111o 21’ kinh độ Đông cách đảo Trường Sa lớn 22 hải lý về phía Đông Bắc. Đây là một trong những dảo có vị quan trọng trên quần đảo. Đảo Đá Tây có hình dạng quả trám, bao quanh có long hồ rộng rất thuận lợi cho các tàu thuyền nhỏ vào neo đậu khi gió bão lớn. Tàu đi chưa đến một đêm thì tới đảo Đá Tây. Các đại biểu, cán bộ lần lượt xuống xuồng để lên đảo.
  Quân và dân đảo Đá Tây đang triển khai thí điểm nuôi trồng hải sản. Ông Vũ Văn Tám thứ trưởng Bộ Thuỷ sản thành viên của Đoàn công tác cho tôi biết: “ Bộ Thuỷ sản đang triển khai xúc tiến nuôi trồng thuỷ sản ở Trường Sa. Tổng Công ty Hải sản Biển Đông phối hợp với Tổng Công ty Trườg Sa làm thí điểm nuôi cá lồng trên các đảo. Đá Tây là điểm nuôi cá lồng được bộ Thuỷ sản đầu tư khá lớn.  Xây nhà thí nghiệm, ăn ở, lồng cá trên 100 tỷ đồng ngay canh đảo Đa Tây.Dự kiến đây sẽ là Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá phía Nam Trung Bộ. Bộ Thuỷ sản và các đơn vị thành viên học tập kinh nghiệm đã triển khai ở các đảo Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, tổ chức đăng ký kiểm tra tàu thuyền đến thàng 4 – 2007 cơ bản đã hoàn thành, khuyến khích, tài trợ cho ngư dân đẩy mạnh đánh bắt khai thác hải sản.”
  Bộ Thuỷ sản đã có những tầm nhìn chiến lược. Trước đây quần đảo Trương Sa phong phú hải sản nhưng sau ba mươi năm cả ta cả nhiều quốc gia khác người ta khai thác nguồn lợi thuỷ sản vô tội vạ, phản khoa học nên thuỷ sản gần như cạn kiệt.
Nhiều chiến sỹ Trường Sa kể rằng: - Trước đây nhúng tay xuống biển cá chạy tới đặc kìn như cá để trong bể. Thế mà giỡ chẳng thấy con nào. Vài con bơi lượn lờ từ ngoài xa. Ngư dân của ta phải đi qua đánh bắt  vùng biển của Philíppin, Inđônêxia, Malaxia, Brunây. Trước đây họ đuổi nay thì họ bắt thật, sau đó  đục thủng song nồi rôi trả về bằng đường đại sứ quán.Thế nhưng vì đói khổ ngư dân vẫn lẻn đánh bắt trộm. Đến đâu thì đến có chết cũng thôi.
   Thượng tá Thái Hồng Bình, Phó giám đốc Công ty Hải sản Trường Sa cho biết: “ Tiềm năng nuôi trồng hải sản ở Trường Sa là rất lớn. Muốn làm tốt việc này trước hết phải làm tốt khâu dịch vụ nghề cá, đặc biệt chú trọng nước ngọt, xăng dầu, cầu cảng để bà con ra vào thuận lợi trong viêc khai thác đánh bắt hải sản. Thứ nữa là phải có chính sách đãi ngộ thu hút đội ngũ kỹ sư thuỷ sản trẻ để họ đến công tác lâu dài ở Trường Sa cho họ thử sức, thử tay nghề và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
        Các Tổng Công ty Hải sản triển khai việc nuôi trồng hải sản trên Trường Sa tuy có muộn và chưa ra tấm, ra móm gì nhưng dẫu sao có vẫn hơn không. Đây là việc làm có ý nghĩa quốc kế dân sinh và ý nghĩa chiến lược phòng thủ bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo hết sức quan trọng.
  Ông Vũ Văn Tám cũng nói thêm: - Cái chính là phục vụ dân . Trước mắt không nên tinh lỗ lãi, có chính sách thu mua ngay tại Trường Sa, có chính sách trợ giá cho người khai thác, nuôi trồng thuỷ sản.
  Hiện Đá Tây đã nuôi 2 bè lồng cá ngựa trên 12 000 con và 1 lồng bè cá mú: 10 000 con. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành Thuỷ sản
  Trung uý Nguyễn Văn Pha, một kỹ sư thuỷ sản trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp đại học tình nguyện đến với Trường Sa để làm công tác nghiên cưu khoa học nuôI trồng thuỷ sản . Anh nói: Vẫn biết ra Trường Sa thì điều kiện nghiên cứu, vật dụng làm thí nghiệm khó khăn hơn đất liền nhưng bù lại là anh có thực tế cuộc sống phong phú giúp anh hoàn thành những đề tài từng ấp ủ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
  Tôi hỏi: - Có ai ra cùng anh không?
  Anh Pha đáp: - Cả khoa học chỉ một mình tôi ra mà thôi.
  Tôi tiếp: - Buồn nhiều không?
Anh Pha trả lời: - Lúc đầu thì buồn, vì 3 tháng mới có tàu ra tiếp tế một lần, sách báo tin tức gia đình đều đến chậm lắm. Nhưng dần dần thì nguôi ngoai đi. Công việc cuốn hút nên cũng tạm quên nỗi buồn.
Nguyễn Văn Pha cũng như bao chiến sỹ Trường Sa khác họ đã biết hy sinh những nhu cầu cá nhân để phục vụ sự nghiệp chung của Tổ quốc.
Gương dấn thân của kỹ sư Nguyễn Văn Pha cũng giống gương sáng của trung uý bác sỹ quân y Nguyễn Quang Đạo tổ trưởng tổ quân y trên đảo Phan Vinh.
 Đạo tốt nghiệp Học viện Quân y hệ đa khoa. Vừa cưới vợ xong là xung phong ra Trường Sa công tác. Đây không phải làm việc làm nông nổi, anh hùng rơm mà là một tấm gương sống và cống hiến của thế hệ trẻ.  Vì gia đình Đạo là gia đình trí thức. Bố là bác sỹ công tác trong ngành công an. Anh là thạc sỹ y khoa đang giảng dạy tại Học viện Quân y. Vợ là cán bộ ngân hàng, gia đình có vị thế xã hội. Tìm một công việc an nhàn trong quân đội đối với Đạo không khó. Nhưng anh nói: - Thế hệ cha anh biết cống hiến cho đất nước, anh ruột tôi cũng đã có 2 năm ( 2001- 2003 ) công tác tại Trường Sa, lẽ nào thế hệ mình chỉ ngồi hưởng thụ. Đạo lên đường không một đắn đo suy tín thiệt hơn. Dù người thân, bạn bè và cả anh nữa đều biết công tác ở Trường Sa là gian nan, khốn khó, có khi phải chiến đấu hy sinh. Nhưng đã xác định trước, Đạo nhận công tác và làm việc không biết mệt mỏi.
Từ năm 2006 đến nay, Đạo đã mổ thành công 4 ca cấp cứu ruột thừa ngay ở đảo Phan Vinh. Hai trường hợp là của quân đội, hai trtường hợp là của dân thường là bà con đi đánh cá trên biển xin vào cấp cứu. Trên Trường Sa các đảo cũng có nhiều bác sỹ nhưng chưa bác sỹ nào dám mổ. Mổ thành công trên đảo là chuyện phi thường, Bỡi trong đất liên đầy đủ tuốc men, dụng cụ mà có khi còn sơ sẩy, huống hồ ngoài đảo cách đất liền hàng nghìn dặm. Việc làm của Đạo đã để lại nhiều tình cảm mến yêu trong quân đội và nhân dân. Tấm gương sáng của trung uý bác sỹ Nguyễn Quang Đạo, trung uý kỹ sư Nguyễn Văn Pha và nhiều cán bộ chiến sỹ Trường Sa khác nở đẹp như hoa san hô hồng trên biển đảo. Họ làm cho trang sử Trường Sa thêm thắm tươi! Quân đội, nhân dân cả nước
Họ làm cho trang sử Trường Sa thêm thắm tươi! Quân đội, nhân dân cả nước tự hào về họ, về thế hệ trẻ hôm nay biết cống hiên tuổi xuân, trí tuệ, sức lực cho sự sống còn lâu bền của Tổ quốc. Rời đảo Phan Vinh, đảo mang tên người anh hùng, thuyền trưởng tàu không số trong thời kỳ chống Mỹ, tàu HQ996 chở Đoàn công tác dến đảo An Bang. Đảo An Bang là đảo quanh năm sóng to gió lớn. Lãnh đạo Đoàn chỉ cho một số ít cán bộ chiến sỹ hải quân có kinh nghiệm theo xuồng đem quà, tặng phẩm vào đảo. Anh chị em văn công đành phải đứng hát trên tàu qua máy bộ đàm tặng các chến sỹ đảo An Bang. Nhiều người vừa hát, vừa khóc. Tình cảm quân dân thật là sâu đậm. Rồi đoàn phải chia tay các chiến sỹ đảo An Bang trong làn sóng điện.
Trước khi về Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Đặng Hoài Dũng tổ trưởng tổ công tác đoàn 2 thuộc Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương triệu tập họp  tổ để nhận xét, rút kinh nghiệm  chuyến đI và đề đạt ý kiến lên cấp trên do yêu cấu của Ban trước khi đi Trường Sa.
Những ý kiến tựu trung là: - Du lịch chưa vào cuộc. Trường Sa sẽ là địa danh du lịch nối tiếng, kể cả du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Ngành du lịch phải có tầm nhìn quốc tế, có chiến lược vỹ mô để khai thác tiềm năng du lịch Trường Sa. Ngành Thuỷ sản đã bắt đầu triển khai nhưng nhỏ giọt cò con, mang tính chất thí nghiệm là chính. Nguy cơ thuỷ sản Trường Sa cạn kiệt. Nếu không đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản thì Trường Sa là một biển chết. Các phát minh khoa học chưa được áp dụng. Như việc trồng rau xanh bằng dung môi đã được triển khai hơn 10 năm trong đất liền nhưng chưa áp dụng cho các chiến sỹ trên biển đảo. Họ vẫn phải trồng rau màu trong các xô nhựa ,thau, chậu cảnh. Cần phải hiện đại hoá trang bị vũ khí cho bộ đội. Khi cụ, khí tài, vũ khí, đạn được đã cũ kỹ lại còn lạc hậu. Cần trang bị cho mỗi đảo hai xuồng máy để liên lạc, ứng cứu, tác chiến và làm các công tác hữu ích khác. Mười năm trở lại đây Trường Sa chưa có đổi thay gì nhiều. Đảng và Nhà nước phải có đội ngũ tư vấn tham mưu tốt để không cấp kinh phí cho nhiều dự án, công trình nghiên cứu khoa học không có hiệu quả, không khả thi, tập trung kinh phí đầu tư cho Trường Sa. Với sự tranh chấp của các nước và sự đầu tư của họ, Trường Sa sẽ mất uy thế chiến lược!
Tôi cũng phát biểu ý kiến đóng góp thu hoạch trong chuyến công tác. Tôi nói: - Ở các lĩnh vực kinh tế tôi không rành lắm chỉ biết Nhà nước tiêu tồn hàng nghìn tỷ đông cho những dự án không đem lại hiệu quả thiết thực, làm hao hụt ngân sách quốc gia. Riêng lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật có nhiều vụ chi ngân sách làm phim bỏ kho, làm tượng đá “ phơi những lối mòn” tốn tiền Nhà nước hàng chục triệu đô la mà không để lại giá trị gì đáng kể, có khi phản nghệ thuật nữa. Số tiền ấy đủ trang bị hoả lực mạnh cho một chốt đảo hay xây một cột ăng ten thu sóng Đài tiếng nói Việt Nam hoặc mua được một  con tàu biển để nối liền các đIểm đảo Trường Sa. Những người ký chi tiền vô bổ ấy cũng đã đến thăm Trường Sa nhiều lần trước đây. Ai cũng hoài nghi là anh em mình thảo luận chắng khác gì gái goá bàn việc triều đình. Những điều tâm huyết sát thực như thế này có đến trời cao hay không?
Ngày mồng 9 – 4 - Đoàn công tác đến Nhà Giàn DK1, 14 thuộc khu vực tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Nhà Giàn kết cấu như giàn khoan giếng dầu nhưng nhỏ hơn. Các cột thép đóng sâu xuống đáy biển từ 20 đến 25 mét. Từ đáy biển lên mặt nước biển độ 15 mét, từ  mặt nước biển lên phòng ở là 25 mét. Như vậy tổng chiều cao cột thép là phải 65 mét. Theo thiết kế Nhà Giàn chịu được bão cấp mười. Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu  trước đây có 19 Nhà Giàn nhưng do bão gió nay 4 Nha Giàn bị đổ, 13 cán bộ chiến sỹ hy sinh. Nay còn lại 15 Nhà Giàn. Khu vực Nhà Giàn do Lữ đoàn 171 ( thuộc Vùng 4 Hải quân) quản lý với nhiệm vụ bảo vệ các trọng đIểm kinh tế và hoạt động kinh tế, dịch vụ.
Chiều 8 –4 –2007 Đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm 13 cán bộ chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực Nhà Giàn DK1 năm 2006. Buổi lễ tổ chức chu đáo theo nghi thức của người đi biển. Khi vòng hoa thả xuống đại dương, tất cả mọi người ai có quà gì thì thả xuống biển để tưởng nhớ các hương hồn liệt sỹ. Người thì thả gói thuốc, người thì thả đồng bạc, có người cẩn trọng mang sẵn nắm đất trong đất liền thả xuống biển. Tôi cũng thả chiếc lược và mấy đồng bạc cho các liệt sỹ. Nhiều ánh mắt rưng rưng. Tình đồng đội sống chết thật là thiêng liêng gắn bó. Trước đó thì biển nổi sóng đến cấp bảy, cấp tám. Sóng bạc đầu trắng xoa cả đại dương. Nhưng sau buổi lễ, tự nhưng trời nước yên bình, lòng trời đất nhẹ nhõm mà lòng người cũng thanh hoát, yên lành.
Sau buổi lễ tưởng niệm, tàu HQ 996 chở Đoàn công tác về đất liền.Thế là chúng tôi lại tạm biệt Trường Sa, tạm biết biển Đông. Biết bao giờ gặp lại những chiến sỹ, những con người gan góc, dũng cảm những đồng đội một thời của tôi. Lòng tôi tràn dâng một nỗi niềm kính yêu và cảm phục vô cùng.
 Khi vòi vọi nhìn những con sóng màu chàm tím lướt nhanh qua mạn tàu, tôI bồi hồi  lại nhớ đến  bài hát “Tâm tình người thuỷ thủ”:  “Nhưng em ơi! Nếu có những chàng trai chưa từng vượt qua nhiều sóng gió. Nếu có những chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao. Có lẽ nào sánh với tình em!”
Trường Sa – Hà Nội tháng 4 – 2007
Đỗ Hoàng
(1) Bài được giải thưởng cuộc thi Bút ký Văn học Tạp chí Nhà văn năm 2007 - 2008

ĐỖ NGỌC YÊN - “THƯƠNG LƯỢNG VỚI THỜI GIAN” TỪ GÓC NHÌN THI PHÁP


Dù đã ra đời cách đây bảy năm (2005) nhưng “Thương lượng với thời gian” vẫn là tập thơ “mới nhất” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Xung quanh tập thơ này có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đây là một tập thơ đáng đọc, vì chính ở đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một Hữu Thỉnh đang tự đổi mới mình về khía cạnh thi pháp.


Từ mạch nguồn truyền thống

Tập thơ “Thương lượng với thời gian” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2005, dày khoảng 100 trang, với 56 bài thơ chia làm ba phần. Ngoài thơ ra, tập sách còn có “Lời chú của tác giả” với những thông tin rất đáng chú ý: “Tập sách nhỏ này tập hợp những bài thơ tôi làm rải rác trong vòng hơn mười năm qua... Trong quá trình xuất bản, tác giả đã xem lại và sửa chữa theo góc nhìn của nhận thức mới... Trong các trường hợp sửa chữa, xin được lấy văn bản trong tập sách này là chính thức...”(1)
Có thể nói đây là một trường hợp hy hữu, mà tập thơ cần phải có “Lời chú giải của tác giả”. Chắc chắn sự cẩn trọng của tác giả là không thừa và ít nhiều cũng hé lộ cho chúng ta thấy nhà thơ Hữu Thỉnh rất tôn trọng độc giả và cũng là người có trách nhiệm với chính mình. Ngay cả việc chia tập thơ ra làm ba phần đã thể hiện khá rõ ý đồ của tác giả. Bởi lẽ trong phần hai và ba là những bài thơ về đồng chí, đồng đội, người thân... và những bài thơ tình vốn là những đề tài thuộc sở trường của nhà thơ Hữu Thỉnh đã được khẳng định từ cách đây hàng chục năm.
Ở những tập thơ trước, giọng thơ của ông thuộc hai mảng đề tài trên dường như không trộn lẫn được với ai. Có thể nói không cần biết tên tác giả, những người quen thẩm thơ, đặc biệt là đối với các nhà thơ mà tên tuổi của họ đã được khẳng định từ thời chống Mỹ như: Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng... sẽ không mấy khó khăn để nhận ra chất giọng thơ của từng người.
Điều ấy thể hiện khá rõ trong các bài thơ ở hai phần của “Thượng lượng với thời gian”. Mảng thơ tình ở phần ba, với cách nói thủ thỉ, nhưng khá đằm, theo cách mà dân gian gọi là “nói đây chết cây Hà Nội” là chất giọng thơ của Hữu Thỉnh, có từ những tập đầu tiên:
“Hai nhà lưng dựa vào nhau
Cành xoan bên ấy ngả đầu sang đây 
Lá sả đấy gội đây say
Ru em bên ấy bên này thiu thiu 
Hôm qua bên ấy lẩy Kiều
Bên này căm mãi cái mưu Tú Bà 
Mải nghe chênh chếch trăng tà
Đầu hồi bên ấy ngả qua bên này 
Sáng ra nắng trĩu cành cây
Mái lá bên này choàng cả bên kia” 
(Hai nhà)
Cần lưu ý đây là bài thơ ông viết cách đây đúng tròn một nửa thế kỷ (1962). Còn đây là bài thơ tình ông viết sau đấy 20 năm (1982):
“Chẳng có ai dạy hoa
Nở cách nào thì thắm
Thế mà họ khuyên em
Đừng yêu anh, bất hạnh
Em bướng bỉnh như trời
Nối sào không chịu thấp
Anh lầm lì như đất
Ai nói gì cứ nâu”
(Hạnh phúc)
Sự bướng bỉnh, kiêu kỳ của em như cây sào được nối dài thêm, làm sao có thể thấp xuống được. Còn anh thì lầm lì gan cóc tía, như màu nâu của đất. Vậy cớ gì còn phải nghe ai khuyên. Chúng mình tự quyết định lấy tình yêu, hạnh phúc của đời mình thôi.
Ở phần hai của tập thơ, vẫn với giọng nói hồn hậu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, sự hy sinh, mất mát của đồng chí, đồng bào mà ta đã gặp ở những tập thơ trước đây của ông:
“...Mái lá, tường cũng lá
Trời trong chum nước chiều
Mộ con xây trước cửa
Chim xà day dứt kêu
Hậu cứ, đơn sơ vậy
Quân đi và quân về
Bóng vườn ôm chiến trận
Biển đầy thương Bến Tre...”
(Bóng dừa)
Hay:
...Đất nghỉ chút thảnh thơi sau vụ gặt
Hả hê chưa, đồng thoáng, ếch đang kêu
Tôi cúi nâng Hoà Bình lên một tuổi
Lính xa quê sum họp với hoa bèo...”
(Mưa trên lộ 4)
Tuy nhiên ở phần hai có một bài mà nhà thơ Hữu Thỉnh viết tặng nhà thơ Chính Hữu, người đồng chí, đồng đội của ông cùng ở Nhà số Bốn trước đây khá xúc động và hay, vì nó được thể hiện bằng một cách nói mới, như là sự báo hiệu một điều gì đó hướng đến sự đổi mới thi pháp của ông:
“Anh là khách quen của những buổi chiều
Bạn thân cùng im lặng
Anh chỉ mong tạo ra nhiều khoảng trống
Khoảng trống dịu dàng quà tặng của mùa thu
...
Thế kỷ sóng to
Anh lặn qua tận đáy
Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi
Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ
...
Cây vẫn đây mà năm đã qua
Xuân lại đến giúp Anh làm gậy chống”
(Gửi người bộ hành lặng lẽ)
Giản dị, hồn hậu và có khi pha chút hào sảng, nhưng vẫn đầy ắp sự hàm ơn đồng chí mình đã đem đến cho nhà thơ một bài học quý giá về lối sống và lẽ sống ở đời. Đấy cũng là những đặc trưng thi pháp khá rõ của Hữu Thỉnh trong mảng thơ “phản ánh” ở phần hai của tập thơ này.
Đến việc đổi mới thi pháp
Đọc kỹ những bài thơ ở phần một, chúng ta sẽ không quá khó để nhận ra một Hữu Thỉnh khác về cách cảm, cách nghĩ cùng với ngôn ngữ và hình thức thể hiện. Phần một là mảng thơ biểu hiện tâm sự cá nhân trước thời cuộc, mà người ta quen gọi là thơ “thế sự”. Đáng lưu ý là mảng đề tài này xuất hiện nhiều hơn ở “Thượng lượng với thời gian”, so với các tập thơ trước của ông. Để diễn tả những cung bậc khác nhau của tâm sự cá nhân, nhà thơ nhận thấy không thể dùng hình thức biểu cảm quen thuộc trước đây nữa, cũng như không thể nương nhờ vào hệ hình thẩm mỹ truyền thống để diễn tả những ý tưởng, quan niệm mới của chủ thể sáng tạo trong lĩnh vực thi ca. Ở đây dường như không còn đất cho cách nói giản dị, đôn hậu và hào sảng, cũng không thể thủ thỉ, nhỏ nhẹ như khi tâm sự với tình nhân được. Sự ý thức về thời gian và thời cuộc là rường cột không cho phép nhà thơ kề cà, mải mê réo rắt như lúc xuân thì, mà cần phải có cách thể hiện riêng.
Sang thế kỷ mới, ấy cũng là lúc người ta cần phải có cách nhìn mới trước cuộc sống và cả trong thi ca với bao đổi thay nhiều khi trái chiều, cùng sự trớ trêu khiến người ta không thể nào hình dung trước được:
“Sang thế kỷ với con tàu quá rộng
Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang
Tay vun cây và bão dập mùa màng
Sông ôm sóng cả bên bồi bên lở
Thương cảm, phản thùng, khoan dung, thớ lợ
Vé trên tay thanh thản bước lên tàu
Kẻ chậm chân có thể là mây nõn
Mải ngu ngơ với chim mới ra rang
Kẻ chậm chân có thể là anh nữa
Trái tim cồng kềnh thơ phú đa mang...”
(Sang thế kỷ)
Đất trời đổi thay, lòng người thay đổi, âu cũng là lẽ thường. Chỉ có điều, người nghệ sĩ thường nhạy cảm hơn trước những cơn ba đào của lịch sử. Sang thế kỷ mới là:
“...Va quệt và xây xát
Nhân tình lầm lũi đi”
(Thấy)
Ngay cả ở chốn thâm nghiêm, ít biến đổi nhất thì trước những biến động của lịch sử, thời cuộc cũng chẳng thể nào ngồi yên mãi được. Ở vào cái thời mà:
“Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng
Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc
Bao nhiêu kỳ quan che không kín những gì lầm lạc
Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người...”
(Ngẫu cảm)
Sự chân thành, trung thực là một phẩm chất không thể thiếu đối với người nghệ sĩ, nên anh ta không thể ngay lập tức vứt bỏ nó đi, nhưng lại cũng không thể nào giữ nguyên cách nghĩ cùng với sự phản ánh nó vào trong tác phẩm thơ trong  khi thời thế đã đổi khác. Cái khó không phải ở sự thay đổi mà là thay đổi như thế nào:
“Tôi như cây biết giấu lá vào đâu
Giữa gió bụi cõi người
Nếu giấu lá thì còn đâu bóng mát
Bóng mát mà che không nổi chính tôi...”
(Bóng mát)
Dẫu biết rằng nhà thơ luôn cố níu lấy những điều tốt đẹp ấy dành cho con người, cho cuộc đời, nhưng cuộc sống luôn biến đổi không ngừng:
... Mặc ai xô dạt mỗi ngày
Múc đau lòng giếng vẫn đầy sao hôm...”
(Những người đi lại phía tôi)
Ở phần một của tập thơ ta thấy ngày càng thưa vắng hơn cách nói giản dị, thủ thỉ, mạch thơ không còn bồng bềnh, dào dạt và hào sảng như những gì vốn là thế mạnh và đã tạo nên một giọng thơ riêng của nhà thơ Hữu Thỉnh hàng chục năm nay. Trong phần này, giọng thơ vần vè, câu thơ nà nuột đã được thay bằng cách nói đầy suy tưởng, trăn trở, chiêm nghiệm, đôi khi chát chúa, nhói đau là những điều ta rất ít thấy ở những tập thơ trước của ông:
“...Tôi cố lách qua cặn lắng của đời mình
Dưới đáy cốc của hy vọng”
(Cặn lắng)
Cách nói gọi thẳng tên và bản chất sự vật, hiện tượng vốn là một cái gì đó còn khá xa lạ với thơ Việt truyền thống, nhưng thơ Việt hiện đại lại không cho phép mãi giam mình trong cái “cũi” chật chội của cách nói truyền thống. Dù muốn hay không nó buộc phải dung nạp thêm những cách nói mới trên nền của những cái truyền thống đã được kiểm chứng qua thời gian và không gian.
Thơ nỗ lực làm mới mình trước hết là ở “góc nhìn của nhận thức mới” rồi mới đến giọng điệu, ngôn từ của thơ, tức là ở khía cạnh thi pháp, trên cơ sở của nội dung đề tài, cái được phản ánh quy định. Qua “Thượng lượng với thời gian” nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho ta thấy sự nỗ lực cá nhân theo cách riêng của mình trong dòng chảy thơ Việt hiện đại. Bài thơ “Thương lượng với thời gian” là sự thể hiện rõ nhất điều này:
Buổi sáng lo kiếm sống
Buổi chiều tìm công danh
Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa
Tỉnh thức
Những hàng cây bật khóc”.
Đổi mới thi pháp thơ là biểu hiện cuối cùng của sự đổi mới về quan điểm thẩm mỹ. Với các nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ, cái anh hùng, cái cao cả thường đồng nghĩa với cái đẹp. Vì thế cả một thế hệ nhà thơ giai đoạn này ra sức ngợi ca cái anh hùng, cái cao cả được nảy sinh từ hào khí của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ của dân tộc ta. Dường như đối với thế hệ các nhà thơ giai đoạn này, cái buồn, cái xấu, những tâm sự cá nhân... “bị đuổi” ra khỏi quan niệm thẩm mỹ của họ, vì thế các nhà thơ rất ít quan tâm và phản ánh nó như là một phần của cái đẹp hoặc chí ít cũng phản ánh nó trên quan điểm, tinh thần của cái đẹp.
Có nhìn nhận như thế mới thấy được sự nỗ lực của một người đã từng xuất bản gần chục tập thơ và trường ca; đã từng nổi tiếng từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đã từng làm thơ hơn bốn mươi năm... mà vẫn còn ý thức được cần phải đổi mới thi pháp với tư cách là hình thức cuối cùng của quan điểm thẩm mỹ và như là một cứu cánh của thơ Việt hiện đại, nhà thơ Hữu Thỉnh quả cũng là một nhà thơ “thức thời” thật. 
Đỗ Ngọc Yên