.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, March 15, 2012

NHỊP CẦU THƠ, VŨ KHÍ THƠ

Tại Đại hội lần thứ 30 diễn ra ở Paris tháng 10 và tháng 11 năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra quyết định coi ngày 21-3 hàng năm là Ngày Thơ quốc tế. Và trong thời gian qua, lễ hội này đã phát triển không ngừng ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại Đại hội lần thứ 30 diễn ra ở Paris tháng 10 và tháng 11 năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra quyết định coi ngày 21-3 hàng năm là Ngày Thơ quốc tế. Và trong thời gian qua, lễ hội này đã phát triển không ngừng ở nhiều nơi trên thế giới.

1. Trong thông điệp nhân Ngày Thơ quốc tế năm ngoái (2011), bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO đã viết: “Thi ca đa diện, luôn luôn tuôn trào từ thẳm sâu muôn tầng văn hóa của các dân tộc”.

UNESCO từ lâu đã hỗ trợ cho công việc của các nhà thơ, các nhà xuất bản và các giảng viên trên khắp thế giới. Trong năm nay nhân dịp Ngày Thơ quốc tế, UNESCO lại muốn nhắc tới ý nghĩa nghệ thuật và sức mạnh của thi ca để thêm một lần hướng sự chú ý tới tầm quan trọng của việc đọc và sáng tác trong khuôn khổ của một trong những hình thức nghệ thuật chân thành và năng động nhất trên thế giới.

Ý tưởng của các nhà thơ sống vượt qua các thế kỷ. Các thi nhân luôn luôn là những chứng nhân quan trọng của các biến đổi chính trị và xã hội sâu sắc nhất trong lịch sử. Sáng tác của họ kêu gọi chúng ta khắc sâu các tư tưởng của một thế giới bền vững trong nhận thức của con người, nhìn nhận lại các quan hệ của con người với thiên nhiên, tạo dựng các cơ sở của chủ nghĩa nhân văn được đồng thời dung dưỡng bởi những độc đáo và đa dạng của các dân tộc. Đó là một nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi từng người trong chúng ta, mọi trường học, mọi thư viện, mọi cơ sở văn hóa cùng tham dự.

Cũng rất quan trọng là việc thấu hiểu những giềng mối sâu sắc nào gắn bó thi ca với tất cả các loại hình nghệ thuật khác mà con người ứng dụng để thấu hiểu thế giới…

Mallarmé từng nói rằng, thi ca là “sự thể hiện bằng ngôn ngữ của con người dẫn tới nhịp điệu căn bản ý nghĩa tồn sinh bí ẩn của mình”. Thi ca không đặt ra mục đích đơn giản chỉ thông báo, truyền dẫn thông tin. Bằng những nỗ lực không ngừng gia công ngôn ngữ, thi ca cố gắng bảo tồn lời nói sống động của con người và luôn luôn làm toát lên vẻ mỹ lệ nguyên sơ của văn hóa. Vì thế nên UNESCO coi việc bảo vệ sự tự do thể hiện quan điểm và tự do thông tin, từ một góc độ, và sự phổ cập thi ca, từ góc độ khác, như hai khía cạnh gắn bó không thể tách rời của quyền đại diện trong lĩnh vực củng cố hòa bình. Và vì thi ca đụng chạm tới những cung đàn sâu kín nhất của hồn người, khích lệ con người sáng tạo và tư duy nên nó có thể giúp đối thoại cho những hình thức tự thể hiện khác nhau nhất của con người…”.

2. Trong tâm tưởng của mỗi nhà thơ, thi ca có những sứ mệnh cụ thể khác nhau. Thi sĩ Ấn Độ Ragruvir Sahay (1929 -1990) đã coi sáng tác của ông như ngôi nhà mà ông xây nên dành cho trần thế:

“Thơ tôi - căn nhà của tôi
nơi mẹ tôi
và vợ con tôi ở
cùng chim sẻ
hơi ấm xuân và mưa.

Tất cả
Nhưng tôi sẽ rời nhà
Sẽ chỉ còn ký ức
về người và vật
ở nhà tôi.

Hãy tới nghỉ ngơi
sau chặng đường dài
hãy chuyện trò với mẹ
hay khóm hồng
nở đỏ
nhà tôi.

Hãy ở nhà tôi bao lâu tuỳ ý...”

Thi ca là sự từ thiện của các thi sĩ dành cho cõi cần lao. Trong quan niệm của nhà thơ Ba Lan Wlodzimierz Slobodnik (1900-1991), quan niệm về thơ cực kỳ giản dị:

“Thơ thuần tuý không hợp gu tôi.
Töi thích thơ
Lăn lộn  trong than, đất,,
trong bột trắng, phân chuồng.
Chính vì thế tôi bổ thơ vào ruộng
như bổ cuốc…”
Cũng trong dòng suy tư ấy, một nhà thơ Ba Lan cực kỳ danh tiếng khác, Tadeusz Rozewicz (sinh năm 1991), đã khắc khoải viết về sứ mệnh của thi nhân trong bài thơ nhan đề Khi gỡ khỏi vai gánh nặng:

“Y tới cùng các anh
Và nói:

các anh chẳng phải bận tâm
chuyện thế giới còn hay mất
tự nay các anh sẽ khỏi phải mang gánh nặng đó trên vai
hãy vô tư đùa nghịch
như trẻ nhỏ như chim

và các anh đã vô tư đùa nghịch

các anh đã quên mất
nền thi ca hiện đại -
đó là cuộc đấu tranh giành quyền tồn tại…”

Nhà thơ Nga thành danh từ thời Xô viết Evgueni Evtushenko còn đau đớn hơn khi viết về sứ mệnh của thi nhân. Quá thấm thía những đoạn trường trong lịch sử tổ quốc mình, ông từng thốt lên trong một cơn bi phẫn: “Thi sĩ ở nước Nga còn hơn là thi sĩ”. Thực ra, chỉ cần một nhà thơ sống đúng lương tâm một nhà thơ cũng là quá đủ, bởi thi nhân, đó là sự tận hiến thường nhật, từng phút từng giờ để bảo tồn nhân tính:

“Đĩa nhỏ mờ dần trong sương
sáp trùm tất cả....
Nến cháy trên bàn
không hoàn lại nữa.

Cái bào đám phu chữ tinh khéo
xoắn tít câu thơ,
nhưng vẻ đẹp vòng xoăn Puskin
không hoàn lại nữa.

Di tích đắng từ bao nhiêu cặp môi
mãi cảm giác như ăn phải bả,
nhưng ngọt ngào miếng dưa hấu tuổi thơ
không hoàn lại nữa.

Kẻ từng phá gia đình,
chẳng thể cùng người sau xây tổ,
tình bạn đã bị đạp dưới gót giày
không hoàn lại nữa.

Theo dây dẫn trong bàn tay lạ
dần lỏng dần ra
nhưng con người ngay cả ở trên mây
cũng không hoàn lại nữa.

Trên mõm, miệng còn dính mật,
Dấu khát máu chưa mờ.
Mặt một khi bị hoá mõm rồi
không hoàn lại nữa.

Chỉ khi sự hổ thẹn vùng lên
chống lại thói trơ trẽn
ta mới tránh được án cuối cùng phán xử -
trống rỗng triền miên.

Chỉ khi gương mặt phục hồi
chống lại thói không bản sắc
cuộc sống mới được bồi hoàn
nguyên chất.

Thói trơ trẽn có thể ăn lũ trẻ -
chẳng cách gì  ngăn.
Sự hổ thẹn không đáng hãi. Hổ thẹn không phải chết.
Mọi sự sẽ hoàn …”

Các nhà thơ luôn ý thức rõ ràng về sứ mệnh của mình và vai trò của mình trong xã hội. Nhưng thi sĩ đích thực là người khi “thi hành công vụ” lại không hề đếm xỉa đến những danh vọng phù hoa, vì họ biết, như nhà thơ Tây Ban Nha Manuel Machado (1874-1947) đã viết:

“Khi chưa được chính nhân dân hát
bài ca nào có thực hóa bài ca,
nhưng lúc nó đã tới cùng tất cả,
chẳng ai hay tên tác giả là gì.

Vinh quang của những người sáng tạo
chính là như vậy, bạn tôi ơi!
Tác phẩm được sống cùng nhân thế,
còn tuổi tên - bị lãng quên rồi.

Hãy viết sao để bài ca của bạn
thấm được vào tâm trí nhân dân,
để nó thôi là của riêng tác giả -
thành của chung vạn triệu tâm hồn.

Để tim bạn được chung, hòa, giao, lẫn
cùng con tim hết thảy dân mình.
Tên tuổi riêng chẳng có gì quan trọng,
chỉ cần bài ca mãi mãi được lưu truyền!”

Trách nhiệm của thi ca là gì? Hiển nhiên không thể chỉ là “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu). Một khi còn bất công, còn đau khổ thì nhà thơ đích thực không thể quên sứ mệnh đích thực của mình: làm vũ khí của cần lao. Hiểu rõ điều đó, nên nhà thơ Jamaica, Oku Onuora, đã tuyên bố:

“Họ trách tôi: “Sao cậu viết
chỉ toàn về mồ hôi, máu, khổ đau?
Nào, hãy viết về cây và hoa nở,
về đàn chim, về cả tình yêu!”.

Không,
tôi vẫn viết về  cây đấy chứ,
nhưng đó là những thân cây lá trụi hết rồi
và gốc rễ đã bật tung khỏi đất,

tôi vẫn viết về hoa -
nhưng đó là hoa trên mộ người chiến sĩ,

tôi vẫn viết về chim -
nhưng đó là đàn chim đã được sổ lồng,

tôi vẫn viết về tình yêu -
nhưng đó là tình yêu tự do độc lập,
tình yêu thắng mọi gông xiềng...”.

LINH VÂN

* Những bài thơ trên đều do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha hoặc bản dịch tiếng Nga.

1 comment:

  1. Rất cảm ơn về bài viết của bạn, bài viết rất hay và ý nghĩa.
    Nếu có các nhu cầu về thiết kế, thi công các sản phẩm nội thất như: bàn ghế sofa, giường tủ, thi công trọn gói có thể liên hệ bên Mozza mình nhé. Click vào đây để xem chi tiết nhé các bạn:
    bàn trà đẹp
    mẫu giường ngủ đẹp hiện đại
    tủ quần áo đẹp
    thiết kế nội thất chung cư
    xưởng sản xuất nội thất
    hãy liên hệ cho mình nhé. Cảm ơn !
    _______________________________________________
    SIÊU THỊ GHẾ SOFA MOZZA
    Địa chỉ: 38 - Tương Mai - Hai Bà Trưng - Hà Nội
    Điện thoại: 093 628 3333 - 04 6674 9999

    ReplyDelete