.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, March 16, 2012

NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC: “TRƯỜNG CA CẦN MỘT CÁCH NGHĨ TƯƠNG XỨNG”


Vừa rồi tác giả Đỗ Quyên đã làm một công việc rất kỳ công, giành nhiều năm tháng để tìm tòi và đúc kết ra một danh sách “sơ khảo” có đến 400 tác giả trường ca người Việt được phát hiện và thống kê. Đây là một công việc rất đáng khâm phục không chỉ vì sự vất vả kỳ khu của nó, mà còn ở một tâm hồn biết vượt qua mặc cảm vị kỷ nghệ sĩ “văn nhân tương khinh”, chú mục và tôn vinh tác phẩm cũng như tên tuổi của người khác. Quả là ít người làm được!

Nhưng chúng ta có đến 400 tác giả trường ca ư? Như vậy chúng ta quả là một cường quốc về thơ, hơn thế là một cường quốc về đại công nghiệp thơ, với hàng loạt những “nhà công nghiệp” lớn đã dấn mình vào thể loại đồ sộ nhất của thơ? Việc này là không nhỏ! Không thể đùa được! Vậy chúng ta buộc phải nhìn bằng một nhãn quan kinh điển nhất. Triết gia Hegel cho rằng: sử thi vĩ đại vì ở đó nó chất chứa đôi cánh siêu hình của thực tại lịch sử, vì thế một dân tộc không lớn nếu không có sử thi, vì dân tộc đó chưa  có được nhãn quan thi ca hóa hiện tại cho dữ kiện sử. Trung Quốc không phải là nước vĩ đại về tâm hồn vì không có sử thi, bởi vì cách sống của dân tộc Trung Hoa thiên về thực dụng mà thấp tính  lãng mạn. Đây không là nhận xét xuông mà đã được thực chứng theo nhiều thống kê mới nhất, rằng phụ nữ Trung Hoa, đặc biệt khi đã ra nước ngoài rất ít ham muốn đàn ông Trung Hoa vì cho rằng họ chỉ quen thói gia trưởng, năm thê bảy thiếp, nặng tình dục, ít tình yêu, và rất thiếu bình đẳng cũng như lãng mạn với phái đẹp. Không chỉ có số liệu ngoài đời, cơ quan văn hóa Trung Quốc trong mấy chục năm qua, căn cứ vào nhận xét của Hegel đã bỏ công sục sạo tìm kiếm khắp nơi xem Trung Quốc có sử thi không, nhưng vẫn tìm không ra (sự việc này đã được một chương trình truyền hình trên VTV phát mấy năm trước).

Vậy sử thi là gi? Đó là Illiad và Odyssey của Hy Lạp, hay Chí Tôn Ca của Ấn Độ v.v… ở đó nó buộc phải có nhân vật. Nhân vật để làm gì? Để mã hóa tư tưởng, hành động và sinh hoạt của tác phẩm, đó cũng chính là những cánh cửa để bày tỏ của tác giả.

Việc nhận ra chúng ta có là cường quốc thi ca không? Là một phản tỉnh vô cùng quan trọng. Trong buổi đọc thơ thần học ngày 01/03/2012 tại nhà họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải có đặt câu hỏi và trả lời rất róng riết rằng: “Nước chúng ta nhiều người làm thơ nhưng lại có quá ít người nghe thơ, như vậy chúng ta có phải cường quốc thơ không? Nếu là cường quốc thơ thì phải là ngược lại, có rất ít người làm thơ nhưng lại có rất nhiều người nghe thơ. Vậy nhiều người làm thơ của chúng ta là cái gì? Đó không phải là những người yêu thơ, mà là những người háo danh”. (Theo tôi thì nên thêm một câu: háo danh nhanh nhất, dễ nhất, và nhàn nhất).

Việt Nam theo thống kê: số lãnh đạo cao cấp có bằng tiến sĩ, thạc sĩ cao gấp ba lần Nhật Bản, nhưng trình độ thật thế nào chúng ta đều biết, thậm chí khi còn sống học giả Hoàng Ngọc Hiến đã nói: dẫn một con bò qua biên giới Nga quay về nó là tiến sĩ. Chúng ta hãy nhìn Hy Lạp, rồi cường quốc văn học Nga, họ đâu có cần tìm ra 400 tác giả trường ca như ta mà vẫn là cường quốc văn học, còn ta thì lẹt đẹt lắm, mang cơm nắm sang Nga học văn hạng ba của họ còn chưa hiểu. Nếu không nhìn kỹ, phản tỉnh kỹ thì phong trào trường ca sẽ giống bệnh thành tích tại các trường phổ thông, 100% học sinh đỗ mà vẫn có cả giáo viên lẫn học sinh vào nhầm lớp, dạy gì học gì đều không biết. Còn trình độ tiến sĩ ư? Có một vụ án phát hiện, một sinh viên hạng xoàng vừa mới ra trường, trong có vài tháng cậu ta làm thuê ngót một trăm luận án bằng cách thuê người vào các thư viện trích chép.
Trường ca là gì? Trên thế giới ngày nay người ta rất trân trọng từ “Kinh điển” (classic) – đồng nghĩa với những gì nguyên ủy nhất. Và ông tổ lý thuyết thi ca Aristote đã vạch ra: Tiêu chí đầu tiên của thi ca là Cốt Truyện (story). Người Việt có câu “có tích mới dịch nên trò”. Không có chuyện bên trong cách gì có thể dựng thành kịch cũng như diền trò?

Nghê thuật sẽ chẳng là gì nếu không có tư tưởng. Đừng nên cãi bỏ điều này, vì xí xóa điều này, tác phẩm của ta mãi mãi là mua vui, trang trí, và sinh hoạt. Hai hòn đá nằm im sẽ chẳng gây ra gì cả và chúng vô cùng vớ vẩn, nhưng khi chúng đánh vào nhau sẽ tóe lửa, đốt cả khu rừng cũng như lây lan toàn thế giới. Bóng đá là môn thể thao vua có hàng vạn người đến xem, có hàng tỉ người theo dõi trên truyền hình vì chúng là môn thể thao đối kháng. Một người múa kiếm thì không thể là đấu kiếm, nhưng có hai người đối chọi thì cuộc đấu xảy ra. Và sẽ có bi hùng kịch cho người chiến thắng và thảm kịch cho người thất bại. Một người chơi cờ thì không phải đấu cờ mà anh ta muốn cho bên nào thắng cũng được và anh ta làm nên cái gọi là chơi cờ một mình. Đó cũng là môn thể dục thủ dâm, chứ không thể thành thể thao được. Một trường ca không có nhân vật thì cũng chỉ là thể dục thôi. Ở đó không thể va chạm, đối kháng, một mất một còn để nảy sinh vinh quang và thất trận, cũng không thể có tư tưởng được.

Có rất nhiẻu người biện hộ rằng, dù không có nhân vật nhưng tác giả là nhân vật. Đấy là cách nói ù xọe chẳng có học thuật gì cả, tác giả là người viết, nhân vật là người vô hình trong tác phẩm, ta không thể nói bừa , tác giả là nhân vật được. Qua cuộc thi trường ca ở báo Văn Nghệ Quân Đội như được đưa tin, có rất nhiều tác giả câu giờ, bò lê, kéo giãn đội hình chữ nghĩa mong bôi dài thành trường ca. Nhược thiểu, khí đoản là căn bệnh phổ biến của văn hóa lúa nước. Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta chứng kiến, cốt chuyện là cái sở đoản truyền kiếp của người Việt, hầu hết các tiền bối Việt như tác giả của Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụng Ngâm. Phạm Tải Ngọc Hoa, Lưu Bình – Dương Lễ… đều phải gia công mượn tích của Tầu mà không một lần bỏ công sáng tạo ra tích truyện cho mình. Vì thế đây là cố tật cố hữu, cũng là “cố thành công” không khác được của người Việt. Tại sao tác phẩm không có nhân vật? Có phải vì tác giả không có tư tưởng nên không tạo ra nhân vật để chở mang hành động rồi vỡ thành tư tưởng? Vì sao tác phẩm Việt Nam còn bé và vừa? Vì không chịu hạ sinh tác phẩm có tư tưởng! Vì trước đó không chịu hạ sinh tác phẩm có nhân vật và cốt truyện! Thôi nói về vấn đề này dài lắm, học thuật nghe khô lắm, có thể không phù hợp với những người sáng tạo mấy vần vèo bằng cảm xúc bản năng. Nhưng xin đề nghị với tác giả Đỗ Quyên rằng, anh nên phân loại giúp cho, hãy mạnh dạnh phân loại: Trường ca nào có nhân vật và cốt truyện. Tất nhiên đây sẽ là trường ca kinh điển hạng một. Còn sau đó anh có thể xếp cái gọi là “trường ca không nhân vật” (thơ dài không hề đấu đối kháng hay chơi cờ một mình).

Cám ơn anh, cũng nên làm thế, kẻo vòng loại đông quá làm sao thi đấu chung kết được? Còn ai muốn “văn vô đệ nhất” thì là việc họp mặt trận của họ. Hãy mời họ vào sinh hoạt câu lạc bộ để nhìn viễn cảnh thi ca Việt Nam mãi mãi bé và vừa. Nghệ thuật cao cấp thì phải hy sinh! Tuyển lựa cao cấp cũng phải hy sinh! Đừng tiếc số đông khi cần tìm một đỉnh non đích thực. Cám ơn nhiều!
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC


No comments:

Post a Comment